04 novembre 2019

‘Đường lưỡi bò' xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình - Ảnh: Báo Tiền Phong


Sau hàng loạt của vụ “đường lưỡi bò” phi pháp cài cắm vào phim, bản đồ du lịch, định vị xe hơi... dư luận trở nên bức xúc hơn khi tiếp tục nhìn thấy “đường lưỡi bò” hiện diện trong cuốn giáo trình "Developing Chinese" của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.


Bộ giáo trình Developing Chinese do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được trường Đại học Công nghệ Hà Nội đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020 để giảng dạy cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật.

Trong cuốn Đọc sơ cấp 1 Developing Chinese, phần mô tả về bản đồ lãnh thổ nước Trung Quốc được thể hiện bằng tấm “đường lưỡi bò” phi pháp một cách rõ nét bằng các đường gạnh nối rất đậm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tấm bản đồ có đường lưỡi bò được sinh viên của trường phát hiện và báo cáo lên trưởng khoa của nhà trường.

Bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình - Ảnh: Báo Tiền Phong

Sau khi vụ việc được phát hiện, ngày 3.11 ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung - Nhật trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết cuốn giáo trình nói trên là do trước đó, có giảng viên và sinh viên nhà trường sang Bắc Kinh (Trung Quốc) tập huấn, khi tiếp cận với giáo trình Developing Chinese, các giảng viên thấy… hay, đặc biệt là phần ngữ pháp cũng như câu chữ không có vấn đề gì nên Khoa Trung - Nhật quyết định thành lập hội đồng khoa học xem xét, đánh giá để đưa vào sử dụng.

"Khi thành lập hội đồng, tôi có lưu ý điểm quan trọng đầu tiên là nội dung sách không được đi ngược đường lối chính trị, không vi phạm các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo. Quả thực, nội dung sách không vi phạm điều này, vấn đề biển đảo không được lồng ghép trong bất kỳ câu từ nào. Riêng bản đồ minh họa khá nhỏ là có bất ổn mà chúng tôi không phát hiện ra", ông Thanh thừa nhận.

Hiện tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ra thông báo thu hồi giáo trình cuốn giáo trình Developing Chinese (số lượng khoảng 700 cuốn) sau đó sẽ lập biên bản và tiêu hủy.

Về hướng xử lý tiếp theo, ông Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng thường trực, Phó Chủ tịch HĐQT trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ cho biết: "Trước tiên là chúng tôi thu hồi còn nguồn gốc từ đâu đưa về đây thì sẽ được xem xét. Cuốn giáo trình này được một số giáo viên mua trong nước, cho học trò. Sau khi thu hồi mới tìm nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai mới đưa ra biện pháp xử lý”.


Tiểu Vũ