03 octobre 2019

“ BA CÙNG ”


Thiện Tùng

  30/09/2019



 Giao thông, Y tế, Giáo dục là 3 ngành thuộc lãnh vực phúc lợi hội quan yếu nhứt đối với mỗi quốc gia bất kỳ. Nhìn vào sự thăng trầm của chúng, người ta nhận ra Nhà nước đó thuộc loại nào, có của dân, vì dân, do dân hay không.



Đi lại, trị bịnh, học hành là 3 việc thiết yếu không thể thiếu đối với  dân sinh.   Dân sinh, Dân chủ là hai món “ăn” vật chất và tinh thần đối với con người.  Bất kỳ thể chế chính trị nào, nếu không quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân thì, không sớm thì muộn, sẽ bị nhân dân mời “đi chỗ khác chơi”?.


 Có lẽ biết được điều đó, khi chưa cầm quyền (thời chiến), “Đảng ta” lấy Y tế và Giáo dục làm mồi nhử, nói rằng: “Dưới Chủ nghĩa Xã hội, Y tế, Giao dục được miễn phí hoàn toàn”. Còn gì bằng, dân chúng tin Đảng, theo Đảng tìm về thiên đường XHCN để được hưởng những phúc lợi đó. Nào ngờ, đã 44 năm cầm quyền trên cả nước, Đảng CSVN tổ chức, quản lý 3 ngành Giao thông, Y tế, Giáo dục ngày càng xuống cấp nghiêm trọng: ngoài dở, dỏm, giả còn thu phí vô tội vạ. (ai cũng thấy, cũng biết, tôi xin không kể ra ở đây).

 
Các bị cáo được mô tả là "những người hiểu biết, có chức vụ nhưng đã buôn bán hàng giả để trục lợi - Bản quyền hình ảnh TUOITRE.VNImage Caption .


Trong buổi “ca-phê đàm” của chúng tôi hôm nay không vui nhộn như bao ngày trước đó. Vừa yên vị, ông T… , một cán bộ nghĩ hưu thông tin xốp dẽo: “ Một tuần liền, từ 24/9 đến 01/10/2019, Tòa án Cấp cao TP HCM  xử 12 bị cáo trong vụ buôn thuốc giả ở công ty dược Pharma, án cao nhứt 20 năm, thấp nhứt  ‘treo’ ”. Thầy B…, với vẻ đượm buồn, nói trong ngao ngán: “Sao Giao thông, Y tế, Giáo dục ngày một tệ hại ?!”. 

Thấy mọi người bận lo xử lý ly ca-phê đang bốc hơi thơm phức của mình, tôi vọt miệng kết luận:

-   Do lãnh đạo cấp trên chưa “Ba cùng” với dân. 



-  “ Cùng ăn, cùng ở, cùng làm ” mà Cụ Hồ  nêu ra để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong thời chiến có ăn nhập gì ở đây mà anh kéo nó vô ? – ông B… bài bác ý tôi.



-  Tôi đâu có đưa “Ba cùng” cũ thời chiến vào đây, tôi nói “Ba cùng” do tôi mới nghĩ ra – Tôi vừa cười vừa nói.    



-  Nói nghe coi, nếu “lọt lỗ tai” tôi thưởng ngay cho anh ly ca-phê sữa ! – ông B…khích tôi, mọi người cùng cười hộ tống.

Tôi nói cũ trước, mới sau:

: “ Ba cùng” cụ Hồ nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hồi thời chiến: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân chớ gì?

Thời chiến, việc cán bộ, chiến sĩ thực hiện 3 cùng nầy hữu danh vô thực, quanh đi quẩn lại thực chất chỉ là: cùng ăn của dân, cùng ở nhà dân, cùng làm nhiều lắm phụ dọn lên trước khi ăn, phụ bưng xuống sau khi ăn thay vì ngồi đó làm khách?. Chúng ta ở đây gần như đều là cựu kháng chiến, chắc ai cũng biết rõ chuyện đó?. Sở dĩ dân chấp nhận sự “ăn theo” ấy bởi, biết đòi gì hơn, khi cán bộ, chiến sĩ thời chiến chỉ có “trên răng dưới dép”?.

