15 janvier 2019

NGƯỢC NGUỒN CHỮ VIỆT (Kì 3 VÀ 4)


Hoàng Minh Tường



III- NGƯỜI TIỀN TRẠM 




Có lẽ, người Việt Nam đầu tiên tìm được mộ cha Alexandre de Rhodes là một ông già tóc bạc húi cua, gần tám mươi, nhưng vóc dáng, cử chỉ, hát xướng đôi khi các trai tơ còn khó vượt. Đó là một người Việt có quốc tịch Bỉ, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng có hơn bốn mươi năm giảng dạy tại trường đại học Liége, với lĩnh vực cơ học vật rắn biến dạng, chuyên ngành cơ học tính toán, từng là chủ nhiệm bộ môn cơ học phá hủy thuộc khoa học kỹ thuật hàng không không gian, đại học Liége. 


Từ năm 1976, giáo sư Hưng đã có nguyện vọng về hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực bậc cao để phát triển đất nước. Năm 2006, nghỉ hưu, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng về sống tại Việt Nam, tham gia giảng dạy và liên kết với các trường đại học ở Tây Âu đào tạo nhiều thạc sỹ, tiến sỹ cho các trường đại học TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.

Hình như chính ông phó giáo sư BH, người bị mạng xã hội ném đá tới tấp vì chuyện cải tiến (hay cải lùi ?) chữ Quốc ngữ, là duyên cớ để giáo sư Nguyễn Đăng Hưng quyết chí sang Iran.

- Đang yên đang lành, cái chương trình cải tiến chữ Quốc ngữ của ông BH khiến tôi buồn cả tháng trời. - GS Nguyễn Đăng Hưng bộc bạch - Một người làm khoa học tự nhiên như tôi, hà cớ gì phải quá bận lòng với những vấn đề xã hội. Tôi tự nhủ và cố gạt đi. Nhưng không nổi. Tôi nghĩ, chữ quốc ngữ còn có những điều cần cải tiến, như có nên thay PH bằng F, D bằng Z, hoặc có nên đưa F, J, Z, W, vào bảng chữ cái hay không…, nhưng kiểu làm của ông BH thì không thể được. Chắc chắn có một thế lực nào đó hậu thuẫn cho ông BH, muốn đảo lộn tất cả, muốn xóa bỏ thành quả trăm năm của chữ Quốc ngữ… Nếu cứ nhốt mình trong phòng để bấm iphone cãi nhau với ông BH trên mạng có khi mình phát điên. Tôi nghĩ, thiết thực nhất là chúng ta cần tìm cách nào đó vinh danh tiếng Việt, bảo vệ chữ Quốc ngữ.

Thế rồi trong dịp sang Bỉ nghỉ hè cùng vợ con, tháng 5 năm 2018, giáo sư Hưng gặp lại người bạn cũ, một nhà khoa học Iran. Sau khi được chỉ dẫn, cho những lời khuyên và giới thiệu một vài người cần gặp, giáo sư Hưng bỏ tiền túi mua vé bay sang Teheran.

Chao ôi, đi tìm ngôi mộ cổ của một ông linh mục thuộc tòa thánh Vatican truyền đạo ở xứ sở đạo Hồi, chết cách đây 358 năm, thật quá chuyện mò kim đáy biển. Rất may, như có thế giới tâm linh mách bảo, một người bạn ở thủ đô Teheran đã giới thiệu cho giáo sư Hưng một hướng dẫn viên du lịch thượng thặng, ông Hojat Sadeqzadeh, đang sống cùng gia đình ở Isfahan. Ông Hojat, chỉ thiếu một chút chiều cao, vài ba centimet, chắc chắn sẽ không làm nghề hướng dẫn viên du lịch mà sẽ làm người mẫu, ngôi sao, hái ra tiền. Nhìn gương mặt tuổi tráng niên mà vẫn đẹp như hình mẫu của nhà điêu khắc Auguste Rodin với bộ râu quai nón xanh rì, sống mũi thẳng, đôi mắt sâu trầm ấm mà cương nghị, khiến giáo sư Hưng nghĩ tới bóng dáng của Chúa Jesus Christ. Và ông hoàn toàn yên tâm. Việc đầu tiên là phải tìm ra ngôi mộ của cha Alexandre de Rhodes. Khác ở Việt Nam, nghĩa địa là thành phố của người chết, có khi nguy nga hoành tráng chẳng kém gì thành phố của người sống, ở Iran, đi cả ngày trời cũng không tìm ra một nghĩa địa. Các nghĩa trang nằm lẩn trong rừng cây, khiêm nhường như những bãi đá phơi trên mặt đất, u tịch và hoang liêu như chính cõi vĩnh hằng. Và ông Hojat người bản địa, thông thuộc thành phố như lòng bàn tay, không khó khăn gì, chỉ nửa giờ sau, đã tìm ra nghĩa trang của người Armenia theo đạo Thiên Chúa ở ngoại ô Isfahan.

