14 octobre 2018

"Tân Quốc xã đã có ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức)"


Nguyên tác: Maximilian Rieger (Stern)
Chuyển ngữ: Dũng Vũ (Diễn Đàn Việt Nam 21)

 

Xung đột tại Chemnitz (ảnh: ARD)
08/10/2018 (DĐVN21) - Lời người dịch: "Nước Đức đang lộn xộn. Phong trào bài ngoại lên cao. Đảng huynh hữu AfD dần dần mạnh lên. Phe Tân Quốc xã bắt đầu giơ cú đấm.
Chưa bao giờ nước Đức cưu mang nhiều người tị nạn như bây giờ. Hơn một triệu người đến từ Syria, Afghanistan, Phi Châu, đa số là người Hồi Giáo.


Và có vấn đề. Truyền thông loan tin tức xấu: nguời tị nạn hãm hiếp phụ nữ Đức, người tị nạn giết dân Đức. Gần đây một người Đức nữa bị người tị nạn sát hại tại Chemnitz (Đông Đức cũ). Dân chúng Đức và nhóm Tân Quốc xã đã tập hợp xuống đường. Phe cánh tả cũng biểu tình chống lại. Trên mặt báo, đầy tin tức: "Sachsen - Tân Quốc xã tấn công một nhà hàng Do Thái"; "Chemnitz, Köthen: 100 kẻ bịt mặt truy lùng người ngoại quốc". Trên mạng, mọi người tìm xem một đoạn Clip chiếu cảnh bọn Tân Quốc xã Đức rượt đánh người tị nạn. Cảnh này làm người ta nhớ tới thời sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, người Việt Đông Đức bán thuốc lá lậu bị bọn đầu trọc rượt đánh tả tơi trên đường phố, bị đâm chết. Hoặc biến cố Rostock-Lichtenhagen năm 1992, một chung cư phần lớn là người Việt "hợp tác lao động" cũ tạm trú đã bị dân Đông Đức và phe Tân Quốc xã ném đá, phóng hỏa.
Thế nhưng tại sao nạn kỳ thị chủng tộc thường xảy ra tại Đông Đức, nơi tình hữu nghị anh em Xã hội Chủ nghĩa thường được người Cộng Sản đề cao tới tận mây xanh? Mời quý vị cùng đọc sau đây bài phỏng vấn nhà sử học Harry Waibel do tuần báo Stern thực hiện".



Rostock-Lichtenhagen 1992: Một chung cư của người ngoại quốc, đa số là
người Việt "hợp tác lao động" cũ tại Đông Đức bị Tân Quốc xã phóng hỏa (ảnh: ZDF)


Nhà sử học Harry Waibel đã nghiên cứu sự phân biệt chủng tộc tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ (Đông Đức) từ lúc thống nhất. Kết luận của ông sau khi đọc hàng ngàn tài liệu của (mật vụ) Stasi: "Những biến cố hôm nay không dính dáng đến những biến cố ở Đông Đức là điều không thể tưởng".

stern: Thưa ông Waibel, ông chỉ trích việc đi tìm nguyên nhân của sự tập hợp nhóm huynh hữu tại Chemnitz chỉ giới hạn trong khoảng thời gian sau 1990. Vì sao?

Waibel: Tân Quốc xã không phải mới có sau khi (Đức) thống nhất. Tân Quốc xã, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái đã có ở Đông Đức từ những năm 60 (thế kỷ trước). Lúc đó, những nghĩa trang của người Do Thái đã bị xúc phạm, tường bị vẽ dấu thập vạn. Giữa thập niên 70 trở đi đã có những vụ tấn công tàn bạo nhắm vào công nhân ngoại quốc Phi Châu. Cuộc tấn công người ngoại quốc trên đất Đức lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ Hai không phải đã xảy ra ở Rostock-Lichtenhagen mà vào năm 1975 tại Erfurt.

