07 novembre 2019

“Xuất khẩu lao động”


Thiện Tùng

05/11/2019

Dưới nhãn hiệu “Xã hội Chủ nghĩa”, người ta nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng. Chẳng hạn: “mua bán nô lệ” là 4 từ xấu xa được thay bằng 4 mỹ từ “Xuất khẩu lao động”.



Sau cơn bạo bịnh, dù sức khỏe chưa mấy khả quan, tôi vẫn cố tìm thông tin về 39 đồng bào mình cùng một lúc giãy giụa, chết không kịp trối trong một container đông lạnh trên đường vào Anh quốc để tìm kế mưu sinh. Xin mời tham khảo thông tin mà Tùng tôi thu gom được.


Tin đầu tiên: Vào lúc 1h40 sáng ngày 23/10/2019 (giờ địa phương), Cảnh sát Essex phát hiện có 39 thi thể đã tử vong trong một Container tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex, cách thủ đô London gần 40 km về phía Đông.  
  
1h40  ngày 23/10/2019, Cảnh sát Essex phát hiện chiếc xe đầu kéo màu đỏ  kéo container có 39 xác người đã tử vong.

 Chiều 24/10/2019, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận toàn bộ 39 nạn nhân được phát hiện tử vong trong container tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex, cách thủ đô London gần 40 km về phía Đông đều là công dân Trung Quốc.


Trả lời  báo The Guardian, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hiện chưa thể công bố thêm thông tin về vụ việc, họ chỉ nói: "Chúng tôi đọc báo cáo về cái chết của 39 người tại Essex (Anh) với trái tim nặng trĩu. Chúng tôi đang liên lạc sát sao cùng cảnh sát Anh để làm rõ và xác nhận các thông tin liên quan".


Có lẽ xuất phát từ sự xác nhận của Bộ Ngoại giao TQ, tối 24/10/2019, Cảnh sát  Anh  vội khẳng định 39 nạn nhân là người TQ.


Còn vì sao Bộ Ngoại giao TQ vội cho rằng 39 nạn nhân nầy là người TQ ?-  Có thể xuất phát   từ 2 lý do:


-  Trung Quốc có dính líu trong vụ xuất nhập cảnh trái phép nầy, nhận cho qua để tránh lùm xùm



-  Dựa vào chuyện cũ rồi phỏng đoán, xác nhận bừa: Năm 2000 (cách đây 19 năm) có 58 người TQ nhập cư bất hợp pháp vào Anh, cũng tử vong trong một Container chở cà chua (nghe nói lúc phát hiện có 2 người còn sống).



*

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh, các “nô lệ thời hiện đại”  ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu. Theo phúc trình công bố trong tháng này, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các “nô lệ thời hiện đại”. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.


Trên Voa tiếng Việt có bài: “Nhiều nạn nhân ‘nô lệ thời hiện đại’ ở Anh xuất phát từ Việt Nam” của tác giả Viễn Đông. Thông tin nầy gây chú ý trong dư luận VN, nhứt là sau vụ 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10/2019:



“ Thoạt đầu, tin cho hay, toàn bộ các nạn nhân là “công dân Trung Quốc”, nhưng sau đó một số gia đình người Việt lên tiếng nói rằng con em họ có thể nằm trong số những người tử vong khi bị đưa “lậu” tới Anh. Hôm 1/11/2019 cảnh sát Anh thông tin: tất cả 39 người chết trong container  là công dân Việt Nam.



Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết, chính phủ nước này “tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh”, trong đó có việc triển khai Quỹ chống “Nô lệ hiện đại” với giá trị hơn 33 triệu bảng Anh ở ba nước gồm có Việt Nam.



Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng Anh trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.

Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột”.



Một bài viết liên quan tới Việt Nam được nhiều người đọc nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh là về việc hai nước hồi tháng 11 năm ngoái (2018) thông báo hợp tác xử lý vấn đề “nô lệ thời hiện đại”.



Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid “đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn”.

Theo phía Anh, nhiều nạn nhân “nô lệ thời hiện đại” ở Anh “xuất phát từ Việt Nam”, và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.

Ông Javid được trích lời nói rằng “phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm”.



Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng 9/2019, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, viết rằng “những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”.



“Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’”, ông Ward viết.



“Nói đến mua bán người, có lẽ các bạn sẽ nghĩ đến Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh” - đại sứ Anh viết.



“Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania”.



Ông Ward viết rằng “khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kỳ vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình”.



“Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình” - nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết.



Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều hộ gia đình đã lên tiếng về khả năng con em họ có thể nằm trong số 39 thi thể bị phát hiện trong xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10/2019.



 **

Khi nhận được tin có nhiều người Việt Nam chết trong số, ngoài chia buồn với gia đình nạn nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lịnh cho Bộ trưởng Công An Tô Lâm và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phối hợp với phía Anh,  tiến hành điều tra xác minh xem trong số 39 tử thi trong Container ở Anh có bao nhiệu là người Việt Nam, báo cáo  cho Thủ tướng  vào ngày 5/11/2019.


Qua điều tra, đến ngày 01/11/2019, 2 bộ trưởng Lâm và Minh đều xác định có trên 30 hộ báo mất liên lạc với người thân đang ở Châu Âu  trong thời điểm 39 nạn nhân tử nạn trong container ở Anh – Cụ thể: Hà Tĩnh có14 hộ / Nghệ An có 10 hộ / Thanh Hóa+Hải Dương+Thừa Thiên+Huế có khoảng 9 hộ.


 BBC tiếng Việt ngày 03/11/2019 đưa tin: trong lễ truy điệu 39 nạn nhân  tổ chức tại nhà thờ cộng đồng giáo dân VN ở Luân Đôn ngày 02/11/2019, linh mục Nguyễn  Đức  Thắng  nói:  "Về biến cố đau thương của 39 người Việt Nam đã tử nạn trên đường đi tìm tới nước Anh, đây là một điều vô cùng đau buồn và chúng ta còn đau buồn hơn nữa, bởi vì, ngày thứ Sáu vừa rồi, cảnh sát ở Essex đã xác nhận 39 người này hoàn toàn là người Việt Nam hết . 



***

Trước thực trạng, bộ trưởng Công an Tô Lâm nhắn nhủ: “Bên cạnh việc tập trung xử lý vụ việc, tôi cũng mong các gia đình khuyên con em nên đi lao động một cách hợp pháp. Hiện nay, ai có nhu cầu, nhà nước, Chính phủ đều tạo điều kiện cho bà con ra nước ngoài lao động, không việc gì phải trốn chui, trốn lủi, vừa mất tiền vừa rất nguy hiểm”.

 Biết làm gì hơn, Bộ Ngoại giao ra lịnh cho Lê thị Thu Hằng bắn bỗng: Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua, bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua, bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự."


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê thị Thu Hằng - Ảnh TTXVN


Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam  nói: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua, bán người…”. Vậy là ở Việt Nam có nạn mua bán người (mua bán nô lệ). Một nước XHCN ưu việt làm gì có nạn đó! Nếu có ở đâu, do đâu?

Qua lời của ông Tô Lâm và bà Thu Hằng, tôi thấy cần tìm hiểu:

1/ Vì sao dân Bắc Trung bộ ồ ạt bỏ xứ ra đi?

 -  Trên Facebook của mình, hôm 28/10/2019, Trung Nguyễn khẳng định: “Việc dân BắcTrung bộ phải tha hương cầu thực là do hậu quả của việc chọn Formosa”. Nguyễn nói tiếp: Tôi có một số bạn ở Nghệ An, Hà Tĩnh phải đi xuất khẩu lao động ở nhiều nước. Các bạn ấy tâm sự với tôi là, kể từ sau thảm họa Formosa, kinh tế Hà Tĩnh, Nghệ An đi xuống nghiêm trọng và các bạn ấy không còn cách nào khác phải rời quê đi kiếm việc làm ở nơi khác. Một số chọn vào Sài Gòn, một số chọn sang Lào, Campuchia, Nga và một số tìm cách đi được những nước phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và tất nhiên có châu Âu, trong đó có nước Anh.

-  Một cư dân Hà Tĩnh , hiện cũng đang sống đời lưu lạc – blogger Paul Trần Minh Nhật nói: “Tôi đã từng đi qua thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi từng vào một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh sau đợt thảm họa Formosa. Tôi có thể hiểu lý do vì sao họ phải ra đi. Đa phần phải đi để kiếm kế mưu sinh, để tiếp tục cuộc sống. Họ phải đi với một cái giá rất đắt cả về kinh tế và cả việc bất chấp tính mạng. Vì không đi thì cả cuộc đời họ sẽ phải chìm trong đau khổ của nghèo nàn.  Ai sẽ cứu họ đây? Cả vùng đất sỏi đá Miền Trung xưa nay ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’. Đã nghèo lại còn mắc eo với thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra. Nhưng chúng - bọn quan chức đã làm gì để người dân bớt khổ? Không, chúng chẳng làm gì cả. Không công ăn việc làm, không tiền, không giáo dục - không tương lai... Họ phải đi !”

