23 août 2018

Tứ đỗ tường


Thiện Tùng



Bốn loại lạc thú trần gian nầy là rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút sách. Đó là 4 bức tường, chỉ cần ngã vào một bức cũng đủ tiêu đời hà huống 4 bức. Bởi vậy, danh hài Hề Sa gầm hét để vô vọng cổ: “Tứ đỗ tường sẽ làm cho con người hư đời, hại nết, sa vào chỉ có chết, bộ đồ lòng hư hết…”.



Có điều, từ xưa đến nay, người ta xem đây là 4 lạc thú (thú vui) trần gian. Dường như chúng trở thành những thói quen bẫm sinh, con người khó tránh khỏi sa ngã. Luật pháp có cấm cũng không cấm tiệt  được. Làm người phải biết tự chủ bản thân: “Có thân hãy giữ lấy thân, thân ơi có biết mấy lần gian nan”.
Thời Pháp thuộc, nhà trường đưa “tứ đỗ tường” vào môn “Công dân giáo dục” răn dạy trẻ từ thuở ban sơ. Không biết  nhà trường  Xã hôi Chủ nghĩa của chúng ta  có đưa chúng vào không mà lớp trẻ ham vui, sa ngã “hơi nhiều”.



Riêng việc hút sách thôi, dường như địa phương nào cũng phải lập trại cai nghiện (nghiền), mỗi trại nếu không hàng ngàn cũng hàng trăm. Riêng tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 650 trại viên vào trại cai nghiện ma túy.



Mới đây thôi, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thăm hỏi và nói chuyện với hơn 650 trại viên tại trại cai nghiện ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ông Lập nói: “Hiện các chính sách đối với người nghiện đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực, người nghiện được xem là người bệnh, đã giảm bớt sự kỳ thị từ xã hội. Ông Lập động viên các trại viên phấn đấu cai nghiện tốt để sớm trở về với gia đình”.

Trại viên nghe ông Nguyễn Xuân Lập nói chuyện
 
Cũng tại đây, ông Lập “khai khẩu” trại viên: "Anh em cứ mạnh dạn phát biểu, không cần sợ tụi tôi về rồi anh em sẽ bị quản trại nhốt vào phòng kín”. 



Một học viên than phiền về điều kiện sống ở đây quá gắt gao: "Chúng tôi đi làm một ngày tám tiếng quá mệt mõi; xếp mền không ngay, xéo một chút cũng bị đánh, bắt quỳ ba tiếng. Chúng tôi quỳ không ngay cũng bị đánh, nhiều anh em đã bị như vậy…!”.



Ông Lập ghi nhận ý kiến của trại viên và hứa sẽ trao đổi với Ban lãnh đạo trại xem xét lại về giờ giấc, quy chế tại cơ sở.



Sáng ngày 11/8/2018, khoảng 10 trại viên ở đây cải với cán bộ. Nhóm này dùng dao, gạch tấn công khiến một cán bộ tại trung tâm bị thương. Sau đó, số nầy hò hét kích động những người còn lại phá cửa trại ra ngoài.

Trại viên nổi loạn, tràn ra lộ sáng 11/8/2018
 Về việc nổi loạn nầy, ông Phạm Minh Trí, giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang  cho biết: “Đến đầu giờ chiều cùng ngày, đã có 224 trại viên trở lại trại, cảnh sát tiếp tục tìm kiếm18 trại viên còn lại. Riêng một cán bộ tại trung tâm bị trại viên tấn công đang điều trị tại bệnh viện, sức khỏe đã ổn định”.


Khi hỏi về thông tin trại viên bị bắt quỳ, đánh, ông Trí nói: “Vấn đề đó là do anh em tự quản. Tại cơ sở có chia ra các tổ tự quản, nếu anh em có phạt gì đó, mình sẽ xem xét chấn chỉnh lại”.



Nghiện buộc phải vào trại ở đây chỉ là nghiện “ma-túy”. Nếu tính trung bình mỗi tỉnh/thành có 1.000 người nghiện ma-túy thì cả nước có đến 64.000 người nghiện. Còn gì đau xót hơn, hãy nhìn vào ảnh xem, hầu hết là lực lượng trẻ, là rường cột đất nước, là lao động chính của gia đình và xã hội - Không biết có quá không nếu cho đây là một trong những quốc nạn.



 “Tứ đỗ tường” thuộc về tệ nạn xã hôi, nhà cầm quyền ra luật nghiêm cấm nó, công chúng miệt thị, kinh tởm nó. Tiện đây, người viết tặng cho những người có lối sông buông thả (Mackeno), bài thơ do mình sáng tác với tựa đề “Sám hối”:



Ngày xỉn, đêm say – cứ xỉn say

Chuyện nhà, thế sự - bỏ ngoài tai

Gan nhừ, phổi héo – mặc kệ nó

SAY !



Bất luận quán nào – miễn có “ôm”

Vợ nhà – đồ cổ, cho nằm tôm

Si đa si điếc … mặc kệ nó

ÔM !



Đánh bài, cá độ, thọt bi-da

Bán đất, bán nhà… cấm vợ la

Con đói, vợ đau – mặc kệ nó

GA !



Tôi làm ta chịu,  hỡi trời cao!

Vợ lánh, con xa… biết liệu sao?!

Bịnh lậu, bịnh ghiền…vươn vấn mãi

ĐAU !



Sám hối giờ đây đã muộn rồi

Ham vui sa ngã tại mình thôi

Nhuốc nhơ danh tiết đành cam chịu

ÔI !



Thế sao có chuyện kỳ đời, trước đây khoảng 3 năm, trên mạng xã hội, có một số cán bộ, nhơn viên dưới quyền, đôi ba lần gì đó, tố cáo phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “thầu” đường dây mua bán ma-túy. Những thư tố cáo ấy tiếp tục chìm trong im lặng, thực hư thế nào đến nay vẫn còn là câu hỏi. Và mới  đây,  2 ông tướng Nguyễn văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, Tổng Cục và Cục cảnh sát điều tra lại  “đỡ đầu” cho đường dây Phan Sào Nam đánh bạc trên mạng thu lời hàng ngàn tỷ đồng, khiến cho hàng triệu con bạc phải điêu đứng, sống dở chết dở?. Làm lãnh đạo mà vì lợi ích riêng, nỡ chiêu dụ, xô dân sa vào 2 trong 4 bức tường oan nghiệt, liệu có còn xứng đáng?



“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” - tiếng thơm hay tiếng nhơ. Thay lời kết, người viết kê vào đây bài thơ “Tử-Sinh” của Quốc Anh, tác giả triết lý về tử-sinh để răn đời khá thú vị: 



Thiên hạ luận bàn chuyện TỬ - SINH

Biết sao là TỬ  biết sao là SINH

SINH tâm bất chính SINH như TỬ

TỬ tạc bia danh TỬ vẫn SINH

ÚY TỬ cúi lòn…SINH ví TỬ

Tham SINH nịnh bợ…TỬ hơn SINH

SINH mà hổ thẹn, thà nên TỬ

SINH xứng đáng, làm rạng kiếp SINH



22/08/2018

   T.T