15 février 2018

Bỏ giấy phép con: Những việc cần làm trong 2018


(PL)- Tư duy tăng cường quản lý nhà nước phải nhỏ đi và tôn trọng quyền tự do kinh doanh phải lớn lên.



TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế:

Cải cách hình thức, doanh nghiệp sẽ vẫn kêu


Hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” vẫn hiện hữu. Chính phủ rất cương quyết, nhưng doanh nghiệp vẫn nói gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy chúng ta phải điều nghiên xem có thể giảm bớt khó khăn hơn nữa cho doanh nghiệp không.



Theo tôi còn có nhiều dư địa để cải cách.

- Chúng ta phải vận dụng nhiều hơn công nghệ thông tin để thực hiện công khai, minh bạch hơn các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước để doanh nghiệp và người dân giám sát. Chẳng hạn hồ sơ của doanh nghiệp được gửi lên đâu, ai tiếp nhận, cấp nào xử lý, cá nhân nào quyết định. Hoặc BOT cũng phải công bố giá bao nhiêu, điều kiện tham gia thế nào, cấp nào quyết định, đã thảo luận với người dân, doanh nghiệp hay chưa…

- Phải chú ý đến môi trường hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta làm không tốt thì doanh nghiệp trong nước sẽ sang Singapore, Thái Lan khởi nghiệp và làm ăn. Nên nhớ rằng doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tại Singapore ngày càng tăng lên. Cần phải có những biện pháp cải cách đem lại hiệu quả thực chất. Nếu vẫn cải cách hình thức thì doanh nghiệp vẫn kêu.

- Phải vận dụng cách mạng 4.0. Thủ tướng đã có Chỉ thị 16/TTg ngày 4-5-2017 nhưng chỉ thị ấy phần lớn nói tới công việc của các bộ, ngành. Vậy về phía doanh nghiệp thì sao? Doanh nghiệp phải là chủ thể chính trong việc vận dụng và triển khai cách mạng 4.0.

Hàn Quốc khi triển khai cách mạng 4.0 thì việc đầu tiên là làm bản phân tích SWOT, tức là những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Sau đó nhà nước họp với các doanh nghiệp để đặt hàng. Chẳng hạn Samsung được yêu cầu làm người máy, trí tuệ nhân tạo. Và nếu Samsung chấp nhận thì sẽ được vay tài chính ưu đãi. Nếu có sản phẩm thì sẽ được thưởng thêm… Tất cả đều rất rõ ràng.


TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng  Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:


Cần dỡ bỏ lực cản từ cơ sở



TS Nguyễn Đình Cung
Năm qua, chúng ta chứng kiến một không khí cải cách rất sôi động từ Chính phủ và các bộ, ngành. Khởi đi từ những tuyên ngôn của Thủ tướng về liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ…, những cải cách về thể chế đã được khởi động và triển khai.

Những Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ đã được ban hành, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đã làm cho bộ máy chuyển động. Trong đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được bắt đầu từ tháng 6-2016 vẫn tiếp tục duy trì cho đến nay.

Các bộ, ngành ngày càng mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, các bộ, ngành cần rà soát toàn diện hơn nữa. Bởi chắc chắn chi phí kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn và nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành khác vẫn còn có thể cắt giảm mà không ảnh hưởng gì. Tư duy tăng cường quản lý nhà nước phải nhỏ đi và tôn trọng quyền tự do kinh doanh phải lớn lên.

Nhưng điều cần chú ý là trong khi ở trung ương không khí cải cách rất nóng thì ở các địa phương mới “ấm dần lên” như lời Thủ tướng nói. Điều đó cho thấy trong năm 2018, một trong những trọng tâm là tư duy quản lý kinh tế của các địa phương phải thay đổi.

Sự thật là sự chuyển động ở các địa phương về cải cách thể chế đã có nhưng vẫn còn chậm so với ở trung ương và yêu cầu về một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn. Các cán bộ, công chức thừa hành hoặc là vẫn chưa thấm được tinh thần cải cách, hoặc là không muốn cải cách. Điều này vô hình trung làm cho những nỗ lực của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành gặp lực cản từ cơ sở.

Bởi vậy, trách nhiệm chuyển đổi tư duy cho các địa phương đang đặt nặng trên vai những lãnh đạo, từ chủ tịch UBND cho đến các giám đốc sở.


TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Nhà nước đừng ôm đồm dịch vụ công



TS Vũ Tiến Lộc
Năm qua, trong không khí cải cách, có bộ tuyên bố cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh. Tôi tin rằng không chỉ có điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà mọi lĩnh vực đều cần phải cắt giảm, kể cả thủ tục hành chính. Nếu có thể cắt giảm tới 50% điều kiện kinh doanh thì chứng tỏ trước đây điều kiện kinh doanh là một ràng buộc quá lớn đối với doanh nghiệp, người dân.

Tôi cho rằng gốc rễ vẫn là nhà nước ôm đồm nhiều quá. Năm 2018 cần phải xã hội hóa dịch vụ công đúng như Thủ tướng từng nói: “Những gì tư nhân làm tốt thì nhà nước không làm”. Nhà nước cần phải tập trung vào việc xây dựng thể chế để vừa kiến tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, vừa đảm bảo được tính độc lập của nền kinh tế. Bởi chính phủ phục vụ không phải là làm thay mà là làm những gì mà doanh nghiệp không làm hoặc không làm được.

Nếu làm được thế thì bài toán tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy mà trung ương đặt ra sẽ thực hiện được. Kết quả là chi thường xuyên giảm xuống, bài toán giảm chi phí doanh nghiệp sẽ có lời giải và nguồn lực của quốc gia sẽ phục vụ chủ yếu cho phát triển.

Vấn đề minh bạch cũng cần đặt ra. Chẳng hạn đối với chi phí dịch vụ hành chính, chúng ta đã có kinh nghiệm tốt khi ngành y tế thực hiện công khai hóa dịch vụ khám bệnh theo nhiều hình thức khác nhau. Vậy điều này có thể áp dụng trong lĩnh vực hành chính hay không? Tôi cho rằng hoàn toàn có thể.

Mặt khác, khi chưa thể cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì hẳn nhiên thể chế, chính sách sẽ có những khoảng mờ. Tuy vậy, một nguyên tắc cần phải tuân thủ chính là cơ quan nhà nước cần phải vận dụng những gì có lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nếu thực hiện được điều này thì tinh thần trách nhiệm được đẩy lên cao và tình trạng “đá bóng”, đùn đẩy việc lên Thủ tướng sẽ giảm.




Từ 2016 tới nay, nhiều bộ, ngành đã chủ động đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ bốn ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%, đơn giản hóa 43,7%, giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện trong tổng số khoảng 345 điều kiện thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết; và đang xây dựng nghị định về kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh...

CHÂN LUẬN ghi