20 avril 2017

Dân vẫn giữ 20 lãnh đạo, cán bộ, công an huyện Mỹ Đức



 TTO - Chiều 18-4, mọi ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị người dân đổ đất đá, cây que, vật dụng chặn lại. Hiện còn 20 người gồm lãnh đạo, công an huyện, cán bộ huyện bị giữ tại nhà văn hoá thôn.

Người dân đổ đất đá, mang nhiều vật dụng ra chốt chặn các ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm - Ảnh: Thân Hoàng



Người dân cũng lập nhiều điểm chốt chặn và bố trí người trực tại đây để kiểm soát, không cho người lạ ra vào làng.

Nhiều nhà báo về xã Đồng Tâm đề nghị được vào thôn để tìm hiểu vụ việc nhưng bị người dân từ chối. Mỗi khi có người lạ đi đến khu vực có đường dẫn vào thôn Hoành đều bị người dân giữ lại và yêu cầu rời đi nơi khác.

Đêm 17-4, sau khi làm biên bản thỏa thuận, người dân đã bàn giao 15 chiến sĩ cảnh sát cơ động cho Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an Hà Nội). Công an Hà Nội đã đưa xe vào khu vực cổng làng để đón các chiến sĩ được thả ra và đưa về nội thành Hà Nội ngay trong đêm.

Trước đó, ba người dân bị công an tạm giữ để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng cũng đã được thả về. Hiện còn ông Lê Đình Kình (82 tuổi), người đứng đơn khiếu kiện việc thu hồi đất đai tại xã Mỹ Đức, đang được cơ quan chức năng chăm sóc vì gặp một số vấn đề về sức khoẻ.

Một người dân sống tại thôn Hoành cho biết hiện còn 20 người gồm lãnh đạo và công an huyện, cán bộ huyện Mỹ Đức đang bị giữ tại nhà văn hoá thôn.

“Chúng tôi hàng ngày vẫn nấu nướng, cung cấp đồ ăn đầy đủ cho những cán bộ đang bị giữ trong thôn. Không có chuyện người dân đánh hay tẩm xăng doạ đốt họ như một số thông tin thất thiệt đăng trên mạng", người dân này nói.

Một chiến sĩ cảnh sát cơ động vừa được người dân thả ra cũng cho biết sức khoẻ của các chiến sĩ công an đều tốt, những ngày bị giữ họ được người dân đối xử tốt.

Đa số người dân tại thôn Hoành mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết họ mong sớm có cuộc đối thoại (giữa đại diện người dân và lãnh đạo thành phố) để làm rõ những vấn đề mà người dân đang khiếu nại, làm rõ nguồn gốc đất và quá trình thu hồi đất tại khu vực đồng Sênh.

“Vấn đề bức xúc đất đai ở Đồng Tâm đã từ nhiều năm nay chứ không phải chỉ đến thời gian gần đây chúng tôi mới kiến nghị. Tuy nhiên chính quyền cấp xã, huyện giải quyết chưa thỏa đáng và còn nhiều vấn đề chưa đồng thuận với nhân dân”, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi sống tại xã Đồng Tâm có đất bị thu hồi cho biết.


Phó thủ tướng chỉ đạo giải quyết khiếu nại về đất đai tại Hà Nội

Ngày 18-4, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Thanh tra TP thanh tra toàn diện các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Chí Thắng và một số công dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức, liên quan đến đất đai, tài chính tại đây và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý các vi phạm (nếu có) đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-8.
Trước đó, ông Nguyễn Chí Thắng (trú tại thôn 4, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) và một số công dân xã Song Phương nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ tố cáo cán bộ lãnh đạo xã Song Phương buông lỏng quản lý đất đai; bán đất, chiếm đất, cho thuê đất trái pháp luật và vi phạm về quản lý kinh tế, tài chính diễn ra trong nhiều năm.
Thanh tra huyện Hoài Đức đã có kết luận thanh tra kinh tế xã hội tại xã Song Phương và kết luận nội dung tố cáo. 
Nhưng ông Nguyễn Chí Thắng và một số công dân không đồng ý, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt vi phạm, bao che, trả thù người tố cáo, có một số nội dung làm rõ nhưng không xử lý trên thực tế.


LÂM HOÀI - THÂN HOÀNG – QUANG THẾ