24 septembre 2018

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

Mac Văn Trang

Có bạn trách tôi, sao lại thờ ơ trước đại sự: Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần? Xin được bầy tỏ đôi điều.

1. Cảm xúc là thái độ phản ứng tự nhiên của con người trước đối tượng nào đó, liên quan đến niềm tin, tình cảm, ước mong, giá trị... mà người ta theo đuổi. Xúc cảm, tình cảm của con người là cái biểu hiện chân thật nhất. Nếu cảm xúc của con người bị kiểm soát, thì người ta sẽ có cách biểu hiện giả tạo “thương vay, khóc mướn”... Nhưng dân ta bây giờ, hình như đã biểu lộ tình cảm khá chân thật, tự nhiên của mỗi người. Đó là một bước phát triển của cá nhân và xã hội.
Đương kim Chủ tịch nước mới 62 tuổi đột ngột qua đời, mà tại sao nhiều người dân lại dửng dưng, không sửng sốt, xót xa, đau buồn?... Đó là một nỗi đau đớn của quốc gia, dân tộc. Thực lòng tôi rất suy nghĩ và đau buồn vì điều đó, chứ không phải vì ông Chủ tịch! 



Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng bào trong nước, ở nước ngoài và cả nhiều người trên thế giới tiếc thương, làm người dân Việt lúc đó thấy tự hào; dân tộc gắn kết hơn, đau thương biến thành sức mạnh...
Gần đây Đại Tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi trên 100 mà hàng triệu người thương xót, xếp hàng qua đêm vào viếng, đứng dày đặc các con đường linh cữu đi qua để tiễn đưa... Mỗi người dân Việt dâng lên niềm tự hào về tình cảm của nhân dân với một vị tướng được thế giới ngưỡng mộ, lòng dân tôn kính... Tình cảm đó rất tự nhiên, không ai sai khiến cả.
Obama đến Hà Nội, hàng vạn người ùa ra đường chào đón, người ta muốn ngăn chẳng được; Tập Cận Bình sang Hà Nội, chả ai thèm ngó ngàng, trừ những người bắt buộc có nhiệm vụ liên quan. Những phản ứng đó của người dân là rất tự nhiên, chân thật.
Những nhà nghiên cứu chính trị, xã hội, các chính khách, qua phản ứng đó của người dân mà chẩn đoán được tâm trạng xã hội. Một chính quyền tử tế thì sẽ cố gắng điều chỉnh chính sách để cải thiện tâm trạng xã hội theo hướng tích cực; ngược lại, thì họ sẽ quyết liệt đàn áp những phản ứng bất lợi cho chính quyền... và dồn nén tâm trạng xã hội căng thẳng thêm...

2. Trong xã hội hiện đại, không thể có “100% người dân nhất trí” bỏ phiếu cho một nhà lãnh đạo nào đó... Nhưng khi đất nước có những nhà lãnh đạo, lúc sống được đa số người dân tin tưởng, kính trọng; lúc chết được hàng triệu người dân thực lòng nhớ thương, đau xót, là hồng phúc cho đất nước, dân tộc. Còn khi những nhà lãnh đạo đất nước, lúc sống, người dân không tin tưởng, kính trọng, thậm chí bị nhiều người ghẻ lạnh, khinh thường và lúc chết, nhiều người dửng dưng, không thương xót, thậm chí mỉa mai... là bất hạnh của nhân dân, của đất nước; là điều đáng buồn tủi cho dân tộc... Điều đó đi ngược với quan niệm “Nghĩa tử là nghĩa tận”; nhưng mỗi người lại tự hỏi: “Cái NGHIỆP”, mà người ấy lúc sống tạo ra là gì, để có “Cái NGHĨA”, lúc từ biệt cói đời? Ôi! Giá như người ấy đừng... Giá như người ấy biết...

3. Tối qua có bạn nhắn tin cho tôi, bảo, “Chủ tịch Quang vì chống Trung cộng nên bị nó ám hại bằng loại virut độc hại, dù ông đã 6 lần sang nhật điều trị, nhưng trên thế giới chưa có thuốc nào chữa được”!... Tôi cũng có nghe đồn đoán về cái chết bí hiểm của ông Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang... Nếu đúng là vậy, thì kinh hãi quá! Nếu đúng như vậy thì khi Trung cộng khống chế được nước ta, nó sẽ dùng “virut độc hại” hay “chất phóng xạ” vân vân, để giết hại tất cả những người dân Việt nào dám chống Trung cộng, có lẽ đến hơn 90% dân ta!? Nếu vậy, thật thương xót Chủ tịch Trần Đại Quang và quá thương xót cho số phận của cả dân tộc này! Nhưng lẽ nào tất cả các nhà lãnh đạo đất nước này, tất cả dân tộc này, 100 triệu con dân đất nước này cứ cam tâm, lặng lẽ nhận lấy những cái chết âm thầm, đớn đau, bí hiểm như vậy sao? Tại sao lại phải cam chịu như thế? Tại sao?

23/9/2018
MVT