05 août 2019

Ngư dân cần cờ hay hỗ trợ đóng tàu để ra khơi?


RFA
2019-08-02


Trong những tuần qua, khi căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng vì Bắc Kinh điều hàng chục tàu Hải cảnh cùng dân binh vào vùng nước Việt Nam, ngư dân ở nhiều nơi đã nhận được những lá cờ tổ quốc biểu chưng, khuyến khích họ bám biển.
Báo Người Lao Động trích lời một ngư dân được tặng cờ ở Quảng Ngãi nói rằng “Với những ngư dân như tôi, trao cờ Tổ quốc là trao cho chúng tôi niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để mỗi tàu cá cắm cờ đỏ sao vàng trở thành cột mốc sống giữ biển trời quê hương..”

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được báo Người Lao Động khởi xướng từ tháng 6. Tính đến nay, chương trình đã trao hơn 12.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ngãi. Đây cũng là những nơi có nhiều ngư dân đi đánh bắt xa bờ và trở thành nạn nhân của những vụ đâm tàu, bắt bớ, đánh đập bởi tàu của các nước khác.
Bộ Ngoại giao Malaysia mới đây cho biết từ năm 2006 đến nay, nước này đã bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7000 ngư dân bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Malaysia.
Indonesia gần đây cũng đánh chìm 38 tàu cá Việt Nam với cáo buộc các tàu này đã xâm phạm vùng nước của Indonesia.
Một số ngư dân bị Indonesia bắt giữ cho Đài Á Châu Tự Do biết họ đã đi đánh bắt ở tọa độ được Biên phòng Việt Nam xác nhận là trong vùng biển Việt Nam.
Cơ quan chức năng không công bố cụ thể có bao nhiêu tàu cá Việt Nam đã bị Trung Quốc đâm, bắt giữ trong những năm qua ở khu vực Biển Đông nhưng những thông tin về các vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam hoặc cướp tàu cá Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.
Mới đây, vào tháng 3, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước.
Hội Nghề cá Việt Nam hôm 29/7 cũng ra thông cáo phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận xét việc trao cờ mà chính phủ làm chỉ mang tính biểu dương đối với ngư dân:
“Trên một quốc gia ở vùng biển nó khác với vùng đất liền, vì vùng đất liền có thể cắm mốc được, có thể xây tường rào được biên giới lãnh thổ của mình nhưng ở trên biển thì không làm được việc đó. Do đó người ta ví rằng những ngư dân xuất hiện trên ngư trường khu vực biển đó chính là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Tôi cho rằng hành động đó giống như là biểu dương và sự quan tâm của chính phủ đối với ngư dân thôi chứ không phải vì chính sách mà ngư dân bám biển.”
Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng xác nhận điều này chỉ mang tính chất khuyến khích tinh thần cho ngư dân, còn cờ thì không thể tồn tại lâu với ngư dân đi biển dài ngày.
“Đi một tháng về là mất lá cờ rồi, treo trên tàu nó phất phới một thời gian là rách nên mau hư nên mới có cuộc vận động đó, chúng ta cũng là những người vận động quyên góp để hỗ trợ cho bà con. Đó cũng chỉ là điểm để tăng thêm tinh thần thôi chứ thật ra tàu Việt Nam đi cũng là khẳng định chủ quyền mà không có tàu ở đó cũng khẳng định chủ quyền chứ không hẳn là phải có lá cờ thì mới khẳng định chủ quyền.”
Kỹ sư tàu Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một trong những người chủ trương “Nhịp Cầu Hoàng Sa”, cho rằng việc kêu gọi trong thời điểm ngư dân gặp nhiều khó khăn như hiện này là điều không nên.
“Bởi vì ngọn cờ cấm ở đâu thì lãnh thổ đất đai tổ quốc ở đó, cắm trên tàu thì tàu cũng là một phần của đất nước Việt Nam nhưng cái đó nó nặng về tinh thần nhiều hơn, muốn chống được thì không phải chỉ có tinh thần mà người ngư dân gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, hiện nay về vấn đề các ngư trường, tàu thuyền vẫn còn gặp khó mà giờ họ còn nhiệm vụ bảo vệ đất nước nữa thì nó cũng khá là gay go.”
Ai giúp ngư dân bám biển, giữ chủ quyền?
Theo những ngư dân đã từng bị tàu Trung Quốc đâm va hoặc bị phía Indonesia hay Malaysia bắt giữ, những thiệt hại của mỗi lần như vậy được tính đến hàng tỷ đồng, bao gồm tiền tàu, thiết bị và và hải sản đánh bắt được.

