13 septembre 2018

Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại


Hồng Thủy
 

(GDVN) - Thầy Nguyễn Lân Hiếu cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau tranh luận về Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ông quyết sẽ lôi ra ánh sáng


Báo Điện tử Zing.vn ngày 10/9 có bài phỏng vấn với tiêu đề "Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu: Có lợi ích nhóm sau tranh luận về Giáo sư Hồ Ngọc Đại". Zing.vn cho biết:

Ông quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ giáo dục và Trường thực nghiệm, cũng như để độc quyền sách giáo khoa.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với mong muốn làm sạch môi trường giáo dục nước nhà của thầy Nguyễn Lân Hiếu, nhưng không chỉ dừng ở đằng sau cuộc tranh luận về Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự tồn tại và tung hoành của những nhóm lợi ích núp đằng sau những dự án, những cuốn sách giáo khoa mấy chục năm qua, rất cần những Đại biểu Quốc hội cương trực, thẳng thắn như thầy Nguyễn Lân Hiếu lên tiếng. 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục cung cấp thông tin và trao đổi thêm về những nhóm lợi ích mà thầy Nguyễn Lân Hiếu đã đặt vấn đề. 




Giáo dục Việt Nam 40 năm vẫn loay hoay cách đánh vần tiếng mẹ đẻ


Những tranh luận về cách đánh vần Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vừa qua đã cho thấy một thực trạng, suốt 40 năm qua ngành giáo dục nước nhà vẫn đang loay hoay với cách dạy đánh vần tiếng mẹ đẻ cho trẻ em.



Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu về nội dung thầy chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây 6 tháng, nhưng chưa có câu trả lời:

“Tại sao một đề tài 40 năm mà sao chưa có kết luận thành công hay thất bại?”. [1]

Đây cũng là điều Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trăn trở, nhiều lần đặt vấn đề với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ trưởng, nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời.

40 năm, biết bao nhiêu tiền của từ ngân sách nhà nước cũng như túi tiền người dân phải bỏ ra cho mô hình công nghệ giáo dục, đã mang lại kết quả gì ngoài Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà đến tận bây giờ, vẫn nhiều người thấy lạ?

Về độc quyền sách giáo khoa, rất mong thầy Lân Hiếu lưu tâm tìm hiểu và góp phần làm rõ xem tại sao chương trình - sách giáo khoa 2000 tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD [2], vừa làm xong đã phải làm lại?

Chương trình sách giáo khoa mới với 80 triệu USD, ngoài ra còn 100 triệu USD đi vay để đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sẽ có tuổi thọ cam kết trong bao nhiêu năm?


Tại sao lại để những đứa trẻ còn học mẫu giáo đã phải đăng ký mua Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục qua ngành giáo dục, nếu không sang năm sẽ không có sách học? [3]

Về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, rất mong thầy Nguyễn Lân Hiếu, Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm hiểu và cho dân chúng câu trả lời, đó là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, hay sở hữu cá nhân hoặc tập thể?

Quyền sở hữu và sử dụng, khai thác tài liệu này được quy định như thế nào? Bởi lẽ, thầy Hồ Ngọc Đại đã sử dụng ngân sách, tài nguyên của nhà nước và đội ngũ nhân sự do nhà nước trả lương để nghiên cứu mà có.

Vậy thì việc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục, một doanh nghiệp tư nhân đang độc quyền khai thác tài liệu này cùng các tài liệu ăn theo khác, có trái pháp luật không?

Đặc biệt là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học đứng ra giúp doanh nghiệp tư nhân này bán cho 800 ngàn học sinh trên cả nước là đúng hay sai, những ai được hưởng lợi và đó có phải nhóm lợi ích hay không?

Ngày 8/9, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã có cuộc giao lưu chia sẻ với báo giới về những ồn ào vừa qua. Báo Viettimes dẫn lời thầy Hồ Ngọc Đại cho biết:

Thời gian qua, nhiều người cho rằng ông muốn duy trì Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục để kiếm tiền bản quyền, nhưng thực chất ông "đã cho không Bộ giáo dục Đào tạo từ hơn 10 năm trước rồi".