-  Trang Nghệ Tĩnh TV cho biết thêm: Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên Trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người.” Vinh quang hơn, Hà Tĩnh còn có 4 Bộ trưởng hoặc Tư lịnh đầu ngành cấp Trung ương:

+ Thống Đốc Ngân Hàng Lê Minh Hưng quê tại huyện Hương Sơn.

+ Bộ Trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Trần Hồng Hà người Can Lộc.

+ Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng huyện Lộc Hà.

+ Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến sinh ra ở huyện Cẩm Xuyên.



2/  Vì sao lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung bộ chú tâm nhiều việc “xuất khẩu lao động”

 BAOMƠI. Com,  tác giả Tú Giang viết bài có tựa đề: “Hà Tĩnh Khôi phục hình ảnh và xây dựng thương hiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài”.


Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài nằm trong tóp đầu cả nước. Thế nhưng, Tỉnh cũng nằm trong danh sách những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp nhiều nhứt.

Hãy nghe người trong cuộc nói để hiểu bản chất của việc “xuất khẩu lao động”: 

     a) Thu hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ nhiều năm nay đã được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Vì thế, các cấp chính quyền ở đây luôn chú trọng đến công tác này.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trí Lạc,  giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để cụ thể hóa và áp dụng Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các nghị định, thông tư hướng dẫn, Hà Tĩnh đã ban hành 01 nghị quyết, 04 chỉ thị, 03 chương trình, 06 kế hoạch, 08 Quyết định, 03 nhóm chính sách và 217 văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến năm 2018, Ban Chỉ đạo XKLĐ các cấp đã tổ chức 22 hội nghị ở cấp  tỉnh, 126 hội nghị ở cấp huyện và 12.578 hội nghị ở cấp xã để tập huấn, hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các văn bản quy định pháp luật liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn việc triển khai các chế độ, chính sách đối với người lao động...

Với những nỗ lực trên, tổng số lao động của tỉnh Hà Tĩnh đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2010-2018 = 56.115 người (bình quân mỗi năm có 6.300 người).

Đặc biệt, trong năm 2017, Hà Tĩnh đã có 8.567 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (cao nhất từ trước tới nay và đứng thứ 4 cả nước sau Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa).

Theo ông Nguyễn Trí Lạc, hoạt động XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người lao động và nguồn ngoại tệ cho đất nước, chỉ tính riêng số tiền người lao động gửi về cho gia đình đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm…

b)  Nỗi buồn mang tên "lao động bỏ trốn"

Ông Nguyễn Trí Lạc nói: Thế nhưng, nhiều năm nay, vấn nạn lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn sau khi đã hết hạn hợp đồng, thậm chí kể cả trong thời gian còn hợp đồng vẫn bỏ trốn ra ngoài chiếm tỷ cao, đặc biệt tại thị trường lao động Hàn Quốc là một trong những việc khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Theo ông Lạc, có tới gần 25.800 lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài (chiếm 49,3% tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài).

Ngay cả đối với số lao động đi theo diện có hợp đồng lao động, từ năm 2010 đến năm 2018 đã có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Riêng đối với thị trường Nhật Bản nhiều doanh nghiệp đã công khai không tuyển lao động Hà Tĩnh; đối với thị trường Hàn Quốc tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Hà Tĩnh luôn đứng đầu cả nước.

Chắc chắn rằng, bộ phận này đã làm xấu hình ảnh người lao động Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Và hậu quả đã xảy ra là có 07 huyện bị tạm đình chỉ tham gia Chương trình XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình hợp tác của 2 Chính phủ, bao gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. 

Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết, dù công tác tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng mới chỉ thực hiện được từ trong nước, trong khi đó người lao động đang ở nước ngoài, gia đình người lao động thiếu hợp tác. Mặt khác các doanh nghiệp ở các nước sở tại bảo kê, sử dụng lao động bất hợp pháp.

Đáng chú ý, theo Sở LĐ-TB&XH, các chế tài xử phạt đối với người lao động vi phạm các quy định pháp luật trong thời gian làm việc ở nước ngoài đã được quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa xử phạt được lao động nào. Điều này dẫn đến lao động xem thường pháp luật, xem thường các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình lao động cư trú bất hợp pháp thời gian qua chưa có xu hướng giảm nhiệt.

