18 mars 2017

Vì sao lộ video tướng công an nói về Việt-Trung-Mỹ?




Ảnh chụp màn hình đoạn video bị rò rỉ trung tuần tháng 3/2017


Trong tuần qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một video dường như bị rò rỉ có nội dung một viên tướng công an Việt Nam nói chuyện về những vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.



Đoạn video dài hơn 30 phút cho thấy một người đàn ông khoảng 55 tuổi mặc cảnh phục với quân hàm thiếu tướng đứng phát biểu trước cử tọa khoảng 30 người trong một hội trường khá rộng.

Sân khấu của hội trường được trang trí với khẩu hiệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, cờ đảng bên cạnh quốc kỳ Việt Nam, tượng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm panô có dòng chữ “Lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn năm 2016”.

Ở Việt Nam, khái niệm “cán bộ nguồn” nghĩa là những người có triển vọng trở thành lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền.

Bảng chữ trên video nói diễn giả là Giáo sư Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, đồng thời là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

VOA không thể liên lạc với ông Long để hỏi về tính xác thực của video này. Bộ Công an Việt Nam cũng chưa ra thông báo khẳng định hay phủ nhận.

Các phần mềm so sánh khuôn mặt cho thấy hình ảnh người đàn ông trong video và các bức ảnh của ông Long trên báo chí chính thống Việt Nam là của cùng một người.

Các kỹ thuật viên nghe nhìn có nhiều năm kinh nghiệm nhận xét rằng video có độ ổn định cao, không rung giật, ghi hình từ các góc khác nhau, được ráp nối cẩn thận, chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt. Điều này cho thấy nó đã được ghi lại một cách chuyên nghiệp, không phải là sản phẩm của “quay trộm”.

Căn cứ vào một vài câu nói trong video nhắc đến cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, giới quan sát xác định video được ghi ngày 26 hoặc 27/10/2016.

Trên mạng xã hội, dư luận nhận xét rằng một số phát biểu của diễn giả được cho là Thiếu tướng Long là những tiết lộ “động trời”.

Ngày từ đầu bài phát biểu, diễn giả nhấn mạnh trước cử tọa rằng “Trung Quốc … không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông … Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào”.

Ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc tìm mọi cách làm suy yếu Việt Nam từ bên trong với việc “cài cắm, móc ngoặc, lôi kéo” hàng trăm người là “các phần tử cơ hội chính trị”. Nhưng ông nói thêm rằng nhà chức trách “đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến” của các phần tử này mà ông cho là “có mưu toan, móc ngoặc, cấu kết bên ngoài, để lật đổ chống phá” chế độ của Việt Nam.

Một mối nguy khác đến từ Trung Quốc, theo diễn giả, là việc nước này đã xây dựng quan hệ hết sức thân thiết với Campuchia. Ông nói: “Hiện nay họ [Trung Quốc] khống chế chúng mình rất là kinh khủng, họ vào sâu rất sâu hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia [Campuchia] thì trở mặt hoàn toàn rồi”.

Trước thực trạng như vậy, diễn giả cho rằng Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn là “Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa, chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống với họ”.

Ông nói điều Việt Nam có thể làm là “cố phấn đấu sao để họ [Trung Quốc] đừng xấu hơn” nhưng ông không chỉ ra cụ thể cần phải làm những gì. Bình luận thêm về quan hệ láng giềng Việt Nam-Trung Quốc, diễn giả nói: “Nó bất hạnh cho chúng ta là sống bên cạnh một ông anh mức độ lòng tốt nó thấp”.

Từ Mỹ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine, người theo dõi Việt Nam nhiều năm, cho rằng những gì vị diễn giả nói trong video không phải là mới.

Nhưng theo giáo sư, điều đáng quan tâm là việc video bị rò rỉ có thể cho thấy có sự đấu đá phe cánh trong giới cầm quyền:

“Ông tướng này ông nói sự thực nhiều người đã biết rồi thôi. Nhưng mà tại sao ông nói ngay bây giờ? Tôi nghĩ là hiện nay chắc là trong nước có các cánh khác nhau mà có cánh nghĩ rằng đất nước đã nguy rồi, phải nói ra để làm sao dân chúng họ thấy. Đến khi mà phải tranh đấu với nhau trong nội bộ thì dân chúng họ hiểu là có lý do gì để tranh đấu. Cũng như là có một phe nói tranh đấu là để khỏi bị Trung Quốc kiềm tỏa. Bất cứ bộ nào ở Việt Nam cũng có những phần tử Trung Quốc đã mua chuộc ở trong đó hết. Chúng ta phải thấy rằng đây là một bộ phận của Bộ Công an đưa tin ra tôi nghĩ là trong một tình huống mà đảng bây giờ đang phải tranh đấu với nhau để làm sao mà bảo vệ an ninh cho đất nước”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói những phát biểu của người được cho là một viên tướng công an chuyên về công tác tuyên huấn củng cố thêm một điều là giới lãnh đạo Việt Nam hiểu và cảnh giác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị giáo sư ở Mỹ cho rằng Việt Nam đang chịu những sức ép “kinh khủng” từ nước láng giềng phương bắc. Ông phân tích:

