01 février 2019

Đánh cá trên chiến tuyến của những tham vọng của Trung Quốc


Nguyên tựa bài báo: Fishing on the front line of China’s ambitions

Financial Times (FT)

Friday, 25, January, 2019

Tác giả bài báo: John Reed

Người dịch: Lâm Du



Ngư dân Việt Nam lo sợ phải hứng chịu những thiệt hại tai bay vạ gió trong một cuộc xung đột lớn hơn

Bắc Kinh đã phô bày sức mạnh cơ bắp của nó trong cả thập kỷ để thách thức các yêu sách lãnh thổ của đối thủ trên Biển Đông. Khi cuộc chiến đó gia tăng, ngành  đánh cá Việt Nam lo sợ rằng nó sẽ phải hứng chịu những thiệt hại tai bay vạ gió (nguyên văn: “collateral damage” = thiệt hại đính kèm) trong cuộc xung đột này.


Ngày 12 tháng 12, sau khi lê lết cập cảng Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi, con tàu đánh cá mang số hiệu QNG 90675 cho thấy dấu hiệu của một cuộc đối đầu trên biển với một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc (nguyên văn: “with a Chinese coast guard ship”). Theo các quan chức địa phương, các cảnh sát biển Trung Quốc đã nhảy sang tàu đánh cá của Việt Nam, buộc thủy thủ đoàn Việt Nam gồm 7 người phải đứng thẳng, giơ hai tay lên ra đằng sau đầu, tịch thu số cá đánh được và ngư cụ của họ, trước khi cắt đứt các tấm lưới đánh cá của con tàu đánh cá này và ném chúng xuống biển.

Con tàu đánh cá này đang đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa thuộc biển Nam Trung Hoa, như những ngư dân Việt Nam cha ông họ đã đánh bắt cá tại đây từ nhiều thế kỷ trước, bên trong cái mà Hà Nội tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vùng biển mà họ gọi là Biển Đông. So với các khu vực ven biển của Việt Nam bị đánh bắt quá mức, ngư trường này có rất nhiều loài cá như cá ngừ và cá chuồn.

Nhưng Hoàng Sa cũng nằm bên trong ranh giới lãnh hải tự tuyên bố của Trung Quốc – “đường chín đoạn”, (tiếng Việt gọi đơn giản là “đường lưỡi bò” – người dịch) - một vùng biển mà trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không ngần ngại chứng minh điều này đối với những ngư dân Việt Nam, đôi khi bằng những ngôn từ thô bỉ.



Người quản lý, điều hành một đoàn tàu đánh cá trong đó bao gồm cả con tàu QNG 90675 nói rằng tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã áp sát con tàu đánh cá này và các cảnh sát biển Trung Quốc đã nhảy lên con tàu này và nói rằng họ (những ngư dân Việt Nam) đang đánh bắt cá trong vùng biển của Trung Quốc. Ông Dương Van Rin, người quản lý, điều hành 20 chiếc tàu đánh cá này cho biết “Khu vực mà chúng tôi đánh bắt cá là vùng lãnh hải Việt Nam. Chúng tôi không xâm phạm lãnh hải của bất cứ nước nào cả”.

Những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Tàu tại Hà nội ngày 14/03/2016 © AFP

Các quan chức ngành thủy sản và ngư dân Việt Nam được phỏng vấn bởi tờ Thời báo Tài chính (FT) cho biết rằng các cuộc đối đầu giữa lực lượng cảnh sát biển hoặc tàu thuyền dân sự Trung Quốc - được truyền thông nhà nước ở Hà Nội gọi là “các tàu lạ” – với các tàu thuyền Việt Nam là chuyện thường xuyên, và đã có nhiều trường hợp là tầu thuyền Việt Nam bị chìm, ngư dân bị thương và trang thiết bị hoặc số cá đánh bắt được bị lấy đi.

