14 septembre 2018

Vai trò và sự chọn lựa chỗ đứng của người trí thức




Câu chuyện ông Trần Huỳnh Duy Thức không chỉ cho thấy vấn đề tù nhân lương tâm, tình trạng vi phạm nhân quyền hoặc thân phận trí thức dưới chế độ cộng sản, mà còn cho thấy một vấn đề lớn hơn và có tính xã hội rộng hơn: vai trò và sự chọn lựa chỗ đứng của người trí thức. 

Nói đến (hầu hết) trí thức ngày nay, phải nén lại để không phải hắt ra một tiếng thở dài! Trong một bài báo, nhà thơ Trần Tiến Dũng viết: “Hàng giờ chỉ cần chạm vào smartphone, mở web, vào mạng xã hội thì hẳn rằng các trí thức, nghệ sĩ có lương tâm không thể trốn chạy trước khối lượng thông tin về các vấn nạn thời cuộc chính trị-xã hội đang diễn ra khắp đất nước; có thể số đông thường dân chọn giấu mặt, im tiếng an thân nhưng nếu ai đó ý thức mình là trí thức-nghệ sĩ đích thực… thì sao có thể chọn tự cắt đầu trí thức, tự phế bỏ lương tri, tự biến thành sỏi đá trước vận mệnh dân tộc mà đứng ngoài thời cuộc chính trị?”… Cũng trong bài báo, ông Trần Tiến Dũng gọi “trí thức tránh né” là những người “tự chọn mình làm phế nhân”. 


Nhắc lại nhận xét của ông Trần Tiến Dũng để thấy rằng sự chọn lựa “không làm phế nhân” của những người như ông Trần Huỳnh Duy Thức đáng trân trọng như thế nào. Nó đáng trân trọng bởi không ai sống trong chế độ này mà không ý thức được rằng sự chọn lựa “không làm phế nhân” luôn có thể biến mình thành tù nhân bất cứ lúc nào. Cách đây hơn 10 năm, khi mạng xã hội chỉ là một không gian chật hẹp giới hạn ở các trang blog, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã nỗ lực đục thủng màn đêm để soi rọi ánh sáng tri thức vào các góc tối thời cuộc, như một người trí thức có lương tri đúng nghĩa. Ông không là người đi đầu trong việc nói lên thực trạng đất nước nhưng ông là người tiên phong trong việc phác họa những gì cần làm để đi tới tương lai.

Ông hắt những hạt mầm hy vọng lên mảnh đất vô vọng gần như tuyệt đối. Ông không nguyền rủa bóng đêm chế độ. Ông nỗ lực chỉ ra những sai lầm để các vấn đề thâm căn cố đế vẫn có thể được gỡ ra nhằm phát quang con đường dẫn đến một cuộc phát triển sáng lạn cho đất nước nói riêng và dân tộc nói chung. Bằng việc phác thảo “Con đường Việt Nam”, ông trên hết là một người Việt Nam chân tín, với tâm ý chân thành và lương tri chân chính. Ông chẳng là nhà đấu tranh gì cả. Ông không là nhà dân chủ gì cả. Ông chỉ là một trí thức Việt Nam, một trí thức hiếm hoi trên một đất nước mà nhiều “nhà trí thức” từ lâu đã tự “cắt đầu” biến mình thành phế nhân để không phải bận tâm đến thời cuộc.

Trí thức làm gì với thời cuộc? Một người bạn, anh Tuấn Khanh, đã đặt câu hỏi này với tôi rất nhiều lần. Tôi không thể trả lời một cách chính xác và đầy đủ nổi. Khi mà một cái “like” thôi cũng khiến người ta sợ hãi chùn tay thì bàn về trí thức với thời cuộc e rằng còn rất xa vời. Có điều, tôi (và chắc chắn nhiều người khác nữa), biết rằng, nếu im lặng vẫn được xem là “thái độ” “đúng” đối với trí thức đứng trước thời cuộc thì dân tộc này sẽ không chỉ chìm trong bóng tối. Nó sẽ bị diệt vong.