07 mai 2019

Ông Vương Trí Nhàn: Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước

Nền giáo dục của ta đơn sơ, nghèo nàn. Ảnh minh họa:GDVN

 - “Cho đến giờ phút này giáo dục Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những thành quả lóp lép, khiến cái “phi chuẩn” lại thành đại trà... khiến giáo dục của ta sứt sẹo”, nhà văn, nhà phê bình lý luận Vương Trí Nhàn chia sẻ.


Tuần Việt Nam: Có một loạt câu hỏi trọng tâm về ngành giáo dục: Vì sao đến giờ phút này giáo dục Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những thành quả lóp lép khiến cái “phi chuẩn” lại thành đại trà, cái “đột biến” lẽ ra là ít thì cũng thành phổ biến? Vì sao các giáo sư sau ngày càng kém đi, nếu không đi học nước ngoài thì khó nên người? Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của nhà văn, nhà phê bình lý luận Vương Trí Nhàn. Mời quý độc giả theo dõi và tranh luận thêm.


Nền giáo dục dễ nhận thấy nhất là cái “phi chuẩn”

Cao Bá Quát từng nói: “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/ Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” rất giống tinh thần giáo dục Việt Nam đến cả thời điểm hiện tại.

Nền giáo dục của ta đơn sơ, nghèo nàn, thậm chí là chưa thành hình hài. Nền giáo dục này khó có thể sinh ra cái gì hơn hẳn nó, mà chỉ sinh ra cái gì bằng hoặc kém nó thôi.

Giáo dục Việt Nam vẫn đậm tư duy tiểu nông. Tức là nó tản mạn, mỗi người, mỗi nơi mỗi kiểu dạy. Chưa kể, sách vở, tài liệu rất kém.

Trước đây, khi Nhật Bản đưa những đoàn tàu Nhật Bản sang Trung Quốc để kiếm sách mới về, bởi nghề in ở Trung Quốc rất phát triển, thì ở Việt Nam, sách giáo khoa khi ấy là bản chép tay, ông thầy này chép cho người khác dạy.

Những người đi thi đỗ khoa cử toàn đi làm quan. Ai không thi đỗ quan mới về dạy học. Tất nhiên cũng có những ông quan về hưu rồi mở lớp dạy học, nhưng số đó ít lắm.

Giáo dục sau 1945 vẫn có sự lặp lại, có những trường không ra trường.

Tôi thấy có trường Chu Văn An ở Hà Nội có truyền thống bởi nó được thừa hưởng từ hồi Pháp thuộc. Thời chống Mỹ cũng mỗi tỉnh, mỗi huyện một trường cấp 3 giống nhau, không có bản sắc riêng.

Tại Việt Nam, làm quản lý giáo dục thì ai làm cũng làm được dù thực tế, đó là công việc khó nhất. Hiệu trưởng chỉ dùng quyền lực hành chính để quản lý, vậy mà người ta nói ai giỏi thì làm hiệu trưởng. Nhưng thực tế, người giỏi phải đi dạy chứ không phải đi quản lý.

Thời chiến tranh chống Mỹ có một điểm đặc biệt là hy sinh tất cả cho tiền tuyến, thầy giáo cũng phải đi bộ đội. Lúc đó cứ ai trẻ, khoẻ sẽ được ưu tiên đi bộ đội. Lúc đầu còn có chủ trương người giỏi là cho đi học ở Nga, Pháp… nhưng có nhiều người giỏi đi học về vẫn lại phải đi ra trận. Nếu đã đọc cuốn sách Quân khu Nam Đồng thì thấy rất rõ điều này, nên có đứa học sinh nó không chịu học vì biết có học thì ngày mai nó cũng đi bộ đội rồi…

Debug: ADS tracking link http://vietnamnet.vn/tuanvietnam

Thành ra nền giáo dục Việt Nam sau 1945 đến những năm gần đây có cái dễ nhận thấy nhất là cái “phi chuẩn”.

Ở Việt Nam “9 bỏ làm 10” mà “3, 4 cũng bỏ làm 10” miễn sao đáp ứng được các yêu cầu của một lãnh đạo. Một khi đã “phi chuẩn” thì sẽ không phát triển bình thường mà sẽ méo mó. Giống như người bị thiếu sót bộ phận trên thân thể vậy.

Giáo dục Việt Nam tạo ra những thành quả lóp, lép

Các ông giáo sư đời đầu còn khá, các ông giáo sư sau ngày càng kém đi, nếu không đi học nước ngoài thì khó nên người.

Tôi rất mong có thêm các trường nước ngoài mở tại Việt Nam, bởi một trường đại học lớn của nước ngoài phải đáp ứng được bao nhiêu giáo sư, cơ sở vật chất đầy đủ,… đặc biệt là thư viện. Sách giáo khoa nước ngoài được thay đổi mỗi năm. Giáo viên soạn giáo trình giang dạy, cuối năm nộp lại cho nhà trường, sang năm lại soạn giáo trình mới.

Chúng ta cứ 10 năm, 20 năm, 30 năm vẫn thế, chọn giáo trình cho tất cả mọi người. Người ta cứ nói xã hội nhiều khủng hoảng nhưng với tôi khủng hoảng lớn nhất là con người. Thế hệ sau ít người tài hơn thế hệ trước.

Tôi nghĩ chúng ta không biết quản lý giáo dục, cũng không biết học cách quản lý giáo dục từ nước khác.

Nhiều bạn đi học ở nước ngoài không mặn mà với việc học mà chỉ tập trung đi làm thêm kiếm tiền, vì họ nghĩ rằng có học về nước cũng không biết làm gì. Bởi vì bộ máy đã hỏng, cái ốc vít chuẩn mang về cũng không thể lắp ráp lại được hoàn chỉnh. Trong khi, mỗi con người như một cái ốc vít, lắp ở đâu cũng có thể phù hợp.

Với sách giáo khoa cũng vậy, những người giỏi đi học ở nước ngoài về có thể viết sách chuẩn quốc tế nhưng giáo viên đại trà của chúng ta lại không thể dạy được.

Vậy nên, cho đến giờ phút này giáo dục Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những thành quả lóp lép, khiến cái “phi chuẩn” lại thành đại trà, đột biến đáng lẽ là ít thì cũng thành phổ biến, khiến giáo dục của ta sứt sẹo. Tôi bi quan về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.


Từ Minh (ghi)

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/ong-vuong-tri-nhan-the-he-sau-it-nguoi-tai-hon-the-he-truoc-528485.html