Những va chạm, xung đột trong việc đánh bắt cá cho thấy một khía cạnh kinh tế và môi trường mà vốn ít được đề cập của một sự đụng độ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á của nó tại một trong những khu vực rắc rối về địa chính trị nóng bỏng nhất của thế giới, cũng như một nguồn gốc tiềm tàng cho một cuộc xung đột rộng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Như học giả Gregory B Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã viết trong một báo cáo nghiên cứu trong tháng này rằng những người ngư dân “đang phục vụ trên chiến tuyến của cuộc đụng độ này”  khi họ chiến đấu vì miếng cơm manh áo của họ chống lại những tàu thuyền đánh cá và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc vốn được trang bị tốt hơn.

Bắc Kinh đã nạo vét các rạn san hô và xây dựng các căn cứ và các đảo nhân tạo để thể hiện ưu thế thống trị quân sự của mình trong khu vực, và ngăn chặn một cách có hiệu quả việc thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt tại vùng biển này của Việt Nam - bao gồm cả hai dự án với hãng Repsol của Tây Ban Nha - và các nước láng giềng khác của Trung quốc.

Một tàu cá Việt nam bị đâm chìm gần Hoàng Sa năm 2014 trong một vụ đụng độ với 40 tàu cá Trung Quốc © EPA


Đồng thời, Trung Quốc, Việt Nam và các đội tàu thuyền đánh cá khác đang tranh nhau khai thác những nguồn cá đang càng ngày càng suy giảm, mà sự giảm sút của các nguồn cá ấy được các nhà phân tích quy lỗi một phần cho việc Trung Quốc nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng biển này. Các ngư dân Việt Nam, trong khi họ cạnh tranh với các tàu cảnh sát biển và tàu thuyền đánh cá được trang bị tốt hơn của Trung Quốc, lại có nguy cơ buộc phải can dự, bị lôi cuốn vào các sự cố mà có thể gây ra những xung đột lớn hơn.

Ông Poling viết rằng “Trong khi chạy đua để đánh bắt những con cá cuối cùng trong vùng Biển Nam Trung Hoa, những người ngư dân đang đứng trước một nguy cơ lớn là sẽ gây ra một cuộc đụng độ dữ dội, tương tự với một cuộc đụng độ gây ra bởi các lực lượng vũ trang trong khu vực”. Báo cáo nghiên cứu này, được công bố bởi CSIS, đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh và các công nghệ khác để theo dõi các tàu thuyền đánh cá, và tiết lộ rằng các hoạt động tổng thể đang tăng lên từ năm này qua năm khác.


Một tổn thất kinh tế


VN cho biết các vụ đụng độ đe dọa một nguồn tài nguyên cốt lõi mà sinh kế của ít nhất 1,4 triệu người trong số 96 triệu người của dân số Việt Nam đều phụ thuộc vào nó (nguồn tài nguyên ấy). Theo một ước tính của năm 2015, Biển Nam Trung Hoa chiếm khoảng 12% trữ lượng cá đánh bắt của thế giới. Nhưng những tàu thuyền đánh cá bằng gỗ của Việt Nam, đang hoạt động trên một dải bờ biển dài hơn 3.200 km của đất nước, không thể nào địch lại được một hạm đội tàu thuyền đánh cá vỏ thép của Trung Quốc - một ẩn dụ thích hợp nói lên sức mạnh ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong tương quan với các nước láng giềng yếu hơn về kinh tế và quân sự.

“Tại các vùng biển xa xôi, đặc biệt là ở các khu vực gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tàu đánh cá của Việt Nam thường bị cấm cản, quấy rối và đe dọa bởi các tàu thuyền Trung Quốc”, trong một điện thư trả lời các câu hỏi, ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam đã nói như vậy. “Các ngư dân VN đánh cá để đảm bảo cuộc sống và để khẳng định chủ quyền của VN”.

Song song với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình, Việt Nam đã gia tăng các chi tiêu quân sự, đặc biệt là cho lực lượng hải quân của mình, và nhằm đối phó với các mối đe dọa có thể, bao gồm cả các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Khi được hỏi về các vụ đụng độ, chính phủ Trung Quốc cho biết lực lượng cảnh sát biển của họ thực hiện “các nhiệm vụ tuần tra bình thường tại các vùng biển có liên quan thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, và trong các trường hợp đơn lẻ, họ đôi khi hành động chống lại các tàu thuyền đánh bắt cá nước ngoài.