“Không những về chính trị mà về quân sự. Quân sự thì không phải chỉ ở Biển Đông thôi mà ở ngay trên đất nước mình. Nó đưa bao nhiêu người vào ngay đất nước. Vấn đề rất là khó khăn là sức ép kinh tế. Chúng ta biết là trong 2, 3 năm qua, mỗi một năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 32 đến 35 tỷ đôla. Nhập siêu như vậy tức là Việt Nam nợ Trung Quốc chứ gì? Mà Việt Nam nợ Trung Quốc như vậy thì cái nợ này tất nhiên là có một số cán bộ, một số lãnh đạo họ thừa hưởng được cái đó. Mà họ thừa hưởng cái đó là họ làm giàu. Mà họ giàu có thì họ bị mua chuộc chứ gì?”

Trong phần sau của đoạn video, diễn giả được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long nói mặc dù Trung Quốc chứa đựng nhiều nguy cơ cho Việt Nam nhưng Việt Nam không thể chọn cách ngả hoàn toàn sang Mỹ.

Ông nói làm như vậy không khác gì đi từ “hang hùm sang hang cọp” và nhấn mạnh với cử tọa: “Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào đó … cũng đều thất bại hết”.

Diễn giả dẫn lại lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định rằng khi nào đảng cầm quyền của Việt Nam “thật sự độc lập về đường lối” thì bấy giờ “đất nước mới chuyển biến tích cực”.

Theo ông, ở thời điểm tháng 10/2016 khi bài phát biểu được ghi hình, Trung Quốc “vô cùng” lo ngại Việt Nam ngả hẳn về Mỹ, trong khi ông đánh giá rằng Mỹ lại “vô cùng cần” Việt Nam.

Điểm lại lịch sử 21 cuộc chiến tranh chống Trung Quốc và 1 cuộc chiến tranh chống Mỹ, diễn giả nhận định rằng cho đến cuối năm 2016 Mỹ đã tìm cách “lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc”.

Ông đưa ra ý kiến rằng Mỹ “biết rất rõ là chỉ có Việt Nam mới chống lại được Trung Quốc thôi”.

Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng những phát biểu của người được cho là Thiếu tướng Trương Giang Long cho thấy có sự đánh giá thiếu tính dài hạn về việc Mỹ nhìn nhận tầm quan trọng của Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine đồng tình với bình luận đó:

“Phải nói là cán bộ của Việt Nam ít người sang học Mỹ lắm, chẳng biết Mỹ là gì. Họ chỉ biết Mỹ qua báo chí thôi. Thành ra thường thường họ đánh giá rất là sai. Họ nghĩ rằng là Mỹ cần Việt Nam lắm thì cái đó cũng là sai, nó tùy lúc nào thôi. Dưới thời ông Obama, đúng là Mỹ cần Việt Nam là bởi vì trong cái chính sách của Mỹ, Mỹ muốn đa dạng hóa, đa phương hóa, muốn kéo nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một tổ chức đa phương. Vai trò của Việt Nam đối với chiến lược của Mỹ lúc đó là quan trọng. Nhưng mà Mỹ có thay đổi. Bây giờ, ví dụ như là ông Trump không nghĩ đa phương hóa là vấn đề quan trọng, mà vấn đề chỉ làm những gì mà giúp cho nước Mỹ mạnh, thì chúng ta phải nên nghĩ lại là Việt Nam hiện nay nằm ở đâu trong chiến lược của ông Trump, nếu không nói là trong chiến lược của Mỹ”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cảnh báo khi có đa số giới chức Việt Nam có hiểu biết không chính xác về Mỹ sẽ dẫn đến những tính toán và quyết định sai lầm về mặt chính sách chung của Việt Nam. Ông nói việc “không đánh giá đúng” đã và sẽ làm đất nước “mất các cơ hội”, cũng như lâm vào “nhưng khó khăn kinh khủng mà bây giờ vẫn chưa giải quyết được”.

Ông nêu ra các ví dụ cho điều này là việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa với Mỹ vào năm 1978 hay chậm trễ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu những năm 2000.

*********


Nguồn: Theo VOA


Ghi lại bài nói chuyện của Thiếu tướng công an Trương Giang Long



Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ,...

Trung Quốc, tôi xin thưa với các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông. Không bao giờ từ bỏ giã tâm này. Mà cái này nó không phải chỉ là cái thời ông Tập Cận Bình này đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi! Câu chuyện là bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào. Thưa các đồng chí, chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ cái việc mà họ tìm mọi cách làm suy yếu từ bên trong. Chúng ta không loại trừ. Chúng ta phải nói rõ với nhau thế. Cho nên tôi xin nói với các đồng chí là, bọn xấu nó cài cắm, nó moắc ngoặc nó lôi kéo hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ tôi thông báo với các đồng chí là nó đã có đến con số hằng trăm. Mà hàng trăm không phải chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa chứ không phải chỉ trăm. Báo cáo với các đồng chí thế! Mà nếu chúng ta không phát hiện, không nghiêm trị thì...

