06 janvier 2018

Tránh “nhẹ trên, nặng dưới” thế còn nhân dân?


Xuân Dương:"Xử lý nghiêm, không có vùng cấm với những người vi phạm đã có tín hiệu mừng như trường hợp cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.


Tuy nhiên chỉ hai người thì không thể là “một bộ phận không nhỏ” bởi ai cũng biết con đường thăng tiến của hai người đó không thể không có dấu ấn của cá nhân - tổ chức nắm quyền quyết định công tác nhân sự.

Nếu “lý sự” như thế được chấp nhận thì rõ ràng ông Xuân Anh, ông La Thăng là “dưới” nên bị “nặng”, còn “trên” của hai ông ấy chưa bị xem xét có phải là “nhẹ” hay chưa đến lúc?

Xử lý cán bộ tránh “nhẹ trên, nặng dưới” là việc quan trọng, thế nhưng quan trọng hơn là xử lý người dân vi phạm, họ không phải trên, cũng chẳng phải dưới, những người dân có kiến thức, hiểu biết pháp luật không cần “nhẹ” mà càng không muốn “nặng”, dân chỉ cần minh bạch, công bằng.

Thế nên chừng nào dân chưa được xem là gốc, chưa được xem là “trên” của cán bộ thì chừng đó luật vẫn dành cho dân và lệ vẫn dành cho quan."





Ngày 24/2/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:

Việc xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định, kịp thời, thấu tình, đạt lý, không có vùng cấm, không có tình trạng nhẹ trên, nặng dưới”. [1]

Trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc điều tra xử lý sai phạm, không để tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”. [2]

Ngày 27/11/2017, tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Đồng Nai đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng “Vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm là chủ trương của Đảng.

Bước đầu đã có hiệu quả, lấy lại lòng tin trong nhân dân.

Thời gian qua việc xử lý công khai các vụ án, những vụ xử lý kỷ luật cán bộ từ thấp đến cao không xử nặng dưới nhẹ trên”. [3]

10 năm trước, tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2007 tổ chức ngày 4/3/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lưu ý ủy ban kiểm tra các cấp:

“Khi xử lý kỷ luật, không được để tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”. [4]

Bốn ví dụ nêu trên cho thấy từ mười năm trước, việc xử lý cán bộ theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới” đã được nêu lên, vấn đề đã trở nên bức xúc khi vào năm 2017 này, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ đều cùng lên tiếng.


Có một số ý kiến cho rằng phát biểu “nhẹ trên, nặng dưới” hàm ý xử lý cán bộ, đảng viên cấp cao thì nhẹ nhàng - nói như một vị nguyên lãnh đạo là “vuốt ve” nhau - còn cấp dưới luôn bị xử lý nặng hơn, bao gồm cả các hình thức kỷ luật trong Đảng và xử lý về mặt pháp luật.

Hiểu như thế mới chỉ đúng một nửa, thậm chí chưa đến một nửa.

Phải hiểu thêm thế này nữa, “trên” ở đây là mọi tầng nấc cán bộ, “dưới” ở đây là quần chúng lao động.

Dư luận chẳng nói nhiều đến chuyện “luật cho dân” và “lệ cho quan” đó sao!

Trong một đất nước được vận hành bằng pháp luật, một khi xử lý vi phạm của công dân mà “nhẹ trên, nặng dưới” thì có nghĩa là pháp luật bị đặt sang bên cạnh, một khi pháp luật bị vô hiệu hóa thì cũng có nghĩa là tồn tại những quyền lực nào đó đủ khả năng chi phối, thậm chí nằm trên pháp luật.

Việc xử lý cán bộ vi phạm ở nước ta tính từ khi cách mạng thành công năm 1945 có vẻ theo chiều hướng giảm dần hình phạt.

Trong kháng chiến, cựu đại tá quân đội Trần Dụ Châu bị kết án tử hình.

Sau cải cách ruộng đất, ngày 15/10/1956 Hội đồng Chính phủ ban hành nghị quyết “Về mấy chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức”.

Không chỉ Hồ Chủ tịch nhận lỗi với nhân dân, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp đã bị kỷ luật, thôi chức, giáng chức, có cán bộ cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng.

Từ khi hòa bình lập lại đến nay, nhất là sau khi thống nhất đất nước năm 1975 việc xử lý hình sự cán bộ cao cấp cỡ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, từ hàm Thứ trưởng trở lên rất ít diễn ra, chủ yếu là xử lý nội bộ, số người bị xử lý hình sự đa số là cán bộ cấp thấp.

