13 février 2019

TS Trần Đình Thiên: Kinh tế vừa chạy vừa phải thay đổi


Việt Nam vừa phải chạy nhanh, vừa phải tự thay đổi đổi cấu trúc nếu không chúng ta sẽ tụt hậu.


Đó là lời cảnh báo của TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. 

Việt Nam vừa chạy vừa phải thay đổi cấu trúc. Ảnh: Baomoi

Tờ VietNamnet bắt đầu cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Thiên từ nhận định cho rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn rất lớn. Với niềm tin này tăng trưởng không chỉ ở mức 7,08% mà theo ông Thiên, còn có thể đạt tới mức 10-15%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên thì trước hết phải tháo bỏ được trùng trùng lớp lớp rào cản.


Ông Thiên nói: "Hơn 30 năm đổi mới rồi mà cấu trúc của nền kinh tế vẫn không thay đổi, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (32% GDP). Mà kinh tế hộ gia đình nhỏ li ti và doanh nghiệp nhà nước yếu kém vẫn chiếm tỷ trọng lớn như vậy thì làm sao làm cho nền kinh tế vững mạnh được. Nền kinh tế sẽ luôn yếu kém một khi chúng ta chưa động đến cấu trúc của nó, chưa làm doanh nghiệp tư nhân mới (chỉ chiếm 8-9% GDP) phát triển mạnh và lớn lên".

Dẫn số liệu có hơn 80 nghìn doanh nghiệp bị phá sản trong thời gian qua, ông Thiên cho rằng đây là vấn đề không bình thường cho thấy doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, và phải được ưu tiên trong các chính sách tới đây.

Đặc biệt cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp trong nước theo đúng nghĩa, không chỉ ưu ái, đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Ông nhắc đến chuyện bỏ 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành và nhấn mạnh đó là hòn đá tảng cần phải làm tiếp thì mới long lên và dời đi được.

"Việt Nam cần có những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, không thể dựa vào cấu trúc doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Chỉ sau 20 năm, Hàn Quốc đã có tập đoàn khổng lồ Samsung; Trung Quốc cũng có các tập đoàn lớn. Chiến lược của họ là cần có những tập đoàn tư nhân hùng mạnh. Trong khi đó ở Việt Nam doanh nghiệp nào phát triển lên thì bị soi mói, bị thanh tra, kiểm tra liên tu bất tận. Chúng ta cần chỉ ra những yếu kém để khắc phục, không nên chỉ ra yếu kém để khiến doanh nghiệp phải vào tù", ông Thiên nói.

TS Trần Đình Thiên cũng đề cập tới chiến lược khoa học phải gắn với khởi nghiệp. Vị chuyên gia cho rằng, lâu nay, khoa học công nghệ vẫn đứng một bên mà không phải là trụ cột chính, cần phải thay đổi tư duy này.

"Khởi nghiệp cần có những tập đoàn lớn, doanh nhân lớn, có nhà đầu tư thiên thần vì doanh nhân thì mới khởi nghiệp được. Hiện nay, ta mới chỉ ở hình thức lập nghiệp dưới dạng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, vai trò của các tập đoàn lớn rất quan trọng.

Lâu nay ta vẫn có khái niệm trung tâm tăng trưởng là hai đầu tàu Thành phố HCM và Hà Nội. Thực ra, các tập đoàn lớn cũng được gọi là đầu tàu tăng trưởng nhưng cả hai khái niệm này những năm qua vẫn đang bị kẹt cứng, chưa được giải phóng", vị chuyên gia thẳng thắn.

Theo ông Thiên, cần đặt ra câu hỏi động lực tăng trưởng ở đâu? Những thị trường cần cho thúc đẩy tăng trưởng đang bị tắc nghẽn, méo mó, ở đâu thị trường đất đai, năng lượng, nhân lực, công nghệ, tiền tệ để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất?

"Luật đất đai vừa ban hành rồi lại bàn sửa tiếp. Tài sản đang bị kẹt nên mới phải tháo gỡ bằng luật mới. Điều đó một lần nữa cho thấy, chúng ta chưa thoát khỏi cấu trúc cũ. Tôi cho rằng, không nên nhìn câu chuyện Thủ Thiêm mà bi quan, nó không phải là câu chuyện về thủ tục hành chính mà nó mở ra hướng xử lí mới giữa tư nhân và nhà nước. Năm loại thị trường, như tôi nói ở trên, cần phải được thị trường hóa một cách đầy đủ, đúng nghĩa", ông Thiên nói và cho rằng đã đến lúc không phải cơi nới, cải tiến mà cần thay đổi căn bản để các thị trường này hoạt động, để đổi mới mô hình tăng trưởng.

Những phân tích của TS Trần Đình Thiên có thể được xem là chìa khóa tìm ra câu trả lời cho những trăn trở của các cơ quan quản lý nhà nước trước đó.

Trước đó, khi nhìn lại 30 năm đổi mới, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phải thừa nhận, dù kinh tế đạt được nhiều thành tựu song "khi Việt Nam chạy thì các nước chạy với tốc độ nhanh hơn".

Ông lấy ví dụ, GDP bình quân đầu người của Indonesia đang gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp đôi, Malaysia gấp 1,4 lần; Hàn Quốc gấp 6,8 lần...

"Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước", Bộ trưởng Dũng nêu.

So sánh điều này, ông Dũng cho rằng, đất nước ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ, nhưng vẫn có khoảng cách lớn nếu so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... cách đây 40 năm đã có trình độ phát triển gần giống Việt Nam.

"Việt Nam sau 30 năm đổi mới với nhiều nỗ lực vẫn ở mức "thường thường bậc trung", ông nhận xét.

Thực tế trên khiến người đứng đầu Bộ KH-ĐT có nhiều trăn trở. Ông cũng cho rằng, để hóa giải những rào cản trên thì quan trọng nhất là phải cải cách thể chế, chính sách để bứt phá nhanh nhưng phải bền vững. 


Thái An (tổng hợp)
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ts-tran-dinh-thien-kinh-te-vua-chay-vua-phai-thay-doi-3374243/