Lúc đó khoảng 300 tên Tân Quốc xã đã rượt bắt thợ khách Algeria trên đường phố nhiều ngày liên tiếp. Tổng cộng có 220 vụ bách hại người ngoại quốc hoặc tương tự, và ít nhất 10 người bị giết chết. Kể từ lúc (Đức) thống nhất, sự việc này vẫn tiếp tục diễn ra. Những vụ tấn công của đám huynh hữu xảy ra thường xuyên, nhưng phần nhiều yếu hơn mức độ cảm nhận được. Nơi này một dấu thập vạn, nơi kia một người ngoại quốc bị đánh tả tơi. Tất cả chẳng hay ho gì, nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm, nhiều người nghĩ vậy.

Nhưng ở Chemnitz vết thương sưng mủ này đã vỡ ra. Bất kỳ người nào hiểu biết lẽ phải đều có thể thấy những gì đang xảy ra ở đó. Người ta nhìn thấy lối chào của Đức Quốc xã, người ta nhận thấy sự thù hận. Không cần thiết để tìm thêm cách giải thích khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Một người Việt tại Đông Đức bị Tân Quốc xã hạ sát năm 1992 (ảnh: AKMH)


stern: Nguyên nhân của những cuộc tấn công người ngoại quốc tại Đông Đức là gì?

Waibel: Khi những thợ khách Phi Châu đến Đông Đức vào giữa thập niên 70, họ nhanh chóng bị nghi ngờ rằng con dao trong người họ dễ thòi ra ngoài. Hình ảnh người ngoại quốc nguy hiểm được dựng lên, cần phải có vũ khí để chống lại hắn. Nguyên nhân gây ra những vụ tấn công người ngoại quốc hầu như lúc nào cũng giống nhau. Mọi người ngồi chung trong hội trường lớn, có nhạc, rồi khiêu vũ. Thế rồi có tiếng xì xầm: Thằng Cu Ba, thằng Mosambik, thằng đó hỗn láo, thằng đó "tán" vợ tôi, chúng ta phải tự vệ. Đó là sự "tự xử". Dĩ nhiên công nhân ngoại quốc bao giờ cũng là thiểu số. Cho nên những cuộc cãi cọ mới đầu nhỏ rồi có thể nổ ra to.

Giả như ở Chemnitz không xảy ra vụ tấn công người ngoại quốc đi nữa: cái động cơ tự thi hành công lý sau cái chết của Daniel H. cũng có ở Chemnitz.

Tự thi hành những cái mà không cần đến sự can thiệp của nhà nước, đó là một truyền thống của Đông Đức. Thật là rõ ràng.


Hoa tưởng niệm đặt ở nơi Daniel H. một thanh niên
 Đức bị người tị nạn giết chết (ảnh: Tagesschau)



stern: Đông Đức (CHDC Đức) không làm gì để chống lại sự việc đó?

Waibel: Những gì nhà nước Đông Đức làm nhằm chống lại phong trào khuynh hữu không đủ để chấm dứt nó. Thường thường công an nhân dân đợi cho đến khi mọi chuyện đã qua. Và bạn có thể tưởng tượng cuộc điều tra diễn ra thế nào. Người Đức có thể trả lời, bởi vì họ nói tiếng Đức. Công nhân ngoại quốc thường phải đợi kêu một thông dịch viên tới. Và như thế mọi cuộc nói chuyện với cảnh sát rõ ràng đã được định đoạt trước bằng những lời khai của người Đức.

stern: Rồi cũng không có việc truy tìm thủ phạm một cách tương xứng?

Waibel: Rất hiếm khi. Vấn đề là trong những cuộc xung đột này, bất kể những vụ bạo hành đơn lẻ hay những cuộc tấn công người ngoại quốc, người ngoại quốc luôn luôn bị đổ lỗi. Họ bị bắt rồi bị đưa lên máy bay trục xuất về Cu Ba hay Mosambik. Không xét xử, cả ngàn vụ. Cả với việc cãi cọ, trục xuất cũng là một giải pháp để kỷ luật công nhân ngoại quốc.

stern: Tại sao người Đức chưa nhận thức được rằng Tân Quốc xã cũng đã có ở Đông Đức?