Một ngư dân không muốn nêu tên tại khu vực huyện Ngọc Hiển, Cà Mau từng đi biển và bị phía Malaysia bắt cho biết:
“Mỗi lần đi như vậy nếu chuộc về thì khoảng chừng 1 tỷ cho 1 chiếc ghe lớn và mỗi người là khoảng từ 100 – 200 triệu tiền chuộc về. Nhiều khi bỏ ghe luôn không cho chuộc ghe mà chỉ cho chuộc người về thôi. Bỏ lại hết tất cả chỉ được người về thôi. Khi bị bắt là phải ở khoảng tầm từ 1 tháng đến 3 tháng mới cho chuộc về chứ không phải cứ bắt vô chuộc là cho về liền đâu.”
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch hội nghề cá Việt Nam khẳng định với RFA hôm 1/8/2019 rằng, có nhiều quỹ hỗ trợ giúp ngư dân trong những vụ như vậy. Ví dụ như ngư dân tự nguyện đóng góp với nhau, Quỹ nhân đạo nghề cá hay Quỹ Tấm lưới nghĩa tình.
“Nếu trong những trường hợp bị tàu đâm va thì nó cũng là dạng tai nạn nhưng chủ yếu là chính xác phát hiện được tàu nào gây tai nạn hay chuyện cướp bóc tàu bè… thì tất cả những cái đó chúng tôi cũng lên tiếng để bảo vệ cho bà con. Trong quá trình làm bị thiệt hại thì các quỹ tự nguyện của nhân dân và trong đó chính phủ cũng có hỗ trợ nhất định và đặc biệt tùy theo từng địa phương, tùy theo tàu nhỏ tàu to, thiệt hại ít hay nhiều và nếu có xảy ra tính mạng con người thì đều có hỗ trợ cả. Đó là chính sách nhân đạo nói chung.”
Tuy nhiên, Một ngư dân ở Cà Mau giấu tên cho biết trên thực tế điều này không xảy ra:
“Không có hỗ trợ gì đâu, tự mình làm tự mình chịu thôi chứ không ai dính líu ai hết.”
Một thuyền trưởng giấu tên tại khu vực Bà Rịa Vũng Tàu, người đã từng bị mất tàu khi đánh bắt ngoài khơi ở vùng biển đang tranh chấp với Indonesia, cho biết:
“Hiện nay không có hỗ trợ gì cả, nói chung là vậy mà đôi khi họ còn hù ngư dân nữa. Họ nói là không có đất nước nào xâm chiếm hải phận của mình cả, chỉ là ngư dân qua đó đánh bắt nên họ dính về đây họ bắt tận nơi thôi. Họ nói ít trường hợp nào bị xâm lấn vào vùng biển của mình mà bắt vậy lắm, khi người dân khai báo thì họ không lắng nghe. Ngoại trừ có bằng chứng xác thực thì họ nghe và khuyên thôi cái đó cũng là cái xui rủi thì người dân cố gắng cam chịu làm kinh tế lại chứ không có hỗ trợ nào cả.”
Ngoài ra, vị thuyền trưởng còn cho biết thêm, hiện nay nhiều ngư dân thất vọng vì đã làm theo yêu cầu bám biển, nhưng họ vẫn cảm thấy không được bảo vệ:
“Mấy anh nói tụi tôi vi phạm thì hiện nay chúng tôi làm theo các anh và minh chứng chúng tôi không có vi phạm nhưng nếu chúng tôi bị bắt trên vùng biển Việt Nam thì ai sẽ bồi thường cho chúng tôi, thì Chi cục không dám trả lời chỉ cười trừ thôi. Có đưa đơn bao nhiêu chỗ cũng không ai hỗ trợ mình cả dù mình đúng, nên nhiều người thất vọng vô cùng. Người dân hiện nay đang tìm cách để mà đoàn kết, thông tin ngư trường thì người dân tự liên lạc với nhau tự bảo vệ nhau là chính.”
Kỹ sư tàu Đỗ Thái Bình cho chúng tôi biết, không có một chính sách nào riêng cho việc đền bù thiệt hại mà chính quyền Việt Nam chỉ trông chờ vào việc ngư dân mua bảo hiểm tàu cá mà thôi. Tuy nhiên.
