17 septembre 2018

PHỐ NHÀ RƯỢU



Vũ Thư Hiên

Phố Nhà Rượu là tên nôm, tên dân dã, của con phố nhỏ nằm ở mạn Đông Nam Hà Nội xưa. Đi quá con phố ấy đã là làng mạc rồi, đã là nhà tranh vách đất rồi. Không giống các phố khác có nhà cửa hai bên, phố Nhà Rượu một bên là nhà ở san sát, bên kia là bức tường cao bao quanh Nhà Máy Rượu. 



Được xây dựng từ năm 1898, nhà máy rươu Hà Nội là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy do công ty La Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương. Tên Tây của nó là Sergent Larrivée. Đến thời ta nó được đổi tên là phố Nguyễn Công Trứ. Đường phố ngày nay thường mang tên các vị lãnh tụ đảng, các anh hùng cộng sản đã hy sinh. Ông Nguyễn Công Trứ được nhớ đến, được đặt tên cho con phố này, chắc hẳn vì ngoài tài kinh bang tế thế, ông còn là nhà thơ. Có nhà thơ nào mà không mê rượu cơ chứ, đi kèm với túi thơ bao giờ chả là bầu rượu. Ông Trứ được đặt tên cho phố này là hợp.

Cái tên Larrivée gợi tò mò. Tôi cũng có ý tìm xem viên đội này là ai mà tìm không ra. Chắc anh chàng Larrivée chết trận ở đâu đó trong cuộc chinh phục Đông Dương của Pháp, nhưng không phải ở địa điểm này. Trong lịch sử Đông Dương thuộc Pháp không có tên Larrivée. Chỉ có viên đại tá hải quân Henri Rivière bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết ở Cầu Giấy là được đặt tên ở đúng chỗ anh ta ngã xuống.

Phố Nhà Rượu còn có một tên khác là Rue du Cimetière (Phố Nghĩa Địa). Tên này có trước tên Sergent Larrivée vì ở đầu phố có cái nghĩa trang rất lớn dành cho người Pháp ở Bắc Kỳ, gọi nôm na là Nghĩa Địa Tây. Người Việt dù có làng Tây[1] cũng không chôn ở đây.

Người trông nom nghĩa trang là một ông Tây già phục phịch, đi lại khó khăn, thỉnh thoảng lắm mới xách ba-toong la cà ngoài phố. Không ai biết tên ông, bèn gọi phắt là Ông Tây Nghĩa Địa.

Ông Tây Nghĩa Địa có vợ Việt. Vợ ông lại là em ruột bà ngoại tôi.

Người trong họ gọi vợ Ông Tây Nghĩa Địa theo tên con gái là bà Nê. Bà Nê giống hệt bà ngoại tôi, thanh mảnh hơn, cao hơn bà ngoại một chút. Cả hai bà đều đẹp phúc hậu. Bà ngoại có mùi dầu cù là, bà Nê có mùi nước hoa. Tôi yêu cả hai bà. Hai bà cũng yêu tôi. Khi nào thật yêu tôi, bà ngoại ôm tôi chặt rồi hít mùi tóc tôi. Bà Nê hôn tôi lên trán.

Bà ngoại tôi có hai con – bác Ngọc và mẹ tôi. Bà Nê cũng có hai con - cô Nê (René) và cậu Giăng (Jean). Hai người con lai của bà Nê chẳng có tí nét Việt Nam nào, Tây đặc, hoàn toàn không biết tiếng Việt. Tây lai ở Hà Nội có nhiều, nhưng chúng đều ra vẻ Tây thật, không thích dính dáng với người Việt. Cô Nê và cậu Giăng khác. Cả hai đều rất quý họ hàng đàng mẹ. Hai cô cậu năng đến chơi nhà tôi. Họ đến, ào vào nhà, hôn qua quýt tôi một cái rồi ríu rít trò chuyện với cha mẹ tôi.

