23 septembre 2018

THƯƠNG TIẾC BÁC DƯƠNG DANH DY

Đào Tiến Thi

Tang lễ chiều 19/9/2018 tại nhà tang lễ BV 354 (Hơi lạ: người ta chỉ ghi "Cụ Dương Danh Dy". Đâu phải cụ không có một chức danh nào?)
Khoảng từ giữa năm 2009, tôi mới biết Trung Cộng là kẻ thù nguy hiểm (trước đó chỉ mới biết Trung Cộng “xấu bụng” thôi). Hai người khai sáng đầu tiên cho tôi là bác Tống Văn Công (cựu binh chống Pháp, cựu Tổng biên tập báo Lao động) và bác Dương Danh Dy (cựu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc) với những bài viết đăng trên mạng. 



Những năm ấy (2009 – 2013), tôi hay trò chuyện với một vị giáo sư nọ và tôi thường nhắc đến các bài viết của Dương Danh Dy, mỗi lần thế, vị giáo sư đều bảo: “Mấy cậu an ninh họ vẫn nhắc ông Dương Danh Dy rằng “bác đi đường cẩn thận” (ý rằng mật vụ Trung Cộng có thể làm hại ông vì ông hay viết bài chống Trung Cộng). 
Tôi rất ngạc nhiên, sao ngành công an không bảo vệ được an toàn cho công dân của mình ngay trên chính đất nước mình mà lại phải nhắc nhở công dân như thế. Tôi vẫn định bụng khi nào có dịp gặp bác Dương Danh Dy sẽ xác nhận điều này. Thế nhưng có một lần gặp thì tôi lại quên khuấy đi mất.
Tôi nhớ khoảng đầu 2014 có một cuộc tưởng niệm và toạ đàm nhân dịp 40 năm mất Hoàng Sa (1974 – 2014) do Viện SENA và Minh triết tổ chức tại 35 Điện Biên Phủ. 

Nhà nước lúc đó có nới lỏng các hoạt động của các tổ chức dân sự. Cho nên cuộc tưởng niệm và toạ đàm hôm ấy có cả người của “lề giữa” và “lề phải” tham gia. Có nhà báo “lề phải” đến quay phim và đưa tin. 
Hôm ấy bác Nguyễn Khắc Mai, GĐ. Trung tâm Minh Triết Việt còn trao quà tặng cho chị Huỳnh Thị Sinh, quả phụ của Thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo của Hải quân Việt Nam Cộng hoà, người đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974.
Sự có mặt của bác Dương Danh Dy khiến mọi người ngưỡng vọng, trông chờ vào phát biểu của bác, bởi bác vừa là nhà ngoại giao, vừa là nhà nghiên cứu sắc sảo, trung thực về Trung Quốc. 

Bác lại là thế hệ cao tuổi, đã mục kích không biết bao nhiêu sự kiện trong mối bang giao phức tạp này. Nhưng trái với sự trông đợi, bác nói khá chung chung. Tôi chỉ nhớ một câu “được” nhất: “Cái Công hàm ấy (Công hàm 1958), nếu không được Cụ Hồ đồng ý thì đến bố ông Phạm Văn Đồng cũng chả dám ký”.
Tôi đoán: chắc trước khi đến đây bác đã bị “quán triệt” rồi. Tôi giơ tay xin phát biểu. Tôi phản ứng lại bác, rằng thế hệ như các bác mà không nói hết ra các chuyện thì thế hệ sau biết làm sao mà gỡ? 

Ngay sau đó bác lại chỗ tôi, gọi tên tôi như đã thân quen từ trước: “Này Thi, ra đây tao bảo”. Tôi theo bác ra ngoài. Bác nói một hồi. Đến bây giờ thực sự tôi cũng không nhớ vì nó không thật sự ấn tượng. 
Đại ý, có rất nhiều việc nó phức tạp lắm, không như mọi người nghĩ, nói ra rất dễ hiểu sai đi. Tôi đọc được nỗi khổ tâm của bác nên không nói, không hỏi gì thêm.
Hôm nay tiễn đưa bác, đọc lại một số bài viết của bác, chỉ bấy nhiêu thôi, đã đủ thấy tầm vóc của bác lớn lao biết chừng nào. Cho nên dù bác chưa thể nói hết ra thì bác vẫn rất đáng được kính trọng và biết ơn.
(Tối 19-9-2018)