17 décembre 2018

Phong bão ở chính trường Đài Loan


Vương Thuyên

Đài Loan
Lời phi lộ
Chỉ không đầy ba năm sau chiến thắng ngoạn mục đầu năm 2016, Dân Tiến Đảng (DTĐ) của bà TT Thái Anh Văn bị thảm bại qua kỳ bầu cử địa phương ngày 24 tháng 11 vừa qua. Tỷ lệ phiếu bầu của gần 19 triệu cử tri cho DTĐ giảm nặng chỉ còn 39% so với 56% năm 2016 trong khi tỷ lệ của đối lập Quốc Dân Đảng (QDĐ) tăng từ 31% lên 49%. Tình thế trầm trọng đến nỗi bà Thái buộc phải từ chức chủ tịch DTĐ. Thủ tướng Lại Thanh Đức (William Lai) cũng xin từ chức nhưng không được tổng thống chấp thuận. Thêm vào đó, trưng cầu dân ý về ''hôn nhân đồng giới'' và việc đổi tên chọn ''Đài Loan'' thay vì ''Trung Hoa-Đài Bắc'' để tham dự Thế Vận Hội năm 2020 ở Tokyo cũng bị cử tri bác bỏ. 


Với kết quả này, người ta nghi ngờ về khả năng tái cử tổng thống vào năm 2020 của bà Thái. Tình hình này lại có điểm tương đồng với tình hình trước đây. Năm 2014, QDĐ của cựu TT Mã Anh Cửu cũng bị thảm bại trong lần bầu cử địa phương rồi sau đó đảng này thất cử tổng thống năm 2016 cùng mất đa số ghế ở Viện Lập Pháp. Lịch sử sẽ tái diễn ?.

Kết quả bầu cử địa phương
Kết quả bầu cử cho biết DTĐ chỉ còn giữ 6 thành phố và quận [1] thay vì 13 như năm 2014 trong khi QDĐ chiếm được 15 [2] thay vì 6 trên 22. Miền Trung và Nam, hai vùng nông nghiệp, nơi được coi là căn cứ địa của DTĐ lọt vào tay của QDĐ. Thảm hại hơn nữa là DTĐ mất thành phố thứ hai Cao Hùng mà đảng này chiếm giữ trong 20 năm liền. Người thắng cử thành phố này là ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu,韩国瑜) thuộc QDĐ với tỷ số khá cao (64,9%). Ông còn được mệnh danh là ''Trump Đài Loan''. Ông ra tranh cử với khẩu hiệu ''Make Kaohsiung great again''. Tuy nhiên, ông Hàn bị cho là người phá rào (outsider) vì ông không được đảng QDĐ của ông chính thức ủng hộ. Năm 2017, ông ra tranh cử chức chủ tịch QDĐ nhưng chỉ đạt được 5,8% phiếu, thua xa người thắng cử ông Ngô Đôn Nghĩa (Wu Den-yih) với 52,2%. Riêng thủ đô Đài Bắc tái nhiệm ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je, 柯文哲), một ứng cử viên độc lập với số phiếu khít khao, chỉ hơn đối thủ QDĐ Đinh Thủ Trung ngoài ba ngàn phiếu. Năm 2014, ông trúng cử với tỷ số 57,1%. Điều đáng chú ý là ba quận Bành Hồ (Penghu), Kim Môn (Kinmen) và Liên Giang (Lienchiang) hay Mã Tổ nằm ngay sát tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc cũng lọt vào tay các ứng cử viên QDĐ. Một tín hiệu đáng lo ngại.

