11 mars 2019

TỰ DO, ĐỘC LÂP, NHÂN BẢN, DẤN THÂN- CÁCH TÂN SÁNG TẠO NĂM NĂM MỚI BẤY NHIÊU NGÀY


Nguyên Ngọc
 


Tại sao giữa một xã hội đang răm rắp sít sao một bề như ai cũng biết, ta lại bỗng chơi trò đi lập ra một cái “đoàn” gọi là “độc lập”. Và vậy thì thực chất cái ta gọi là độc lập đó là gì, nói như các nhà khoa học, ta nên “định hình” nó như thế nào, hoặc cho ra giọng hàn lâm, “bản sắc” nó là gì… Hóa ra có thể có không ít câu hỏi không đơn giản về cái việc ta đã làm, đang làm, ít nhất là trong một xã hội như ta đang sống.

Thật may và thật thú vị, có một người đã trả lời câu hỏi đó hộ chúng ta, mà là trả lời hết sức rõ ràng và đích đáng, thật thà đến kinh ngạc...



( Hà Nội 9.1.2019)Tại lễ tổng kết trang trọng hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hớn hở loan báo với bốn vạn hội viên của ông rằng: Anh em ơi, “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” đấy anh em ạ! Tin vui lớn, rất lớn, thậm chí là tin vui sống còn! Có thể hiểu sự thể là thế này: trước đây Nhà nước từng nuôi “anh em chúng ta”, rồi tới một ngày đẹp trời nào đó, một bộ phận nào đó trong Nhà nước ấy bỗng sực thấy ra không nên nuôi “anh em chúng ta” nữa, tốn kém lắm mà chẳng được tích sự gì, cứ thả cho “anh em chúng ta” tự sống lấy, liệu tự sống lấy được thì sống, không được thì… thôi. “Anh em chúng ta” bỗng hoảng hốt quá, thế này thì chết đến nơi cả lũ rồi. Ông Chủ tịch của “anh em chúng ta”, vốn rất tận tụy, bèn khổ công chạy hết chỗ này đến chỗ nọ, thống thiết và kiên trì trình bày những trăn trở đau đớn này của “anh em chúng ta” cho đến tận lãnh đạo cao nhất. Cuối cùng nỗ lực lớn của ông đã thành công lớn, thỉnh cầu, xin xỏ của ông đã được đáp ứng, mừng ơi là mừng, Nhà nước bảo thôi thì Nhà nước lại “vẫn tiếp tục nuôi anh em chúng ta” vậy, ông báo như reo lên vừa cười lớn (có kèm ảnh làm bằng hẳn hoi).
Vậy là rõ rồi, Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập đã ra đời (3.2014), trước tiên để nói rằng chúng tôi, những người cầm bút này, không thuộc bốn vạn “anh em chúng ta” của ông Chủ tịch đi xin ăn nọ. Chúng tôi không cầm bút để được Nhà nước nuôi để Nhà nước dùng. Chúng tôi là những người cầm bút không muốn để cho ai dùng mình cả. Có thể có một câu châm ngôn mới: “Hãy nói cho tôi biết ai nuôi và dùng Hội của anh, tôi sẽ nói cho anh biết Hội của anh là cái thứ Hội gì!”. Sống bằng gì, vậy mà rất quan trọng, nó quyết định đến cả cái ta gọi là bản chất của cái hội đó, và dẫu muốn hay không, tất nhiên của cả người cầm bút tự nguyện ở trong đó nữa. Điều này, chính ông Chủ tịch vừa kể trên đã bộc bạch, thống thiết mà lại còn có ý khoe sự lên giọng dũng cảm đe dọa của ông nữa. Ông tuyên bố với Nhà nước: Nếu các vị không chịu nuôi “anh em chúng ta” của tôi nữa thì Nhà nước sẽ “mất đi một đội quân bốn vạn chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước!”. Vậy mà, như mọi người đều thấy, ở cái nước này, ông đã dọa được thật. Nhà nước đã thôi thì lại phải chịu tiếp tục “nuôi anh em chúng ta” của ông. Cám ơn Ông Chủ tịch quá, bằng bộc bạch không thể thật thà hơn, ông đã giúp định hình Văn đoàn chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi không cầm bút để “bảo vệ mặt trận văn hóa tư tưởng” của cái mà ông gọi nhầm là “đất nước” đó. Ai muốn làm việc ấy thì cứ đi mà làm, chúng tôi không liên quan. Còn chúng tôi, chúng tôi làm chuyện khác, chúng tôi cầm bút vì điều khác, vì những điều mỗi chúng tôi suy nghĩ và tin, muốn chia sẻ niềm tin hay trăn trở của mình về niềm tin đó cho đồng loại. Có lần tôi đã nói ở đâu đó, nay cho phép tôi được nhắc lại, rằng đương nhiên không nên coi thường quá cái gọi là chức năng và sức mạnh của văn học, nhưng cũng chẳng nên cường điệu đề cao nó quá. Nhà văn nói cho cùng cũng chỉ có thể làm mỗi một việc: đề nghị với mọi người một cách nhìn, cách nhìn riêng của anh ta về mọi sự trên đời.