Xin thưa với các đồng chí là đầu năm, trong hội nghị tổng kết về cái bảo vệ an ninh quốc gia, thì cán bộ chủ chốt chúng tôi được nghe đồng chí lãnh đạo cấp cao của ngành thông báo là chúng ta đang theo dõi, đang nắm rất chắc, rất chặt những cái diễn biến của các phần tử cơ hội chính trị mà có cái mưu toan móc ngoặc cấu kết với bên ngoài, do bên ngoài moắc ngoặc cấu kết để mà lật đổ, chống phá chế độ chúng ta. Những cái bộ phận ấy nó là ngòi nổ cho các cuộc bạo loạn, cho các cái điểm nóng chính trị. Mà chúng ta đó, thưa với các đồng chí, không thể xem thường và coi nhẹ!
Thiếu tướng Trương Giang Long, GĐ Học viện Chính trị CAND

Có người, sau khi những vấn đề với Trung Quốc nảy sinh, thì báo cáo với các đồng chí là, tôi xin nói lại là Trung Quốc xấu như vậy hay xấu nữa thì chúng ta cũng vẫn phải tìm cách chung sống thôi. Chỉ cố gắng phấn đấu làm sao để họ đừng xấu hơn. Nhá! Chứ bây giờ các đồng chí bảo là đổi Việt Nam đi chỗ khác hay đổi Trung Quốc đi chỗ khác là không bao giờ có rồi, vĩnh viễn mãi mãi là như thế này. Nó bất hạnh cho dân tộc chúng ta là sống bên cạnh một cái ông anh mà mức độ lòng tốt nó thấp, cái gen tốt nó thấp, cái gen không tốt nó vượt trội. Báo cáo các đồng chí là hiện nay họ đang khống chế chúng mình rất là kinh khủng; họ vào sâu, rất sâu hai ông hàng xóm của chúng ta rồi. Ông kia thì trở mặt hoàn toàn rồi. Đây là tôi nói ở trong nhà, nhá! Ông kia là xương máu chúng ta đổ chất đầy, miệng nói xoen xoét là: đời tôi, con tôi, cháu tôi, gia đình dòng tộc nhà tôi, tổ quốc tôi, đất nước tôi đời đời mãi mãi trân trọng ghi nhớ biết ơn; không có Việt Nam không có tôi, không có Việt Nam không có đất nước chúng tôi! Nhưng mà mồm nó nói thế, bên trong nó vẫn móc với thằng khác nó chơi mình. Cá nhân nó chơi mình thôi thì thưa các đồng chí là, chúng ta không dung thứ nhưng cũng còn có thể phải nghiến răng chấp nhận, nhưng mà bây giờ nó kéo cả quốc hội vào chống lại mình, kéo cả nhà nước chính phủ vào chống lại cái lợi ích cốt lõi nhất của chúng ta ở trên Biển Đông. Thì thưa các đồng chí, là vì thằng khác nó khống chế, chứ còn cá nhân một mình ông ta thì cho tiền không dám. Cũng như là cái cuộc chiến Biên giới Tây Nam, thưa các đồng chí, nhé, chấp 5 đời Pol Pot nó không dám phát động chiến tranh chống lại chúng mình. Nhưng mà ai, câu chuyện là ai đứng đằng sau, ai hà hơi, ai tiếp sức, ai cổ vũ, ai động viên, ai định hướng, ai xúi giục? Câu chuyện nó như vậy. Và một cái người anh em ruột của chúng ta... Lâu nay thì thưa các đồng chí là, chúng ta vẫn nói là "anh em", bây giờ nó giở chứng nó hỏi lại là thế thì "anh em thì ai là anh, ai là em?". Việt Nam mình thì cứ thằng nào đẻ trước, thấy mặt trời trước, đúng không, anh là mày, dưới là chú, chú em - đấy nó rõ như thế, nó minh bạch như thế. Thế lâu nay mình nước lớn hơn họ, thì không có nghĩa là mình nói là "tao anh, mày em", bây giờ nó hỏi ngược lại, có khi trong đầu mình nghĩ tình cảm “tao anh, mày em”. Bây giờ nó hỏi ngược lại thế thì ông nào là anh, ông nào là em?