“Đưa một cơ chế thị trường tức là vận động ngư dân là phải mua bảo hiểm nhưng thời gian vừa qua số lượng mua bảo hiểm rất ít và đền bù cũng rất kém, không phải đền bù cho những tai nạn do Trung Quốc phá rối mà ngay cả tai nạn do thiên tai, va chạm cũng kém nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn kêu gọi ngư dân làm hàng rào chiến đấu trên biển.”
Tàu vỏ thép hay tàu gỗ
Việt Nam vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67 về việc giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đóng mới tàu vỏ thép với công suất lớn, nâng cấp tàu phục vụ khai thác để ra khơi ra, bám biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 5/2017 xác nhận cả nước có gần 300 tàu cá vỏ thép theo nghị định 67, tuy nhiên, sau khi đưa vào sản xuất nhiều vấn đề xảy ra như việc tàu sắt thép bị hoen rỉ, sơn kém chất lượng, động cơ sai công suất, làm giả hồ sơ và nhiều vấn đề khác khiến tàu phải nằm bờ sửa chửa nhiều tháng trời, ngư dân không thể ra khơi và tính mạng ngư dân bị đe dọa.
Một số vụ việc bị cơ quan công an điều tra phát hiện như vụ việc gây bức xúc dư luận là công ty Hoàng Gia Phát và công ty Nam Triệu (thuộc Bộ Công an), công ty Đại Nguyên Dương đã làm giả hồ sơ cung cấp sai công suất động cơ, sản xuất chất lượng kém hiệu quả, hư hỏng.
Ngư dân tại Vũng Tàu xác nhận điều này với chúng tôi rằng, việc đóng tàu sắt thép phải theo quy trình của bên đối tác yêu cầu chứ ngư dân không có quyền tham gia nên nhiều khi chất lượng không được đảm bảo. Vì vậy nhiều ngư dân lại quay về tự đóng tàu vỏ gỗ:
“Hiện nay ngư dân của mình để bỏ tiền ra làm một tàu gỗ để đi đánh bắt thì nó lợi hơn rất nhiều vì tàu sắt mười mấy tỷ lận, còn tàu gỗ mức hạn mục dài và lớn như vậy thì mức vẫn thấp hơn, đóng theo ngư dân thì họ mua máy móc hợp lý hơn vì họ tiết kiệm mà.”
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc từ nhiều năm qua đã thực hiện chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt chắc chắn cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Không những thế, Trung Quốc còn sử dụng tàu ngư dân vỏ sắt như lực lượng dân quân biển để bảo vệ chủ quyền. Các tàu này sẵn sàng đâm va vào các tàu cá bằng gỗ của ngư dân các nước khác bao gồm cả tàu cá Việt Nam.
Nói về những khó khăn khi gặp tàu Trung Quốc, một ngư dân không muốn nêu tên ở Quảng Nam cho biết:
“Cá thì hiện nay vẫn như mọi khi thôi nhưng tụi nó đạp quá, xua đuổi quá, hồi xưa tàu bè Trung Quốc chưa phát triển nó đã đi 10 chiếc rồi giờ kinh tế nó lên nó đi 20-30 chiếc thì cứ tính số lượng nó lên đông rồi nó đợp tàu mình miết thì mình làm sao làm gì được.”
Biết là khó khăn nhưng ông nói các ngư dân như ông không còn cách nào khác vẫn phải bám biển, dù vùng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa của họ đang bị Trung Quốc chiếm.
“Mình đi miết đó thôi giờ không đi thì biết làm gì đâu chỉ biết đi biển mà. Trung Quốc thì nó chiếm đóng tại vùng biển Hoàng Sa nó độc quyền nên mình ra là nó phá”


https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/132844594631111