Một người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc nói rằng “Mọi người đều hiểu rằng điều hoàn toàn bình thường khi có một số tranh chấp về đánh bắt cá thỉnh thoảng có xảy ra giữa các quốc gia ven biển láng giềng”. Người này khuyên phóng viên báo FT “nên tập trung nhiều hơn vào sự hợp tác nghề cá lành mạnh giữa Trung Quốc và Việt Nam”, bao gồm cả việc hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong các trường hợp khẩn cấp, hơn là tập trung vào những gì mà người phát ngôn này gọi là “những tranh chấp lẻ tẻ trong việc đánh bắt cá”.


Tâm trạng bài Hoa trong khu vực


Những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về đánh bắt cá không chỉ giới hạn ở Việt Nam. Những tàu thuyền đánh cá của Philippines cũng cho biết là cũng bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc quấy rối, bao gồm cả việc dùng tàu lớn đâm thẳng vào các tàu thuyền đánh cá và dùng súng phun nước và bắn chỉ thiên cảnh cáo.

Ngư dân vùng Đà Nẵng (hình trên) và các tỉnh lân cận phía nam bị thiệt hại nhiều nhất

Theo Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Nam Trung Hoa tại Đại học Luật (Philippines), ngư dân tại bãi cạn Scarborough, một rạn san hô đang tranh chấp, “đã phải chịu đựng việc cảnh sát biển Trung Quốc cướp đi một phần số cá đánh bắt được của họ”, cho đến khi những hành động này được quay phim, ghi hình bởi các phóng viên truyền hình địa phương vào hồi năm ngoái.

Manila đã giành được phần thắng trong một vụ kiện tại tòa án của Liên Hợp Quốc năm 2016 chống lại Trung Quốc liên quan đến các yêu sách chủ quyền của TQ tại Biển Nam Trung Hoa. Nhưng kể từ khi Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines lên nắm quyền, ông này đã theo đuổi việc tạo dựng một mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Ba năm trước, hải quân Indonesia đã bắt giữ những chiếc tàu đánh cá TQ tại vùng biển Natuna, bên trong khu vực mà họ (Indonesia) tuyên bố là khu kinh tế hàng hải của họ. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã biện minh cho sự hiện diện của những chiếc tàu đánh cá TQ tại vùng biển Natuna bằng cách gọi vùng biển này là “ngư trường truyền thống” của TQ - một quan điểm mà Jakarta đã phản bác.

Đối với VN và Trung Quốc, cuộc chiến giành quyền đánh bắt cá cho thấy một điều gì đó còn lớn lao hơn. Nó cho thấy những diễn biến không ổn định trong các mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa họ với nhau, với tình cảm chống Trung Quốc đã ăn sâu trong tiềm thức của một quốc gia mà đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh biên giới chống lại người hàng xóm khổng lồ vào năm 1979.

Lãnh đạo cộng sản VN có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, một đối tác thương mại hàng đầu, ngay cả khi nước này có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, Nga và các nước khác. Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn là một trong những tiếng nói gay gắt nhất ở Đông Nam Á lên tiếng chống lại những hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển.

Tuy nhiên, Hà Nội đã chọn lựa ngôn từ một cách thận trọng, một phần là do tâm trạng bài Hoa sâu rộng trong nước. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra không phải chỉ một lần, khiến Hà Nội bất ngờ và cho thấy một yếu tố không thể dự đoán được đối với một chính phủ mà trong hầu hết các trường hợp đều kiểm soát chặt chẽ được tình hình.




Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại về các cuộc đụng độ trên biển khi nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng VN có các căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về những tuyên bố chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngư dân Việt nam đóng tàu vỏ sắt thay thế tàu vỏ gổ dễ bị đâm chìm © Getty

VN cực lực phản đối các biện pháp nặng tay và đối xử khắc nghiệt của các nước khác đối với ngư dân VN, như truy đuổi và dùng tầu thuyền lớn đâm vào các tàu thuyền đánh cá và tịch thu các đồ nghệ đánh bắt cá, nhằm mục đích, nói riêng, là để thúc đẩy các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của họ tại Biển Đông, Bộ này cho biết như vậy, nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Bộ này còn nói thêm, VN đã gửi công hàm phản đối, yêu cầu các nước liên quan thực hiện các hành động thích hợp và tiến hành bồi thường đầy đủ.

