03 janvier 2018

Ngành du lịch bị quá nhiều nút thắt cổ chai

Tư Hoàng 
 
(TBKTSG) - Ngành du lịch đang nổi lên là một trong những ngành kinh tế tiềm năng song vẫn bị trì hoãn bởi nhiều bất cập. TBKTSG trao đổi với TS. Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng không Vietstar Airlines, một người có nhiều kinh nghiệm với ngành này.
 
TS. Lương Hoài Nam: "Thậm chí, so với Campuchia, mặc dù thứ hạng cạnh tranh du lịch của họ xếp thứ 101/136, thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Là một nước với dân số chỉ hơn 15 triệu người (bằng 1/6 dân số nước ta), năm 2016 họ đã đón 5 triệu du khách quốc tế, bằng một nửa lượng du khách quốc tế vào Việt Nam".




TBKTSG: Ngành du lịch Việt Nam có thể nói là bùng nổ trong năm nay, đón được 13 triệu khách nước ngoài. Ông nhìn nhận gì về điều đó?

- TS. Lương Hoài Nam: Việc chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta không có gì phải bàn cãi. Những mục tiêu trước đây đặt ra cho năm 2030 thì đã được thay đổi để đạt được cho năm 2020, tức sớm hơn 10 năm.

Theo tôi, không chỉ năm nay, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong những năm gần đây. Từ năm 2011-2016, du lịch nội địa tăng từ 30 triệu lên 62 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025; du lịch quốc tế tăng từ 6 triệu lên 10 triệu lượt, bằng mục tiêu năm 2020. Trong cùng giai đoạn, tổng thu từ khách du lịch tăng từ 130.000 tỉ đồng lên 400.000 tỉ đồng. Ngành du lịch đang tạo ra khoảng 2,8 triệu việc làm (năm 2015), chiếm 5,2% lực lượng lao động cả nước.

Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Đó là những thứ hạng khá cao. Nghĩa là du lịch Việt Nam có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

TBKTSG: Tuy nhiên, nói về ngành du lịch thì phải đặt trong cạnh tranh quốc tế, ít ra là với các quốc gia láng giềng, những nơi phải nói thật là làm du lịch và thu hút khách quốc tế tốt hơn ta?


- Thẳng thắn mà nói, tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu, được WEF xếp thứ 67/136 nền du lịch được xếp hạng. Với 10 triệu lượt du khách quốc tế đạt được trong năm 2016, Việt Nam vẫn đang thua kém các điểm đến du lịch quốc tế trong khu vực khá xa: Thái Lan (32,6 triệu, thứ hạng cạnh tranh toàn cầu 34), Malaysia (26,8 triệu, thứ hạng cạnh tranh 26), Singapore (16,4 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạnh tranh 13), Hồng Kông (26,7 triệu, chỉ là một thành phố, thứ hạng cạnh tranh 11). Thậm chí, so với Campuchia, mặc dù thứ hạng cạnh tranh du lịch của họ xếp thứ 101/136, thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Là một nước với dân số chỉ hơn 15 triệu người (bằng 1/6 dân số nước ta), năm 2016 họ đã đón 5 triệu du khách quốc tế, bằng một nửa lượng du khách quốc tế vào Việt Nam.

Thực tế là ngành du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai” như mức độ cởi mở quốc tế, ưu tiên phát triển du lịch, nền tảng tin học, môi trường, hạ tầng sân bay, giao thông mặt đất...
 
Khách du lịch đường biển cập cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO LOAN


TBKTSG: Gần đây, ông đề xuất đặt mục tiêu xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của du lịch Việt Nam vào tốp 60 vào năm 2020, tốp 50 vào năm 2025. Trước mắt cần làm những gì để đạt mục tiêu đó?

- Thế giới có rất nhiều sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, giải trí... và chúng ta dễ nhận thấy các sản phẩm du lịch Việt Nam đang khá đơn điệu.


Tôi thấy tiềm năng đầu tư công viên dạng Disneyland, Universal Studios ở khu vực Hà Nội và khu vực TPHCM phục vụ cho cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Nhà nước cần có chủ trương, quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và chọn nhà đầu tư thực sự biết nghề và có tiềm lực tài chính để không lặp lại thất bại như với các dự án Làng văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Happyland ở Bến Lức (Long An). Một công viên chủ đề thành công có thể giúp “giữ chân” du khách quốc tế được 0,5-1 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10%.
Hệ thống bảo tàng của nước ta hàng chục năm nay nằm trong tình trạng nhiều số lượng, ít chất lượng. Nhiều bảo tàng thuộc diện “vỏ khủng - ruột rỗng”, nghèo hiện vật, thiếu các câu chuyện cuốn hút du khách, lạc hậu về kỹ thuật trưng bày và thuyết minh. Không ít bảo tàng được sử dụng làm bãi đỗ xe, tổ chức tiệc cưới, làm nhà hàng, quán bia... gây lãng phí đất đai và các chi phí hoạt động. Cần tiến hành một cuộc rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống bảo tàng ở nước ta để giảm số lượng, tăng chất lượng, mạnh dạn giao cho tư nhân đầu tư nâng cấp và tổ chức kinh doanh một số bảo tàng.
Nước ta có nhiều lợi thế phát triển mảng du lịch lịch sử chiến tranh, với rất nhiều địa danh chiến tranh nổi tiếng thế giới, với những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế. Không ít người dân ở các nước nhận mình là “thế hệ chiến tranh Việt Nam” và tìm hiểu nhiều về lịch sử chiến tranh của nước ta. Ở mảng du lịch này, ngành du lịch nước ta còn có nhiều khoảng trống để phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể đầu tư phát triển mạnh hơn phân khúc thị trường du lịch chơi golf, du lịch hoạt động ngoài trời (hiking & trekking), du lịch thủy phi cơ, du lịch mua sắm...
 
TBKTSG: Gần đây, người ta nói về chính sách miễn visa du lịch như là một trong các đòn bẩy giúp thu hút khách quốc tế. Ông đánh giá sao về điểm này?
 
- Muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến. Việt Nam hiện đang miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, ít hơn nhiều so với Thái Lan (miễn cho 61 nước), Malaysia (miễn cho 155 nước), Singapore (miễn cho 157 nước). Các hình thức cấp visa qua mạng (Visa Online), visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) của nước ta so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực cũng hạn chế hơn.
Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí visa, mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa khi đến Việt Nam trong khi được miễn visa vào nhiều nước khác. Chúng ta cần nhận thức, visa du lịch không phải là chính sách “có đi có lại”. Cũng cần tránh cách hiểu là mọi công dân các quốc gia được miễn visa đương nhiên được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo tôi, để thực hiện những mục tiêu phát triển du lịch rất cao mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra, thì việc cải thiện chính sách visa du lịch, bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, cấp visa qua mạng, đơn giản hóa thủ tục xin và duyệt cấp visa tại cửa khẩu là một trong những điều kiện tiên quyết để thành công.