04 février 2019

CẢM HỨNG VENEZUELA





chọn con đường
đi là tiến đến CNXH
Những ngày Xuân về cùng với sự kiện Vennezuela, một sự kiện được đặc biệt chú ý với người Việt Nam, có lẽ nó chỉ thua kém tin tức những năm đầu của thập kỷ 90 khi hệ thống XHCN sụp đổ ở Đông Âu.

Khi chọn con đường đi là tiến đến CNXH, những người cầm quyền Venezuela đã đưa đất nước đến thảm họa trong thời gian ngắn ngủi chỉ trong hơn 20 năm. Suy cho cùng, đó là tội trạng của những kẻ đã hy sinh tương lai và tinh thần của dân tộc mình cho lợi ích quyền lực hiện tại. Không nói về những điều cụ thể như cách điều hành kinh tế sai lầm, tệ bất tài và tham nhũng vv…đã đẩy một đất nước xinh đẹp, giàu có, nhiều tài nguyên xuống vực thẳm. Nó nằm sâu xa hơn, trừu tượng hơn đó là cách mà chính trị đối xử với văn hóa và lịch sử.


Văn hóa là phương tiện để xã hội tự nhận thức mình, là hoạt động cụ thể, trực tiếp của con người và có ảnh hưởng gián tiếp đến trạng thái tinh thần của xã hội. Trong một xã hội bị cai trị toàn diện thì dĩ nhiên văn hóa bị đàn áp đầu tiên. Vì là phương tiện tự nhận thức, văn hóa sẽ nhận thức được mức độ bị đàn áp, cưỡng bức, hơn nữa văn hóa mở ra cho xã hội sự quyến rũ của quyền tự do, quyền khám phá sự thật, như vậy nó không thể là điều hấp dẫn với CNXH, một môi trường chỉ quan tâm đến quyền lực, lợi ích, tư tưởng giáo điều xơ cứng, những tín điều cứng nhắc bất di bất dịch cùng với sự chuyên quyền.

Chính sách văn hóa XHCN là những hoạt động của các tên “lính gác cửa văn hóa của đảng”, của những cấm đoán, mệnh lệnh, kiểm duyệt, cắt xén. Là các hội đoàn bù nhìn được quản lý bởi những kẻ cuồng tín hung hăng, háo danh, hèn nhát vô vọng và những kẻ bất tài nhưng đầy tham vọng. Như vậy, văn hóa đã bị tách rời khỏi bản chất của nó, hay nói một cách khác văn hóa đã bị thiến hoạn.

Cái nền văn hóa bị thiến hoạn này bàng bạc, có vẻ vô hại, dưới ánh sáng (ưu đãi) của đảng nó nhờn nhợt, thiếu sức sống như một triết gia nói “Nó định cư trong chiều kích của cái thẩm mỹ học tầm thường”, hay như ở VN gọi là “Văn chương mậu dịch”. Đạo đức thân mật kiểu tiểu thị dân, triết lý ủy mị của tính nhân đạo láng giềng, quan niệm tỉnh lẻ về thế giới nếu xuất thân là giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Ngô nghê, hô khẩu hiệu sắt máu, cuồng tín, cổ động cho cái ác nếu xuất thân từ vô sản, bần cố.

Sự thiến hoạn văn hóa sẽ dẫn đến đâu ? Nó sẽ dẫn đến căn bệnh bất lực về tinh thần và đạo đức xã hội mà biểu hiện giai đoạn cuối của căn bệnh này là sự thờ ơ vô cảm của toàn xã hội. Nhìn bề ngoài nó có một sự trật tự, nhưng đó là trật tự không có sự sống, trật tự của nấm mồ.

Ở đâu có không gian cho hoạt động xã hội thì nó cũng mở ra không gian cho ký ức xã hội, đó là lịch sử. Hay nói một cách khác, xã hội càng phong phú thì nó càng nhận thức được chiều kích của thời gian xã hội.

Lịch sử không thể tồn tại trong một xã hội bị đàn áp, trong một nền văn hóa bị thiến hoạn vì cuộc sống bị tê liệt, bị dừng lại thì thời gian xã hội cũng dừng lại, lịch sử vì thế mà biến mất.

Khoảng trống đó được lấp đầy bằng “lịch sử giả hiệu”. Một cách rất tinh vi, chúng ta được cung cấp các sự kiện lịch sử qua tờ lịch : Nào là ngày độc lập, ngày phụ nữ, ngày giáo viên, ngày quân đội, ngày nông dân vv…cùng với nó là các lễ kỷ niệm, các tư liệu bị xuyên tạc bóp méo, các cuộc diễu binh, diễu hành, các cuộc họp nhất trí đồng lòng 99,7%, các cuộc bầu cử có 100% cử tri đi bầu vv…rồi quá khứ làm ta quên hết cả hiện tại lẫn tương lai, chìm đắm trong lễ hội dân gian, trong Tết, trong cái thời tiết lặp đi lặp lại cùng với các lễ nghi thời tiền sử. Chính quyền duy trì các hủ tục đó để tạo ra cảm giác lịch sử vẫn đang chuyển động, công dân tham gia vào trò đó để khỏi bị phiền hà.