Waibel: Bởi vì đảng Cộng Sản Đức luôn cố giữ gìn hình ảnh chống phát xít. Nó không được phép có, những gì đã có. Cho nên nhà nước phi chính trị hóa tất cả những gì có Tân Quốc xã đã xảy ra. Đó chỉ là dân du đảng "phá làng phá xóm" chứ không phải đám Quốc xã. Và mọi tường trình về những vụ phạm pháp đều được giữ bí mật. Trong 28 năm nghiên cứu, tôi đã tiếp cận hàng ngàn trang hồ sơ, nhưng chỉ có hai bức hình mà hành vi phạm pháp được ghi lại. Cũng chỉ có một cuốn phim. Trong đó người ta thấy cảnh sát nhân dân đang đuổi bắt bọn Hooligan, nhưng người ta không biết chúng là Tân Quốc xã. Đó là một vấn đề đối với một xã hội cần những tấm hình. Bởi hình ảnh vô cùng hữu ích, như chúng ta thấy ở Chemnitz. Không có hình ảnh, rất khó để người ta nhìn nhận sự thật lịch sử.

stern: Ông vừa nhắc tới Hooligan. Một nhóm Hooligan đã đóng một vai trò quyết định trong những cuộc biểu tình ở Chemnitz. Có phải đó là di sản của Đông Đức?

Waibel: Vai trò của Hooligan ở Đông Đức gần giống như vai trò của Hooligan ở Tây Phương: Nó làm cho quần chúng cảm nhận được sự hiện diện của Tân Quốc xã. Hooligan Đông Đức cố ý gọi nhóm họ là cơ sở giàn nền, là người gánh vác ý thức hệ Tân Quốc xã. Và họ đã đem cái ý thức hệ này vào những sân vận động. Ở đó, 100 tới 200 Hooligan có một sân khấu với hàng ngàn người. Qua sự xâm nhập của những màn trình diễn Hooligan, bọn Tân Quốc xã thu hút được quần chúng. Đó là một bước quan trọng để thực hiện ý thức hệ Tân Quốc xã ở Đông Đức. Điều này cho đến hôm nay vẫn không thay đổi.

Nhóm cực hữu biểu tình tại Chemnitz (ảnh: ARD)




stern: Hiện tại có cách nào chống lại chủ nghĩa khuynh hữu cực đoan không?

Waibel: Sau 1990 đã xảy ra nhiều sai lầm. Những khảo sát mới của tôi cho thấy có 374 phụ nữ, trẻ em và đàn ông đã bị phe hữu giết chết. Nhiều thủ phạm vẫn còn nhởn nhơ trong đất nước này. Đây là một thái độ "Laissez-faire" ("mặc kệ") sai lầm. Cần phải có một nền tư pháp hữu hiệu và cảnh sát, còn không sẽ không có kết thúc. Nhưng cũng cần có một xã hội dân sự.


Người dân khuynh hữu Đông Đức xuống đường cùng nhóm Tân Quốc xã (ảnh: ARD)


Tổ chức xã hội dân sự biểu tình chống phe khuynh hữu
(ảnh: Aufstehen gegen Rassismus)



stern: Như thế là đủ mạnh sao?

Waibel: Xã hội dân sự, như chúng ta biết đến ở Tây Phương, không có ở Đông Đức. Đó là một cấu trúc xã hội khác. Nhưng tôi tin, chúng ta còn một món nợ chưa trả đối với anh chị em của chúng ta – như người ta đã thường nói như vậy cho tới năm 1990. Phải có một cuộc tiến công của xã hội dân sự. Ở Tây Đức cũng như Đông Đức. Tôi không tin đã mất tất cả. Nhưng mà khó, khó cô cùng.


Dũng Vũ
Stuttgart, 10.2018

* Nguồn: Interview - Ein Historiker über Rassismus in der DDR - was das mit den Ausschreitungen von Chemnitz zu tun hat, Maximilian Rieger, Stern 08.09.2018

* Hình ảnh do dịch giả / DĐVN21 thêm vào