Sau những năm 1945-1946 tôi không gặp lại cô Nê và cậu Giăng nữa. Nghe đồn cậu Jean đăng lính rồi chết trong một cuộc đụng độ Pháp-Nhật ở Lạng Sơn. Cũng nghe đồn thì cô Nê rồi sau lấy được người chồng giàu, chủ ngân hàng gì đó, cô mua cho mẹ một thửa đất rộng ở Ấn Độ, dựng chùa để bà tôi tu.

Bà Nê và hai người con mất tích từ đó.

Người trong họ kể: khi còn con gái bà Nê có tình ý với một chàng trai trong làng. Gia đình chàng trai kiên quyết ngăn cấm mối tình ấy vì cụ ngoại tôi bị tình nghi tham gia phong trào Văn Thân chống chính phủ bảo hộ, từng bị lính bắt giải về làng. Bà Nê giận đời bỏ ra Hà Nội, làm nghề khâu đầm (couturière), một nghề thịnh hành thời ấy. Nghề này phát đạt đến nỗi có hẳn một phố tên là Rue des Brodeurs (phố Thợ Thêu). Sau, không biết mối lái ra sao, bà gá nghĩa với ông Tây nọ.

Bà ngoại tôi rõ ràng không ưa việc bà Nê lấy Tây. Chẳng cứ bà, thời ấy người ta coi sự lấy Tây là nhục nhã, những người đàn bà lấy Tây bị gọi là “me Tây”. Người Pháp lấy vợ Việt cũng bị coi là loại Tây hèn kém, Tây giẻ rách, Tây mắm tôm, không đủ giàu có và tài cán để có vợ cùng xứ mới đâm đầu lấy vợ Việt. Tây ở đây là theo cách hiểu của người Việt, cứ da trắng, mũi lõ là Tây tất. Có một ông Tây người Tiệp ở phố Jacquin ngay đầu đường phố Nhà Rượu làm nghề lên dây đàn dương cầm lấy vợ Việt, tôi thường chọc ghẹo mấy đứa con lai của ông đến phát khóc.

Lâu lâu bà ngoại tôi lại dẫn tôi tới thăm bà Nê. Thái độ không nồng ấm của bà ngoại tôi với em ruột là điều trong họ ai cũng biết. Nhưng tình chị em còn đấy, bà không thể không thỉnh thoảng ngó em mình một cái. Trong khi hai bà trò chuyện thì tôi bỏ ra ngoài, lang thang một mình giữa các hàng mộ chí trong nghĩa trang vắng lặng. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi tháo vội vài cánh hoa cườm bỏ túi. Những cánh hoa kết bằng hạt cườm nhỏ xíu đủ mọi màu được luồn bằng dây thép mảnh nhưng dai lắm, ngắt được chúng khỏi vòng hoa rất khó. Như thế là ăn cắp. Cha mẹ tôi mà biết thì tôi không tránh khỏi mấy roi vào đít.

Ông rể Tây của tôi tính vốn lành, lại lười nữa. Ông chẳng thèm để ý chuyện mất cắp hạt cườm. Vòng hoa cườm thay cho hoa tươi trong nghĩa trang nhiều vô số, hầu như không mộ nào không có. Có vẻ ông cũng chẳng buồn coi sóc những nấm mồ lạnh lẽo nọ. Người Pháp chết ở đây, chôn ở đây, con cháu về nước rồi hiếm khi trở lại viếng mộ. Công việc quét dọn lối đi, cắt tỉa dây leo quanh hàng rào, lau rửa các bia mộ… đều do phu người Việt làm. Cấp trên của ông, tức Toà Thị Chính, không phiền trách ông có nghĩa là mọi việc ổn thỏa, ông cứ việc ăn no ngủ kỹ. Thỉnh thoảng ông mới lững thững dạo vài vòng, quát nạt mấy người phu đôi câu lấy lệ. Những người phu ngừng tay, vờ chăm chú nghe ông quát bằng thứ tiếng mà họ không hiểu, nhưng đủ khôn để đoán ý ông muốn họ làm gì.