Lý do thất bại của DTĐ
Đầu năm 2016, bà Thái Anh Văn được bầu tổng thống với tỷ số́ cao, hơn 56%, so với đối thủ QDĐ Chu Lập Luân chỉ được 31%. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Đài Loan, DTĐ chiếm đa số ghế ở Viện Lập Pháp với 68 ghế trên 113. Trước đó, năm 2014, DTĐ chiếm 13 trên 22 thành phố và quận trong kỳ bầu cử địa phương. QDĐ hoàn toàn đại bại, gần như mất toàn bộ kiểm soát trên toàn đảo [3]. Như vậy, tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, DTĐ lại thua đậm trong lần bầu cử địa phương này?
Cũng như các chính quyền ở các nước tự do dân chủ, bầu cử giữa nhiệm kỳ thường bất lợi. Chẳng hạn như bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Hạ viện Hoa Kỳ vừa qua, đảng Dân Chủ chiếm thế thượng phong, đảng Cộng Hoa mất đa số ghế ở Hạ viện. Trường hợp của Đài Loan không những không nằm ngoại lệ đó mà còn có thêm nhân tố Trung Hoa lục địa.
Một cách nghịch lý, tình hình kinh tế của Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền vào tháng 5-2016 tương đối khả quan hơn thời kỳ của ông Mã Anh Cửu. Tăng trưởng kinh tế tăng gần gấp đôi từ 1,4% lên 2,6%, tỷ số thất nghiệp giảm chút ít ở mức 3,8%, lạm phát không tăng ở mức độ 1,3% trong năm 2017. Lương trung bình tăng 1,8% với 45.000 đollar Đài Loan/tháng (khoảng 1.450 USD). Như vậy, phải đi tìm nguyên do khác.
Người dân Đài Loan chủ yếu trừng phạt chính sách xã hội mạnh tay ''thắt lưng buộc bụng'' của chính phủ bà Thái. Đó là sự giảm sút ngân quỹ chi tiêu công cộng cùng theo sự giảm lương hưu trí công chức và quân nhân tuỳ theo lương cao thấp và việc tăng tỷ lệ suất đóng góp (cotisation) hưu trí cho giới tư nhân từ 9,5% năm 2018 lên 12% năm 2022 (mỗi năm tăng 0,5%). Vẫn chưa hết, lương hưu trí từ trước đến nay tính theo 5 năm chót, nay tăng lên 15 năm. Lương hưu trí cao có thể dần dần bị cắt giảm đến 20%!
Tình trạng này gây bất mãn cho nhiều giới lao động và họ xuống đường biểu tình phản đối mặc dù không có liên quan gì tới vấn đề chính trị giữa hai bờ eo biển.
Chính phủ Đài Loan nói buộc phải làm như vậy vì kinh tế của đảo phụ thuộc về thương mại và dễ bị tổn thương (vulnerable) do sự biến đổi tình huống của hai đối tác lớn: chính sách bế quan toả cảng của TT Mỹ Donald Trump và sự căng thẳng chính trị với Trung Quốc của Tập Cận Bình. Với lục địa, bang giao thương mại của Đài Loan còn tuỳ thuộc nặng với 40% xuất cảng và 20% nhập cảng năm 2017. Do đó, Đài Loan phải đi tìm đối tác mới trong vùng và nước ngoài. Thêm vào đó, Đài Loan buộc phải tăng ngân quỹ quốc phòng để đối phó với sự hăm doạ xâm lăng của Bắc Kinh. (Đài Loan dự tính mua phi cơ chiến đấu 66F-16V của Mỹ với trị giá 10 tỷ USD).
Sau khi kết quả được công bố, bà Thái thừa nhận thất bại và xin lỗi quần chúng. Bà nói : ''Trong cuộc bầu cử lần này, người dân đã bày tỏ sự bất mãn đối với một số cách làm trong nội bộ của chúng tôi. Điều này chúng tôi phải kiểm điểm sâu sắc''. Rồi bà nói tiếp :'' DTĐ thất cử không phải là do sự ủng hộ của cử tri đối với QDĐ cũng như người dân không có chọn lựa hoặc thay đổi lớn trong nghị đề chính sách hai bờ eo biển. Cho nên, chính sách duy trì hiện trạng sẽ không thay đổi''. Quan điểm này được nhiều chuyên gia quốc tế chia sẻ.

