11 septembre 2018

TRẮNG ĐEN TIẾNG VIỆT CÔNG NGHỆ...








Vấn đề Tiếng Việt- chữ Việt
 
Tiếng Việt, được giáo sĩ Alecxandre de Rhodes, mã hoá âm thanh bằng chữ viết, thông qua ký tự chữ cái Latin, vào năm 1651. Tiếp nối, các thế hệ tinh hoa người Việt, hoàn thiện chữ Việt (chữ Quốc ngữ). Và, truyền bá thông tỏ, từ xưa đến nay.
Có hai cách tiếp cận- học Tiếng Việt:
- Cách truyền thống: đi từ Chữ đến Âm, tức là từ chữ cái, ghép vần, đánh vần, phát âm thành Tiếng (từ cụ thể đến trừu tượng- hợp với quy luật nhận thức).
- Cách CNGD: đi từ Âm đến Chữ- ký gửi âm vào khối cục (tròn, vuông, tam giác), rồi bẻ âm ra tìm chữ; thô thiển, kỳ quái hoá cách dạy TV. Đổi mới theo kiểu áo lật trái, ngược chiều truyền thống, ngược chiều tư duy (từ trừu tượng đến cụ thể).

Hiệu quả của cách dạy truyền thống đã rõ: gần bốn thập kỷ qua, các thế hệ người Việt đã làm chủ tiếng nói, chữ viết của mình. Tự tin, giao lưu, hội nhập với thế giới.
Còn cách dạy TV của CNGD, mới từ thực nghiệm, đang thí điểm. Chưa được xã hội hoá, chưa kiểm chứng qua thời gian, như cách dạy truyền thống. Trong khi đó, lại lách luật, cưỡng bức gần một triệu học sinh phải học. Vì thế, tất yếu, nhân dân sẽ phản ứng, phẫn nộ...
Giáo dục phải luôn đổi mới, đó quy luật. Nhưng cách dạy TV truyền thống, không phải lạc hậu tới mức phải quyết liệt thay đổi. Mặt khác, Tiếng Việt CNGD, chưa phải một phát minh vĩ đại, cần phải thay thế ngay cách dạy truyền thống...Tác giả CNGD muốn xây núi Thái sơn, đã cố ý phủ nhận thành tựu, tinh hoa của tiền nhân. Nói trắng ra: "Tác giả CNGD khinh bỉ giáo dục truyền thống" (nhận định của GS.Trần Đình Sử, trên Fb).

Hiện tượng vi pháp
 
- Chương VI, điều 93 Luật giáo dục ghi rõ: "Nhà trường có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục". Trong khi đó, tác giả CNGD cho rằng dạy TV chỉ độc tôn vai trò GV, không cần đến gia đình. Điều này, trái với Luật GD, vừa trái với quy luật truyền bá tiếng nói, chữ viết của nhân loại. Thường là: từ gia đình, đến nhà trường, trong sự thuận chiều, đồng hướng.
- Bộ GD- ĐT, đã cố tình lách luật, vi phạm Nghị quyết 40/2000/NQ- QH10 của Quốc hội (ngày 9/12/2000). Nghị quyết chỉ rõ: từ lớp 1 đến lớp 12, " đều thực hiện chương trình và SGK mới" (tức SGK hiện hành), nghĩa là không phải sách TV lớp 1- CNGD, núp bóng thí điểm như hiện nay.
 
Chiêu kế triển khai
 
Để triển khai, dạy sách CNGD, được rộng khắp, những người chỉ đạo đã dùng chiêu kế: dụ dẫn bằng tiền và uy hiếp tinh thần.
- Về kinh tế: họ dùng chiêu bán sách độc quyền, như đã ăn sách VNEN nhiều năm nay. Từ trường học đến phòng GD, đăng ký về Sở, Sở đăng ký số lượng về Bộ, Bộ phân phối sách. Đó là con đường ngầm, để ăn chia dưới dạng hoa hồng (một kiểu thông đồng lợi ích nhóm). Sở nào có đông hs học theo CNGD, mua sách nhiều, số tiền sẽ tỉ lệ thuận. Đó là một lý do, để Giám đốc các Sở GD, mở cửa trường học cho VNEN và cho CNGD tràn vào. Xin thưa, số tiền này rất khủng, ví như năm nay: 472.000đ/bộ . 800.000 hs = 338 tỉ đồng (nguồn Giao duc.net.vn).
- Về tư tưởng: họ áp đảo những ai không ủng hộ CNGD, cho là không hiểu biết, không có tư duy đổi mới. Nhiều người sợ bị quy chụp, nên chấp nhận, làm theo...
Thế nên, mặc cho dân tình phản ứng, đến mức gào thét, cuộc thí điểm cứ ngang nhiên cày xéo trên cánh đồng giáo dục.

Chúa Xuân đâu hỡi?
 
Xưa kia, Nguyễn Đình Chiểu, khi nhân dân bị giặc giày xéo, đã thốt lên: "Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông/ Chúa Xuân đâu hỡi có hay không?". Lúc này đây, nhân dân cũng đang ngóng về phía Ba Đình, nơi có Chính phủ kiến tạo, hành động...đang bất động.
Được biết, Thủ tướng đang đến Kon Tum, chỉ đạo trồng Sâm Ngọc Linh. Trong khi, Bộ GD- ĐT đang trồng thí điểm hàng triệu con người. Nhân dân đang gào thét, phẫn nộ, mà CP vẫn đứng ngoài cuộc. Sao vậy? Thưa ông Nguyễn Xuân Phúc?


* Hiện đang có xu hướng quy chụp: những ai phản đối CNGD là ngu dốt, không hiểu biết, để thủ tiêu phản biện. Xin cảnh giác!