Những hạt cườm trong suốt và sặc sỡ là món quà quý cho các bạn gái cùng phố. Các cô bé rất thích chúng. Kết chúng lại bằng chỉ luồn qua lỗ, họ đã có một cái vòng đeo tay, vòng cổ. Họ không thể vào Nghĩa Địa Tây để kiếm hạt cườm. Muốn vào phải qua cái cổng bao giờ cũng khoá trái. Nhưng tôi không thích các bạn gái. Chơi với họ một lúc là chán. Ngoài rải gianh, nhảy lò cò, chơi chuyền… là hết trò.

Tôi có nhiều bạn trai hơn. Chúng tôi nhặt những nút bia, kéo nhau ra tận phố Huế để đặt chúng lên đường ray chờ cho tàu điện chẹt chúng bẹp dí thành những đồng xèng, một thứ tiền của trẻ con trong trò đánh đáo. Chúng tôi còn dùng xèng để mua bán bi đá, bi ve. Chơi bi có nhiều kiểu, cũng là một trong những cái thú bất tận của trẻ con thời ấy.

Trên bức tường cao đối diện với nhà tôi cứ cách một quãng lại có một lỗ thải bã rượu ra cho những cái xe bò có phên nứa quây kín bốn cạnh chực sẵn. Những con bò buồn ngủ đứng đờ đẫn giữa hai cái càng, uể oải quất đuôi xua ruồi nhặng. Từ những kẽ phên nứa ri rỉ chảy ra nước bã rượu màu nâu. Suốt ngày không khí cả phố sực mùi chua nồng.

Nhà Máy Rượu có đủ thứ còi – còi vào ca, còi giữa trưa, còi tan tầm. Mỗi lần nó rúc lên là điếc cả tai. Khi tan tầm, cổng nhà máy mở toang, ùn ùn nhả ra những người phu mệt mỏi, phờ phạc.

Đêm đến, nghe rõ tiếng tru thảm thiết từ phía Nhà Thương Chó. Nhà thương này nằm ở phố Lò Đúc, cuối phố Nhà Rượu, bên kia đường. Tôi hay đi qua đấy, nhưng chẳng nhìn thấy lũ chó bị bệnh. Chắc người ta nhốt chúng trong những ngôi nhà nhỏ bên trong, giữa những hàng cây sum suê.

Tôi không nhớ cuộc chuyển nhà diễn ra năm nào. Cái sự chuyển nhà của dân ở thuê phụ thuộc tình hình kinh tế gia đình. Khi làm ăn khấm khá hơn thì người ta dọn đến chỗ ở tốt hơn, trong một phố sang hơn. Khi rời khỏi căn nhà chật hẹp ở phố Nhà Chung để dọn đến đây, gia đình tôi ắt phải khá hơn trước.

Mẹ tôi làm công cho một cửa hàng tơ lụa của người Ấn Độ nằm giữa phố Paul Bert (phố Tràng Tiền), lớn nhất thành phố. Tôi thường được mẹ cho đi theo đến cửa hàng Palais de Soie (Cung Tơ Lụa), nơi mẹ làm. Ông chủ tên Kevarah, người Ấn Độ, mặt không khác người Pháp là mấy, da không đen lắm, thấy tôi đi theo mẹ bao giờ ông cũng tươi cười xoa đầu tôi, cho tôi ăn kẹo nu-ga. Tôi rất thích được theo mẹ đến đây vì tôi thích kẹo nu-ga có sữa trộn lạc, mềm và ngon vô cùng. Ông chủ Palais de Soie chắc cũng nghiện thứ kẹo này như tôi. Lần nào ông cũng thò tay vào túi lấy ra đúng một thứ kẹo ấy.

