13 mai 2019

Vụ án Hoàng Công Lương

NGỤY TẠO CHỨNG CỨ BUỘC TỘI BẰNG CÁCH

"BÔI XÓA, SỬA ĐỔI, VIẾT THÊM" VÀO VĂN BẢN



Bài của Nguyễn Ngọc Lanh.
Nguyên GS đại học Y Hà Nội

I. KHÔNG NGẪU NHIÊN MÀ VỤ ÁN BỊ ĐỔI TÊN


Ngay từ đầu, khi thấy tên BS Hoàng Công Lương chính thức có trong danh sách ba bị cáo, các ý kiến phản đối từ ngành y tế đã loang nhanh ra xã hội. Dư luận chung cho rằng nhân vật này bị oan, bị ức. Do vậy, không phải bỗng dưng mà giới báo chí gọi vụ án này là "vụ án Hoàng Công Lương" mặc dù ngoài BS Lương còn có tới 6 bị cáo khác. Cũng không phải tình cờ mà trong thời gian ngắn có mấy chục ngàn chữ ký đòi xử "vô tội" cho nhân vật này. Và cũng không phải ngẫu nhiên nốt, khi ông trở thành "nhân vật nổi tiếng"... 


Có lẽ, ban đầu có suy nghĩ rằng một thảm họa y tế lớn dường ấy (9 tử vong ngay tại nơi điều trị) mà chỉ có 2 người bị truy tố, cả hai lại không thuộc ngành Y... thì chưa đủ. Phải tìm thêm bị cáo để thể hiện "không bỏ sót tội phạm" và sự nghiêm minh của pháp luật. BS Lương được đưa vào danh sách bị cáo - ngoài nguyên nhân này - có lẽ còn do cấp trên của ông muốn né tội, bèn "thí tốt" (?)

Thấy được mối nguy lơ lửng trên đầu BS Hoàng Công Lương, đã có tới 10 vị luật sư sẵn sàng bào chữa miễn phí cho ông. Quả nhiên, cho dù lập luận của công tố viên đã bị bác bỏ trong tranh tụng công khai, nhưng Hội Đồng xét xử ở phiên sơ thẩm vẫn tuyên BS Hoàng Công Lương cái án 42 tháng tù giam. Bởi vậy, dư luận rất có cơ sở cho rằng bản án sẽ tuyên "kỳ được", dù rất thiếu vắng công lý. Cứ tưởng kết án nặng BS Lương sẽ được dư luận đồng tình; nhưng ngược lại. Ngay thân nhân của các nạn nhân cũng bênh vực BS Lương.



II. "BỘ BA" BỊ CÁO Ở PHIÊN SƠ THẨM 1

Thảm kịch xảy ra tháng 5-2017. Ba người bị khởi tố là Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và Hoàng Công Lương. Điều tra cả năm trời, tốn công nhất là tìm chứng cứ buộc tội BS Hoàng Công Lương, do vậy tới tận tháng 5 năm sau (2018) mới mở được phiên sơ thẩm.

Vụ án khá đơn giản, nhưng bị phức tạp hóa mà nguyên nhân được cho là do quan điểm, cách thức và trình độ xét xử.



     1. Ông Bùi Mạnh Quốc chuyên sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO (sản xuất nước tinh khiết dành cho "chạy thận"). Với 12 năm kinh nghiệm, ông có thể sống bằng nghề. Hai hệ thống RO1 và RO2 của bệnh viện tỉnh Hòa Bình vẫn thường do một tay ông Quốc chăm sóc, bảo dưỡng. Đã vài chục lần ông hành nghề ở bệnh viện này, rất được tín nhiệm vì đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng lần này thì ông thất bại.

Cụ thể sự việc là ngày 25-5-2017 công ty Thiên Sơn ký với bệnh viện một hợp đồng "béo bở" giá 100 triệu mà công việc vẫn chỉ là sửa chữa và bảo dưỡng hệ RO2, tuy có thêm 2 việc mới, nhưng tốn thêm rất ít công sức và tiền bạc: a) thay mới 2 trong số 4 màng lọc cũ - giá 12-15 triệu; b) gửi thành phẩm đi làm xét nghiệm AAMI (đánh giá mức độ tuyệt hảo của nước lọc), giá 3-4 triệu.

