01 novembre 2017

Có lệnh đóng cửa, rừng vẫn bị tàn phá đau đớn


“Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm”

Nạn phá rừng, câu chuyện nhức nhối “truyền kỳ” tiếp tục được các ĐBQH nêu ra.


Ngày 31-10, Quốc hội (QH) bước vào phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Hàng loạt vấn đề lớn về bức tranh kinh tế-xã hội đã được đại biểu (ĐB) QH đặt ra khi bước vào quý cuối cùng của năm 2017. Cùng đó là những vấn nạn nhức nhối, những thách thức lớn mà đất nước đang đối diện, nhân dân đang bức xúc.




ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất vừa qua ở một số địa phương cho thấy tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của người đứng đầu Chính phủ. “Một chủ doanh nghiệp trồng rừng cho biết nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy” - ông Cương nói.

Thuật lại rằng lâm tặc chỉ cần 16 phút để hạ một cây gỗ có tuổi đời 100 năm, đi qua và nộp cho trạm kiểm lâm 300.000-400.000 đồng, ĐB Cương chua chát: “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm”. Ông cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”.

“Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới thành hiện thực” - ông Cương kết luận.

ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) dẫn báo cáo của Ủy ban Tư pháp QH nêu tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian qua.

“Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm bị phát hiện, xử lý. Tình trạng này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên” - ĐB Hòa nói.

Nhưng ý kiến cảm xúc nhất có lẽ là của ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai): “Nói đến Tây Nguyên ta nghĩ đến rừng xanh bạt ngàn, thảo nguyên mênh mông, sương mờ huyền ảo, giàu tài nguyên khoáng sản. Một nền văn hóa các dân tộc phong phú và đa dạng. Nhưng tôi đau lòng khi đứng đây, khi bản thân mình phải phân vân còn lại những gì. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng”.







“Miệng ăn núi lở”


ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng năm nay là “năm được mùa lớn” khi 13 chỉ tiêu QH giao Chính phủ “có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch”. Tuy thế, ĐB Lộc cho rằng chặng đường còn rất gian nan và điều đáng mừng là “Chính phủ đã không quá lạc quan với thành tích này”.

TS Lộc cũng bày tỏ những băn khoăn trước vấn đề tăng trưởng GDP của quốc gia còn phụ thuộc vào tăng trưởng của các “ông lớn” FDI. “Samsung không thể quý nào cũng tăng trưởng vài chục phần trăm như quý III vừa qua. Lo lắng vì Formosa không thể quý nào cũng tăng sản lượng đột biến” - ĐB Lộc nói và đề cập tới tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao.

Để có một nền tảng lâu dài cho nền kinh tế quốc gia, ĐB Lộc đề nghị: “Chính phủ cần phải cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức đang đè nặng lên vai của người dân và doanh nghiệp”.

Về tình hình thu chi ngân sách nhà nước và nợ công, ĐB Lộc nhận định vẫn không thay đổi và điều đáng lo là “năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu chi ngân sách nhà nước cao luôn được coi là thành tích”.

“Chúng ta còn bao nhiêu đất đai có thể mang lại nguồn thu? Liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức, hay bán tài sản của các doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu?” - ĐB Lộc đặt câu hỏi.

Dẫn câu tục ngữ “miệng ăn núi lở”, ĐB Lộc nói tài khóa đất nước hiện nay phụ thuộc vào năng lực cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ.


Tỉ lệ diện tích rừng Tây Nguyên bị mất tăng 50%
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Ksor Phước Hà cho hay từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 thì rừng Tây Nguyên bị mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. “Đây là nghịch lý hay là thông điệp thách thức?” - ĐB Hà đặt vấn đề.


“Tôi đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm biên chế, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, xuống đến tận cấp xã/phường” - ĐB Lộc đề nghị.

ĐB Lộc cũng nhấn mạnh đến việc giải phóng các bộ, ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường, không thành lập thêm siêu ủy ban, siêu bộ.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng chỉ có như thế thì ngân sách nhà nước mới được cân đối, bảo đảm an toàn nợ công mà không cần phải tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế, phí khác làm người dân bức xúc.


Tăng trưởng mà không tạo ra việc làm là không ý nghĩa
ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng tuy tăng trưởng cao hơn nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm xuống. “Tỉ lệ thất nghiệp cao của con em chúng ta đang ở độ tuổi thanh niên với các tấm bằng cử nhân, cao đẳng, thậm chí thạc sĩ… vẫn đang là vấn đề chúng ta không thể cam lòng” - ĐB Lộc nói và nhấn mạnh nếu tăng trưởng cao mà không tạo ra việc làm thì cũng không có ý nghĩa.

Buôn lậu, lực lượng chức năng đâu?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương trong bài phát biểu đã kể về chuyến đi “mục sở thị” tình trạng buôn lậu thuốc lá ở một số tỉnh phía Nam để minh chứng cho nhận định “trên nóng dưới lạnh” của hệ thống hành pháp.
“Trong ba ngày đi thực tế, tôi chỉ mong có một lần được gặp các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên tôi không gặp bất cứ lực lượng nào” - ông Cương nói và cho rằng nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán.


CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH