09 juillet 2019

Asanzo, Big C, Vingroup có khổ vì tâm lý dân tuý ở VN?


Hoàng Trúc


Ý kiến nói làn sóng kêu gọi tẩy chay siêu thị Big C với lý do ủng hộ hàng Việt và vụ Asanzo, Khaisilk từ được ưa chuộng vì là hàng Việt đến bị lên án vì đội lốt… cho thấy dường như người Việt nhập nhằng .
Chủ nghĩa dân túy đơn giản cản trở sự phát triển, hội nhập và trở thành một vấn đề mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đối phó.


 
Giữa "tiêu dùng" và "lòng yêu nước" còn có sự trung thực, thí dụ sự trung thực trong những thông tin về "Hàng Việt". Nói khác đi là có gian dối hay không khi doanh nghiệp Việt Nam tự ý đưa ra những khẩu hiệu mát mắt như "Made in Vietnam" nhằm lừa dư luận. Khaisilk đã trả giá khi lấy hàng Trung Quốc về dán nhãn hiệu "Made in Vietnam". Asanzo đang bị điều tra sau khi giới phóng viên tố cáo.
Không thể xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn trên cơ sở nói dối.
"Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa" là một sự nói dối trắng trợn ở cấp thượng tầng. Đó là nguyên nhân đưa đến một xã hội lộn tùng phèo, đụng đến đâu cũng lòi ra tham nhũng, móc ngoặc, tráo trở. Đó chính là rào cản để có một đất nước tốt đẹp!


BBT Dân Quyền
 


Hôm 17/6, lần đầu tiên một cam kết rất được giới doanh nghiệp vui mừng đón nhận, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng kinh tế Việt Nam "là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước".

'Nở mày nở mặt'
Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là "không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh".

Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh, có nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường quốc tế. Có một quá trình thật lâu dài để chính phủ đưa ra cam kết mạnh mẽ như vậy về kinh tế tư nhân.
Từ một đất nước luôn bị đồn thổi là không làm nổi con bù lon, ốc vít, Vingroup đã làm cú nở mày nở mặt bằng cách sản xuất ô tô thương hiệu Việt, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp tư nhân và như một cam kết của doanh nghiệp tư nhân cho sự phát triển.
Cũng tại cuộc họp với Thủ tướng hôm 17/6 , các doanh nghiệp cam kết nếu được tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp đến 80% GDP chứ không chỉ 40% như hiện nay.
Để có được sự tự tin đó, kinh tế tư nhân đã có một quá trình dài, nhiều hy sinh. Trên tờ Vietnam Finance cách đây vài năm, ông Lê Văn Kiểm đã tiết lộ ít nhiều.
Theo doanh nhân này, những năm 90 ông từng rất thành công với thương hiệu Công ty may mặc Huy Hoàng. Khi đó, ông được xem là người đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực may mặc đã mạnh dạn nhập thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại từ Nhật và Ý để làm hàng xuất khẩu theo phương thức giao nhận FOB.
Huy Hoàng đã được đánh giá là công ty tư nhân may mặc lớn nhất tại Việt Nam thời gian ấy, tuy nhiên cuộc khủng hoảng những năm 1997 đã khiến công ty có những lúc đã đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Rất may, trong tình thế khó khăn, ông Kiểm đã gửi tâm thư lên lãnh đạo Đảng và Chính phủ về việc xin được giãn nợ từ 3 đến 5 năm, nhằm khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, để đảm bảo trả được nợ cả gốc và lãi cho ngân hàng và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Bức thư này đã được Bộ Chính trị và Chính phủ xem xét rất kỹ lưỡng và đã ra quyết định cho phép Công ty Huy Hoàng làm thí điểm, không hình sự hóa và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đề xuất đó. Huy Hoàng đã thực hiện thành công việc trả nợ cho ngân hàng cả gốc và lãi trước thời hạn, tránh thất thoát cho Nhà nước hơn 500 tỷ đồng.
Đồng thời, qua thắng lợi đó, Chính phủ cũng áp dụng cho các công ty khác trong toàn quốc và đã cứu được rất nhiều công ty tư nhân khác, tránh thất thoát cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng.
"Đó là một thành công rất lớn về đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, củng cố về niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và đó cũng là một bài học kinh nghiệm sâu sắc với tôi trong quá trình khởi nghiệp làm ăn", ông Kiểm viết.

Cái bẫy bất động sản
Cho dù phát triển như thế nào thì giới nhà giàu Việt Nam cũng không thể thoát khỏi cái bẫy đất đai, bất động sản, một đặc thù khó hiểu của nền kinh tế "theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa".