Ông nói rằng chưa bao giờ hối hận về việc này. [4]


Nếu đúng, hiện nay thầy Hồ Ngọc Đại đang nắm bao nhiêu cổ phần?


Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có phải giải pháp cho nền giáo dục nước nhà?


Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Zing.vn, thầy Nguyễn Lân Hiếu cho biết: 

"Năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại."

Chúng tôi cũng từng đọc được thông tin này trên Báo Tiền Phong, ghi lại lời thầy Hồ Ngọc Đại. 

Ảnh chụp màn hình bài báo trên Báo Tiền Phong năm 2013 có thông tin nói trên.

Nhưng chúng tôi không thể tìm thấy kết quả sau khi sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại, thì bao nhiêu trong tổng số 650 ngàn học sinh này đã vượt qua được kỳ thi cuối năm lớp 1 môn Tiếng Việt?

Nếu không có số liệu cụ thể để so sánh đối chiếu, thì khẳng định rằng Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vượt trội hơn hẳn các tài liệu khác, e rằng khó thuyết phục.

Thông tin đáng chú ý tiếp theo, thầy Nguyễn Lân Hiếu cho biết:

"Năm 2006, ngành giáo dục phát hiện nạn "ngồi nhầm lớp" diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số". 

Chúng tôi không rõ ý thầy Hiếu có phải vì nạn "ngồi nhầm lớp" được phát hiện ra năm 2006 nên Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lại được quay trở lại giúp các học sinh sáng học lớp 6, chiều học lại lớp 1 hay không?

Nếu quả thực như vậy, thì vẫn câu hỏi cũ là có bao nhiêu học sinh "ngồi nhầm lớp" đã biết đọc, biết viết sau khi học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục?

So với cách dạy Tiếng Việt hiện hành thì tỉ lệ đọc thông viết thạo của các em "ngồi nhầm lớp" học lại Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, là lớn hơn, nhỏ hơn hay bằng nhau?

Đấy là chưa kể, công văn trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng như Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có đề tài nào có tên như vậy.

Năm 2004 thầy Hồ Ngọc Đại có tham gia đề tài "Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc" do Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Riệp làm chủ nhiệm đề tài.

Thời gian triển khai từ tháng 5/2004 đến tháng 8/2006, thời gian nghiệm thu được gia hạn thêm 12 tháng, đến tháng 8/2007, điều chỉnh chủ nhiệm đề tài và một số thành viên, kinh phí thực hiện là 130 triệu đồng.

Kết quả của đề tài này là 3 cuốn sách học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho học sinh, sách Thiết kế Tiếng Việt lớp 1 (2 tập) cho giáo viên và tài liệu bồi dưỡng giáo viên.

Đề tài này được nghiệm thu bởi hội đồng do Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào làm Chủ tịch Hội đồng. 

Thầy Nguyễn Kế Hào là thành viên nhóm nghiên cứu Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, từng làm một đề tài nghiên cứu về Công nghệ giáo dục được nghiệm thu năm 1994;

Dư luận biết đến sự kiện thầy Nguyễn Kế Hào "cáo quan" năm 2001, sau này thầy về làm Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục mà thầy Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chỉ có duy nhất đề tài này, do thầy Nguyễn Kế Hào làm Chủ tịch Hội đồng, là được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cung cấp kết quả nghiệm thu lẫn kinh phí.

Các đề tài khác chỉ có tên gọi, mã số và năm nghiệm thu.

Quay trở lại với thực tại, chúng tôi không rõ liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có giúp gì được các lớp 1 có sĩ số 68, 69 em một lớp ở nội đô Hà Nội năm nay chăng?

Tranh luận cách đánh vần tiếng mẹ đẻ không giải quyết được những vấn đề bức bách của giáo dục phổ thông và mầm non hiện tại, ảnh minh họa. VTV.vn.

Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, đánh vần tiếng mẹ đẻ không phải vấn đề cấp thiết và bức bách của giáo dục hiện nay.

Còn rất nhiều vấn đề nổi cộm khác cần sự quan tâm thích đáng của chính sách lẫn dư luận.