Cũng ngày 25-5-2017 Thiên Sơn thuê ông Quốc làm toàn bộ các công việc với giá 50 triệu. Chỉ ba ngày sau, tức 28-5-2017 (chủ nhật) ông Quốc đã có mặt và thực hiện xong công việc ngay chiều hôm đó. Ông báo ngay cho ông Sơn, để ông Sơn kịp báo cho Đơn Nguyên thận nhân tạo cái tin: Sáng mai (thứ Hai, 29-5) có thể chạy thận theo đúng lịch đã xếp. Hôm sau, BS Lương ra y lệnh "chạy thận", thảm họa đã xảy ra. Trước tòa, ông Quốc nhận tội, chỉ xin được lượng thứ vì sự sơ suất của mình khi sửa chữa



     2. Ông Trần Văn Sơn là kỹ thuật viên của Phòng Vật Tư, có nhiệm vụ tìm hiểu mức độ hư hỏng của các thiết bị cần sửa chữa; sau đó đề xuất những vật tư nào cần thay thế, để cấp trên dựa vào đó, cho "trúng thầu" nơi nào báo giá thấp nhất. Cụ thể, trường hợp này, thiết bị hư hỏng là hệ thống RO2 do Cty Thiên Sơn trúng thầu, thuê ông Quốc thực hiện cả gói thầu (như nói trên). Cuối cùng, ông Sơn phải đối chiếu các vật tư (do ông Quốc mang đến) có đúng với chủng loại và giá đã báo hay không. Ngoài ra, ông không đủ trình độ giám sát kỹ thuật mà ông Quốc thực hiện (với những bí quyết nghề nghiệp riêng). Khi ông Quốc sửa xong, ông nhận bàn giao; sau đó chính thức thông báo để Đơn Nguyên thận nhân tạo biết "đã có đủ nước tinh khiết chạy thận".

Trước tòa, ông Sơn nhận tội, chỉ thanh minh vài điều và mong được khoan hồng.



     3. Ông Hoàng Công Lương chức danh chỉ là bác sĩ điều trị, giống như 2 đồng nghiệp cùng chuyên khoa - nhưng ông Lương có tuổi nghề sớm hơn vài năm.

Trước tòa, ông Lương không nhận tội, cho rằng ông chỉ ra y lệnh sau khi được báo chính thức "hệ RO2 đã sửa xong". Điều này đã thành quy trình từ hàng chục năm nay, mà ông phải tuân theo. Bệnh nhân tử vong không phải do y lệnh của ông, mà do acid tồn dư trong nước tinh khiết vì sự sơ suất ngay từ khâu sửa chữa do ông Quốc đảm nhiệm.

Chứng cứ quan trọng để buộc tội BS Lương là cái cương vị "phụ trách" mà đồng chí Trưởng Khoa tìm cách gán cho cấp dưới (tức ông Lương). Dù rằng các đồng chí Điều Tra viên tiếp tục củng cố cái chứng cứ (giả) này và các đồng chí ở VKS đưa nó vào hồ sơ; nhưng khi tranh luận tại tòa, chứng cứ này bị các luật sư chứng minh là ngụy tạo (làm giả). Do vậy, Tòa chưa thể tuyên án, mà tuyên bố "hoãn" xét xử để điều tra thêm. Thế là, vụ án này có hai phiên sơ thẩm (1 và 2).



III. "BỘ BA" NÀO LÀ GÁN GHÉP hoặc LIÊN ĐỚI?

         1. Quốc - Sơn - Lương: Bị gán ghép thành "bộ ba"

Tại phiên sơ thẩm 1, tội danh của BS Hoàng Công Lương là "thiếu trách nhiệm" gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng khi cái chức danh "phụ trách" quàng lên đầu ông bị các luật sư tháo bỏ - trên đã nói - thì (tại phiên sơ thẩm 2) VKS buộc phải đổi tội danh của BS Lương thành "vô ý" gây chết người.

Tại cả hai phiên tòa, lập luận của công tố viên (đại diện VKS) để buộc tội BS Lương (đại ý) là... Lương được xem như trấn giữ cánh cửa cuối cùng ngăn chặn chất độc (acid) vào cơ thể bệnh nhân, nhưng đã "vô ý"....

Như vậy, các cánh cửa trước đó (số 1 và số 2) đã được VKS gán cho ông Bùi Mạnh Quốc và ông Trần Văn Sơn có nhiệm vụ canh giữ - và hai ông này đã nhận tội. Vậy thì... nếu BS Lương không vô ý để ngỏ cánh cửa do mình canh giữ, thảm họa sẽ không xảy ra. Quan điểm và lập luận này thoạt nhìn có vẻ rất logic, nhưng thật ra là gán ghép rất khiên cưỡng, chỉ để thuyết phục mọi người rằng: BS Lương phải nhận tội. Tại tòa, phía buộc tội đã phê phán BS Lương là "chưa thành khẩn", "thiếu lương tâm"... Thật nực cười.    