Tôi nói với các đồng chí, đây là tôi nói mở ngoặc riêng với các đồng chí, tôi nói rất thật, là bây giờ mừng vô cùng các đồng chí ạ! Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là: mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc. Bây giờ các bố - đây là nói trong nhà - mới té ngửa ra như thế là chết cha chúng mình mấy đời rồi. Mà cái này thì không trách ai được, là bởi vì các đồng chí là, trên thế giới này, tôi không biết nhiều nhưng tôi dám khẳng định với các đồng chí: dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc mà chơi với bạn tốt đến mức là còn cái quần xà lỏn cũng chơi. Không ai chơi với bạn tốt như chúng mình, thậm chí tốt đến cái mức là sẵn sàng biếu không, tặng không bạn một bà vợ của mình. Đấy, chơi tốt đến thế là cùng chứ còn gì tốt hơn!? Tất nhiên là lão ấy hồi ấy ông có hai, ba vợ thì mới tặng một bà; chứ chúng tôi bây giờ có mỗi một bà mà tặng thì chết! Chơi với bạn tốt đến như thế, thưa các đồng chí, cái câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ mà ông chẳng mang hẳn bà vợ ông ấy tặng bạn à?! Tặng không ông bạn một bà vợ, mà còn cho cả tiền đem theo nữa cơ mà. Thì Việt Nam chúng ta là, cái tốt với bạn cũng xuất phát từ lịch sử truyền thống. Tôi xin lỗi các đồng chí là, cái gì chúng mình cũng có cái truyền thống lịch sử cả, mà chúng mình dựa vào tổ tiên ông bà chúng mình làm nên đất nước giang sơn bây giờ. Thì cái điểm mạnh mà mình khai thác thì đã đành rồi, nhưng mà cũng có những điểm mình không mạnh, mình vẫn từ đấy.

Cho nên là bây giờ, tôi nói xa hơn như thế về Trung Quốc, tức là họ gây sức ép rất ghê gớm. Mà bây giờ nó cũng chơi cái luật kinh tế thị trường, "mạnh về gạo, bạo về tiền" thôi, tất cả đều thắng. Nó nhá một phát thì ông Philippines là gần như quay 180 độ với cái cũ rồi. Câu chuyện là tiền! Cho nên các đồng chí phải nhớ là, nếu chúng ta để cho đất nước ở trong một cái nấc cứ lùng bùng thế này, mãi mãi trong đói nghèo, thì các cụ nhà mình dạy rất rõ "nghèo là hèn" thôi. Tôi nói là cơ thể lúc nãy, tôi muốn lưu ý các đồng chí đấy, nếu bây giờ mà thu nhập đầu người của chúng ta mà độ khoảng chừng 20 000, 30 000 USD, nhá, "đồ chơi" trong nhà chúng mình có, nhấn một phát chúng nó biết mình là ai thì thưa các đồng chí là, ba cái vụ điểm nóng này không có nhằm nhè gì mà phải quan tâm lo ngại nhiều. Câu chuyện nó là như vậy. Câu chuyện là nếu chúng mình mà, thôi thì, đây là nói ngoài lề để các đồng chí nghe, nếu bây giờ chúng mình có công nghệ cao nhấn một phát là chúng mày biết lễ độ là gì...

Hôm qua trên đường đến đây tôi đọc cái thông tin về Nga. Báo cáo các đồng chí là Nga bây giờ sản xuất một loại tên lửa mang đầu đạn hủy diệt lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Tốc độ bay 24 500 km/h. Chưa một cái loại tên lửa nào mà có tốc độ bay nhanh như vậy. Và ưu điểm của nó là gì? Một là, tốc độ rất nhanh; hai là, các phương tiện công nghệ kỹ thuật của đối hương không có khả năng phát hiện được; và ba là, mức độ hủy diệt, báo với các đồng chí là, gấp mấy ngàn, mấy chục ngàn lần cái quả bom nguyên tử. Ví dụ như người ta viết trên báo là, nếu bắn một phát thì toàn bộ NewYork là bị hủy diệt 3/4. Nếu bắn 1 quả là 3/4 bị hủy diệt. Vì sao mà Nga phải tiết lộ thông tin cơ mật này? Là bởi vì Mỹ đang ép Nga rất là quyết liệt, xung quanh cái vụ Ukraine và cái vụ Syria. Cho nên Nga phải móc đồ chơi ra, công khai hóa cho mày biết. Mày ngon thì mày cứ đụng đi! Chứ nếu mà, nói trộm vía mà các cụ nhà mình ngày xưa mà kha khá một chút mà chuẩn bị cho chúng mình có được một cái góc như thế thì bây giờ con cháu, mày nóng thế này chứ nóng nữa tao cũng dội nước cho mày nguội tươi. Thế nhưng câu chuyện là chúng ta không có cái đó.

Cho nên là, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, báo cáo với các đồng chí là, là bảo vệ tổ quốc, là "độc lập", bây giờ hiểu thuật ngữ “độc lập” là gì, độc lập là độc lập thế nào? Cho nên là về sau này, càng lớn lên càng đọc càng nghiên cứu tôi mới thấm vô cùng cái câu nói của bác Võ Văn Kiệt, bác nói rằng là: khi nào mà Đảng ta thật sự độc lập được về đường lối thì bấy giờ đất nước có những chuyển biến tích cực. Cho nên thân phận của một nước yếu...

