27 août 2019

Ông trời đã quay lưng, Trung Quốc cần sám hối

Quả báo của thiên nhiên với Trung Quốc dù sao vẫn cần phải chờ vài chục năm để mới nhận thấy, nhưng quả báo của con người thì diễn ra nhanh hơn nhiều.


Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và đó là động lực lớn để họ phát triển mạnh mẽ trong 4 thập kỷ đây. Nhưng giờ họ đang bị ông trời quả báo. Trong tương lai, các nguồn năng lượng như than, dầu và thủy điện không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng khổng lồ của Trung Quốc. Năng lượng mặt trời được coi như cứu cánh đối với Trung Quốc.


Là nhà tiêu thụ năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp năng lượng Trung Quốc đang cố gắng đi lên hướng tới một tương lai bền vững, nhưng dấu chân lem luốc từ quá khứ đốt than vẫn chưa thể rửa sạch. Quá khứ không phải lúc nào cũng dễ bị lãng quên.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Energy cho thấy bầu khí quyển của Trung Quốc bị ô nhiễm nặng nề. Trớ trêu thay, bầu khí quyển u ám đó không chỉ là "đám mây mờ che bầu trời xanh" như mô tả trong văn chương Trung Quốc mà nhìn dưới góc độ khoa học thì nó rất tai hại. Trung Quốc đang gặp khó khi tiếp nhận ánh nắng mặt trời. Bầu khí quyển ô nhiễm đã ngăn chặn các tia mặt trời chiếu xuống đất, ngăn các tấm pin mặt trời tiếp nhận năng lượng hiệu quả.

Viện Khoa học Khí quyển và Khí hậu ở Zurich đã lập bản đồ về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí Trung Quốc đối với sản lượng mặt trời tiềm năng từ những năm 1960 đến 2015. Kết quả cho thấy, năng lượng mặt trời trung bình giảm từ 11-15% trong giai đoạn này. Các nhà nghiên cứu cho rằng chất lượng không khí nếu trong lành như những năm 1960 có thể giúp thu hoạch điện mặt trời tăng hơn 12%.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc suốt một thời gian dài sau thập niên 60 được thúc đẩy bởi than đá, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo nhưng cũng làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. Đến giờ Trung Quốc vẫn phụ thuộc than đá và chúng ta có thể thấy điều đó qua tần suất tai nạn sập mỏ của Trung Quốc xuất hiện trên mặt báo.

Khi phụ thuộc than đá như vậy thì lượng khí thải Trung Quốc sẽ khó giảm nên đừng mong bầu không khí trở lại như thập niên 60 mà thay vào đó, người ta e ngại Trung Quốc sẽ còn ô nhiễm hơn nữa. Theo AirVisual thì quá nửa trong top 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thuộc về Trung Quốc và nếu tính trong top 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm hơn 2/3.

Thiệt hại kinh tế chỉ là một cái giá phải trả vì ô nhiễm. Về sức khỏe con người, tiếp xúc lâu dài với không khí độc hại làm tăng khả năng đột quỵ, bệnh phổi, ung thư phổi và đau tim. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau hút thuốc, huyết áp cao và chế độ ăn uống kém. Trung Quốc có số người chết vì ô nhiễm cao thứ hai thế giới, sau Ấn Độ.

Nhưng điều lo lắng nhất của chính quyền Trung Quốc là sự bất mãn của người dân với sự ô nhiễm này khi nó đe dọa trực tiếp cuộc sống của họ, khiến họ phải dũng cảm đứng lên. Đã có nhiều cuộc biểu tình ở Trung Quốc chỉ vì chống ô nhiễm môi trường.

Than đá và khí thải vốn là trụ cột giúp Trung Quốc phát triển, củng cố vị thế của chính thể hiện nay ở Bắc Kinh. Nhưng giờ thì hệ lụy của nó trở thành rào cản cho phát triển công nghiệp năng lượng, cho nền kinh tế của Trung Quốc và trở thành một vấn đề nhạy cảm với Bắc Kinh. Không phủ nhận Trung Quốc đã và đang sám hối bằng việc quay sang dùng nhiều nguồn năng lượng sạch hơn, nhưng những dấu chân lấm vết than vẫn tạo ám ảnh không dễ gột rửa. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ trả giá nhiều hơn nữa nếu như hôm nay họ vẫn chưa sám hối thành tâm, vẫn tiếp tục đốt than thải khí.

Quả báo của thiên nhiên với Trung Quốc dù sao vẫn cần phải chờ vài chục năm để mới nhận thấy nhưng quả báo của con người thì diễn ra nhanh hơn nhiều. Những chính sách thương mại (mà Mỹ cho là bất bình đẳng) của Trung Quốc với Mỹ đang bị trả giá nhanh hơn Trung Quốc suy nghĩ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ra những đòn quả báo với kinh tế Trung Quốc khi liên tục nâng hàng rào thuế quan và dùng các biện pháp cô lập kinh tế khắt khe khác với Bắc Kinh. Những thành quả sau hàng thập kỷ của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn.

Và Trung Quốc cũng cần sám hối với hành vi áp bức các nước khác trên Biển Đông khi đưa tàu thăm dò vi phạm chủ quyền của các nước khác (trong đó có Việt Nam), tổ chức những cuộc tập trận liên tục mang tính chất đe dọa. Nếu các nước mà đều làm to chuyện ra diễn đàn thế giới, bao gồm LHQ thì sẽ là đòn ngoại giao giáng mạnh với Trung Quốc, khuôn mặt thành tín của Trung Quốc chẳng còn bao nhiêu gram khi sự thật được phơi bày, hình ảnh Trung Quốc yêu hòa bình được coi như sức mạnh mềm đi phát triển làm ăn bên ngoài cũng biến mất. Bởi vậy, Trung Quốc rất sợ điều đó xảy ra và đang tìm cách tránh để các nước làm to chuyện ra khỏi biên giới các nước có liên quan. Nhưng cái kim trong bọc thì cũng phải có ngày lòi ra và tốt nhất Trung Quốc nên sám hối trước khi bị quả báo. Và quan trọng nhất là sám hối một cách thành tâm chứ không phải nói giọng bồ câu ở Bắc Kinh nhưng khoe móng diều hâu ở Biển Đông.


Anh Tú
Nguồn: Một Thế Giới