01 août 2018

Sở hữu toàn dân về đất đai là trở ngại cho nông nghiệp Việt Nam


Kính Hòa RFA  
2018-07-31

Thu hoạch lúa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Tại một hội nghị về nông nghiệp diễn ra vào cuối tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rằng trong 10 năm nữa nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong số 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
Vì sao nông nghiệp Việt Nam không phát triển trong thời gian qua mặc dù có điều kiện rất tốt để phát triển?


Trang web của chính phủ loan tin về hội nghị phát triển nông nghiệp có đưa ra hai lý do làm cho nông nghiệp Việt Nam không phát triển trong thời gian qua, đó là các doanh nghiệp không đầu tư vào nông nghiệp vì thiếu vốn, và thiếu đất.
Hai chuyên gia về kinh tế và nông nghiệp của Việt Nam là ông Lê Đăng Doanh và ông Đặng Kim Sơn đều đồng ý với hai lý do này. Đồng thời hai ông còn đưa ra một số lý do khác.

Theo Hiến pháp Việt Nam thì đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng toàn dân là ai? Toàn dân không phải là một pháp nhân.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Vào tháng 6 năm nay, 2018, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trường Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, có trình bày với trang mạng Trí Thức Trẻ trong nước rằng mặc dù đã có những chính sách tốt để phát triển nông nghiệp, nhưng rất là gian nan để có thể tiếp cận với các chính sách đó.
Trả lời Đài RFA, ông nói rằng một trong những chính sách đó được thể hiện qua Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhưng trên thực tế không thực hiện được:
Có một lý do quan trọng là các nội dung thiết kế không thực sự khả thi. Ví dụ như là có rất nhiều trợ cấp, nhưng những phần trợ cấp đấy lại giao cho ngân sách địa phương. Nhưng mà ngân sách địa phương, nhất là các tỉnh nông nghiệp, là những tỉnh có khả năng đóng góp cho ngân sách rất yếu, phải dựa vào sự hổ trợ của chính phủ, vì ngân sách địa phương không đủ để trợ cấp.”
Ông Đặng Kim Sơn còn đưa ra một lý do rất quan trọng là mạng lưới đường sá ở Việt Nam ở những tỉnh nông nghiệp không được phát triển trong thời gian qua, cho nên những người có tiền, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài đã chùn bước, không đầu tư, vì không thể vận chuyển sản phẩm ra thị trường.
Về việc các công ty không thể đầu tư sản xuất lớn trong nông nghiệp vì thiếu đất, trong khi các nông lâm trường quốc doanh lại dư đất mà sản xuất không hiệu quả, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng là thành viên Ban Cố Vấn Kinh tế cho Chính phủ Việt Nam bổ sung thêm rằng hiện nay Việt Nam có chính sách hạn điền, tức là giới hạn diện tích sử dụng đất cho một đơn vị kinh tế là 5 hectare mà thôi, cho nên việc tập trung lớn đất canh tác là không thực hiện được.
Trong một bài phân tích đăng trên trang mạng Viet-studies, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh An Giang là ông Nguyễn Minh Nhị, cho rằng nguyên nhân cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển, không phải là không có những kỹ thuật mới, điều ông gọi là lực lượng sản xuất, mà là cách thức quản lý và luật lệ, điều ông gọi là quan hệ sản xuất.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét:
“Ý kiến của anh Nguyễn Minh Nhị là rất đáng chú ý vì anh ấy là người rất có kinh nghiệm, và nhất là điều đó phản ảnh thực trạng hiện nay tại Đồng bằng Sông Cửu Long, bởi vì thực ra hiện nay công nghệ từ nước ngoài như Israel, Nhật Bản,… rất là sẵn sàng, nếu bây giờ mà bảo đảm được quyền tài sản hợp pháp, quyền sử dụng đất đai lâu dài thì đó là một đột phá lớn, giúp người nông dân đầu tư nhiều hơn vào đất, doanh nghiệp đầu tư hơn nhiều vào nông nghiệp, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh và có những bước đột phá mới.”
Trong những luật lệ về đất đai hiện nay, quan trong nhất là hiến pháp Việt Nam, và bên dưới nó là Luật đất đai xem rằng người dân không có quyền tư hữu về đất đai.

Việc chúng ta sẽ tính đến chuyện sở hữu đất đai hay không thì vẫn còn tranh luận, thảo luận trong thời gian lâu dài.
-Tiến sĩ Đặng Kim Sơn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói tiếp:
“Đúng là quyền sở hữu về đất đai đang là một cản trở. Theo Hiến pháp Việt Nam thì đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng toàn dân là ai? Toàn dân không phải là một pháp nhân. Thực chất là chính quyền có quyền sử dụng đất. Thực ra là người nông dân không có quyền sở hữu đất nên việc sử dụng đất, đầu tư vào đất để cho đất mầu mỡ trong rất nhiều năm là rất hạn chế.”
Theo nhiều nhà quan sát thì chính quan niệm sở hữu đất đai toàn dân này, không chỉ gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho các viên chức tham nhũng, các công ty lớn, nhân danh sự phát triển, nhân danh nhà nước, lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi phân lô bán nền nhà cho phát triển đô thị hay phát triển công nghiệp với giá rất cao. Việc này gây ra những đoàn nông dân mất đất biểu tình khắp nước, cũng như những xung đột đôi khi dẫn đến đổ máu.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì mặc dù trên hiến pháp đất đai vẫn còn là của chung, nhưng quyền sử dụng đất đã được nhìn nhận như là một quyền tài sản, và vì vậy theo ông trước mắt là vẫn có thể tạo sự thay đổi nếu ban hành các luật và qui định để quyền tài sản này được tôn trọng khi việc sửa đổi Luật đất đai của Việt Nam được tiến hành sắp tới đây:
Làm thế nào để cho việc mua bán sử dụng quản lý đất đai như là một loại hàng hóa đặc biệt. Tôi nghĩ đấy là một hướng tốt, còn việc chúng ta sẽ tính đến chuyện sở hữu đất đai hay không thì vẫn còn tranh luận, thảo luận trong thời gian lâu dài.”
Việc tranh luận này đã bắt đầu hầu như ngay sau khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986. Đỉnh cao của cuộc tranh luận đó là bức thư của 72 nhân sĩ trí thức Việt Nam gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2013 yêu cầu công nhận quyền tư hữu về đất đai trong hiến pháp, bên cạnh các quyền sở hữu nhà nước và tập thể.
Kiến nghị đó đã bị bỏ qua, và cuộc tranh luận tại Việt Nam về quyền sỡ hữu đất đai vẫn đang tiếp diễn.