Thế thì có người nói là bây giờ, trong tình hình như vậy thì thôi, theo cha nó Mỹ đi, để giải quyết vấn đề Biển Đông. Tôi xin lỗi các đồng chí là, thay bằng vào cái hang hùm thì sang hang cọp. Xui nhau thế! Câu chuyện là chúng ta phải độc lập, và hiểu cái thuật ngữ "độc lập" thế nào trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta nghiêng về bất cứ chỗ nào, thưa các đồng chí, cũng đều thất bại hết. Thế thì bây giờ đó, tôi nói cái ý thứ hai là họ gây sức ép với chúng ta. Nếu mà chúng ta ngoan ngoãn, mà đi theo sự chỉ bảo của họ, thì chúng ta có cơ may là ổn định, bình yên. Còn nếu mà chúng ta không đi theo quỹ đạo của họ thì lập tức là bắt đầu nổi lên những điểm nóng. Tôi lấy ví dụ như vấn đề tôn giáo, vấn đề dân tộc, vấn đề dân chủ, nhân quyền,... Mỹ luôn luôn sử dụng như là công cụ phương tiện để mà gây sức ép. Ở các nước khác thì nó đánh bằng vũ lực, bây giờ nó đánh ta không được rồi thì nó dùng những công cụ này để nó gây sức ép với chúng ta. Tôi kể câu chuyện như thế này để các đồng chí thấy là mưu đồ của họ thế nào:

Ông đại sứ quán mới của Mỹ, trước khi sang nhậm chức thì có đến thăm xã giao Bộ Công an của chúng tôi, mà cụ thể là thăm đồng chí Tô Lâm - lúc bấy giờ anh là Thứ trưởng phụ trách an ninh của đất nước ta. Khi đến nói chuyện với anh thì anh khuyên ông ấy là "ngài sang làm đại sứ lần này thì đừng đi theo vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!". Các ông đại sứ quán trước đó sang Việt Nam làm gì hả các đồng chí? Nó chủ tâm là đi móc ráp các phần tử bất mãn, các phần tử cơ hội chính trị có quan điểm khác lạ chống đối chúng ta. Để làm gì đấy? Nó xâu chuỗi cái lũ này lại thành một lực lượng, gây sức ép chúng mình. Nó đi đến các cái vùng đồng bào dân tộc, nó cho người đến, thông qua các cái tổ chức từ thiện mà chúng ta gọi là NGO đấy các đồng chí, để nó đến nó thâm nhập nó móc ráp, nó xây dựng, nó nhen nhóm cơ sở. Cũng là những cái phần tử bất mãn chống đối và một bộ phận người dân không nhận thức được, không thấy rõ được cái tâm địa độc ác nham hiểm. Cho tiền, tạo điều kiện hỗ trợ, kể cả cái việc tung hô về mặt chính trị xã hội để mà thu phục lôi kéo họ. Rồi gặp gỡ các cái tín đồ, các loại tôn giáo khác nhau để mà kích hoạt, để mà tập hợp quy tụ lực lượng. Thế nếu mà chúng ta mà mạnh, quan hệ chúng ta với họ mà tốt, thì lực lượng này nó đứng im, nó ngồi tại chỗ. Còn quan hệ chúng ta với họ mà có vấn đề gì đấy trục trặc, mục tiêu đặt ra, ý đồ mà họ không đạt được, nhất định họ dùng lực lượng này làm cái ngòi nổ xung kích gây ra cái điểm nóng chống lại chúng ta. Cho nên vì vậy mà đồng chí Tô Lâm cảnh báo cái ông đại sứ này là "ngài không được phép đi theo cái vết xe đổ mà những người tiền nhiệm của ngài đã từng đi!".

Các đồng chí biết lão ta ứng xử thế nào không? Ông ta cười rất tươi: "Cám ơn đồng chí Tô Lâm!", và ông ta nói với đồng chí Tô Lâm là: "Vâng thưa ngài! Tôi nhất định lần này sẽ không đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm của tôi đã từng đi. Bởi vì con đường mà chúng tôi đã từng đi chỉ dẫn nước Mỹ tới thất bại thôi” - khẳng định như vậy cơ mà các đồng chí! - “Cho nên sứ mệnh của tôi, nhiệm vụ của tôi, trọng trách của tôi lần này sang Việt Nam là phải tìm mọi cách để mà hàn gắn, để mà nâng cấp cái mối quan hệ Việt Nam và Mỹ. Định hướng sang một cái trang mới, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm chú ý đến cái việc tạo điều kiện cho tuổi trẻ hai nước Việt Nam và Mỹ gắn kết với nhau, quan hệ với nhau; cho phép mở rộng để có rất nhiều thanh niên Việt Nam sang Mỹ du học tại các trường đại học của Mỹ. Và mong muốn chân thành của chúng tôi là: những cái gì mà mấy chục năm nay nước Mỹ không làm được ở trên đất nước này, thì con cháu của các ngài, thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai, nó sẽ giúp nước Mỹ thực hiện được giấc mơ của người Mỹ.”

Thưa các đồng chí, một cuộc tuyên chiến rất sòng phẳng rõ ràng: cái gì thế hệ những người Mỹ bây giờ không làm được thì thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai, nó kỳ vọng là con cháu chúng ta sẽ làm được điều đó. Và tôi xin thưa với các đồng chí là họ chuẩn bị hết rồi, họ đang chuẩn bị từ bây giờ; họ chuẩn bị rất công phu, rất bài bản, mà nếu chúng ta không biết trước để ứng phó thì... Câu chuyện, thưa các đồng chí, bây giờ về mặt chiến lược, Mỹ mong muốn đến vô cùng có một Việt Nam nằm trong quỹ đạo liên minh của Mỹ, để đảm nhiệm sứ mệnh xoay trục châu Á mà Mỹ đang triển khai.