Đi qua trường đại học Isfahan chừng mươi phút thì đến khu nghĩa địa Armenia. San sát, ngổn ngang mộ đá nằm dưới bóng thông, thông trồng dọc đường vào từng khu nghĩa địa, thông mọc thành rừng, chen trong các hàng mộ, trên một không gian rộng chừng vài hecta. Giống như hầu hết những nghĩa địa của xứ này, mộ chỉ nhô trên mặt đất chừng hai gang tay, như những chiếc quan tài đá, hoặc là những tấm đá, phiến đá, to nhỏ, dài ngắn tùy theo sự giàu nghèo, thứ bậc. Ở khu mộ cổ, thời gian đã làm vị trí các mộ xê lệch, trồi sụt không theo hàng lối, nhiều tảng đá xô chồng lên nhau, bị vùi trong đất, hoặc bị vỡ, bị mòn vẹt hết chữ.

Khi ông Hojat cùng người trông coi nghĩa trang từ nhà quản trang dẫn giáo sư Hưng đi về phía khu mộ cổ, tim ông có lúc tưởng chừng như thắt lại. Ông ngỡ như sắp được gặp một người thân thiết trong dòng tộc của mình.

- Đây, đây là mộ của cha Alexandre de Rhodes mà giáo sư muốn tìm.

Giáo sư Hưng sà xuống, ấp cả hai bàn tay lên khối đá màu xám tro, đã được gió và cát và thời gian mài mòn, kích thước như một chiếc quan tài ở Việt Nam. Có những dòng chữ, nhưng mờ quá, không thể đọc được.

Người quản trang cùng ông Hojat xách nước tưới lên mộ đá và dùng khăn lau rửa bụi. Nước khô đến đâu, những chữ Latin hiện ra đến đó. “Nơi đây yên nghỉ Linh mục Alexandre de Rhodes… Đã tạ thế tại Isfahan ngày 5 tháng 11 năm 1660.”

Không còn nghi ngờ gì nữa rồi. Gần bốn thế kỷ trôi đi, người có công to lớn khai sinh ra chữ Quốc ngữ, vẫn nằm đây một mình. Không thể tả nổi tâm trạng giáo sư Hưng lúc đó. Ông là một cá thể, nhưng dường như là tất cả. Một kế hoạch ngay lập tức được ông phác trong đầu. Ông không thể đến đây như một kẻ hành hương suông, một kẻ tri ân tầm phào, đặt một bó hoa, thắp một nén hương rồi tếch về xứ sở. Ông phải có bổn phận, có nghĩa vụ. Ngay hôm đó, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bàn với ông Hojat tìm cách gặp các nhà chức trách, từ khu nghĩa trang, đến giáo phận nhà thờ, chính quyền thành phố, thậm chí Bộ Văn hóa quốc gia… để tìm cách được sửa sang lại mộ, đặt bia tưởng niệm cho cha Alexandre de Rhodes. Nếu ở Việt Nam, công việc phức tạp và rườm rà đó chắc chắn sẽ phải mất vài tháng trời. Người ta sẽ đùn đẩy từ phòng này sang ban kia, sẽ cật vấn anh là ai, giấy tờ đâu, có quan hệ gì với người dưới mộ? Tại sao muốn làm việc này? Có ý đồ chính trị gì không? Nhà nước của ông có cho phép ông chưa? Người ta sẽ điện về Đại sứ quán ở Teheran, và tất nhiên đại sứ quán không thể trả lời, phải điện về nước xin chỉ thị trung ương… Chỉ nghĩ đến mớ chằng chịt ấy đã rã rời, chẳng thiết làm gì. Vậy mà, lại như có tâm linh dẫn dắt, giáo sư Hưng chỉ phải gặp vài ba nơi, như nhà thờ, sở Xây dựng, sở Văn hóa thành phố…, mà chẳng phải quà cáp, phong bì lót tay gì, đến đâu cũng hanh thông.