Trao đổi thêm về những tồn tại trong công tác XKLĐ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thẳng thắn cho biết, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước để có được hợp đồng cung ứng lao động cho các đối tác nước ngoài đã đẩy phí dịch vụ và các khoản của người lao động phải đóng nộp lên cao, thậm chí có những hợp đồng đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan chi phí vượt lên so với quy định của nhà nước từ 50-70 triệu đồng/hợp đồng.

Mặt khác trong quá trình hoạt động “một số doanh nghiệp XKLĐ” đã thông đồng với cò mồi XKLĐ để giới thiệu nguồn lao động, làm cho thị trường XKLĐ vốn đã phức tạp, ngày càng phức tạp hơn, nhiều lúc người lao động không biết tin đâu là thật, đâu là giả và luôn có cảm giác đi XKLĐ cứ mờ mờ, ảo ảo, thật thật, giả giả lẫn lộn. Nhiều người lao động cũng không biết được chính xác mình đi XKLĐ thông qua đơn vị nào, vì quá trình phỏng vấn, tuyển chọn các đơn vị môi giới, cung ứng giới thiệu đi tuyển hết đơn vị này đến đơn vị khác...

   c) Làm gì để khôi phục hình ảnh?

Rõ ràng, với một tỉnh coi xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thì cần nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.

Trong các giải pháp được đề ra, ông Nguyễn Trí Lạc đã đề cập tới việc xây dựng lộ trình và kế hoạch đưa công tác XKLĐ của tỉnh Hà Tĩnh trở thành một nghề có thương hiệu. Mà để thực hiện thành công trước hết phải làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. “Đây là vấn đề quan trọng nhất để Hà Tĩnh khôi phục hình ảnh và xây dựng thành công thương hiệu của lao động Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài” – ông Nguyễn Trí Lạc nhìn nhận.

 Để tạo dựng một thương hiệu lao động có uy tín thì nhiệm vụ quan trọng khác cần tập trung là giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn. Theo ông Nguyễn Trí Lạc, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước, xử lý có hiệu quả tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, đặc biệt là tại 03 thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Để thực hiện thành công công việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả.

Những gì ông Nghuyễn Trí Lạc kể cho thấy:

-  “Xuất khẩu lao động” trở thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, nó là những doanh nghiệp hợp pháp, công khai canh tranh với nhau trong việc mua bán lao động – buôn người.

- “Xuất khẩu lao động” trở thành nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương – nhiều địa phương sống chủ yếu nhờ mua bán lao động, mỗi năm thu lời hàng ngàn tỷ (ông Lạc nói ở mục a)

- Vì bị bóc lột (hút máu) quá mức, người lao động buộc phải “xé rào” - họp đồng để được đi. Khi đi được rồi, hủy bỏ hợp đồng, bỏ trốn, chấp nhận sống lậu ở xứ người để bòn mót tiền gởi về nhà trả phí tổn lúc ra đi (ông Lạc nói ở mục b).

-  Vì người lao động “xé rào”, những “doanh nghiệp” XKLĐ thất tín với các nước, làm phương hại đến “thương hiệu” mua bán người của các doanh nghiệp XKLĐ. Vì vậy các địa phương đang “sốt gió” lo củng cố “thương hiệu” để việc mua bán người thuận lợi hơn (ông Lạc nói ở mục c).

****

Đã đến lúc Đảng CSVN nên kiểm lại mình, xem coi vì sao, do đâu mà khi Đảng CSVN cầm quyền ở miền Bắc (1954) thì gần 1 triệu dân miền Bắc chạy vào miền Nam / Khi Đảng CSVN chiếm được miền Nam (1975) thì có hàng mấy triệu người bất chấp nguy hiểm trốn hoặc đút lót để được ra nước ngoài sinh sống /  Đảng CSVN cầm quyền  trên cả nước hơn 40 năm mà dân đã và đang cố tìm mọi cách chạy ra nước ngoài mưu sinh.  Đáng nói là gần đây có 9 người bằng cách nào đó chui được vào chuyên cơ của đoàn Quốc hội sang Nam Hàn rồi bỏ trốn; và đau xót hơn, mới đây có 39 người liều mạng chui vào container sang Anh chết thê thảm.  -/-