Chúng tôi hoàn toàn không nghi ngờ kết quả của Trường Thực nghiệm mang lại. Nhưng mô hình ấy có phù hợp với đại trà hay không, là câu chuyện hoàn toàn khác.

Trường Thực nghiệm được nhà nước ưu tiên đầu tư mọi mặt, từ cơ sở vật chất tốt nhất cho đến đội ngũ giáo viên giỏi nhất lúc đó, cơ chế lại cởi mở và thoáng nhất.

Được biết Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và phu nhân - Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Hòa Bình đều từng là giáo viên Trường Thực nghiệm.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại triển khai đại trà được Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nhưng thầy có mang theo được điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chính sách ưu đãi đặc biệt của Trường Thực nghiệm đến các trường khác hay không? 

Câu trả lời có lẽ là không.

Và chúng tôi cho rằng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những đánh giá sai biệt về Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của học sinh, cựu học sinh Trường Thực nghiệm với các cơ sở giáo dục khác.

Thầy Ngô Bảo Châu từng đi nhiều nơi, từng đến Lũng Luông xây trường, có lẽ hơn ai hết thầy sẽ hiểu được sự khác biệt giữa Trường Thực nghiệm với các trường vùng sâu vùng xa.


"Mảnh đất vàng" Trường Thực nghiệm Liễu Giai


Thầy Nguyễn Lân Hiếu được Zing.vn dẫn lời cho biết:

"Tôi tôn trọng sự tranh luận nhưng tôi cũng quyết "lôi ra ánh sáng" nếu có những lợi ích đằng sau việc xóa sổ Công nghệ Giáo dục với ngôi trường ở "mảnh đất vàng" Liễu Giai, Hà Nội; hay phục vụ mục đích độc quyền bán sách giáo khoa ở Việt Nam."

Riêng việc làm rõ mục đích bán sách giáo khoa độc quyền ở Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ, thậm chí mong muốn được đồng hành cùng thầy Nguyễn Lân Hiếu để làm rõ việc này.

Còn về ngôi trường ở "mảnh đất vàng" Liễu Giai, chúng tôi cũng xin mạn phép cung cấp thêm thông tin để thầy Nguyễn Lân Hiếu cũng những ai quan tâm, tiện theo dõi và tìm hiểu.

Diễn từ nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh của Giáo sư Hồ Ngọc Đại năm 2009 viết rằng:

"Sau một năm đưa Phương án Công nghệ giáo dục về địa phương, được các địa phương thừa nhận là có hiệu quả và đầy hứa hẹn. Lúc đó, Trường Thực nghiệm cũng đã phát triển vững chắc.

Phó thủ tướng thường trực Đỗ Mười mời tôi lên, cho phép xây dựng cơ sở vật chất thật khang trang, hiện đại và mẫu mực, trên 40.000 m2 đất (nếu cần, Phó Thủ tướng cho phép tôi sang Cu-ba chọn mẫu).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Trần Vỹ trực tiếp chọn địa điểm rồi giao cho Công ty tư vấn và thiết kế xây dựng Hà Nội, thuộc Sở xây dựng Hà Nội, lập dự án thiết kế.

Ủy ban kế hoạch nhà nước và Bộ tài chính trực tiếp cấp kinh phí..."

"...Xây dựng 10 năm, đến ngày 31 tháng 12 năm 1999, tôi trồng xong cây cuối cùng thì nghỉ quản lý.

Khu đất 20.000 m2 vuông vức, có hai mặt tiền liền nhau ở ngã tư, mặt dài 150m men theo vỉa hè đường Liễu Giai, năm 2006 được bầu là đường đẹp nhất Việt Nam."

"...Khu đất "vàng" đã có sổ đỏ, với những công trình xây dựng khang trang, thấy thế nhiều người phấp phỏng lo cho chúng tôi: Khu đất đẹp như một cô gái đẹp, đẹp lộng lẫy, đẹp hơ hớ thế kia, coi chừng..."

Như vậy, mảnh đất "vàng" làm Trường Thực nghiệm ở Liễu Giai là tài sản nhà nước, các công trình xây dựng trên đó cũng do ngân sách nhà nước cung cấp.