Các vụ đụng độ trên biển đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi các phương tiện truyền thông do nhà nước VN kiểm soát - thường kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm về chính trị - cho biết có ít nhất hai sự cố đã xảy ra vào năm ngoái, vào tháng 8 và tháng 10, trong đó các tàu thuyền bị đâm và bị chìm hoặc bị hư hỏng nặng bởi “các tàu lạ”.

Nguyễn Chu Hội, phó giáo sư thuộc Đại học quốc gia Hà Nội nói rằng “Tình hình là hết sức khó khăn đối với các ngư dân và gia đình của họ, những gia đình mà chiếc thuyền đánh cá là phương thức duy nhất để kiếm sống của họ. Khi tàu bị đâm và chìm, ngư dân không thể tìm thấy xác”.

Theo Vinafish – Hiệp hội nghề cá VN, ngành đánh bắt cá của VN sử dụng tới 432 000 nhân công lao động trực tiếp và 1 triệu nhân công lao động khác trong các ngành nghề chế biến, đóng và sửa chữa tàu thuyền và các ngành có liên quan khác, mang lại giá trị xuất khẩu 1,7 tỷ đô la mỗi năm và đóng góp gần 3% vào tổng sản phẩm quốc nội của VN.

Ông Hội mô tả cuộc tranh chấp là một “cuộc chiến tranh đánh bắt cá thầm lặng”. Các cộng đồng thuộc thành phố (trực thuộc trung ương) Đà Nẵng và xa hơn về phía nam là những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ông còn nói thêm rằng các tỉnh thành giáp giới với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “những nơi dễ bị tổn thương nhất”.

Trong số đó có Quảng Ngãi, nơi diễn ra cuộc đụng độ liên quan đến tàu cá QNG 90675. Nằm cách xa các trung tâm công nghiệp VN xung quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh này có 30.000 ngư dân và phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá ngoài khơi.

Phan Huy Hoàng, người đứng đầu Hiệp hội đánh cá địa phương, ước tính rằng các tàu thuyền Trung Quốc đã đâm chìm (hoặc gây thiệt hại nặng nề) cho các tàu thuyền đánh các VN hoặc tịch thu các thiết bị đồ nghề đánh các của họ khoảng 30 lần trong một năm. Ông nói rằng hầu hết các vụ đụng độ liên quan đến các tàu hải giám hoặc cảnh sát biển của TQ, và dẫn đến việc tàu VN bị chìm năm hoặc sáu lần một năm. “Khi các tàu thuyền TQ đâm vào các tầu thuyền bằng gỗ (của VN), tàu thuyền của VN trở nên không an toàn”, ông Hoàng nói. “Tất cả các thuyền Trung Quốc đều có vỏ thép”.
 
Dân Phi Luật Tân và Việt nam tuần hành ở Manila đòi Tàu tôn trọng chủ quyền của họ ở Biển Đông



Ngư dân lãnh đủ


Bắt đầu từ năm 1999, Trung Quốc đã sử dụng nhiều tầu thuyền của mình để áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè tại biển Nam Trung Hoa. Họ nói rằng họ làm như vậy là để bảo vệ đàn cá, và trong những năm gần đây họ đã cắt giảm sản lượng và kích cỡ các tàu thuyền đánh cá của chính họ trong khu vực. Nhưng các tổ chức đánh bắt cá của VN coi đó là một sự vi phạm các đặc quyền kinh tế của VN và đã phản đối và trong một số trường hợp đã cố gắng tỏ ra thách thức những lệnh cấm này.

Điều đáng lo ngại đối với Hà Nội là cuộc chiến với Trung Quốc trên ngư trường đánh bắt xa bờ đang bắt đầu tác động gián tiếp đến quan hệ thương mại với EU, khối mà gần đây VN đã ký một hiệp định thương mại tự do.

