20 décembre 2018

20 năm qua Việt Nam không có một sản phẩm chế tạo thực sự nào



"Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu. Song chủ yếu là gia công, không có sản phẩm nào thể hiện sự chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Đối với các nước công nghệ phát triển, trừ Hàn Quốc có một chút, Nhật Bản không có chuyển giao công nghệ gì.  
Doanh nghiệp mới tăng lên 20.000, nhưng đóng cửa ngừng hoạt động đạt kỷ lục mới. Ước tính khoảng 10 doanh nghiệp ra đời thì 7 ngưng hoạt động"

Sáng 19.12, tại toạ đàm Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông do báo Dân Việt tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nền kinh tế chưa có tiến bộ nào đáng kể.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu từ năm 1995 theo hướng dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng GDP trong chế biến chế tạo không thay đổi, hàm lượng nước ngoài trong công nghiệp quá nửa.

“20 năm qua Việt Nam không có được một sản phẩm chế tạo nào thực sự. Vốn dành cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp so với dịch vụ là 50 - 50. Đến thời điểm này, dịch chuyển theo tỷ lệ 40 - 60. Giá trị gia tăng trên 1 lao động của nông nghiệp vẫn đang tăng lên, trong khi khu vực công nghiệp lại giảm”, ông Nghĩa nói. Ông đánh giá kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ, thay vì hướng công nghiệp hóa như mục tiêu.


Nếu FDI rút đi, Việt Nam tăng trưởng dựa vào gì?

“Chúng ta nên nghiên cứu phát triển kinh tế hướng này bởi thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Nông nghiệp và du lịch cũng sẽ là sức bật cho nền kinh tế trong năm tới 2019. Tôi dự báo, GDP năm 2019 sẽ tương đương với kết quả đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi kinh tế sẽ tăng trưởng khó khăn hơn”, ông Nghĩa nêu.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại lưu ý, năng suất lao động của Việt Nam có tăng, nhưng tăng do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông thôn sang thành thị. Còn năng suất từng ngành vẫn rất thấp, nếu không nâng cao năng xuất từng ngành thì không thể phát triển được.

Thêm vào đó, ông Tuyển cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI, chiếm tới 25% GDP, 75% giá trị xuất khẩu. Song chủ yếu là gia công, không có sản phẩm nào thể hiện sự chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Đối với các nước công nghệ phát triển, trừ Hàn Quốc có một chút, Nhật Bản không có chuyển giao công nghệ gì.

“Tính bền vững của nền kinh tế rất thấp, nếu có biến cố xảy ra, FDI rút đi, vậy chúng ta tăng trưởng dựa vào gì", ông Tuyển nói.

Bên cạnh đó, nợ công trên GDP có giảm, chúng ta tính trên GDP thì thấp đi, nhưng số nợ công tuyệt đối vẫn rất cao.

TS Vũ Đình Ánh đánh giá: “Về nợ quốc gia, tương tự nợ công, số liệu như chúng ta công bố hiện nay là theo kiểu chúng ta thôi. Chúng ta chưa đưa ra đầy đủ số nợ công, nợ nước ngoài, nợ của tư nhân. Còn nợ nhà nước mà trước đây chúng ta biến lớn thành nhỏ, nhỏ thành không có gì thì chỉ riêng Vinashin thôi cũng là điều chúng ta phải tính tới trong những năm tới”.


10 doanh nghiệp thành lập thì 7 ngưng hoạt động

Mối quan tâm xuyên suốt của chuyên gia Phạm Chi Lan là phát triển khu vực tư nhân Việt Nam. Doanh nghiệp mới tăng lên 20.000, nhưng đóng cửa ngừng hoạt động đạt kỷ lục mới. Ước tính khoảng 10 doanh nghiệp ra đời thì 7 ngưng hoạt động, đây là những khía cạnh rất đáng xem xét. Có sự phát triển khá lệch lạc trong sự phát triển.

“Nguồn lực của đất nước rơi vào doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp đại gia, 98% còn lại không có khả năng tiếp cận các nguồn lực, khó có điều kiện phát triển. Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng chưa thực chất mang lại lợi ích doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan. năm 2018 là năm thứ 3 của Nghị định 35 của chính phủ, cam kết 10 nguyên tắc quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Các nguyên tắc này gần như chưa đạt được.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, năm 2019 bắt đầu thực hiện CPTPP, nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn chết như thường. Chúng ta phải đo những thước đo mới, đòi hỏi cao hơn. Việc vượt qua được thách thức thế nào còn là cả một vấn đề lớn. Đây là những điểm rất cần quan tâm trong khi đất nước hội nhập sang giai đoạn mới”, bà Lan cho hay.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, độ mở nền kinh tế Việt Nam trên 20%, cao nhất thế giới nên tác động khó dự báo của chiến tranh thương mại Việt - Trung. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, năng suất lao động thấp, cạnh tranh còn yếu, phụ thuộc vào nước ngoài. Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng.

Theo ông Long, mặc dù thu ngân sách năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nhưng chi cũng nhiều. "Sức bật của nền kinh tế, theo tôi hiểu là động lực, vậy ta đã có 3 đột phá chiến lược, hiện đã thay đổi chưa, cải cách phát triển về hạ tầng, đã làm như thế nào, hiệu quả ra sao? Việc đào tạo nguồn nhân lực, phát minh kém, đánh giá nền khoa học của một nước là bao nhiêu phát minh, cống hiến?

Hai động lực mới là phát triển kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi quan điểm chúng ta vẫn mơ hồ về cách mạng 4.0, ở đó có những loại hình kinh tế mới, khi ra đời mâu thuẫn với kinh doanh truyền thống, làm sao để vận dụng linh hoạt, phù hợp thì sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế?”, ông Long nói.


Lam Thanh