Năm 1999 thầy Hồ Ngọc Đại "nghỉ quản lý" ở tuổi 63.

Chúng tôi được biết, năm 1996 trên cương vị Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục, thầy Hồ Ngọc Đại đã hợp tác với một Việt kiều Mỹ mở Trường Quốc tế Hà Nội trong khuôn viên mảnh đất "vàng" này.

Nghỉ quản lý Trung tâm Công nghệ giáo dục từ năm 1999, nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn nắm quyền đại diện phía Việt Nam trực tiếp điều hành Trường Quốc tế Hà Nội đến năm 2002 trên cương vị Tổng giám đốc.

Báo Nhân Dân ngày 23/3/2006 dẫn lại bài báo trên An ninh Thủ đô, cho biết:

Sau 2 năm hoạt động, liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội đã nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đình Hoan (Việt kiều Mỹ) và Tổng giám đốc Hồ Ngọc Đại.

Hai bên liên tục gửi đơn thư kiện cáo đến nhiều cấp, ngành và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị can thiệp thay đổi người quản lý liên doanh. [5]

"Ngày 9/1/2006, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chính thức về kết quả thanh tra tại Công ty liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội. Theo như bản kết luận này, hàng loạt sai phạm ở đây bước đầu đã được làm rõ. 

Cho đến nay, sau 9 năm hoạt động, trường vẫn chưa có quy chế hoạt động, chương trình giảng dạy được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. 

Trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, quản lý Nhà nước về giáo dục và trách nhiệm thuộc về nhà trường.

Theo như quy định của giấy phép đầu tư thì trường chỉ được phép đào tạo con em người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Nhưng qua 9 năm hoạt động, trường đã đào tạo 100 học sinh Việt Nam và đến thời điểm kiểm tra, trường vẫn còn 16 học sinh Việt Nam tuyển sinh trước đây đang tiếp tục theo học...", theo Báo Công an Nhân dân ngày 24/3/2006. [6]

Năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều đã phải trực tiếp có ý kiến về vụ kiện cáo này. [7] [8]

Cho đến hiện nay, Trường Quốc tế Hà Nội vẫn là liên doanh giữa Trung tâm Công nghệ giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) với đối tác nước ngoài.

Do đó khi tìm hiểu về các nhóm lợi ích muốn thâu tóm "mảnh đất vàng" Trường Thực nghiệm, rất mong thầy Nguyễn Lân Hiếu quan tâm tìm hiểu thêm về liên doanh này và việc thầy Hồ Ngọc Đại đã nghỉ quản lý, nhưng vẫn nắm trường quốc tế.

Và quan trọng hơn nữa, việc cắt đất Trường Thực nghiệm / Trung tâm Công nghệ giáo dục để làm Trường Quốc tế Hà Nội có phục vụ gì cho việc thực nghiệm Công nghệ giáo dục chăng? Hay chỉ đơn thuần là làm kinh tế? Những ai được hưởng lợi từ liên doanh này?


Nguồn:

[1]https://news.zing.vn/pgs-nguyen-lan-hieu-co-loi-ich-nhom-sau-tranh-luan-ve-gs-ho-ngoc-dai-post875574.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-quy-luat-bat-thuong-qua-3-lan-thay-sach-giao-khoa-post186972.gd

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-mau-giao-da-phai-dang-ky-mua-sach-Cong-nghe-giao-duc-cua-GSHo-Ngoc-Dai-post171823.gd

[4]https://viettimes.vn/8-phat-ngon-an-tuong-cua-gs-ho-ngoc-dai-trong-buoi-gap-go-bao-chi-302992.html

[5]http://www.nhandan.com.vn/phapluat/item/6977402-.html

[6]http://cand.com.vn/Xa-hoi/Vi-sao-Cong-ty-lien-doanh-truong-Quoc-te-Ha-Noi-bi-khoi-to-17105/

[7]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=330&mode=detail&document_id=30697

[8]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=169&mode=detail&document_id=47280


Hồng Thủy
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ve-loi-ich-nhom-dang-sau-tranh-luan-xung-quanh-Giao-su-Ho-Ngoc-Dai-post189673.gd