Cùng làm với mẹ tôi còn có cô Tỳ và cô Mỳ mà mẹ tôi coi như hai cô em. Cô Tỳ cao hơn cô Mỳ, mặt trái xoan, dáng thanh mảnh, nghiêm trang. Cô Mỳ thấp, mặt bầu bĩnh, nhưng tươi cười, yêu tôi hơn cô Tỳ. Giờ nghỉ trưa, cô dắt tôi đi dạo phố, mua kem que cho tôi mút. Cha tôi bảo hai cô là hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Tôi không biết Thuý Kiều, Thuý Vân là ai, tôi chắc họ phải là hai cô gái rất đẹp. Người khuân vác những xúc vải nặng, người quét dọn cửa hàng đều là người ta hoặc người Ấn. Người Pháp không thèm làm công việc ấy, kể cả người Pháp nghèo. Người của nhà nước bảo hộ giữ giá, không làm những công việc có thể thuê người bản xứ. Cô Tỳ và cô Mỳ bán hàng, mẹ tôi đứng két và làm việc kế toán, cả ba đều biết tiếng Pháp đủ để giao thiệp với khách hàng tây đầm. Khách tây đầm mua vải mua lụa ở đây rồi giao cho các hàng thợ may người Việt. Cả Hà Nội không có hàng thợ may nào của người Pháp. Mẹ tôi nói ông Kevarah là người tốt, dân Pondicherry, một tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp. Bà nói có nhiều người từ tỉnh này sang ta làm ăn.

Năm 1954 trở về Hà Nội mẹ tôi mới biết hai cô Tỳ, Mỳ đã di cư vào Nam. Cũng từ đó không bao giờ tôi còn gặp lại hai cô nữa. Hà Nội khác trước, vắng vẻ hẳn. Mẹ tôi buồn, bảo có dễ đến nửa Hà Nội đã bỏ đi. Đến nhà những người quen cũ bà đều thấy cửa đóng im ỉm. Không ai nói cho mẹ tôi biết về số phận người hai bạn thân thiết cùng sở làm. Ông Kevarah cũng đi, ông bỏ đi Sài Gòn mở cửa hàng khác hay trở về Ấn Độ, không ai biết. Người ta bỏ đi vì sợ cộng sản. Mẹ tôi buồn không được gặp lại ông chủ. Bà kể ông Kevarah biết nhưng vờ như không biết vụ cha tôi vì hoạt động chính trị mà bị bỏ tù. Mỗi khi mẹ tôi xin nghỉ vài ngày thì không cần mẹ tôi nói lý do, ông bảo: “Công việc không gấp, bà để đấy làm sau cũng được”. Mẹ tôi đoán ông cũng là dân thuộc địa[2], nên ông thông cảm và ngấm ngầm ủng hộ cách mạng Việt Nam. Thế nhưng khi quân cách mạng về tiếp quản thành phố thì ông chạy.

Tôi không biết cha tôi làm ở đâu. Sáng sáng, sau bữa điểm tâm ông đứng trước gương, chải đầu, xức nước hoa, châm một điếu thuốc lá Camel, rồi ra khỏi nhà.

Trong tuổi thơ của tôi, ngôi nhà số 27 Bis Phố Nhà Rượu được ghi lại đậm nét trong trí nhớ.

