10 janvier 2019

Chỉ có những cán bộ nói một đằng, làm một nẻo mới sợ ghi âm, chụp hình


Trinh Phúc


(GDVN) - Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Người dân muốn ghi lại hình ảnh, lời nói của cán bộ tiếp dân để làm bằng cớ việc đã nói, hứa nhưng thực hiện có như lời nói không". 


Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.

Trong nội quy ban hành đã ghi rõ: "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".

Ngay sau khi quy định này được ban hành, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, một số người cho rằng, việc quy định như trên chưa phù hợp và làm giảm khả năng giám sát của công dân đối với cán bộ tiếp dân.


Ngoài ra còn tạo điều kiện cho cho tình trạng ngại tiếp dân, tiếp dân hình thức, đối phó.



Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Theo ông Lê Như Tiến: “Nếu có quy định như vậy thì không phù hợp với không khí dân chủ hiện nay.

Cán bộ tiếp dân nếu làm tốt sao không để người ta quay phim, chụp ảnh để tuyên truyền việc tiếp dân cho tốt hơn. Sao phải ngại và sợ dân ghi âm, chụp hình”.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Người dân muốn ghi lại hình ảnh, lời nói của những người cán bộ tiếp dân để làm bằng cớ việc cán bộ đã nói, hứa nhưng khi thực hiện có như lời nói không.

Ngay trong các kỳ họp Quốc hội mà vẫn phát thanh trực tiếp cho người dân để người ta biết.

Kể cả những buổi thảo luận về kinh tế xã hội, giám sát tối cao, rồi chất vấn và trả lời chất vấn vẫn phát thanh trực tiếp thế sao tiếp dân phải cấm ghi âm chụp hình”.

Cũng theo vị này, công tác tiếp dân nếu cán bộ sợ mình nói sai thì phải tiếp cho chu đáo, cẩn thận và chuẩn bị cho kỹ lưỡng.

Còn nếu cán bộ vừa ngại tiếp dân, lại chuẩn bị sơ sài còn không cho ghi âm, ghi hình thì đó là thiếu dân chủ.

“Tiếp dân là thay mặt chính quyền để tiếp người dân, thế thì công khai minh bạch có gì đâu mà sợ” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: “Chỉ có sợ nhất cán bộ không làm tròn bổn phận người đại diện cho dân để rồi nói một đường, làm một nẻo.

Những cán bộ như vậy mới sợ ghi âm, ghi hình vì sau này nhỡ có vấn đề gì đó sẽ là bằng chứng.

Nếu như thế, cho thấy nói với làm không nhất quán. Còn nói và làm nhất quán thì không bao giờ sợ điều gì cả. Kể cả báo chí, cơ quan truyền thông đến dự buổi tiếp dân thì đó là tốt.

Ví dụ như vụ Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi, Chủ tịch thành phố, thậm chí Bí thư Thành ủy khi tiếp dân đã công khai trên báo chí đến ngày nào hoàn thành việc giải quyết cho người dân Thủ Thiêm. Điều đó, tôi cho là tốt nên không có gì là ngại cả”. 


Trinh Phúc
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Chi-co-nhung-can-bo-noi-mot-dang-lam-mot-neo-moi-so-ghi-am-chup-hinh-post194531.gd