Tuy nhiên có thể đè bẹp được cuộc sống xã hội trong một thời gian dài nhưng không thể dừng được nó. Văn hóa, lịch sử dù chậm chạp, bị che dấu vẫn tiếp tục chảy, dù bị tách rời khỏi bản thân, dù bị đàn áp nó vẫn có muôn ngàn cách để quay lại chính mình. Những kẻ đàn áp nó rồi cũng phải suy yếu bởi suy cho cùng, một chính quyền làm tê liệt cuộc sống cũng chính là làm tê liệt mình.

Ở nơi mà cuộc sống xã hội bị đàn áp, quyền tự do ngôn luận bị cấm đoán, chính quyền không có sự đối thoại cởi mở với xã hội, tức là chính quyền không thích nghi với xã hội mà bắt xã hội phải thích nghi với nó, tức là che đậy những xung đột của nó (giữa hệ thống chính trị và đời sống xã hội). Nhưng dưới cái vung này những xung đột và đòi hỏi vẫn hiện diện. Một lúc nào đó, cái vung sẽ không chịu nổi áp lực, nó phải bị hất tung đi và văn hóa, lịch sử sẽ xuất hiện trên vũ đài giữa thanh thiên bạch nhật.

Thời điểm nào điều đó sẽ xảy ra ? Nó có những báo hiệu ngay trong hệ thống quyền lực, chỉ cần quan sát cũng có thể thấy không cần là một nhà sử học hay nhà tiên tri.

Chính quyền có thể còn đủ sức để ngăn cản những áp lực từ xã hội (với muôn vàn vấn đề như kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, giao thông…) nhưng không thể không cảm thấy sức nặng của nó đè lên hệ thống. Những áp lực này, oái oăm thay lại gây ra những cuộc “tranh luận bí mật”, những “cạnh tranh quyền lực bí mật” những thỏa thuận bẩn thỉu sau hậu trường. Những quan chức, lãnh đạo bỗng rớt chiếc mặt nạ, hiện nguyên hình bằng xương bằng thịt đang tranh giành nhau quyền lực bằng biện pháp xâu xé nhau để tự cứu mình. Cuộc “cách mạng cung đình” hiện diện một cách bất ngờ trước mắt người ngoài, những thay đổi vị trí, chức vụ, những quan điểm bất ngờ hoặc cũ kỹ mốc meo được lôi ra từ cái xó tăm tối của lịch sử trong những bài diễn văn, những âm mưu bịa đặt và có thật, công bố những tội lỗi có thật hoặc tạo dựng, bới móc khuyết điểm quá khứ của đồng chí, hất nhau ra khỏi ghế, bôi nhọ nhau, thậm chí bắt bớ và xét xử nhau. Và xã hội ngạc nhiên thấy rằng, những kẻ bị hạ bệ ấy chưa bao giờ tôn trọng và thực hiện những lý tưởng và mục tiêu mà họ từng long trọng tuyên bố. Nhân dân thấy mình bị lừa đảo bởi những kẻ bất lương.

Lịch sử giả hiệu được xây dựng nhiều năm một cách duy lý như thế nào thì sẽ bị lật nhào bởi lịch sử chân thật một cách phi lý tương xứng. Không ai có thể ngờ chỉ trong một tích tắc, tất cả những bí ẩn của lịch sử, những huyền thoại của lãnh tụ, những tội ác ghê rợn trong quá khứ…được đưa ra ánh sáng. Một món quà đáng giá chứng minh rằng, lịch sử với thành tố không thể tính toán, có một không hai sẽ đi đúng con đường mà nó phải đi.

Bao nhiêu lâu rồi chúng ta chưa từng thấy điều ấy ? Cỗ máy tưởng chừng hoàn hảo, vận hành trơn tru trong nhiều năm bỗng hỏng hóc bất ngờ mà không thể sửa chữa. Hệ thống từng cai trị bao nhiêu năm với sự nhất trí “Ý đảng lòng dân” không được phép nghi ngờ qua các cuộc bầu cử nhất trí bỗng phơi bày toang hoác những vết thương chí tử. Chúng ta ngỡ ngàng nhận ra mọi điều không phải giống như ta đã nghĩ.

Những cơn bão tràn tới phá hủy những chế độ độc tài, cũ kỹ, ẩm mốc bao giờ cũng làm tăng tốc những chuyển động xã hội, như một chiếc xe có động cơ hùng mạnh từ những con đường gập ghềnh nhỏ bé bắt đầu cán lên đường cao tốc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào những thời khắc như thế xã hội luôn luôn bừng tỉnh một cách nhanh nhẹn, mạnh mẽ, bao giờ cũng làm thức dậy niềm hy vọng, mở ra không gian cho việc thực thi những việc, những tham vọng của đời sống.
Nên tôi không bất ngờ với những gì đang xảy ra ở Venezuela và sẽ xảy ra ở Việt Nam.