         2. Một "bộ ba" khác: Thật sự liên đới

Còn việc tạo chứng cứ giả, cũng do một "bộ ba". Vậy, đây vẫn chỉ là sự gán ghép, hay thật sự có liên đới, ràng buộc? Xin cứ đọc tiếp.

- Tại phiên sơ thẩm 1 (2018), chứng cứ giả là những dòng ghi thêm (năm 2017, ngay sau thảm họa) vào Biên Bản họp khoa (từ 1 và 2 năm trước: 2016 và 2015) với hàm ý "BS Lương đã được đồng chí trưởng khoa phân công "phụ trách" Đơn Nguyên thận nhân tạo". Tiếp đó, sự bịa đặt này được các đồng chỉ điều tra viên khai thác, mở rộng, để nhảy vào rất nhiều "bản khai" của các nhân viên y tế thuộc Đơn Nguyên thận nhân tạo. Cuối cùng, các đồng chí ở VKS đã đưa chúng vào hồ sơ vụ án. Nếu đã có một cương vị (phụ trách) mà không làm tròn, thì đó chính là tội "thiếu trách nhiệm" gây hậu quả. BS Lương được gán tội danh đúng như vậy.

- Đến phiên sơ thẩm 2 (2019), cách nay 3 tháng, chứng cứ mới - quan trọng nhất, để buộc tội BS Lương - cũng nhảy vào hồ sơ vụ án theo cách cũ. Đó là cái Biên Bản Kiểm Tra tình trạng thiết bị được các đồng chí cấp trên của BS Lương sửa chữa, xóa bớt và viết thêm (theo hướng bất lợi cho BS Lương). Ấy vậy mà vẫn được các đồng chí điều tra viên coi là "chứng cứ" và được các đồng chí ở VKS đưa vào hồ sơ. Hậu quả cũng vẫn như cũ: Nó bị các luật sư bác bỏ ngay trước tòa. Luật sư Thúy Kiều - người phát hiện - gọi đây là chứng cứ bị "chỉnh sửa". Trong lời phát biểu sau cùng BS Lương mong Tòa - khi nghị án - hãy xem xét thấu đáo cái chứng cứ bị "chỉnh sửa" này.

Dẫu sao, đến lần xử này Tòa buộc phải tuyên án (chả lẽ, lại "hoãn"?). Sau 5 ngày nghị án, Tòa đã tuyên cái án 42 tháng tù giam cho BS Lương - nghĩa là Tòa công nhận giá trị cái chứng cứ bị "chỉnh sửa" này (!). Chả lẽ, 'bộ ba" nay thành "bộ tứ"?



IV. BÓC TÁCH CÁI CHỨNG CỨ "MỚI"

Để cãi vô tội cho BS Lương, không thể lập luận chung chung và khiên cưỡng như phía kết tội đã làm, không thể viết kiến nghị hoặc gửi "công văn" mà phải phân tích rất cặn kẽ cái chứng cứ buộc tội, đặng vô hiệu hóa và sổ toẹt nó - theo đúng Luật.

      

       1- Được ngụy tạo để trở thành chứng cứ buộc tội

Chứng cứ "mới" quan trọng nhất (và có lẽ là duy nhất) để buộc tội BS Lương chính là cái BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG THIẾT BỊ (nói trên) được lập ngày 20-4-2016 (nghĩa là cũ rích) nhưng được sửa thành 2017 (cho gần với cái  ngày xảy ra thảm họa). Bà luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều đã dùng bút màu đánh dấu vào những chỗ bị "bôi xóa, sửa đổi, viết thêm". Xin bạn đọc nhìn vào hình chụp để thấy nó bị chỉnh sửa "khủng" tới mức nào (!).

Chính sự chỉnh sửa này nhằm giúp VKS viết ra những lời lẽ buộc tội rất đanh thép cho BS Lương. Khởi đầu tội lỗi, theo quy chụp của VKS, là việc BS Lương (thừa lệnh đồng chí Trưởng Khoa) "trực tiếp ký đề xuất  sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO". Bài này cần chứng minh đây là sự bóp méo sự việc. Từ đó, sự suy diễn cứ tiếp tục cho đến khi BS Lương (từ vô tội) "trở nên" có tội.

