04 mai 2017

Bảo mật thế này thì sao dân biết, bàn, kiểm tra?


Thanh Dũng Trần

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tham nhũng và lạc hậu trong xã hội nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng chính là thực trạng thiếu minh bạch và không có cơ chế cụ thể để cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình trước người dân. Ảnh: MAI LƯƠNG


(TBKTSG) - Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 11/2017/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 2-5-2017) quy định danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm 13 mục. Nhìn vào 13 mục này, người ta phải tự hỏi, không hiểu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” sẽ được thực hiện như thế nào.


Người viết bài này cố tìm cách giải thích lý do cho một số mục cần được bảo mật trong thông tư nhưng vẫn không hiểu vì sao những thứ sau đây cần được xem là bí mật quốc gia:
- Tin, tài liệu về đoàn công tác nước ngoài, các cuộc đàm phán, nội dung ký kết với nước ngoài và các tổ chức quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa công bố.
- Chiến lược, chương trình, định hướng hợp tác giai đoạn trung hạn và dài hạn với các nước, tổ chức quốc tế về giáo dục và đào tạo chưa công bố.
- Tin, tài liệu hoạt động đấu thầu, xét thầu các dự án, các đơn vị do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và thực hiện đang trong quá trình xem xét chưa công bố.
- Tin, tài liệu, bút phê ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bộ; văn bản, tờ trình, kiến nghị, đề xuất của các thủ trưởng đơn vị từ cấp vụ và tương đương trở lên trong ngành giáo dục và đào tạo chưa công bố hoặc không công bố.
- Hồ sơ nhân sự của công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo chưa công bố hoặc không công bố; hồ sơ của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố hoặc không công bố; hồ sơ nhân sự cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên trong ngành giáo dục và đào tạo chưa công bố hoặc không công bố.
- Tin, tài liệu về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo; báo cáo kết quả thanh tra, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả xác minh nội dung tố cáo; dự thảo kết luận nội dung tố cáo; các tin, tài liệu khác trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong ngành giáo dục và đào tạo chưa công bố hoặc không công bố.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tham nhũng và lạc hậu trong xã hội nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng chính là thực trạng thiếu minh bạch và không có cơ chế cụ thể để cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình trước người dân. Những quy định bảo mật không hợp lý trong thực tế sẽ càng làm hạn chế trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và nhằm ngăn chặn việc đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kể cả những ý kiến phản biện ôn hòa và xây dựng.
Xưa kia trong kháng chiến, cách mạng thành công là nhờ mọi cán bộ, chiến sĩ đều thuộc nằm lòng nguyên tắc “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì lẽ gì ngày nay phải hạn chế thông tin đến với nhân dân trước những vấn đề thiết thân với lợi ích của dân, với tương lai của con em nhân dân, như vấn đề chiến lược hợp tác với nước ngoài, hay nhân sự cấp cao của ngành giáo dục, hay kết quả thanh tra, xác minh khiếu nại? Chỉ bằng cụm từ “chưa công bố hay không công bố”, thông tư này đã ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được quy định tại điều 25 của Hiến pháp 2013.
Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin chỉ quy định hai loại thông tin mà người dân không được tiếp cận: (1) Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; và (2) Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Không rõ việc công bố các dự thảo về “Chiến lược, chương trình, định hướng hợp tác giai đoạn trung hạn và dài hạn với các nước, tổ chức quốc tế về giáo dục và đào tạo” có thể gây ra “nguy hại đến lợi ích của Nhà nước” như thế nào. Nếu quả thật những việc như thế có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, Bộ Công an rất cần có một chiến dịch truyền thông rộng rãi để công chúng hiểu rõ và đồng tình, không để tính chính danh của Nhà nước bị xói mòn bởi sự mù mờ và định kiến của công chúng cho rằng những thứ được xem là “nhạy cảm” thực chất là những gì liên quan đến các nhóm lợi ích.