Theo các nhà phân tích và quan chức chính quyền, các cuộc đụng độ với Trung Quốc đã khiến nhiều tàu thuyền đánh cá của VN chuyển hướng đến các ngư trường thuộc Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương - trong một số trường hợp là đến những vùng biển cách xa ngư trường của VN đến hàng ngàn km - và trực tiếp đối đầu với EU, nơi mà EU sử dụng ảnh hưởng của mình như một khối các quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu để thực thi các hoạt động đánh bắt bền vững.

Năm ngoái, Ủy ban châu Âu  đã giơ thẻ vàng cảnh cáo VN về việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát được. Nếu Brussels nâng cấp lên mức “thẻ đỏ”, khi mà quyết định này sẽ được tái xét trong năm 2019, thì xuất khẩu thủy sản trị giá hơn 1 tỷ đô la của VN vào khối này sẽ gặp rủi ro.

“Ngư dân của VN chịu áp lực rất lớn từ việc thiếu hụt ngư trường đánh bắt và đành phải chuyển hướng đến các khu vực xa lạ để đánh bắt”, ông Hội nói. “Nhưng thẻ vàng thì họ không thể chống đỡ được”.

Trong một nỗ lực nhằm tránh né các biện pháp trừng phạt của EU, năm ngoái, VN đã thông qua một đạo luật nhằm đưa ngành công nghiệp đánh bắt cá của mình đạt tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Các quan chức cho biết rằng họ đã tăng cường giám sát các tàu thuyền, áp đặt các mức tiền phạt vì vi phạm.

Hà Nội cũng đang giúp đỡ ngư dân nâng cấp tàu thuyền của họ để làm cho chúng trở nên an toàn hơn. “Chính phủ muốn giúp ngư dân bám trụ tại các ngư trường truyền thống của họ ở Hoàng Sa”, ông Rin, một chủ tàu cho biết như vậy. “Họ cũng muốn ngư dân được an toàn, không chỉ được an toàn trước những biến động thời tiết, mà còn được an toàn trước những tàu thuyền của Trung Quốc nữa”.


Những mối quan hệ tồi tệ

Hà Nội đã từng nặng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc


Nhà cầm quyền cộng sản VN tự hào rằng quốc gia của họ đang tăng trưởng GDP hơn 7% trong năm ngoái, một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất ở châu Á. Và bất chấp cuộc chiến tranh thương mại Hoa - Mỹ, mà hiện đang tác động tới khu vực này, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đạt mức kỷ lục 19 tỷ đô la. Không giống như một số nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan chẳng hạn, VN hiện nay là một quốc gia ổn định về chính trị, phần lớn là do sự trấn áp nặng tay của chính quyền trong việc đàn áp giới bất đồng chính  kiến.

Nhưng trong khi các cuộc biểu tình thu hút được nhiều quần chúng là rất hiếm, thì có một vấn đề mà sẽ kết nối những con người VN và đưa họ xuống đường phố với một số lượng lớn, đó là mối ác cảm đối với Trung Quốc (tâm trạng bài Hoa). Vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu khí vào vùng biển ngoài khơi của VN trong biển Nam Trung Hoa thì một làn sóng biểu tình dữ dội đã nổ ra khắp đất nước, trong đó đám đông đã gây náo loạn, phá hoại các nhà máy và tấn công cảnh sát, khiến nhiều người thiệt mạng. Một trong những mục tiêu của cơn thịnh nộ của đám đông dân chúng là một nhà máy thép ở miền trung VN thuộc Công ty Formosa thuộc sở hữu của Đài Loan, nơi mà những người biểu tình đã phóng hỏa đốt cháy. Hai năm sau, Formosa phải xin lỗi vì đã xả thải chất độc hại gây ô nhiễm hơn 200km bờ biển, khiến cá chết hàng loạt ở khắp bốn tỉnh dọc bờ biển miền Trung. Sự vụ này đã gây ra nhiều những cuộc biểu tình tiếp theo.

Tâm trạng bài Hoa đã gây ra các cuộc biểu tình trên khắp đất nước này vào hồi tháng 6 năm ngoái. Những người biểu tình đã xuống đường để phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế mà một số người lo ngại là sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Chính quyền đã rút lại dự thảo luật này nói là để tham vấn thêm.

THE END