Nó lớn hơn, sáng sủa hơn hẳn căn nhà hẹp ở phố Nhà Chung, với một khoảnh vườn tí xíu có mấy khóm hoa mào gà ở trước cửa, có phòng khách kiêm phòng ăn, và hai phòng ngủ. Đàng sau nhà là bãi đất hoang bát ngát đầy cỏ may và những bụi cây um tùm. Những bụi cây không tên như thế mọc lung tung ở những nơi con người không màng đến. Chỉ những nhà thực vật học mới biết tên những cái cây lăng nhăng ấy, tôi hỏi thì họ cũng chỉ gọi ra được cây này cây kia thuộc họ gì mà thôi. Đi theo đường mòn qua bãi hoang thể nào cũng bị hoa cỏ may bám đầy quần, nhặt không xuể. Hai bên đường có rất nhiều bụi cà dại trĩu chịt quả vàng quả đỏ rất đẹp, nhưng không ai hái. Người lớn nói chúng không ăn được. Đi hết khoảng đất rất rộng sẽ tới con đường dẫn tới đền Hai Bà, nơi có hai con rùa đá ở đàng trước. Tôi hay lang thang ra đấy để leo lên cổ con rùa nằm dưới gốc đa cổ thụ. Trước đền có một cái ao nước trong, có thể nhìn thấy những con cá đuôi cờ quanh quẩn bên những bụi súng. Hoa súng trắng chỉ thoang thoảng hương khi mới hái, hái xong là chúng chẳng còn mùi gì nữa.

Thời gian ở phố Nhà Rượu là thời gian sung sướng nhất trong tuổi thơ của tôi. Cha tôi tha về hằng ngày đủ thứ: nho, táo, lê… , cả bơ, phô mai. Chúng tôi chưa bao giờ được ăn những của lạ này. Ông làm công cho hãng Michaud, một hãng chuyên nhập cảng thực phẩm Pháp. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam, cửa hàng Michaud ở phố Tông Đản trở thành cửa hàng cung cấp đặc biệt cho các quan chức cấp cao (mới có câu: “Tông Đản là chợ vua quan, Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần”). Cả khi ấy, cả sau này tôi cũng không biết cha tôi hồi ấy làm công việc gì, kế toán hay người bán hàng. Cha tôi là người kiệm lời, tính ông thế.

Mẹ tôi bao giờ cũng là người dậy sớm nhất nhà. Tôi nằm ườn trên giường nghe tiếng mẹ lục cục xoong nồi trong bếp, tiếng người Ấn Độ giao sữa bấm chuông. Đó là một ông già đen nhẻm, gày đét và cao nhỏng, đầu chít khăn quấn thừng màu lục, sáng sáng đưa sữa đựng trongmột cái ấm sắt tây to bằng cái bình tưới cây, từ tốn và thận trọng rót dòng sữa trắng phau vào xoong cho mẹ tôi hứng.

Ông già Ấn Độ có một đàn bò đông đúc. Ông là chủ đàn bò hay chỉ là người chăn đắt, tôi không rõ. Cùng chăn bò với ông còn có một người trẻ hơn ông, thấp hơn ông, cũng quấn khăn màu lục, cũng quần cháo lòng ống thấp ống cao, y hệt ông. Họ lặng lẽ vung roi quật veo véo vào mông những con bò chậm chân. Đàn bò của hai người Ấn Độ có dễ tới bốn chục con. Chúng không phải một loại, mà to nhỏ đủ màu: đen, vàng, vá. Chúng đi rầm rập trên phố, mùi hôi sực nức phả vào mọi nhà, xe ô tô phải dừng lại nhường đường cho chúng. Chỗ ở của đàn bò là một bãi rộng ở đầu làng Thọ Lão cuối phố Lò Đúc. Tôi đã đi qua những chuồng bò ở đấy. Lũ bò sữa chen chúc nhau trong những cái chuồng có mái nứa che sơ sài, rằng chật hẹp, nhìn thông thống qua những thân cây nhỏ gá vào bốn cột. Không hiểu người ta vắt sữa thế nào từ những con bò bẩn thỉu ấy.

Phố Nhà Rượu không phải phố nhà giàu. Những ngôi nhà với cửa ra vào phơi ra mặt đường, bậc tam cấp thấp tè, đặc trưng cho phố người nghèo, người trung lưu bậc thấp, hoặc công chức hay tư chức hạng xoàng. Ở các phố nhà giàu nhà nào cũng có mảnh vườn nhỏ xíu trước cửa, có hàng rào sắt, có cửa sắt mở ra đường, trên đó dây tầm xuân, hoa phong lữ, hoa ti gôn nở tưng bừng.