Dưới đây là ba dòng cô đọng trích ra từ Cáo Trạng (báo chí đã đăng tải):



      - Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, do vậy, Lương biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO.
       - Tuy nhiên, dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng vẫn cho chạy thận cho các bệnh nhân.
       - Hành vi của Lương đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám, chữa bệnh.



     2. Tìm hiểu "mẫu" văn bản: Nó dùng vào việc gì?

Mẫu văn bản là do Phòng Vật Tư soạn ra, được giám đốc bệnh viện duyệt, nhờ vậy, được phép in sẵn nhiều bản, để dùng chung trong bệnh viện Hòa Bình, mỗi khi có một thiết bị bị hư hỏng, cần sửa chữa lớn (cần chi tiền, xuất tài khoản)... Xin bạn đọc đọc thêm các chữ in ở các mục I (Tình trạng h hỏng) và  II (Nguyên nhân hư hỏng) ở phía dưới. Nói khác, tên đầy đủ của văn bản này phải là Biên Bản Kiểm Tra tình trạng hư hỏng của thiết bị.

Để lập biên bản, phải có đủ 4 chữ ký phù hợp với cương vị mỗi người - như mục I và II ở phần trên đã nêu rõ. Có hai cái tên được in sẵn: Ông Trần Văn Thắng (cương vị Trưởng Phòng Vật Tư) và ông Trần Văn Sơn (cương vị kỹ thuật viên được Trưởng phòng Vật Tư cử ra khám nghiệm thiết bị hư hỏng). Điều này nói lên đây là nơi ban hành và chủ trì văn bản. Còn hai tên khác được để trống (đầu tiên, với cương vị là người sử dụng thiết bị - ở đây là Điều Dưỡng; và tiếp theo là Trưởng Khoa với cương vị là thay mặt đơn vị quản lý thiết bị). Phải để trống hai cái tên này vì bệnh viện Hòa Bình có nhiều Khoa, mỗi Khoa có nhiều thiết bị.

  

      2- Quy trình ký tên khi lập Biên Bản về tình trạng hư hỏng thiết bị

Đây nói tiếp về cái Biên Bản cụ thể mà bài này đưa hình chụp của nó. Cũng là chứng cứ dùng để buộc tội BS Lương. Muốn sổ toẹt lập luận hùng hồn của phía kết tội, phải phân tích rất kỹ cái Biên Bản mà họ dùng để buộc tội.

      a) Khi một thiết bị hư hỏng - cụ thể, ở đây là hệ thống RO, thi người phát hiện đầu tiên (tất nhiên) là người đang sử dụng nó. Đó là bà Nguyễn Thu Hằng.

      b) Bà Hằng không được phép thông báo (vượt cấp) lên "thẳng" phòng Vật Tư, mà phải báo cáo với cấp trên trực tiếp của mình (trực tiếp, a-lô, hoặc mảnh giấy) tới ông Trưởng khoa. Trường hợp này, BS Lương là người được ủy nhiệm. Với cương vị của mình, vị trưởng khoa đã đưa cái tin "máy hỏng" (mảnh giấy, hoặc dùng điện thoại) tới Phòng Vật Tư - nơi có nhiệm vụ sửa chữa.



Biên bản lập năm 2016 bị chữa thành 2017.  Thay thế và tẩy rửa cho RO1 bị sửa thành RO2. Số vật tư thay thế cũng bị sửa đổi...



c) Được tin báo, vị Trưởng Phòng Vật Tư liền phái nhân viên (trường hợp này là kỹ thuật viên Trần Văn Sơn) về Khoa, đem theo tờ "mẫu" biên bản để lập biên bản sau khi chính tay ông khám nghiệm cỗ máy RO. Không thể có chuyện "bỗng dưng" ông Sơn tới khoa để khám máy do nổi hứng. Câu đầu tiên, ông hỏi: Máy hỏng thế nào (giống như BS hỏi bệnh nhân để điền vào mục "lý do vào viện" khi bắt đầu lập bệnh án. Chính cái "lý do vào viện" (ví dụ, ho lâu" đã giúp BS không khám miên man mọi cơ quan, mà tập trung vào bộ máy Hô Hấp). BS Lương (hoặc Điều dưỡng Hằng) đã trả lời: "nước ra yếu, không đủ sử dụng cho việc  rửa quả lọc thận". Ông Sơn đã ghi nguyên văn câu này vào Biên Bản - bạn đọc rất dễ nhận ra. Nhờ vậy, ông Sơn không khám "miên man" toàn cơ thể cỗ máy, mà tập trung vào một số bộ phận. Phát hiện được gì, ông ghi vào mục II. Nguyên nhân hư hỏng. Đó là bán tắc màng lọc và hở van (gây thất thoát nước)...

