21 février 2018

Năm 2018: Tăng trưởng kinh tế ở mức nào mới hợp lý?

(Dân trí) - Năm 2017 qua đi với một con số ấn tượng: Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, một mức tăng cũng không phải không gây sự nghi ngờ. Nhưng vì sao, tăng trưởng kinh tế năm 2018, hiện vẫn chỉ được dự báo ở mức 6,5-6.8%, tức là trong trường hợp mức tăng cao nhất còn thấp hơn mức tăng của năm 2017 một chút?

"một mức tăng cũng không phải không gây sự nghi ngờ"




Mức tăng trưởng GDP năm 2017 vượt kế hoạch có lẽ đến thời điểm này, đã có nhiều cơ sở thuyết phục. Theo như phân tích, bằng các số liệu cụ thể của Tổng cục Thống kê: Do tăng trưởng trong các lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%; tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng cũng ở mức 7-8%. Lĩnh vực công nghiệp: Chế biến, chế tạo tăng tới 14,5%.
Dễ thấy hơn, sự hứng khởi trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp dường như đang trở lại mạnh mẽ. Con số gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 26.500 doanh nghiệp vốn đã tạm ngừng đã trở lại hoạt động năm 2017 thực sự là con số ấn tượng - nó đủ chứng minh nền kinh tế đã thực sự hồi phục và có dấu hiệu phát triển trở lại sau những năm khó khăn từ trước.
Nhưng đến thời điểm này, các dự báo tăng trưởng từ các chuyên gia kinh tế, các tổ chức kinh tế, nghiên cứu kinh tế như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5-6,8%? Nếu xu hướng tăng trưởng là rõ ràng thì thông thường, năm sau phải cao hơn năm trước mới hợp lý?
Mặc dù thừa nhận là nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới: Môi trường kinh doanh được cải thiện sau một loạt giải pháp, chỉ đạo khá mạnh của Chính phủ trong khoảng 2 năm qua (Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới còn ghi nhận vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên hạng 68/190 nền kinh tế); lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối tăng cao... nhưng vẫn có nhiều điều phải nghi ngại.
Một số chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế còn lo ngại về tình trạng môi trường kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản (số lượng giấy phép con chưa thực sự giảm nhiều); vẫn còn tràn lan kinh doanh độc quyền nhà nước trong khi tiến độ xử lý hậu quả các công trình, dự án thua lỗ của hàng loạt các dự án lớn còn rất chậm trễ.
Có chuyên gia lo ngại: Về cơ bản, trình độ công nghệ Việt Nam thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá. Cùng với những yếu tố về tác động của kinh tế thế giới (giá dầu có thể tăng cao), thiên tai... theo các chuyên gia có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP khó có thể ở mức cao hơn năm trước.
Những vấn đề trên là hoàn toàn có thực và quả thật, đó là những yếu tố khiến kinh tế Việt Nam không bứt phá mạnh trong những năm qua, thậm chí tiềm ẩn những yếu tố gây rủi ro lớn. Nhưng cũng có thể thấy, đó phần lớn là những vấn đề đã kéo dài nhiều năm và đang có xu hướng được cải thiện tốt hơn thì không có cớ gì năm 2017 tăng trưởng đã đạt ở mức cao mà năm 2018 không thể đạt ở mức cao hơn?
Hơn nữa, cũng có thể thấy rằng, dư địa cho phát triển ở Việt Nam vẫn còn lớn. Trên một số lĩnh vực, tiềm năng phát triển còn cao nhưng chưa được khai thác tốt. Ví dụ, trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản - là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhưng những năm qua, mức tăng trưởng còn rất thấp: Năm 2017, mức tăng 2,9% có thể nói là mức thấp.
Hay như lĩnh vực du lịch, tuy có mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2017 (đón 13 triệu khách du lịch quốc tế, tăng gần 30%), nhưng về doanh thu, qui mô ngành, vẫn thua kém rất xa so với các nước trong khu vực, trong khi tiềm năng, tài nguyên du lịch của Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài là rất lớn.
Với từng lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như vậy, nếu được khai thác tốt thì hoàn toàn có thể khai thác, có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Ngoài ra, một vấn đề đáng chú ý là hiện nay, lợi nhuận của các ngân hàng đang ở mức rất cao (năm 2017, nhiều ngân hàng đạt mức lợi nhuận trước thuế khá lớn như Vietcombank đạt 10.000 tỷ đồng, VP Bank đạt 5.600 tỷ đồng, BIDV đạt 8.800 tỷ đồng...).
Nói rằng, đó là do hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng chỉ là 1 vế. Ở một góc độ khác, có thể thấy, lãi suất của các ngân hàng hiện còn quá cao, trong khi các DN còn rất khó khăn để vay vốn và kinh doanh làm sao có hiệu quả trên mức lãi suất còn cao như vậy. Nếu lãi suất ngân hàng được điều hành theo hướng giảm mạnh hơn nữa, tạo thuận lợi cho các DN thì sản xuất, kinh doanh còn bùng nổ hơn nữa, thúc đấy kinh tế phát triển.

Mạnh Quân