Thưa các đồng chí là, lâu nay chúng ta thấy rất rõ quan hệ Việt Nam và Nhật là quan hệ tốt, đặc biệt tốt. Chúng ta không những là xác lập đối tác chiến lược mà chiến lược toàn diện, không những là toàn diện mà là toàn diện sâu rộng; không những sâu rộng mà phải thiết thực, hiệu quả. Nghĩa là ngôn ngữ đó, trong quan hệ đó, những gì tốt nhất là chúng ta dùng cả rồi. Không có cái từ nào tốt hơn mà chúng ta không dùng trong quan hệ Nhật Bản và Việt Nam. Và trên thực tế, bạn cũng đã phối hợpvới chúng ta một cách rất nhiệt tâm, chân thành và có hiệu quả trên nhiều phương diện, trong đó kể cả lĩnh vực ở bên trong, an ninh quốc phòng của chúng ta. Tôi xin nói với các đồng chí như vậy! Nhưng mà câu chuyện là, thưa các đồng chí, nước Nhật là ai? Câu chuyện mà chúng ta phải trả lời: nước Nhật là ai? Nước Nhật là nước Mỹ thứ hai. Mỹ bây giờ vào Việt Nam được như Nhật thì khó lắm, nói vậy thì nói chứ lòng người chưa phải lúc nào cũng là yên bình khi đón tiếp Mỹ đâu, mặc dù bây giờ thái độ của Mỹ khác! Nhưng không phải Mỹ vào Việt Nam như Nhật Bản được. Về mặt chiến lược chúng ta phải nhận ra cái điều đó. Bây giờ chúng ta có cần, chúng ta cần có Mỹ không? Chúng ta rất cần các đồng chí ạ! Nhé! Chúng ta rất cần!

Báo với các đồng chí là ở đây tôi nói trong phạm vi rất là hẹp, để các đồng chí biết nhé, giờ mà các ông cứ ghi, các ông đọc thế này mà nhiều người nghe thì tôi không dám nói. Tôi nói một thông tin. Các đồng chí theo dõi trên báo chí thì các đồng chí biết hết rồi:

Trung Quốc rất hung hăng sau khi mà Tòa trọng tài tuyên án về cái phán quyết tranh chấp ở Biển Đông, và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng. Họ dự định là chiếm lấy bãi cạn ngay tức khắc, và họ cũng cơi nới mở rộng như đã cơi nới mở rộng ở trong phạm vi chúng ta. Thậm chí là họ còn tính đến cái việc ngay lập tức tuyên bố thiết lập vùng cấm bay, ngay lập tức là sẽ đánh chiếm một số mục tiêu khác để dằn mặt, trong đó không loại trừ là có Việt Nam. Chuẩn bị sẵn sàng rồi. Nhưng mà họ biết được một cái thông tin, là thưa các đồng chí, 15 phút nếu Trung Quốc tuyên bố thì toàn bộ 7 cái đảo của Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam lập tức sẽ trở thành bình địa ngay tức khắc, lập tức nó sẽ trở về vị trí ban đầu, nó bị xóa tên trên cái bản đồ quân sự chính trị của Trung Quốc. Thay đổi thái độ ngay, Trung Quốc thay đổi thái độ ngay. Cho nên bây giờ họ rất ngại là chúng ta ngả về đâu, nghiêng về đâu, họ ngại vô cùng. Cho nên các đồng chí thấy là trước khi đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang thăm Hoa Kỳ, là họ mau chóng phải mời Tổng Bí thư của chúng ta sang thăm Trung Quốc. Lúc đầu là nó không mời đâu, nó chưa mời đâu, nó còn lắng nghe, còn theo dõi, còn đắn đo, còn cân nhắc, còn xem xét chán. Báo với các đồng chí là, ở đây tôi nói mở rộng thêm để các đồng chí nghe... Các đồng chí phải hiểu thật sâu cái nguyên nhân bên ngoài và bên trong, thì mới thấy được tình hình đất nước và mới giải quyết các cái điểm nóng chính trị xã hội, kể cả là an ninh tôn giáo bây giờ.

Báo với các đồng chí là, nước Mỹ đó, tức là Trung Quốc họ không dự đoán hết được. Là bởi vì trong lịch sử chưa bao giờ nước Mỹ mời một cái nguyên thủ cộng sản nào sang thăm Mỹ. Lịch sử nước Mỹ chưa từng có. Kể từ khi có chủ nghĩa xã hội đến bây giờ, Liên Xô hùng mạnh như vậy, Trung Quốc hùng mạnh như vậy, nó cũng không mời ai. Cho nên Trung Quốc nó rất ngại. Ông ấy mới chuyển sang một cái xu hướng nhất thể, vì ông ấy muốn chơi với Mỹ mà. Trung Quốc, tôi không có thời gian nói sâu với các đồng chí, nếu mà có một cái chuyên đề... thì tôi sẽ nói thật sâu cho các đồng chí nghe cái chuyện Trung Quốc họ đi đêm như thế nào.

