12 août 2019

GS Carl Thayer: Vỏ bọc "ngư dân" trong chiến thuật vùng xám nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông


Nội dung: Hải Vy; Thiết kế: Thi Anh 

GS Carl Thayer: Vỏ bọc "ngư dân" trong chiến thuật vùng xám nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông. Giới phân tích gọi đó là “chiến thuật vùng xám”. 



Để làm rõ thêm về chiến lược nguy hiểm của Trung Quốc, báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales.


GS Thayer cho biết, thuật ngữ “Vùng xám” thường được các học giả và giới phân tích sử dụng khi đề cập đến cuộc cạnh tranh, hay thậm chí là đối đầu giữa hai hoặc nhiều quốc gia, khiến căng thẳng được đẩy lên cao nhưng chưa dẫn tới xung đột vũ trang.
Các quốc gia áp dụng chiến thuật vùng xám như Trung Quốc thường sử dụng những lực lượng được ngụy trang, trông không có vẻ gì là lực lượng quân sự.
Trung Quốc đã cơ cấu một số nhóm trong ‘hạm đội tàu cá chiến lược’ của họ thành các nhóm ‘dân quân biển’. Những thành viên của các nhóm này có thể phút trước còn là những ngư dân hết sức bình thường, phút sau đã trở thành lực lượng bán quân sự khoác trên mình những bộ quân phục” – ông Thayer nói.
Bên cạnh đó, cũng theo vị GS, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng hành pháp trên biển, phần lớn được phân bổ lại vào lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông.


Tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough - Ảnh: AFP


Tại Trung Đông, Iran cũng được cho là đang áp dụng chiến thuật vùng xám để đối phó Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và dân quân biển Trung Quốc hoạt động trong môi trường địa lý khác nhau nên chiến thuật của họ cũng khác nhau.
Vịnh Ba Tư tương đối bị hạn chế trong khi Biển Đông là một không gian biển tương đối rộng mở.
“Yếu tố địa chính trị ở Trung Đông và Đông Nam Á cũng có sự khác biệt rất lớn. Tại Đông Nam Á không có các phe thân Mỹ như Saudi Arabia và UAE. Thái Lan và Philippines chỉ là đồng minh của Mỹ trên danh nghĩa mà thôi” – ông Thayer cho hay.
Bên cạnh đó, IRGC có lực lượng không/hải/lục quân riêng, họ cũng giám sát các nhóm dân quân tự nguyện. IRGC có các tàu cỡ nhỏ, trực thăng, máy bay không người lái và các loại máy bay chiến đấu hiện đại hoạt động trong khu vực Vịnh Ba Tư.
Sự tương đồng cơ bản giữa Iran và Trung Quốc ở đây là cả hai phía đều sử dụng chiến thuật bầy đàn, hay nói cách khác là huy động số lượng lớn các tàu vũ trang cỡ nhỏ để đối đầu với đối thủ của họ.
Vừa qua, IRGC được cho là đã dùng mìn phá hoại các tàu chở dầu đi qua khu vực vùng Vịnh và triển khai trực thăng vây bắt tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero. Trong khi đó, các chiến thuật của dân quân biển Trung Quốc có phần cơ bản hơn.
Dân quân biển, với vỏ bọc "ngư dân", là lực lượng mũi nhọn trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Ảnh: Getty








Theo GS Thayer, các chiến thuật vùng xám đã trở thành một phần trong chiến lược của một số quốc gia nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể.
Trong trường hợp của Trung Quốc, chiến thuật vùng xám đang được Bắc Kinh sử dụng để đạt được nhiều mục đích như tuần tra, thiết lập sự hiện diện, tái cung ứng, trinh sát, giám sát và quấy rối các hoạt động khai thác dầu của nước ngoài (như cắt cáp thăm dò dầu khí) và các tàu cung ứng của họ.
Trong năm nay, dân quân biển Trung Quốc được cho là đã dùng laser để gây cản trở các hoạt động ban đêm của máy bay quân sự Australia đang bay trên Biển Đông.



 Một mục đích khác của Bắc Kinh là thách thức tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ven biển. Trung Quốc đã cố ý cho dân quân biển trà trộn với ngư dân vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Những ngư dân/dân quân này đã xâm phạm và cướp đi một số lượng lớn cá, cũng như các nguồn tài nguyên biển khác của Việt Nam, đồng thời đâm va và gây hư hại (hoặc thậm chí tông chìm) các tàu cá Việt Nam, xua đuổi ngư dân Việt Nam.
Cũng trong năm nay, hàng trăm tàu cá Trung Quốc, trong đó có lực lượng dân quân biển của họ, đã vây quanh các vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Cảnh sát biển Trung Quốc núp dưới cái bóng của lực lượng dân sự nhưng các tàu tuần tra của họ lại được vũ trang và có sàn đáp cho trực thăng. Lực lượng này đã can thiệp để bảo vệ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam.
Đây cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng trong một chiến lược mà nước này vạch ra để ngăn Hải quân Việt Nam can thiệp.
Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc còn bao gồm việc sử dụng các phương tiện thăm dò dầu khí, như giàn khoan Haiyang Shiyou 981, và các tàu khảo sát, như Haiyang Dizhi 8, để tiến hành các hoạt động thương mại bất hợp pháp trong vùng EEZ của Việt Nam, nhằm thách thức quyền tài phán chủ quyền của Việt Nam” – ông Thayer cho hay.
Vị GS nhận định, với chiến thuật vùng xám, Trung Quốc đã xem nhẹ luật pháp và các quy chuẩn quốc tế, đe dọa biến trật tự được thiết lập bởi các quy tắc hiện nay trở thành “luật rừng” hoặc thay đổi theo ý muốn của họ.
Chiến thuật này của Trung Quốc chắc chắn sẽ buộc các quốc gia khác trong khu vực phải có biện pháp đối phó, và nguy cơ tiềm ẩn ở đây là các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang thành xung đột vũ trang, gây ra những thiệt hại về nhân mạng.


GS Thayer cho rằng, những cường quốc đang có mối quan tâm lớn về các vấn đề an toàn, an ninh và hòa bình tại Biển Đông chắc chắn không thể ngồi yên trước chiến lược vùng xám của Trung Quốc.
Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác đã tham gia hỗ trợ xây dựng năng lực và nhận thức các vấn đề hàng hải cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia ven biển trong khu vực.
Mỹ và các cường quốc khác có thể dùng áp lực chính trị và ngoại giao để kiềm chế Trung Quốc, như tuyên bố đanh thép của Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây rằng “Trung Quốc nên dừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế không thực hiện các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Ngoài ra, một Đô đốc cấp cao của Mỹ đã tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công vũ trang của dân quân biển Trung Quốc theo cách đáp trả một cuộc tấn công quân sự.


Nguồn: theo Trí Thức Trẻ