04 novembre 2019

Lại là chuyện “người ta “ăn” của dân không từ cái gì”


Dân trí: Câu này của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từ năm 2013 chỉ ra một hiện tượng tiêu cực, tưởng như rồi chúng ta sẽ khắc phục được,  nhưng không, nó diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và nhiều khi trắng trợn đến mức không thể hình dung.
Trụ sở Hội Chữ thập đỏ quận 1 - nơi nghi vấn xảy ra việc trục lợi từ hoạt động hiến máu nhân đạo

Hiến máu là hành động nhân đạo, không mấy ai suy tính thiệt hơn và càng không nghĩ để lĩnh thưởng. Vậy mà báo chí vừa điều tra ra có những đối tượng trong Hội chữ thập đỏ quận 1, TP HCM ăn chặn tiền thưởng của những người hiến máu nhân đạo. Cuối năm 2018, UBND quận 1 ban hành quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực tham gia hiến máu nhân đạo với tổng số tiền hơn 37 triệu đồng nhưng đến cuối tháng 10/2019, nhiều tập thể, cá nhân vẫn chưa nhận được tiền lẫn bằng khen. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi có đơn tố cáo của người có danh sách được thưởng nhưng không được lĩnh.

Nhóm người ăn chặn của những người hiến máu nhân đạo này từ việc bịa ra những tên tuổi, địa chỉ không có thật với những chữ ký loằng ngoằng để lấy tiền, cho đến danh sách những người hiến máu thật, có danh sách được thưởng thật, nhưng chỉ có điều, tiền đã trao nhưng không đến tay họ. Thậm chí, nhóm người này còn liều lĩnh, trắng trợn ăn chặn tiền thưởng của cả những tập thể như cơ quan báo chí, của đơn vị tôn giáo.
Thực ra số tiền này không lớn nhưng tác hại thì khôn lường. Một mặt, những cá nhân hiến máu nhân đạo, đặc biệt những người hiến máu nhiều lần, phần lớn họ không vì tiền và càng không vì tiền thưởng mà từ tấm lòng nhân ái. Do đó, họ không quan tâm đến việc mình có được thưởng hay không. Chính vì vậy nhóm người kia mới dám làm liều đến thế. Mặt khác, nguy hại hơn nhiều chính là trong khi số máu dành cho người cấp cứu, gặp tai nạn vẫn còn thiếu trầm trọng, mặc cho hàng năm vẫn có nhiều cuộc vận động hiến máu nhân đạo tổ chức rầm rộ thì vụ ăn chặn này đánh thẳng vào tâm lý, vào niềm tin của những người có tấm lòng muốn đóng góp máu của mình cứu sống những người thiếu may mắn.      
Về các kiểu ăn chặn này, tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11/9/2013, trước khi đau xót thốt lên “người ta “ăn” của dân không từ cái gì...”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhắc đến  vụ “nhân bản xét nghiệm” ở Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội và vụ biển thủ 3 tỉ đồng của học sinh dân tộc thiểu số. Giống như vụ chiếm đoạt tiền thưởng của những người hiến máu, vụ “nhân bản xét nghiệm”, số tiền họ chiếm đoạt trực tiếp của người dân không nhiều, nhưng rất “vô lương” – từ mà Phó Chủ tịch Nước dùng khi chỉ về vụ nhân bản xét nghiệm. Là phóng viên tham gia điều tra vụ việc này, dù nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ đến sự nhẫn tâm của một số đối tượng ở Bệnh viện Hoài Đức. Họ xử dụng một mẫu xét nghiệm ất ơ nào đó đem nhân bản dùng cho dăm người, mặc cho đó là xét nghiệm của cụ già 72 tuổi dùng cho đứa trẻ 6 tuổi, của người đau ruột thừa cho người viêm họng... Không thể nói gì hơn là họ quá nhẫn tâm.
Và có thể nói, không lĩnh vực nào không có chuyện “ăn”, nhiều khi rất bẩn. Chẳng hạn, 24 con dê cấp cho một huyện nghèo ở Thanh Hóa tất cả đều sai đối tượng, trong đó có 12 con “đi lạc” vào nhà Bí thư huyện ủy! Phải nói, đối tượng nhận “nhầm” kiểu này rất vô lương  bởi, đây là một huyện nghèo, vậy mà ông Bí thư vẫn đang tâm ăn chặn, không, thực ra là họ đã ăn cướp những món quà vô giá của xã hội dành cho những người rất nghèo. Đáng nói là việc cấp dê cho các hộ nghèo này đã có những đoàn giám sát nhưng họ không biết (?!), vụ việc chỉ vỡ lở khi có đơn thư tố cáo của dân. Điều đó cho thấy, những đối tượng lấy của những người nghèo này được hợp thức hóa bởi những cơ quan chức năng, kể cả đoàn giám sát. Điều trớ trêu là khi bị dân tố cáo, vị Bí thư huyện ủy đó sửa sai bằng cách trả lại 12 con dê, vậy là ... hòa cả làng!?
Không, không thể để tình trạng này tiếp diễn, đó là đòi hỏi của dư luận, của những người dân. Và cũng không thể giơ cao đánh khẽ hoặc rút kinh nghiệm dài dài với những đối tượng “ăn” của dân không từ cái gì.

Vương Hà