04 octobre 2018

Những khoảng còn trống trong việc nhất thể hóa


Tô Văn Trường

Có vị trưởng thượng sau khi đọc bài “Nhất thể hóa” trên blog của nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên tổng hợp 3 bài viết của Huy Đức, Nguyễn Minh Nhị và Tô Văn Trường nhận xét như sau : “KD bình luận rất chuẩn xác các tác giả đều là những người tâm huyết với vận mệnh dân tộc. Các bài viết, như những tiếng nói đầy tinh thần trách nhiệm xã hội với Quốc gia đang trong cơn bĩ cực, mong chờ hồi … thái lai.”  Riêng tôi, có câu hỏi với Trường nếu bạn không phải đảng viên, là nhà nghiên cứu độc lập được nói hết suy nghĩ của mình , không sợ bị "chụp mũ" thì việc nhất thể hóa như cách làm hiện nay đã đủ an tâm chưa? Vì sao? và nên có giải pháp căn cơ nào để đất nước thực sự không bị trầm luân?”  


Để trả lời cho câu hỏi nói trên, trước hết phải nói rằng bản thân tôi khi cầm bút dấn thân vào phản biện xã hội đã luôn tự nhủ phải là chính mình, chỉ có 1 tôn chỉ mục đích tôn trọng sự thật, luôn đặt quyền lợi của đất nước của dân tộc lên trên tất cả, đi giữa đường hát cho đồng bào tôi nghe. Tôi cũng như Anh Bảy Nhị là đảng viên, không thể nào "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" như cái mũ "thời thượng" người ta hay chụp lên đầu nhau! Cha tôi là đảng viên từ thời kháng chiến chống Pháp, cả cuộc đời đi theo Đảng của Bác Hồ trước khi mất ông còn cầm tay tôi dặn dò : ”Không có Đảng và Nhà nước này đào tạo, thì không có con được trưởng thành như ngày nay” vv… 

Đúng như tâm sự của Anh Bảy, khi vào Đảng chúng ta đã tuyên thệ, mặc dù cuối cùng, sống trong xã hội đầy nhiễu nhương như con cá khi đã dính lưới rồi thi càng giẫy vùng càng bị quấn chặt. Tình cảm đôi khi thấy lúng túng  như chú Ruồi Trâu của Ethel Lilian Voynich! Nhưng không ân hận, "sám hối", ngược lại còn tự hào là khác. Và, tuyệt nhiên không có đặt vấn đề "giá như"!  

Trở lại câu hỏi của vị trưởng thượng nói trên, tôi đã tìm hiểu theo lịch sử Việt Nam, các triều đại đều khởi đầu rất huy hoàng nhưng vì cơ chế chọn người kế vị bó hẹp trong dòng tộc, con trưởng mà càng ngày người kế vị càng kém tài, bạc đức, không giữ nổi cơ đồ. Trong khoa sinh học (biology) có một thực tế về thế hệ F1 là thượng thặng, các F càng về sau … càng tồi mà quy luật này không chỉ riêng ở lịch sử Việt Nam mà là lịch sử nhân loại.

Các triều đại, dù khởi đầu có công với nước thế nào mà về sau không được lòng dân thì cũng sụp, cũng làm mồi cho giặc ngoại xâm. Chỉ có dân chủ mới chọn được người tài. Có người tài, đất nước mới phát triển và như vậy mới bảo vệ được chủ quyền, lãnh thổ.  

Ngẫm suy, việc "hợp nhất" Tổng bí thư và Chủ tịch nước là chuyện nhân sự cụ thể , có khả năng giảm biên chế, bớt "song trùng" chỉ là một chuyện, còn những chuyện cơ bản hơn về nguyên tắc nếu không dũng cảm nhìn lại mình và vượt lên chính mình thì lại có thể lạc lối và lặp lại những khuyết điểm đã qua trong "hệ thống xã hội chủ nghĩa". Tại các nước XHCN đã tồn tại trước 1989, đều thực hiện sự kiêm nhiệm “nhất thể hóa” này và kết quả thế nào thì không cần nói thêm vì ai cũng biết cả rồi. 

Nhiều người am hiểu thời cuộc có chung nhận định “Nhất thể hóa” là đúng và cần, nhưng muốn phát huy tác dụng tốt, có lợi cho dân, cho nước thì phải có hai điều kiện cần :

- Quan trọng nhất là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị, chuyển sang thể chế dân chủ với nhà nước pháp quyền theo tam quyền phân lập,

- Người giữ chức vụ đứng đầu Nhà nước (và đứng đầu Đảng cầm quyền) phải qua bầu cử dân chủ trên cơ sở đa nguyên, đa đảng, cạnh tranh bình đẳng trên sân khấu chính trị.