Việc tích lũy tư bản sẽ rất nhanh nhưng khi có vấn đề hình thức xử lý bằng hình sự hay các mệnh lệnh hành chính thay cho tòa án dân sự, kinh tế cũng dễ dàng làm tiêu tan sự nghiệp của những doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay cố gắng đưa doanh nghiệp của mình thoái dần ra khỏi bất động sản mà hướng tới mô hình doanh nghiệp xã hội.
Vingroup là một hình mẫu về phát triển kinh tế tư nhân, được ủng hộ từ phía chính phủ nhưng còn một vấn đề mà Vin phải lo ngại đó là chủ nghĩa dân túy.
Asanzo là mô hình kinh tế tư nhân khôn khéo lôi kéo người tiêu dùng bằng lời kêu gọi dùng hàng thuần Việt, sản xuất tại Việt Nam nhưng cũng đã bị "lên bờ xuống ruộng" khi truyền thông đặt nghi vấn về chính lời kêu gọi đó.
Hay trong làn sóng phản đối Big C, một vị lãnh đạo bộ Công thương nói với tờ Pháp luật Việt Nam rằng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và siêu thị này, "không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích..."
Tuy nhiên, làn sóng người phản đối từ nhà cung cấp kéo băng rôn đến những phát biểu trên mạng xã hội mà xuất phát điểm vẫn là tinh thần dân túy khiến tập đoàn chủ của Big C phải vội vã đưa ra những phát biểu mang tính dàn hòa.
Có lẽ họ chưa từng gặp tình huống này ở những nước khác.
Trước đó khá lâu là vụ con ruồi trong chai nước ngọt làm dấy lên làn sóng phản đối Tân Hiệp Phát và sự tẩy chay doanh nghiệp này vẫn âm ỉ đến bây giờ bất chấp tòa án đã có phán quyết.
Chàng Hamlet "To be or not to be" thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trở lại, một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu nói với tôi như vậy khi bàn luận về vụ Big C tuyên bố tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt.
Điều này cũng có thể thấy quanh bài báo của Financial Times về Vingroup.
"Vingroup đủ lớn mạnh để đối phó nhưng chúng tôi thì không, ở một đất nước mà doanh nghiệp lệ thuộc vào cả ý chí của nhà quản trị và ý kiến của người dân thì việc Vingroup muốn kiểm soát thông tin là điều có thể hiểu được, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy nếu đủ lực," vị doanh nhân này nói với tôi.
Bài báo của Financial Times mới đọc ra vẻ khách quan nhưng thực sự là tấn công Vingroup và cả chủ trương tập trung nguồn lực cho các tập đoàn kinh tế lớn bằng chính chủ nghĩa dân túy.
Lòng trung thực kiểu Khaisilk

Hình thức bài giống như một "báo cáo qua tiếp xúc" của ngành an ninh hơn là một điều tra khách quan từ các nhân chứng cũng như số liệu khoa học mang tính pháp lý.
Bằng phát biểu của nhiều nhân chứng bài báo kín đáo khiêu khích công chúng bằng cách chỉ ra rằng hình như quyền tự do ngôn luận của họ đã bị Vingroup "xâm hại", Vingroup "lấy đi của người dân những hưởng thụ công"…
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người có phát biểu với Financial Times về việc mình bị "làm khó" khi viết trên mạng xã hội về Vingroup đã "nói lại" cách "mềm" hơn ngay sau đó trên tài khoản cá nhân Facebook:
"Nếu nói rằng tôi đã không một chút băn khoăn nào khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn của Financial Times cho bài viết của họ về Vingroup thì là không thật, sau tất cả những gì từng xảy ra. Tuy nhiên, như những gì đã chia sẻ trong bài báo, "tôi thực lòng tin tưởng người Việt Nam xứng đáng có một đất nước tốt đẹp hơn; và để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cần một nền báo chí tự do. Tôi cũng không nghi ngờ việc có thể VinGroup, với những việc họ đã và đang làm, cũng chỉ đang muốn tạo dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn, theo cách nghĩ của họ. Chỉ là tôi có lòng tin của riêng mình và sẽ làm mọi điều có thể vì những điều tôi tin là đúng."
Nếu đòi hỏi bằng chứng về việc can dự của Vingroup vào việc kiểm soát thông tin thì e là quá khó nhưng lời đồn đoán thì rất nhiều.
Dư luận nói rằng, đội truyền thông ở Vingroup có số điện thoại của tất cả tổng biên tập.
Đội này không bao giờ yêu cầu gỡ bài nhưng có thể làm các bài báo "mềm" đi và mục đích là giữ hình ảnh Vingroup luôn "ngay ngắn" trong mắt công chúng mà không bóp méo sự thật.
Dư luận cũng đặt dấu hỏi quanh việc trang Trí thức trẻ đăng bản dịch bài báo về Vingroup nhưng chỉ lược lại những nội dung "tích cực" về Vingroup, và bỏ hết những đoạn "tiêu cực".
Trang Zing.vn cho đăng bản dịch dài hơn, tuy cũng cắt bớt một số đoạn. Điều đó cho thấy bài báo có thể đã được làm "mềm" đi khi đến với người đọc Việt Nam còn có tác động của Vingroup hay không thì chưa biết.
Từ vụ Asanzo, Big C cho đến những lời đồn đoán về mối quan hệ của Vingroup với truyền thông cho thấy kinh tế tư nhân còn bị chi phối bởi những yếu tố mang tính dân túy như cảm xúc của số đông, ý kiến báo chí, truyền thông mạng xã hội và thái độ của nhà quản trị, nó làm khó doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, Việt Nam muốn phát triển bền vững kinh tế tư nhân thì phải có một nền tài phán căn cơ hơn, đó là phán quyết của tòa án độc lập cho các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
--
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TPHCM