Tôi được cắp sách đến trường lần đầu. Trường của tôi ở xa nhà. Tôi phải đi hết phố Jaquin, qua phố Harmand Rousseau có nhà bác cả tôi mới tới ngôi trường có sân rộng thênh thang ở phố Hàm Long. Nó tên là trường Triton, không biết có phải là Trí Tôn hay Tri Tôn tiếng ta được đặt thành tiếng Tây hay không tôi không rõ.

Tôi nhớ tiếng trống trường, nhớ ông loong-toong (planton) đã chùi nước mắt cho tôi rồi dẫn tôi vào tận lớp để giao cho một ông giáo mặc áo dài trắng, mặt bì bì, như lúc nào cũng bực mình với lũ học trò hiếu động. Tôi nhớ bài học tiếng Pháp đầu tiên có câu “Nos ancêtres sont les Gaulois” (Tổ tiên của ta là người Gô-loa) tôi nhai nhải đọc và bị cha tôi cho một cái cốc đau điếng vào đầu, còn mẹ tôi thì xoa chỗ đau cho tôi: “Có phải lỗi của nó đâu”. Tôi nhớ người bạn thân nhất của mình tên Chu Ngọc Huy, người đã dùng nắm đấm bé nhỏ lăn xả vào bảo vệ tôi khi tôi bị các bạn lớn hơn bắt nạt.Về sau tôi đã cố tìm lại bạn, nhưng không sao tìm lại được. Viết lại kỷ niệm này tôi vẫn hy vọng biết đâu rồi đây có người tình cờ đọc sẽ cho tôi biết bạn Huy của tôi còn sống không và nay ở đâu.

Cũng ở phố Nhà Rượu tôi được biết nhiều nhà cách mạng nổi tiếng sau này: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Duy Trinh, Bùi Lâm… Họ thường đến họp ở nhà tôi. Tôi. Chẳng ai để ý đến tôi nằm trên cái phản nhỏ ở phòng khách. Tôi nhớ nhất dáng đứng của ông Hoàng Quốc Việt. Người thấp, ông tựa lưng vào lò sưởi, tay xoay xoay cái mũ phớt, lẳng lặng nghe các bạn nói, rồi sau hết mới cao giọng phản bác. Ông Nguyễn Lương Bằng thì ngồi im trên ghế, suốt cuộc họp không nói câu nào. Ông Bùi Lâm không nói thì thôi, đã nói thì hùng hồn, pha rất nhiều tiếng Pháp.

Bà ngoại tôi gặp họ vài lần, nhận xét: “Không hiểu sao bố mẹ cháu lại chơi với hai cái anh này (Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt). Tướng xấu lắm. Không phải người tốt”. Hoá ra bà tôi đúng. Hai người này khi đã leo lên những địa vị cao không bao giờ còn lai vãng nhà tôi nữa. Cha mẹ tôi không giận họ. Hai ông bà có cái nhìn rạch ròi trong quan hệ - đồng chí và bạn. Cùng đi với ông bà trên đường cách mạng, họ là đồng chí, nhưng không hiển nhiên là bạn. Vì thế mà ông Nguyễn Văn Tiến, biệt hiệu Tiến Cố, một thời là đảng viên đảng cộng sản Pháp, rồi chuyển sang đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, rồi bị chính quyền cộng sản bỏ tù vì bỏ đảng theo Thiên Chúa giáo, vì có quan hệ mật thiết với các chủ chăn mà chính quyền nghi ngờ nhưng không bỏ tù được, mãi mãi là bạn của gia đình tôi. Về những người như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt có nhiều chuyện để kể nếu viết riêng từng người, trong trường hợp có thời giờ.

Thời giờ thì sẵn, nhưng hứng thú thì không.