Ông Sơn mời bà Hằng, BS Lương ký vào Biên Bản, rồi ông ký tiếp.

       d) Phải có đủ 3 chữ ký, ông Trần Văn Thắng mới ký cuối cùng (chốt).

       e) Phải đủ 4 chữ ký, giám đốc bệnh viện mới coi Biên Bản là hợp lệ, mới "xem xét và duyệt ngân khoản sửa chữa".



       3. Biên Bản này liên quan tiền nong

Tóm lại, đây là cái Biên Bản phải lập đúng quy trình, chặt chẽ, vì liên quan tài chính. Quyền BS trưởng khoa rất oai, nhưng chỉ trong nội bộ khoa, còn trong sửa chữa thiết bị thì ông không oai hơn kỹ thuật viên, mà là kém. Trong việc xuất tài khoản (để sửa máy) ông càng ở khâu rất thấp. Ông chỉ biết tình trạng máy hư hỏng ở cái mức "nước ra yếu", mà mù tịt về nguyên nhân và cụ thể cách khắc phục ra sao.



       4. Câu hỏi dành cho phía buộc tội

Quý vị viết ra câu đầu tiên để buộc tội (Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, do vậy, Lương biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO) (ở trên) liệu có đúng? Nếu câu này sai về bản chất, thì các câu duy diễn sau đó thế nào?

Quốc Hội VN đã đưa vào Luật Hình Sự 2015 cái điều Suy Đoán vô tội, tức là trước một bằng chứng phân vân giữa "có tội" và "vô tội" thì phải suy đoán có lợi cho bị cáo. Ngay tại tòa, các luật sư đã cảnh báo và phê phán VKS chỉ toàn suy đoán "có tội" mà chưa lần nào suy đoán "vô tội". Cũng đáng ái ngại cho vị công tố viên - trình độ thấp chỉ là một phần - mà là trong tay các vị không có chứng cứ buộc tội, thậm chí phải ngụy tạo chứng cứ. Hãy sửa đối quan điểm (từ 101% suy đoán có tội hãy cố trau dồi để trong tâm can có 1% suy đoán vô tội) lập tức các vi đủ can đảm và lương tâm tuyên vô tội cho BS Lương.



Bài viết đầy đủ hơn: Bài 11, trong trang nghiencuulichsu.com

Bài tham khảo:







https://hopecom.org/petition/kien-nghi-ung-ho-bac-si-hoang-cong-luong-vo-toi/



BS Hoàng Công Lương trước và sau 2 tuần bị tạm giam



Bảng (Tham khảo)

Sự đối xử nghiệt ngã với BS Hoàng Công Lương

Mức án do Viện Kiểm Sát đề nghị (sơ thẩm 1)


Bị cáo
Sơ thẩm 1
Mức án đề nghị
Kết quả
Bùi Mạnh Quốc
60-72 tháng (tù giam)
Chưa tuyên án
Trả hồ sơ, điều tra lại
(thêm 4 bị cáo)
Trần Văn Sơn
48-60 tháng (tù giam)
Hoàng Công Lương
30-36 tháng (án treo)



Mức án do VKS đề nghị và do tòa sơ thẩm (lần 2) tuyên


Bị cáo
Sơ thẩm 2
Mức đề nghị
Sơ thẩm 2
Án chính thức
Nhận xét
Bùi Mạnh Quốc
48-60 tháng
54 tháng
Mức trung bình cộng
Trần Văn Sơn
42-48 tháng
42 tháng
Mức án thấp nhất
Hoàng Công Lương
36-42 tháng
42 tháng
Mức án cao nhất
Trần Văn Thắng
36-42 tháng
36 tháng
Mức án thấp nhất
Hoàng Đình Khiếu
36-42 tháng
36 tháng
Mức án thấp nhất
Đỗ Anh Tuấn
36-42 tháng
30 tháng
Mức án thấp nhất
Trương Quý Dương
30-36 tháng
30 tháng
Mức án thấp nhất



Bài của Nguyễn Ngọc Lanh (1935)

Nguyên GS đại học Y Hà Nội