Trung Quốc rất cần Mỹ. Mà tôi nói thật với các đồng chí là, cái cải cách đổi mới của Trung Quốc thành công như hôm nay có một phần là cũng dựa vào Mỹ. Dựa rất quan trọng bởi vì công nghệ ở đâu, tiền ở đâu, thị trường ở đâu nếu không có Mỹ hà hơi tiếp sức. Cho nên đánh Việt Nam là nằm trong cái chiêu kế mà Đặng Tiểu Bình thời bấy giờ nó chọn để nó có được Mỹ. Nói như vậy để các đồng chí thấy. Thế thì nó biết như thế, nó biết rằng là trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ và không bao giờ mời Tổng Bí thư, mà có mời thì sang cũng là không thể đón tiếp theo nghi thức quy định của nhà nước Mỹ. Nhưng mà bây giờ thì thưa các đồng chí, tình báo nó đan xen thì nó biết thôi. Các đồng chí hình dung là: lần đầu tiên trong lịch sử của loài người, của chủ nghĩa xã hội, từ khi có nước Mỹ, mời đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang, không phải với tư cách là một nguyên thủ quốc gia. Là lãnh tụ của một đảng, nhưng mà nước Mỹ chấp nhận đón đồng chí Tổng Bí thư theo đúng nghi thức của một nguyên thủ quốc gia, cấp cao. Đấy là cái tiêu chí thứ nhất. Tiêu chí thứ hai là, thưa với các đồng chí, đồng ý tiếp rồi nhưng mà câu chuyện là: tiếp ở đâu? tiếp ở chỗ nào?

Tôi nói câu chuyện Mỹ đó, thì tôi muốn minh chứng cho các đồng chí là những cái điểm nóng ở trong nước chúng ta nó có những cái nguyên nhân từ bên ngoài, và tôi thông qua cái việc này, bằng thực tiễn, tôi mới phân tích để các đồng chí thấy là Đảng ta giải quyết cái điểm nóng trong nước bằng những cái việc mà ứng xử ở bên ngoài như thế nào. Để các đồng chí thấy, thấy cái cách thức của Đảng và nhà nước chúng ta, là Đảng ta ứng xử rất tuyệt vời.

Tôi xin trình bày tiếp với các đồng chí là, khi mà Mỹ thỏa thuận mời đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang, thì cái việc đầu tiên chúng ta phải khẳng định đây là một cái việc làm có thể nói là có ý nghĩa lịch sử, và như đồng chí Tổng Bí thư kết luận, là Mỹ chưa mời ai trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ. Và sau khi đồng ý mời với một cái nghi thức tiếp như là tiếp một nguyên thủ cấp quốc gia, nghi thức cao nhất, thì câu chuyện là: bây giờ tiếp ở đâu? Lúc đầu thì họ nói với chúng ta là họ phải tiếp ở một cái chỗ khác, không phải là Nhà Trắng. Nhưng mà Bộ Ngoại giao của chúng ta đặt ra là: Không! Đã tiếp với nghi thức cao nhất là phải tiếp ở Nhà Trắng. Mà các đồng chí biết là Nhà Trắng là gì, là cái nơi mà nước Mỹ chỉ dành để tổ chức những sự kiện lớn nhất trong lịch sử. Và như vậy, tiếp đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta tại cái Tòa Bạch Ốc tức là tiếp ở một cái nơi diễn ra những sự kiện quan trọng bậc nhất của nước Mỹ. Thế sau khi đồng ý tiếp đồng chí Tổng Bí thư ở Tòa Bạch Ốc rồi, thì câu chuyện tiếp theo là, vậy thì đó, là tiếp xong thì ra thông cáo chung hay là ra tuyên bố chung? Phía Mỹ nó hạ 1 cấp, nó bảo chỉ thông báo chung thôi chứ không có tuyên bố chung. Thế thì ta là kiên quyết không đồng ý. Nếu mà chúng tôi đến bàn luận với nước Mỹ những vấn đề căn cơ, nhá, cả quốc tế cả những vấn đề quan điểm của Việt Nam và Mỹ về những vấn đề quốc tế, lẫn quan điểm của Việt Nam và Mỹ về vấn đề quan hệ song phương, là phải ra tuyên bố chung.