Mới: “Ba cùng” do tôi nhìn vào thực trạng ba ngành nầy mà nghĩ ra: khi nào quan chức cấp cao cùng “đi lại, trị bịnh, học hành” chung với dân thì khi ấy 3 ngành Giao thông, Y tế, Giáo dục sẽ được cải thiện. Sở dĩ 3 ngành nầy ngày một tệ hại như anh B…nói, là do quan chức cấp cao tự ban cho mình 3 quyền ưu tiên:

Đi lại:  Nếu đi đường không, các vị dùng chuyên cơ, nếu đi đường bộ, các vị có xe đặc cấp, đi đến đâu có cảnh sát mở đường. Vượt đèn đỏ là chuyện nhỏ, chuyên cơ chở người và hàng lậu; kéo cả đoàn xe mấy chục chiếc vào đường cấm mới là chuyện đáng nói?!. 
Vừa  nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc “thị uy” bằng đoàn  xe nhìn mút mắt, chạy vào đường cấm ở phố cổ Hội An

 




Trị bịnh: Lãnh đạo Trung+Cao cấp có Ban Bảo vệ sức khỏe thường xuyên chăm sóc, có bịnh viện riêng ở cấp tỉnh và Trung ương, nếu bịnh nặng ra nước ngoài chữa trị.



Học hành: Con cháu các cụ cấp cao phần lớn có chế độ đãi ngộ, được đi du học nước ngoài để về kế nghiệp cha ông.

Vậy thì Giao thông, Y tế, Giáo dục công cộng dầu có tệ hại đến đâu cũng chẳng có liên quan gì đến các cụ cả, chúng chỉ dành cho lớp người hạ đẳng. Có gì phải lo: Nếu dân chúng có khó khăn, bịnh tật thì giảm sức đấu tranh chống đối, nếu chết thì giảm mật độ dân số, nếu dốt càng dễ cai trị chớ có sao đâu ?.

-   Cô tiếp viên !... Cho một ca-phê sữa – ông B… gọi tiếp viên.

-   Chi vậy? – tôi hỏi.

-   Quân tử nhứt ngôn ! – tiếng ông B… hòa lẫn với những tiếng vỗ tay lẹt đẹt.

-   Thôi đi, gan tôi yếu, sữa vào ngứa, cho bình trà đậm được rồi – tôi ngăn ca-phê, xin trà.



Thấy mọi người vẫn im lặng, tôi lấp chỗ trống xả căng: Xã hội Việt Nam ta hiện nay có 4 thầy: Thầy chùa, Thầy thưốc, Thầy giáo, thầy Cãi. Cả 4 thầy nầy đều đã “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

-   Một số Thầy Chùa mặc áo thầy tu, đội nón bảo hiểm, chạy mô-tô bon chen với đời, thích “ăn mặn, mát mẻ”…

-   Một số Thầy Thuốc có tay nghề cao, ngoài làm việc ở bịnh viện công còn mở phòng mạch riêng, kết thân với trình dược viên đầu cơ thuốc, thuốc dỏm, thuốc giả lan tràn!. Thử hỏi chân ngoài dài hơn chân trong thì tránh sao khỏi phân tâm, bịnh nhân không rên than mới là chuyện lạ ?

-   Một số Thầy Giáo, ngoài đứng lớp trường công, còn mở lớp dạy thêm, nếu học sinh nào không học thêm sẽ bị phân biệt đối xử, khó đậu khi chuyển lớp, chuyển cấp - trừ trường hợp phải nộp tiền hối lộ hoặc dựa thế gian lận trong thi cử.

- Về thầy Cãi (luật sư), ngoài một số có lương tâm cãi nhiệt tình, cãi miễn phí cho những thân chủ nghèo khó, đa số còn lại cãi chài cải cối, cãi lấy có để nhận tiền thân chủ.

Trước khi tan cuộc, tôi chích cho thầy thuốc một mũi  thuốc tê:

 <  Hàng ngày hai Thầy thuốc và Thầy giáo cùng đi đến chỗ làm việc phải ngang qua cái nghĩa địa, thấy lạ, Thầy giáo hỏi:

-   Sao mỗi khi qua nghĩa địa anh đều lấy cặp che phía bên ấy ?

-  Tôi xấu hổ ! 

-  Vì sao ?

-  Vì một số người chết chôn trong đó do tôi trị bịnh > .



“Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, “Lời thật mất lòng”,“Thuốc đắng giã tật ”… – đó là những câu nói của người ta chớ không phải  do tôi sáng tác.     -/-