Theo quy định trong Điều lệ Đảng và tại Quy định 102-QĐ/TW mới được ban hành cuối năm 2017 “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, có bốn hình thức xử lý kỷ luật là:

“Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ”.

Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều tổ chức, cá nhân mắc sai phạm chỉ bị xử lý với các hình thức “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, “kiểm điểm nghiêm túc” hoặc “rút kinh nghiệm sâu sắc” nghĩa là chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật kể cả khi vi phạm được xem là nghiêm trọng.

Tỉnh Ninh Bình vừa xử lý kỷ luật ông Vũ Đức Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ vì hành hung lái xe của cơ quan, vì có quan hệ bất minh và vi phạm phẩm chất, đạo đức lối sống của đảng viên với hình thức cảnh cáo, cho thôi các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và điều về làm Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.

Vừa đánh cấp dưới, vừa quan hệ bất minh, vừa bổ nhiệm cán bộ sai tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa bị khai trừ khỏi đảng, kỷ luật như vậy gọi là “nặng” hay “nhẹ”?

Vừa qua, các cơ quan Đảng và chính quyền đã có các quyết định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu, nói theo ngôn ngữ pháp luật là “hồi tố”.

Vậy nếu quyết định kỷ luật ban hành sau khi cán bộ đã được bổ nhiệm, đã lên chức thì các vị trí, chức danh này có bị xem xét lại hay không?

Sắp tới đây vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng sẽ được xử. Bây giờ thì ông Thăng là bị cáo chứ không còn “trên - dưới” gì nữa.

Một khi là dân thì ông Thăng thuộc vào loại “dưới” hay “trên” và ông ấy sẽ bị xử lý thế nào?

Có người lúc thì rất muốn là “trên” lúc lại chỉ mong làm “dưới” chẳng hạn vị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là “trên” to nhất tỉnh, họ chẳng bao giờ cho phép cấp dưới nghi ngờ vị trí “trên” của mình.

Thế nhưng khi cần xin dự án, xin ngân sách nghìn tỷ đồng xây dựng khu hành chính tập trung, xin cứu trợ thiên tai thì họ làm “dưới” ngon lành.

Với chuyện bổ nhiệm con làm Giám đốc sở thì ông Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh là “trên”.

Chẳng may cho ông khi xem xét kỷ luật thì ông lại “hưu” mất rồi, ông là “dưới” mất rồi nên ông mới bị kỷ luật chứ có người bảo, nếu còn là “trên” thì biết đâu cũng đỡ được đôi phần.

Xem ra đối với lãnh đạo, khái niệm “trên - dưới” chỉ là tương đối, khi bị kỷ luật thì cần là “trên” để hình thức xử lý “nhẹ”, khi đi xin kinh phí thì chắc chắn phải là dưới, chỉ có mỗi dân thì muôn thủa vẫn là dân. 

Vậy nên xét về thứ bậc, ưu tiên hạng nhất là “trên”, ưu tiên hạng hai là “dưới”, còn ưu tiên hạng bét là ai thì chưa rõ.     

Thực tế cho thấy, tình hình tham nhũng trong những năm gần đây diễn ra có chiều hướng phức tạp và nghiêm trọng với nhiều biểu hiện mới.

Xử lý nghiêm, không có vùng cấm với những người vi phạm đã có tín hiệu mừng như trường hợp cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.

Tuy nhiên chỉ hai người thì không thể là “một bộ phận không nhỏ” bởi ai cũng biết con đường thăng tiến của hai người đó không thể không có dấu ấn của cá nhân - tổ chức nắm quyền quyết định công tác nhân sự.

Nếu “lý sự” như thế được chấp nhận thì rõ ràng ông Xuân Anh, ông La Thăng là “dưới” nên bị “nặng”, còn “trên” của hai ông ấy chưa bị xem xét có phải là “nhẹ” hay chưa đến lúc?

Xử lý cán bộ tránh “nhẹ trên, nặng dưới” là việc quan trọng, thế nhưng quan trọng hơn là xử lý người dân vi phạm, họ không phải trên, cũng chẳng phải dưới, những người dân có kiến thức, hiểu biết pháp luật không cần “nhẹ” mà càng không muốn “nặng”, dân chỉ cần minh bạch, công bằng.

Thế nên chừng nào dân chưa được xem là gốc, chưa được xem là “trên” của cán bộ thì chừng đó luật vẫn dành cho dân và lệ vẫn dành cho quan.


Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN