26 octobre 2019

Bàn về nhân tài


Nguyễn Đình Cống

Quốc hội hết việc rồi hay sao?, đó là đầu đề bài báo của Nguyễn Như Phong ( Báo Tiếng Dân, ngày 25/10/2019). Bài báo viết : “Có lẽ Quốc hội không còn việc gì để làm nữa hay sao mà lại định bàn thảo, đưa ra “tiêu chí” về “thế nào là người Tài”.

Phê phán QH là đúng, nhưng việc này có liên quan đến Quy hoạch cán bộ của ĐCS và Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài”.(gọi tắt là Chiến lược nhân tài).

Ngày 5/6/2019, Bộ Nội vụ  ra Quyết định số 470/QĐ-BNV 2019 về “Chiến lược nhân tài”.


Ngày 17/7- tổ chức Hội thảo khoa học về “Chiến lược nhân tài”, công bố thành lập Ban chỉ đạo, gồm  12 thành viên do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm trưởng ban. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ trình Dự thảo lên Thủ tướng. Kế hoạch thực hiện từ năm 2020 đến 2025.

Tôi theo dõi Hội thảo và cuộc thảo luận tại QH qua VTV, ghi nhận ý kiến các vị như Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Trọng Thừa, Lê Minh Hương, Dương Quang Tung, Phạm Hồng Thái, Lê Minh Thông, Tăng Thị Ngọc Mai,Tô Văn Tám, Nguyễn Quang Tuấn, trong đó ý kiến có vẻ được nhiều người tán đồng là “Ở VN không có người tài vì không có môi trường phát triển tài năng”. Ý kiến này không sai, nhưng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ, nhận thức như vậy dễ dẫn đến lệch lạc.

Người tài trước hết phải được cha mẹ sinh ra nhờ hấp thụ khí thiêng sông núi và được di truyền, đó là phần Tiên Thiên, rồi phải gặp được môi trường phù hợp để phát triển, đó là phần Hậu Thiên. Trong phần Hậu Thiên có giáo dục gia đình và nhà trường, có môi trường xã hội và chính trị, có điều kiện về kinh tế, khoa học v.v…Có người tài là một chuyện, có dùng được người tài hay không lại là chuyện khác, nó phụ thuộc vào tiêu chuẩn, cách tuyển dụng và cách đối xử. Người tài có phát huy được năng lực hay không lại là chuyện khác nữa.

Phải chăng trong nhân dân Việt Nam không có nhân tài. Không phải !. Không những có mà có nhiều, nhưng  phần lớn trẻ em tài năng đã bị nền giáo dục làm cho trí tuệ bị méo mó, lệch lạch, khả năng sáng tạo bị thui chột, người  lớn tài năng chân chính đã bị Quy hoạch của Đảng loại bỏ ngay từ vòng đầu tiên. Họ bị loại vì không đạt được tiêu chuẩn cơ bản nhất của Đảng là “Tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác Lê”. Một số ra nước ngoài, số khác bị bắt nhốt vào tù hoặc bị trừ khử, số nữa bị quy là thế lực thù địch, là phần tử “Tự diễn biến”, bị chống đối kịch liệt. Riêng những người có bằng cấp cao, có kiến thức sâu rộng, nhưng bưng tai, bịt mắt, ngậm miệng, buông tay trước thế sự thì cũng chưa phải là nhân tài chân chính.

Dân tộc Việt hiện nay, tuy lâm vào môi trường xã hội và chính trị khá bất lợi, tinh hoa bị hủy hoại, nhân tài chân chính bị vùi dập, nhưng khí thiêng sông núi vẫn còn, di truyền tốt vẫn còn, vì vậy nhân tài vẫn tiếp tục được sinh ra, vấn đề là làm sao thay đổi được môi trường để nhân tài  phát triển mà không bị hủy hoại.

Đảng CS và Nhà nước VN, về hình thức rất quan tâm đến đào tạo nhân tài, nhưng vì sai lầm về đường lối, vì lãnh đạo kém trí tuệ nên chủ yếu đào tạo được một số người có bằng cấp, nhưng hữu danh vô thực.

Về nhân tài TS Phan Hồng Giang có bài “ Đừng để tiểu nhân trà trộn hãm hại người tài” (GD 30-7-19). Khổ thay cho Nhà nước VN, không phải tiểu nhân trà trộn mà là giữ địa vị then chốt, quyết định. Về hình thức người ta ra nghị quyết, lập chiến lược tìm người tài để sử dụng, nhưng trong thực tế, khi phát hiện được người có thực tài thì họ tìm cách khuất phục, bắt quỳ gối khom lưng, cúi đầu, nếu không khuất phục được thì tìm cách vô hiệu hóa. Một trong những tội ác của đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản là loại bỏ, hủy diệt tầng lớp tinh hoa của dân tộc.Tầng lớp đó phản biện sự độc tài toàn trị chuyên chính vô sản.

Quốc hội hết việc rồi hay sao mà lại đem thảo luận tiêu chí và thế nào là người tài. Mà lại toàn đưa ra các ý kiến vụn vặt. Khi chưa cải cách thể chế chính trị để dân chủ hóa đất nước, khi vẫn cố níu giữ độc quyền đảng trị thì không có cách nào dùng được người thật sự tài năng trong hệ thống công quyền. Hội thảo của Bộ Nội vụ hoặc tranh luận ở Quốc hội chỉ tốn công vô ích theo kiểu “con kiến mà leo cành đa”.