IV. ĐOÀN HÀNH HƯƠNG



Như được trao một sứ mệnh, giáo sư Hưng lặng lẽ đề ra một chương trình hành động. Ông thiết kế hai tấm bia để ghi danh cha Alexandre de Rhodes bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Iran và nhờ thợ khắc đá đặt ngay dọc chiều dài của mộ đá. Tấm bia quan trọng nhất, đặt ở đầu phần mộ, sẽ phải làm tại Việt Nam và do chính những người Việt mang tới bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Từ năm 1975, giáo sư Hưng có nhiều bạn, nhất là những vị có tiếng tăm, từng làm trong guồng máy nhà nước, nhiều bạn bè xứ Quảng quê hương ông, nơi phát tích đầu tiên của chữ Quốc Ngữ. Nghe trình bày dự định của ông, hầu như ai cũng tán đồng. Thế rồi Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt của Đại học Duy Tân, Đà Nẵng được thành lập, do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm viện trưởng. Một chương trình hành hương sang Isfahan để lập bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes được tổ chức, với nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tự đóng góp tài chính. Trong nửa tháng, tour du lịch đầu tiên tới Iran của chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng đã kín khách đăng ký.

Công việc quan trọng đầu tiên là phải thiết kế một tấm bia vinh danh cha Alexandre de Rhodes, có hình ảnh ngài, có chữ Việt, chữ Latin, chữ Iran bằng thứ đá hoa cương Quảng Nam, do những người thợ đá trứ danh Đà Nẵng tạo tác. Có ngay một Mạnh thường quân xin giấu tên cung tiến. Gian nan nhất sẽ là việc đóng kiện và vận chuyển bảo vật cồng kềnh nặng hàng mấy tạ này để đến xứ sở Ba Tư mà không có thảm bay thần kỳ.

Sáu tháng sau, vào ngày 1 tháng 11 năm 2018, cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng còn có thêm mười chín con dân Việt Nam nữa, tám nữ, mười một nam, thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, quá giang qua Hà Nội, sang Istanbul.

Trong đoàn có một nhà sử học, đúng hơn là nhà khảo cổ học: tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, hiện là phó tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay lừng danh. Có lẽ công việc khảo cổ ở xứ sở Ba Tư, nếu có liên quan đến việc xác định xương cốt của người quá cố cách đây hơn ba trăm năm, sẽ không xảy ra. Nhưng rất cần những chứng cứ, những dấu mốc liên quan đến quá khứ mà chỉ có lịch sử mới đủ khả năng minh định. Có hai nhà nhiếp ảnh và quay phim quan trọng được mời đi trong đoàn. Nhà nhiếp ảnh Việt Kiều Nguyễn Văn Tâm và nhà nhiếp ảnh kiêm quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền.

Vợ chồng anh Tâm người Sài Gòn, theo đạo gốc. Khi đã thân quen rồi, anh mới hé lộ một khoảng đời khó quên, ấy là thời kỳ trước năm 1975, anh từng là lính kỹ thuật trong hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Chính anh đã tham gia cùng với các sĩ quan kỹ thuật trong hạm đội hải quân gồm các tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, hộ tống hạm Nhật Tảo, khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng… trong trận bảo vệ Hoàng Sa từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974. Vì là lính am hiểu kỹ thuật, sau năm 1975 anh được trọng dụng, tiếp tục phục vụ cho đến khi nghỉ hưu. Niềm đam mê nhiếp ảnh đã cho anh đi khắp các nẻo đường đất nước. Chính anh, và có lần cả chị Thu vợ anh, đã chín lần đi phượt lên đỉnh Phanxipan để săn mây. Anh bảo, có lần gần lên đến nóc nhà nước Việt thì bị mưa tuyết, thức ăn mang theo gần cạn, cả đoàn tưởng không thể trở về… Trước chuyến đi này, vợ chồng anh Tâm đã tìm đến nhà thờ Măng Lăng ở Phú Yên, xin với cha xứ cho xem báu vật “Phép giảng tám ngày” rồi nài nỉ xin được photo lại, đóng thành quyển mang sang Iran để trình trước mộ cha Alexandre de Rhodes và xin mọi thành viên trong đoàn ký ngay tại mộ để làm kỷ niệm chuyến đi để đời.

