19 septembre 2018

MÃ LAI QUYẾT LIỆT THOÁT TÀU, VIỆT NAM RA SỨC ĐÂM ĐẦU CHUI VÔ!


Mai Hưng dịch (VNTB) | Tác giả: Stefania Palma – từ Singapore


(Ảnh Một đường ống dẫn dầu ở Pangerang - một bang miền nam Malaysia. Ảnh: Johor © Reuters)
Nguồn: FT

Malaysia đã hủy bỏ ba dự án đường ống dẫn dầu do Trung Quốc hậu thuẫn, trong khi trước đó đã đình hoãn 23 tỷ đô la trong các chương trình liên quan đến Bắc Kinh và chỉ trích các hợp đồng này là các hợp đồng “đầy lắt léo” (“lopsided” contracts) cũng như các móc nối tiềm tàng liên quan đến một quỹ tài chính (có tên gọi là) 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đầy tai tiếng.


  Lim Quan Eng, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, cho biết các dự án bị hủy bỏ này bao gồm hai đường ống dẫn dầu và khí đốt trên đất liền Malaysia và trên đảo Borneo với chi phí hơn 1 tỷ đô la cho mỗi đường ống, và một đường ống dẫn dầu trị giá 795 triệu USD nối thành phố Malacca với nhà máy lọc dầu và hóa dầu của Petronas thuộc bang Johor. Tất cả đều đã bị đình chỉ từ hồi tháng Bảy.
Quyết định chấm dứt việc xây dựng đường ống là dấu hiệu hiển lộ nhất về sự phản kháng chống lại Trung Quốc kể từ hồi tháng Năm khi ngài Mahathir Mohamad mới đắc cử Thủ tướng đã cam kết sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu quá mức và duyệt xét lại tất cả các “hiệp ước bất bình đẳng” liên quan đến Bắc Kinh.
Tuyến đường sắt chạy dọc bờ biển phía Đông – một kế hoạch hàng đầu chủ chốt của Sáng kiến một vành đai một con đường (một tên gọi khác: Nhất đới nhất lộ - người dịch) tại Malaysia – hiện chưa bị hủy bỏ, nhưng đang được duyệt xét lại. “Chúng tôi vẫn đang thảo luận và đàm phán [về tuyến đường này]”, ông Lim, người đã nói từ hồi tháng Bảy rằng việc cắt giảm chi phí một cách “quyết liệt” (hay là “rốt ráo”, như đồng chí 3X của ta vẫn thường nói – người dịch) sẽ được yêu cầu nếu việc xây dựng tuyến đường sắt vẫn muốn được tiếp tục triển khai.
Vị bộ trưởng tài chính này đã xem xét lại tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt ven bờ biển phía Đông trị giá 20 tỷ đô la – (đội giá tới) 3,5 tỷ đô la nhiều hơn so với ước tính của chính phủ trước đó. Dưới thời cầm quyền của ông Najib Razak, hàng tỷ đô la đã được Trung Quốc đổ vào Malaysia, khiến cho tuyến đường sắt này trở thành một câu chuyện thành công của sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ.
Việc hủy bỏ này là một sự “bẽ bàng” / mất thể diện (“at odds” – hay như người Việt thường nói là “chó ỉa bàn cơ dơ mặt tướng” – người dịch) đối với chuyến viếng thăm của ông Mahathir tới Bắc Kinh hồi tháng trước, trong đó cả hai bên đều kêu gọi “tăng cường niềm tin lẫn nhau về chính trị” và Kuala Lumpur xác nhận rằng (Malaysia) vẫn là một phần của sáng kiến BRI của Trung Quốc. Nó cũng diễn ra tiếp theo sau một sự hòa giải giữa Singapore và Malaysia, mà theo đó cả hai bên cũng đã đồng ý tạm dừng / đình hoãn (to postpne) một tuyến đường sắt cao tốc mà ông Mahathir đã thề là sẽ hủy bỏ vì chi phí quá cao. Malaysia cũng đã đồng ý (bồi thường) trả cho Singapore 15 triệu đô-la Singapore (tương đương 11 triệu đô la Mỹ) để trang trải cho chi phí đình chỉ dự án.
Ông Lim đã không tiết lộ chi phí hủy bỏ (hợp đồng) mà Malaysia sẽ phải gánh chịu để chấm dứt hợp đồng xây dựng đường ống. “Việc này đang được các luật sư xử lý”, ông nói. Vị bộ trưởng tài chính này cáo buộc rằng một phần của nguồn tài chính tài trợ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho dự án đường ống này đã bị chiếm đoạt để mua đất đai thuộc sở hữu của 1MDB - do ông Najib thiết lập và từ đó mà 4.5 tỷ đô-la đã bị cáo buộc là đã mất tích - để trợ giúp cho một quỹ dùng để tái trả nợ cho các món nợ của nó (của 1MDB). Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã không hồi đáp các yêu cầu bình luận của bản báo (tức là tờ Thời báo Kinh tế = FT này) khi lần đầu tiên bản báo đưa tin về sự vụ này.
Chỉ có khoảng 13% (công việc) của hai tuyến đường ống đầu tiên là đã được hoàn tất, trong khi đó gần 90% giá trị tài chính của dự án đã được trả cho nhà thầu - Cục Đường ống Dầu khí Trung Quốc (“China Petroleum Pipelin Bureau”), theo Bộ Tài chính (của Malaysia).
Nhà thầu của tuyến đường ống thứ ba mà sẽ được nối với một nhà máy lọc dầu của Petronas, vẫn chưa được ấn định và nguồn tài chính tài trợ vẫn chưa được bảo đảm - mặc dù vậy vào tháng 5 năm 2017, một cơ quan của bộ tài chính vốn (được giao nhiệm vụ) giám sát các dự án này vẫn đã ký một biên bản ghi nhớ với Công ty Kỹ thuật Xây dựng Đường ống Dầu khí Trung Quốc để xây dựng tuyến đường ống Johor, và ông Lim nói rằng Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc dường như đã tài trợ cho nó.