Hai điều này hiện nay chưa có. Dù sao, Tổng bí thư ĐCS đang là người đứng đầu thiết chế chính trị, nhiều khi lạm dụng cả vai trò người đứng đầu Nhà nước, nay giữ luôn vai trò Chủ tịch nước thì tinh gọn hơn, đỡ "chướng" hơn, nhất là trong quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, nên thực hiện theo giải pháp ứng cử Chủ tịch nước trước, có tranh cử thực chất, khi ai đó đã trúng cử Chủ tịch nước thì người đó nên giữ chức Tổng Bí thư nếu người ấy là đảng viên của đảng cầm quyền. 

Nói một cách bài bản và cụ thể hơn, muốn đất nước không bị trầm luân các vị lãnh đạo ngày nay rất cần bộ phận tham mưu có trí tuệ và bản lĩnh rà soát, nghiên cứu đánh giá một cách khách quan khoa học các vấn đề như sau: 


I. Để phát triển đòi hỏi sinh tử hiện nay: cải cách cơ bản cơ cấu chính trị và kinh tế đất nước. Lý do:


- Từ khi tuyên bố Độc lập 1945 đến 1979: đất nước ta luôn ở trong tình trạng chiến tranh. 

- Từ 1979 đến 1986: Theo mô hình CNXH Liên Xô, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không đáp ứng được thực tế.

- Từ 1986 đến nay: Cải cách kinh tế (lần 1) chấp nhận kinh tế thị trường trong khuôn khổ định hướng XHCN (?) – một dạng chính sách mày mò, thử nghiệm,… thiếu cơ sở luận cứ khoa học cho phát triển. 


Dẫn đến hậu quả: 

- Rối loạn về thể chế quản nhà nước (bộ máy cồng kềnh (+đảng, đoàn thể,…), tham ô, tham nhũng, mua quan bán chức, dân mất lòng tin. 

- Bộ máy nhà nước cồng kềnh, thiếu trách nhiệm -> chi phí lớn;

- Kinh tế chỉ giải phóng được sức lao động của cơ chế quan liêu, năng suất lao động ít cải thiện, thu nhập ở tình trạng dừng lại ở mức trung bình thấp trong khoảng 2.000 – 3.000 ÚSD/ đầu người; 

- Đầu tư thiếu tính toán ít hiệu quả, chỉ số ICOR cao, thất thoát, làm lãng phí dẫn đến nợ công tăng vọt. 

- Ô nhiễm môi trường trầm trọng và nguy cơ gây hậu quả lâu dài.

- Các lĩnh vực dân sinh xã hội (Y tế, Giáo dục đào tạo, an ninh …) suy thoái nghiêm trọng. 

- Tình trạng tụt hậu mọi mặt so với khu vực và thế giới càng trở nên nghiêm trọng.

Hiện nay, mọi nguồn lực của Đảng và Nhà nước chỉ tập trung vào giải quyết các hậu quả trên (xử lý chống tham nhũng): rất tốn công sức nhưng hiệu quả rất thấp (số vụ xử so với thực tế rất ít, không thu hồi được tài sản như mong muốn.


Tổng kết nguyên nhân chính: 

- Thiếu đội ngũ tinh hoa cho nghiên cứu đầy đủ khách quan các vấn đề về thể chế tổ chức nhà nước hiện đại (chủ yếu học giả và cán bộ lãnh đạo nhà nước chỉ có kiến thức hạn chế về đường lối và tổ chức nhà nước kiểu Xô Viết trên cơ sở kinh nghiệm của học thuyết Marx –Lenin). 

- Trong thực tế bộ máy Đảng và Nhà nước thiếu cơ chế dân chủ để tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện việc tổ chức xã hội và kinh tế,… trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách.

- Nói chung thiếu cả cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn. Để khắc phục cho đất nước phát triển cần phải có cuộc “lột xác” nghiêm túc từ nhận thức, lý luận, triển khai và hoàn thiện chính sách thực tiễn,… từ đảng, nhà nước đến toàn dân.


II. Những nội dung/giải pháp chính cho cải cách để đất nước phát triển 


1. Với đòi hỏi không để gây ra sự xáo trộn/hụt hẫng về đời sống chính trị và kinh tế.

2. Đảng CS và nhà nước Việt nam cũng như nhân dân cần nhận thức được yêu cầu sống còn cho sự phát triển của đất nước cần tiến hành đổi mới toàn diện về tổ chức chính trị cũng như kinh tế

3. Huy động đội ngũ trí thức đủ khả năng xây dựng một mô hình nhà nước văn minh với một Hiến pháp hiện đại bảo đảm các tính chất Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được đông đảo các nước trên thế giới và các tổ chức kinh tế quốc tế thừa nhận.

4. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội đất nước, trên cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ hoàn thiện các bộ luật cho phù hợp và bảo đảm mọi quyền tự do của các tổ chức chính trị và công dân vv...


TVT