Nhà nhiếp ảnh trẻ Huỳnh Văn Truyền là một bí ẩn, mà sau này mọi người mới phát hiện ra và thốt lên Eureka ! Truyền vốn là một nhà kinh doanh . Anh từng thành lập một doanh nghiệp, lương tháng vài bốn chục triệu. Nhưng quá say mê nghệ thuật thứ bẩy, anh bỏ nghề, mua máy quay, máy ảnh, để thỏa lòng đam mê. Tại Hội nghị Apec 2017 tại Đà Nẵng, anh là một tay máy được đặc cách mời vào bộ phận truyền thông, và đã ghi nhiều dấu ấn với những thước phim, những khuôn hình đầy ấn tượng. Mùa băng tuyết nào ở Mẫu Sơn, ở Sa Pa, anh đều vác máy lăn lộn trong giá rét để săn ảnh hàng tuần. Trước khi sang Iran anh đã kịp gửi những bức ảnh tâm đắc nhất trong năm tham dự cuộc triển lãm ảnh Quốc gia năm 2018 tại Hà Nội. Và, anh không thể ngờ, bộ ảnh Hạ Long của anh, với những góc nhìn mới lạ, với bố cục độc đáo được chiếu rọi bởi thứ ánh sáng thần tiên của biển trời Đông Bắc, ngay trong thời gian Truyền ở xứ sở Ba Tư đã đoạt huy chương vàng, khảng định tay máy của một tài năng trẻ.

Có hai hành khách trong đoàn lên từ ga Nội Bài. Đó là người đẹp Nguyễn Thu Hà thuộc Trung tâm Bưu điện Hà Nội và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Trong giới văn chương, báo chí hầu như rất ít người không biết đến Nguyễn Đình Toán, một tay máy thượng thặng, tất nhiên, nhưng còn là một nghệ sỹ thứ thiệt say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến tận cùng, một ham mê định mệnh, phi lợi nhuận. Ngay từ năm 1965, khi còn làm pháo thủ số 2, số 3 pháo 100 ly của trung đoàn 261 phòng không Hà Nội, từng đặt bệ pháo bên hồ Trúc Bạch để săn máy bay Mỹ, chàng tân binh Nguyễn Đình Toán đã mơ ước có được một chiếc máy ảnh như phóng viên quân đội Đoàn Công Tính đang nổi như cồn ngày đó. Ông yêu khẩu pháo đã gắn bó phần đời trai trẻ của mình, tới mức, ngày Bảo tàng Phòng không Không quân được thành lập, đến thăm, nhìn thấy khẩu 100 ly, ký hiệu viết bằng chữ Nga MBI (N ngược) 1263 M2, ông nhận ra ngay. Hệt như nó là đứa con, người bạn thân thiết máu thịt của đời mình. Những vết bom bi trên thân pháo kia thì đúng rồi, nhưng còn những vết xì kia, vết rách ở lốp kia thì không phải, đó là những vết tôn tạo. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, mà khoảng khắc thời gian, giới hạn không gian là tiêu chí sự thật quan trọng ngang với bố cục, góc nhìn của nhà nghệ sỹ, thì điều sắp đặt kia là sự phản nghệ thuật... Không có bức ảnh nào của Nguyễn Đình Toán chụp con tuấn mã 100 ly của ông ngày ấy, nhưng ông đã chụp nó bằng trái tim, tâm hồn. Năm 1993 Nguyễn Đình Toán xuất ngũ với quân hàm đại úy. Và từ đó ông là tay máy chuyên nghiệp không biên chế của một cơ quan nào. Cầm máy không lương. Nhuận ảnh không đủ mua phim Kodak, phim Orvo, càng không đủ tiền để in tráng. Nhưng không có một sự kiện văn hóa văn nghệ nào vắng mặt ông. Không có một gương mặt ấn tượng của văn nghệ sỹ nào của Hà Nội (và cả nước) không được ông ghi lại. Càng những tài năng bị khuất lấp, những số phận chông chênh, chìm nổi càng được ông nâng niu từng khuôn hình. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc… đã trở thành đặc sản của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.