Tôi nhớ cách đây không lâu lắm trên một tờ báo lớn ra hằng ngày ở Pháp, ngay ở một góc về bên phải cuối trang nhất, ngày nào cũng có một mục rất nhỏ mà rất thú vị, thường không quá một trăm chữ, được đóng khung đậm, tên là “Nhưng ông Wurmser nói rằng …” (“Mais Wurmser dit…”). Chẳng hạn trong ngày hôm đó có một vụ đình công ở nhà máy X, một vụ cháy nhà ở phố Y, một cô gái thất tình hay sao đó nhảy xuống sông Seine tự vẫn, một vụ kẹt xe kéo dài quá đáng ở đại lộ số…, một ông tổng thống đột nhiên tuyên bố từ chức, một bà nghị sĩ từ cánh hữu bất ngờ nhảy sang cánh tả, v.v. và v.v. Về vô số chuyện lớn nhỏ hằng ngày đó, mọi người bảo rằng ấy là do thế này hay thế nọ, ý nghĩa là thế này hay thế nọ… Nhưng ông Wurmser lại nói có thể nguyên do, ý nghĩa và hệ quả của chuyện đó không hẳn như các vị bàn đâu. Theo ông đúng ra nó là thế này cơ, cần nhìn thấy nó và nghĩ về nó, hiểu nó như thế này cơ… Ngày này qua ngày khác, suốt mấy chục năm không sót một ngày, ở cái góc nhỏ cuối trang nhất trên tờ báo ấy, rất ít khi quá một trăm chữ, bằng những nhận xét, suy nghĩ và bình luận riêng về mọi sự trên đời, từ góc nhìn và cách nhìn và cách nghĩ độc đáo, độc lập, khác lạ của riêng ông, từng ngày từng ngày, cuối cùng người đọc nhận ra một Paris, một nước Pháp, một thế giới hoàn toàn khác với những gì họ vẫn nhìn thấy, vẫn nghe nói và vẫn tưởng là. Một Paris, một nước Pháp, một thế giới do Wurmser đề nghị với họ. Đọc Wurmser liên tục nhiều năm, tôi nhận ra có vẻ ông không chủ ý tuyên truyền, áp đặt cách nhìn riêng của ông về thế giới. Ông chỉ gieo rắc hoài nghi. Ông bảo rằng người ta nói thế này, thế này, nhưng có thể còn có cách hiểu khác, thấy khác, như cách của tôi đề nghị đây chẳng hạn. Cũng có nghĩa là lại còn cách nhìn, thấy và hiểu khác hơn nữa. Những mẩu nhỏ liên tục nhiều chục năm của Wurmser kết nối chung lại sẽ thành một cuốn tiểu thuyết. Và tiểu thuyết, văn học, và chắc nghệ thuật nói chung là vậy, công việc của nó, đúng như Wurmser làm trên các trang báo hằng ngày của ông, là phá vỡ những cách nhìn cách nghĩ đã thành nếp, cũ kỹ và dễ dãi. Nó bảo con người cần dám hoài nghi những gì đã được coi là chân lý, kể cả những chân lý lớn. Để tự đi tìm cách nhận ra chân lý của chính mình, độc lập và tự do. Công việc của nhà văn hẳn cũng chính là vậy – và chỉ có thể là vậy: Gây hoài nghi về những chân lý có sẵn.
Công việc của anh ta là tạo nên thêm cho mọi người những thế giới tưởng giống như thật mà lại không hề có thật, với bầu trời riêng, khí quyển riêng và những quy luật riêng của nó. Trong những thế giới đó sống những con người mà Milan Kundera gọi rất hay là những “cái tôi tưởng tượng” hay những “cái tôi thử nghiệm”, với tất cả số phận hạnh phúc và đau khổ của họ. Làm vậy nhà văn bỗng khiến cho thế giới và các nhân loại của nó được nhân lên vô số lần mà mỗi lần lại khác nhau; khiến cho thế giới và nhân loại thật vốn chỉ có thể có một này trở nên nhiều và phong phú đến vô tận, cuộc sống vốn chỉ có một lần của mỗi người bỗng có thêm vô số dị bản khả dĩ, giàu có vô biên, cho phép ta thử nghiệm. Và mỗi người sẽ trở nên độc lập và tự do hơn bởi vì văn học đã đem đến cho họ vô vàn cơ hội để tưởng tượng và thử nghiệm lựa chọn sống… Chính bằng cách đó văn học, với nhận thức khiêm nhường về chức năng và sức mạnh của mình, góp phần làm cho xã hội và con người mỗi ngày tự do hơn, mạnh mẽ hơn, người hơn, vì biết và dám lựa chọn tự do hơn…