Thì tôi bí mật nói với đồng chí là trong cái chuyến đi của Tổng thống Barack Obama, thì các đồng chí thấy rằng là người ta nói đến một cái bông hoa hồng đằng sau Tổng thống Mỹ, với tư cách là một cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ, là người gốc Việt Nam. Thì anh em mình mới nói chuyện là: cái con mẹ này nó được giao chuẩn bị cái tuyên bố chung giữa ta và Hoa Kỳ. Trong quá trình chuẩn bị, thì thưa với các đồng chí là, anh em mình tìm mọi cách tiếp cận, để cố gắng khai thác cái yếu tố Việt Nam, để cho ngôn ngữ khái niệm trong bản tuyên bố chung này làm sao cho nó mềm mại, duyên dáng và có lợi cho chúng ta nhất. Thì các đồng chí thấy là, cả trong quá trình cô ta làm việc với các cái cơ quan chức năng của Việt Nam, không hề nói một câu tiếng Việt nào, toàn nói tiếng Anh. Nhưng mà sau khi chuẩn bị xong, đôi bên ký tắt rồi, ký tắt tức về nguyên tắc là xong rồi các đồng chí ạ, ra hai ông ký là chính thức thôi, còn công tác chuẩn bị là từ bên trong - thì cô ta mới nói một câu tiếng Việt, nói rành rọt như Việt Nam, là bởi vì người Việt Nam mà, nói rất chuẩn, tiếng Nam Bộ như mình. Nói với anh em mình là "tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phục vụ vô điều kiện lợi ích của nước Mỹ". Nói bằng tiếng Việt. Đau như thế mà! Một khi mà người ta đã từ bỏ, đã phản bội rồi thì câu chuyện ở phía đằng sau là cực kỳ nguy hại. Thế và thưa với các đồng chí là, ở trong cái tuyên bố chung ấy có rất nhiều điểm mà sau này nếu có thời gian thì phân tích các đồng chí nghe, là rất có lợi cho chúng ta.

Bây giờ báo cáo với các đồng chí là trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thì ta đã bình thường hóa quan hệ, và đã ngồi ở mâm trên rồi. Hồi xưa họ ở trên mình ngồi dưới, bây giờ là ăn cùng mâm, ngồi cùng bàn với các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngồi mâm trên, mâm cao. Mà cũng phải nói thật là thời của các cụ thì không bao giờ có thể mơ ước cái việc này, nhưng mà chúng ta thế hệ đi sau, con cháu làm được cái việc vĩ đại như vậy. Nhưng mà sau khi mà thỏa thuận, đồng ý là tuyên bố chung thì vấn đề phía sau là, thế thì chiêu đãi đoàn ta là chiêu đãi ở đâu? Thì thưa các đồng chí là, ta cũng phải ra tối hậu thư với phía Hoa Kỳ là phải chiêu đãi ta ở cái nơi trọng thể nhất mà nước Mỹ đã từng chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia khác, ta mới chịu. Và sau 4 cái tiêu chí mà ta ra điều kiện, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý chấp thuận với chúng ta rồi, thì có một cái đề nghị thứ năm là tổng thống Barack Obama của Mỹ phải sang thăm đáp lễ đồng chí Tổng Bí thư của ta. Thì báo cáo với các đồng chí là, ông ấy đồng ý nhưng mà ông ấy lại nêu ra một cái lịch trình của ông ấy là: ông ấy sang G7 trước, ở Nhật trước, rồi xong G7 ông ấy mới đi sang thăm Việt Nam. Ta cũng đặt điều kiện với phía Hoa Kỳ là: Không! Ông phải sang thăm Việt Nam trước, rồi từ Việt Nam ông mới đi đến G7, rồi ông đi về, chứ chúng tôi không chấp nhận ông đi đến G7 rồi mới đi sang Việt Nam. Nghĩa là, chuyến thăm sang Việt Nam đáp lễ Tổng Bí thư của chúng ta phải là chuyến thăm chính thức, danh chính ngôn thuận chứ không có cái kết hợp tay đôi tay ba gì ở đây cả.

Tôi muốn nói như vậy với các đồng chí để thấy là gì? Thấy được cái thế của ta bây giờ với Mỹ là một thế hoàn toàn khác. Vì sao mà chúng ta có được một thế khác như vậy với Mỹ? Một là, Mỹ vô cùng cần chúng ta; hai là, trong các cái nhân tố mà Mỹ phân tích về Việt Nam đó, thì Mỹ cũng thấy rất rõ không có một đảng phái chính trị nào có thể lãnh đạo quản lý đất nước bằng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cho nên hôm qua, trong cái thông cáo về chuyến đi của đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đó, nước Mỹ nói rất rõ là quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam là một kênh quan hệ quan trọng về ngoại giao. Câu chuyện là như vậy. Câu chuyện là, người ta biết rất rõ là dùng vũ lực để mà đánh chúng mình không được, không ổn, không thu phục được chúng mình; dùng bao vây cấm vận cũng không thể mà khống chế đè bẹp được chúng mình rồi. Bây giờ Mỹ phải dùng một phương cách khác, lôi kéo Việt Nam về phía Mỹ, tạo mọi điều kiện để Việt Nam cùng chung đội hình với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc. Báo với các đồng chí là, họ biết rất rõ rằng là chỉ có Việt Nam mới có thể chống lại được Trung Quốc thôi. Lịch sử 23 cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam phải đối đầu có 21 cuộc chiến tranh chúng ta phải đối đầu với Trung Quốc rồi, chưa bao giờ Trung Quốc thắng được Việt Nam, kể cả cái việc Trung Quốc có mặt đô hộ đất nước này dân tộc này 1000 năm, cũng vẫn không thể thắng được.

(Viet-studies)