Nhân tố Trung Hoa lục địa
Bắc Kinh dĩ nhiên vui mừng kết quả bầu cử và trơ trẽn nói cử tri Đài Loan đã bác bỏ ''quan điểm ly khai'' của bà Thái. Thực sự, cử tri Đài Loan có sự lựa chọn khó khăn. Đa số không tin là việc độc lập có thể xảy ra trong thời gian ngắn và không muốn làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh. Họ nói dưới thời Mã Anh Cửu của QDĐ (2008-2016), Đài Loan có mối quan hệ tốt chưa từng có với Bắc Kinh nhưng vẫn giữ được chủ quyền và có lợi cho phát triển kinh tế. Đài Loan lúc đó cho nới rộng đường hàng không và đường biển thông thương trực tiếp giữa hai bờ eo biển cùng mở rộng nhiều khu vực kinh tế để cho xí nghiệp lục địa vào đầu tư. Các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các nhân vật lãnh đạo và các cuộc họp thượng đỉnh thường niên giữa hai Hiệp hội (Arats phía Bắc Kinh và Self phía Đài Bắc) được tổ chức long trọng. Ngày nay. quan hệ giữa hai bờ eo biển không còn đầm ấm nếu không nói là đóng băng. Không còn các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo và các cuộc họp thượng đỉnh giữa hai Hiệp hội, đầu tư hai bên không gia tăng đáng kể, du khách lục địa sang viếng Đài Loan giảm nặng.
Thực vậy, từ khi bà Thái Anh Văn lên nhậm chức TT giữa tháng 5-2016, Trung Quốc của Tập Cận Bình không ngừng gia tăng các biện pháp đe doạ và cô lập Đài Loan trên chính trường quốc tế. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời phải ''thống nhất'' kể cả bằng vũ lực. Năm 2005, Bắc Kinh cho thông qua đạo luật ''chống ly khai'' theo đó Bắc Kinh ''có quyền'' xâm chiếm đảo bằng vũ lực. Bà Thái, trái lại, cương quyết từ chối công nhận Đài Loan là một phần của TQ. Bà cũng bác bỏ cái gọi là ''nhận thức chung'' ký ở Singapore năm 1992 giữa chính quyền QDĐ đương thời và Bắc Kinh theo đó chỉ có một nước Trung Hoa với mỗi bên thuyết minh theo ý mình. Do đó, Bắc Kinh đã ngừng mọi liên lạc với Đài Loan. Tuy vậy, bà cũng không muốn làm Bắc Kinh tức giận bằng những lời tuyên bố độc lập, chỉ muốn giữ tình trạng nguyên trạng (statu quo) giữa hai bờ eo biển. Đó cũng là điều bất mãn của một số cử tri muốn bà Thái tuyên bố Đài Loan độc lập. Điển hình là trước hơn một tháng ngày bầu cử (ngày 20-10), hơn 100.000 người xuống đường biểu tình trước trụ sở DTĐ đòi chính quyền tuyên bố độc lập.
Về phĩa Bắc Kinh, họ gia tăng áp lực lên Đài Loan qua những cuộc tập trận quân sự thậm chí bằng bắn đạn thật. Về phương diện ngoại giao, Bắc Kinh áp dụng chính sách ''ngoại giao chi phiếu'' bằng cách mua chuộc các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Chỉ không đầy hai năm, Đài Loan mất quan hệ ngoại giao với ba nước ở Trung Nam Mỹ (Panama, Cộng hoà Dominica và El Savador) và một nước ở Phi châu Burkina-Faso. Ngày nay, Đài Loan chỉ còn quan hệ ngoại giao với 17 nước trong đó có 15 nước nhỏ, đa số là những quần đảo bé tí hon ở Nam Mỹ, một nước Phi châu Eswatini (Swaziland cũ) và Vatican ở Châu Âu.
Cách đây vài tháng, Bắc Kinh buộc các hãng hàng không quốc tế phải liệt kê Đài Loan là ''một bộ phận của TQ'' trên web của họ. Đài Bắc phản đối và tẩy chay. Hoa Kỳ cũng ra lệnh cho các hãng hàng không Mỹ bất tuân phục lệnh này. Bắc Kinh đành nuốt hận chờ dịp khác.
Cuối cùng, trong lần bầu cử địa phương vừa qua, Bắc Kinh bị cáo buộc có tác động tới kết quả bầu cử bằng những động tác mờ ám và tung tin thất thiệt. Cụ thể, Đài Bắc tố cáo Bắc Kinh lén lút hỗ trợ tài chính cho một số đảng và đặc biệt gián tiếp hâm mộ ông ''Trump Đài Loan'' qua mạng lưới xã hội phát xuất từ lục địa. Do đó, chính quyền Đài Loan vừa thay đổi đạo luật bầu cứ bằng cách cấm quảng cáo tài chính do những cá nhân hoặc tập đoàn nước ngoài, Trung Quốc, Hương Cảng và Ma Cao. Hình phạt có thể lên đến từ 200.000 đến 10 triệu đollar Đài Loan (từ 6.450 đến 322.000 USD).

Kết luận
Bầu cử giữa nhiệm kỳ thường bất lợi cho đảng cầm quyền. Đó là tiếng chuông báo động để DTĐ có cơ hội sửa đối trong 18 tháng còn lại. Bà  Thái Anh Văn là người đàn bà thông minh và cương quyết. Chắc chắn bà sẽ sửa đổi chính sách theo hướng mong đợi của quần chúng như bà đã tuyên bố. Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung cũng là dịp thuận lợi để Đài Loan được Mỹ tiếp tục ủng hộ. Quan hệ giữa bà Thái và TT Trump khá tốt qua cú điện thoại cá nhân và việc bà nhiều lần được phép quá cảnh trên đất Mỹ. TT Trump còn hứa hẹn sẽ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan.
Hy vọng bà Thái Anh Văn sẽ vượt qua phong bão chính trị hiện nay để lịch sử không tái diễn.

Cuối năm 2018
Vương Thuyên
Chú thích
Đơn vị hành chính của Đài Loan từ năm 2014 gồm có: thủ đô Đài Bắc, 7 thành phố và 15 quận. Hai thành phố Tân Trúc và Gia Nghĩa có thêm quận.
[1] Ba thành phố Cơ Long (Keelung), Tân Trúc (Hsinchu), Đài Nam (Tainan) và ba quận Đào Viên (Taoyuan), Bình Đông (Pingtung), Gia Nghĩa (Chiayi).
[2] Bốn thành phố Tân Đài Bắc (New Taipei), Đài Trung (Taichung), Gia Nghĩa (Chiayi), Cao Hùng (Kaohsiung) và 11 quận Nam Đầu (Nantou), Chương Hoá (Changhua), Vân Lâm (Yunlin), Tân Trúc (Hsinchu), Miêu Lật (Miaoli), Nghi Lan (Yilan), Hoa Liên (Hualien), Đài Đông (Taitung), Bành Hồ (Penghu), Kim Môn (Kinmen), Liên Giang (Lienchiang) hay Mã Tổ.
[3] Xem ''Thấy gì qua cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vừa qua'' của tác giả trên mạng Dân Quyền VN, ngày 6 tháng 2-2016.