Hàng xóm nhà tôi là một nhà Pháp đặc, cả vợ cả chồng. Gia đình Pháp này là duy nhất trong cả phố. Sáng sáng họ đi bộ tới sở, hoạ hoằn mới gọi xe tay. Xem ra họ cũng nghèo, gia cảnh chẳng hơn người bản xứ cùng phố. Ra cửa mà gặp cha tôi hay mẹ tôi là hai vợ chồng nọ liền túm lấy trò chuyện ríu rít. Họ vui sướng ra mặt khi có hàng xóm biết tiếng Pháp.

Người Pháp nghèo thường là người đảo Coorse, ta gọi là Tây Cọoc. Tây Cọoc làm công việc chân tay trong các xưởng máy, cửa hàng của người Pháp gốc, hoặc làm lao công trong các công sở, may mắn lắm thì được làm cảnh sát hoặc cai tù. Nghèo thì nghèo, Tây Cọoc vênh váo còn hơn Tây thật, không bao giờ làm thuê cho người Việt. Hai vợ chồng nhà này là người vùng Bretagne, không biết làm nghề gì, lại nghèo, cũng là sự lạ, cha mẹ tôi nhận xét.

Jeanette - đứa con gái nhà Tây rất xinh. Nó có mái tóc vàng rơm, mắt như hai hòn bi ve, hiếu động, nghịch như quỷ sứ. Vợ chồng người Pháp không cấm con gái chơi với tôi. Vào thời gian ấy tôi chẳng có đứa nào cùng tuổi ở gần nhà để làm bạn. Tuy nó Tây, tôi ta, nhưng hai đứa rất hiểu nhau nói gì. Tôi có chút tiếng Tây mẹ dạy, Jeanette có chút tiếng ta tôi dạy, thế là đủ cho sự giao tiếp giữa hai đứa. Chúng tôi hết chơi rải gianh thì ô ăn quan, chán nhảy lò cò thì oẳn tù tì ra cái gì ra cái này. Mấy trò này chẳng cần ai dạy, thế mà đứa trẻ nào cũng biết. Jeanette có một con ngựa gỗ sặc sỡ, khi nào yêu tôi lắm nó mới cho tôi cưỡi một lúc. Tôi nắm chặt hai cái tai gỗ của con ngựa bắt nó đung đưa thật lực, cho đến khi bổ nhào. Nó đứng bên xem tôi phi, vỗ tay đôm đốp, thấy tôi ngã thì ré lên cười ngặt nghẽo.

Tình bạn của tôi và Janette kéo dài không lâu.

Hai năm sau, gia đình Pháp dọn đi.

Khi đồ đạc đã chất lên hai cái xe bò kéo và hai vợ chồng Tây đã yên vị trên hai xe tay thì Jeanette đã ngồi bên mẹ bỗng nhảy bổ xuống, tất tả chạy lại ôm lấy tôi, ôm chặt, nước mắt đầm đìa. Rồi nó bất thình lình nó khóc to, nó gào. Tiếng khóc Tây của nó không khác gì tiếng khóc ta. Tôi cũng ôm Jeanette không rời, cũng nấc lên, nước mắt ròng ròng. Nhưng tôi không dám khóc thành tiếng vì sợ mẹ tôi thấy. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, bà cấm tôi không được khóc bất kể vì cớ gì.

Nghe bố mẹ ồi ồi giục lên xe, Jeanette vội vã hôn tôi tới tấp lên mặt tôi, rồi môi tôi. Miệng nó mềm và thơm, pha vị mặn của nước mắt.

Đó là cái hôn đầu đời mà tình bạn cho tôi.

Không bao giờ tôi còn gặp lại Jeanette nữa.

Cũng chẳng bao giờ tôi quên được cô bạn gái bé nhỏ của mình.



[1] Làng Tây là cách gọi người Việt có quốc tịch Pháp.

[2] Khi người Anh hoàn toàn chiếm được Ấn Độ vào cuối những năm 1850, các vùng Pondicherry, Mahe, Yanam, Karaikal và Chandernagor vẫn là một phần Ấn Độ thuộc Pháp.