28 mai 2019

NHỚ LẠI VỤ XĂNG DẦU BẨN TỪNG TRÀN NGẬP ĐẤT NƯỚC

Hoàng Hải Vân
Hoàng Hải Vân
Vào năm 2008, sau khi bị cách chức Tổng Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên vì loạt bài “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính” trong cuộc chống tham nhũng vụ PMU18, tôi bất ngờ được tặng Giải thưởng Báo chí quốc gia về loạt bài “Euro 2 và chất lượng xăng dầu : Những “nỗ lực” làm nhỏ đất nước” đăng trên báo Thanh Niên trước đó. Đến trao giải thưởng có Chủ tịch nước, nhưng tôi không hề thấy có chút vinh dự nào khi nhận giải thưởng này. 

Bởi vì người ta đã công nhận loạt bài của tôi viết là hoàn toàn đúng sự thật mới trao giải thưởng báo chí quốc gia cho tôi, nhưng sự lừa dối của ngành xăng dầu cùng với sự bảo kê của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đưa xăng dầu bẩn vào bán tràn ngập khắp đất nước thì không ai động tới. Mãi cho đến ngày hôm nay, một sợi lông chân của các quan chức gây hại cho đất nước này vẫn không bị hề hấn gì. Loạt bài gồm 4 kỳ :
Kỳ 1: Xăng dầu “bẩn” vẫn tràn ngập, bất chấp quyết định của Thủ tướng!
Kỳ 2: Bộ Thương mại ráo riết bảo vệ lợi ích cho ai?
Kỳ 3: Chẳng lẽ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lọc được dầu?
Kỳ 4: Những tác hại và rắc rối nghiêm trọng

Và cuối cùng là bài “Gửi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển”
Xin post lại đây bài cuối cùng này :
GỬI BỘ TRƯỞNG TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN
Sau khi đăng loạt bài "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước, Thanh Niên và đông đảo bạn đọc của báo chờ đợi sự trả lời của các cơ quan có trách nhiệm. Và hôm qua, trong một cuộc họp với báo chí, Bộ Thương mại đã chính thức có ý kiến về vấn đề này.
Lẽ ra, Bộ Thương mại và các cơ quan có liên quan phải thấy hết sự nghiêm trọng của nhiên liệu bẩn đang được bán cho các phương tiện giao thông đường bộ để tìm cách khắc phục, nhưng rất tiếc là Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã không quan tâm đến chuyện quan trọng đó mà chỉ tập trung giải thích sự không sai của Bộ Thương mại.
Chúng tôi xin có vài ý kiến gửi Bộ trưởng như sau:
Thứ nhất, xăng dầu bẩn đang lưu hành trên thị trường sau ngày pháp luật bắt buộc phải lưu hành xăng dầu theo tiêu chuẩn mới là có thật. Một bằng chứng không thể phủ nhận là các trạm xăng dầu đều chỉ bán một loại dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh 2.500 mg/kg cho xe cơ giới, hàm lượng lưu huỳnh này gấp 5 lần tiêu chuẩn mà Việt Nam cho phép và gấp 250 lần tiêu chuẩn châu Âu.
Về lý tại cửa khẩu thì việc nhập dầu diesel hàm lượng lưu huỳnh 2.500 mg/kg là được phép, nhưng loại dầu này chỉ được phép dùng cho công nghiệp thôi, giống như thức ăn cho gia súc chỉ được dùng cho gia súc.
Bộ trưởng nói "vấn đề là làm thế nào để chống gian lận". Người ta có giấu giếm gì đâu, người ta bán công khai cho các phương tiện cơ giới đường bộ, có ghi rõ hàm lượng hẳn hoi. Ai cũng biết điều đó, Bộ trưởng Thương mại không thể không biết. Và chính Bộ Thương mại đã đề nghị Chính phủ: "Đối với dầu diesel, chỉ lưu hành một loại hàm lượng lưu huỳnh 2.500 mg/kg". Chúng tôi không đặt chuyện, chúng tôi trích câu đó theo Công văn số 7814/BTM-KHĐT ngày 15.12.2006 của Bộ Thương mại gửi Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị như vậy Bộ Thương mại có tiếp tay với doanh nghiệp nhập nhiên liệu bẩn cho xe cộ hay không?
Thứ hai, Bộ trưởng nói Nhà nước ban hành tiêu chuẩn xăng dầu chỉ để "khuyến khích áp dụng, vì vậy doanh nghiệp có thể áp dụng hoặc không áp dụng". Xin Bộ trưởng hãy đọc một đoạn trong Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu: "Nghiêm cấm nhập khẩu, lưu thông tiêu thụ sản phẩm xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định". Nghị định đó do Chính phủ ban hành. Là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng thấy nghị định đó có giá trị hay không?
Thứ ba, Quyết định số 50/2006/QĐ-TT ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, trong đó có quy định phải áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu mới, Chính phủ ký ngày 7.3.2006. 15 ngày sau là có hiệu lực, nghĩa là từ tháng 3 năm 2006 đã phải loại bỏ xăng dầu không đủ chất lượng theo tiêu chuẩn mới ra khỏi lưu thông. Việc này hoàn toàn có đủ thời gian để thực hiện, vì việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 được quyết định từ năm 2005. Mà tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện cơ giới đường bộ lại liên quan mật thiết đến chất lượng xăng dầu.
Bộ Thương mại có nghĩa vụ phải biết để chỉ đạo các công ty xăng dầu chuẩn bị từ trước chứ, sao lại đề nghị lùi thời gian áp dụng? Và cho phép lùi là một văn bản của Văn phòng Chính phủ. Với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng thấy một công văn hành chính thông thường có đủ giá trị pháp lý để thay đổi một văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định của Thủ tướng hay không?
Muốn sửa đổi một điều luật, thậm chí một khoản của một điều luật, cũng phải do một đạo luật quyết định. Muốn sửa đổi một điều trong Quyết định của Thủ tướng thì phải có một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý tương đương hoặc cao hơn. Là đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng thừa biết điều đó chứ. Cho nên theo chúng tôi, việc lùi thời gian áp dụng như vừa qua là không có lý do chính đáng và không đúng pháp luật.
HOÀNG HẢI VÂN
(Bài đăng trên Thanh Niên, 16-6-2007)

Loạt bài này còn đề cập đến tiêu chuẩn Euro 2 vô cùng lạc hậu áp dụng cho các phương tiện cơ giới. Sự lạc hậu đó kéo dài cho đến hơn 10 năm sau, đến gần đây mới áp dụng Euro 4. Sự lạc hậu kéo dài đó không chỉ biến Việt Nam thành một bãi rác ô tô của thế giới, thành vùng trũng hứng khí thải độc hại mà còn kiềm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, buộc nó chỉ tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu được.
Đây thực sự là một tội ác. Nhưng đáng tiếc rằng, ngoài báo Thanh Niên, sau đó Đài Truyền hình Việt Nam có tham gia một số phóng sự, không có cơ quan truyền thông đại chúng nào lên tiếng.
Ông Trương Đình Tuyển sau đó đến tuổi phải nghỉ làm Bộ trưởng Thương mại. Bộ này trở thành Bộ Công thương do ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng. Vết nhơ bẩn thỉu liên quan đến xăng dầu bị ém nhẹm. Còn bao nhiêu thứ khác bị ém nhẹm nữa không ai biết được. Cuộc đàn áp báo chí trong vụ PMU18 đã khiến cho làng báo chìm trong sợ hãi không dám động chạm tới các nhóm lợi ích sân sau của các bộ, ngành. 

HHV