29 janvier 2020

Những thế lưỡng nan trong việc chống tham nhũng: Bài học từ các nước


Lê Vĩnh Triển: "Như vậy, một mặt chính quyền chống tham nhũng, nhưng mặt khác chính quyền sử dụng chính sách hai gọng kềm là kiểm soát thông tin và tăng cường trấn áp, mà gọng kềm thứ nhất thì hạn chế khả năng chống tham nhũng của chính quyền, trong khi gọng kềm thứ hai gây ra tham nhũng mới."


Để tiếp tục tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng có chất lượng, chính quyền Việt Nam xác định tham nhũng là giặc nội xâm, thậm chí đe dọa sự tồn vong của đảng lãnh đạo. Vì vậy, chính quyền đã tỏ ra quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, cũng như một số nước có nền kinh tế chuyển đổi, tác giả cho rằng chính quyền phải đối phó với các thế lưỡng nan trong chính quá trình chống tham nhũng, và mức độ thành công của việc chống tham nhũng tùy thuộc vào cách chính quyền xử lý các thế lưỡng nan hay mâu thuẫn nội tại này.


Thế lưỡng nan về thông tin minh bạch và chống tham nhũng


Để chống tham nhũng, thất thoát nảy sinh trong việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế như CPH-DNNN, đầu tư công hay khai thác tài nguyên, việc tôn trọng các nguyên tắc minh bạch, đòi hỏi giải trình và quy trách nhiệm đối với các quan chức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế liên quan có ý nghĩa quyết định.

Bên cạnh đó, việc nới lỏng kiểm soát truyền thông báo chí, khuyến khích và bảo vệ người dân tham gia chống tham nhũng sẽ hỗ trợ hữu hiệu chính quyền trong công cuộc chống tham nhũng, đồng thời gia tăng uy tín của chính quyền vì sự gắn kết với người dân cho mục tiêu chung.

Tuy nhiên, ở khía cạnh dân túy trong môi trường thông tin, khi thông tin về thất thoát, tham nhũng, về sự giàu lên bất thường của quá nhiều quan chức được phơi bày, sự ta thán, phẫn nộ của dân chúng một mặt thúc đẩy chính quyền quyết tâm chống tham nhũng nhằm làm hài lòng dân chúng, mặt khác làm các chính quyền lo ngại sự phẫn nộ đi quá xa với quy mô có thể vượt tầm kiểm soát của họ.

Về mặt kinh tế, các nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy khi kinh tế phát triển, lợi ích kinh tế tăng lên cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt qua CPH-DNNN và qua việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Khi đó có sự gia tăng đòi hỏi các quyền lợi dân sự từ khu vực tư nhân do quyền lực nhà nước giảm tương đối trong mối quan hệ với người dân. Quyền của người dân gia tăng trong bối cảnh thông tin được cởi mở, vốn đã phơi bày những thất thoát và tham nhũng, sẽ càng làm trầm trọng hơn sự lo ngại nêu trên của chính quyền đối với sự phẫn nộ của công chúng.

Chính quyền từ chỗ chấp nhận minh bạch, tự do thông tin, khuyến khích báo chí và dân chúng tham gia chống tham nhũng có thể mau chóng chuyển sang hạn chế thông tin, báo chí. Các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình sẽ bị hạn chế, tòa án thiếu độc lập và báo chí bị kiểm soát sẽ làm hiệu quả chống tham nhũng bị giảm sút, triệt tiêu.

Vậy trong việc chống tham nhũng, chính quyền các nước đang phát triển gặp phải thế lưỡng nan. Nếu mở rộng thông tin, tăng cường minh bạch, sự phẫn nộ của dân chúng về tham nhũng trở thành mối lo ngại. Từ đó dẫn đến việc kiểm soát thông tin, báo chí, hạn chế minh bạch mà kết quả là hy sinh ít nhiều hiệu quả của việc chống tham nhũng.


Thế lưỡng nan về thực thi công lực và chống tham nhũng 


Khi thông tin về tham nhũng, thất thoát, hủy hoại môi trường tăng cao cùng với sự khó chịu của công chúng, nhằm ngăn ngừa khả năng xảy ra bất mãn dẫn tới bạo động thì ngoài việc hạn chế truyền thông, kiểm soát chặt chẽ báo chí, hạn chế việc thực thi các nguyên tắc pháp quyền minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm cũng như hạn chế sự độc lập của tư pháp, chính quyền các nước còn tăng quy mô sử dụng các công cụ chấp pháp, tăng sức mạnh của bộ máy công an, an ninh để ngăn chặn và triệt tiêu nguy cơ bạo động.

Việc này lại làm phát sinh tham nhũng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, sự tăng cường sức mạnh cho lực lượng chấp pháp nêu trên trong hoàn cảnh không tăng hệ thống giám sát quyền lực ắt sẽ dẫn đến gia tăng tham nhũng. Thứ hai, ở khía cạnh chi tiêu công, sự gia tăng quy mô lực lượng chấp pháp trong hoàn cảnh ngân sách nhà nước hạn chế không trả đủ trả lương, cũng dẫn đến tham nhũng.

Như vậy, một mặt chính quyền chống tham nhũng, nhưng mặt khác các chính quyền sử dụng chính sách hai gọng kềm là kiểm soát thông tin và tăng cường trấn áp, mà gọng kềm thứ nhất thì hạn chế khả năng chống tham nhũng của chính quyền, trong khi gọng kềm thứ hai gây ra tham nhũng mới.

Đây chính là thế lưỡng nan mà các chính quyền cần giải quyết để việc chống tham nhũng có kết quả nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách tăng trưởng kinh tế.


Một số gợi ý chính sách ở Việt Nam 


Như vậy, nếu Việt Nam chưa giải quyết được các thế lưỡng nan trong quá trình chống tham nhũng như đã phân tích trong phần trước, việc chống tham nhũng có thể nói chỉ như trả lời câu hỏi “cái gì” (WHAT) chứ chưa trả lời được câu hỏi “tại sao” (WHY) của vấn đề. Các quan chức tham nhũng được đưa ra xử lý như những tên trộm bị phát hiện và bị bắt. Tuy nhiên, câu hỏi tại sao lại có quá nhiều tên trộm và tại sao điều kiện lại quá thuận lợi cho việc trộm cắp mới là vấn đề cần trả lời.

Có thể nhận thấy, có ba yếu tố căn bản có quan hệ tương hỗ làm động cơ cho tham nhũng. Đó là lợi ích kinh tế cá nhân từ tham nhũng, quyền lực được tùy tiện sử dụng và văn hóa cá nhân của các quan chức. Yếu tố thứ hai và ba mang tính nền tảng.

Thật vậy, đối với việc tham nhũng hàng triệu đô la, hàng ngàn tỉ đồng thì lý do thu nhập thấp và tham nhũng để có đủ trang trải chi tiêu cá nhân và gia đình có thể được loại trừ. Nên có thể nói yếu tố quyền lực không được kiểm soát và văn hóa cá nhân là điều cần quan tâm hơn.

Chúng ta cũng tạm loại bỏ yếu tố văn hóa cá nhân vì các quan chức cao cấp là những cán bộ được rèn luyện và quy hoạch qua nhiều tầng nấc, nhiều lớp bồi dưỡng chính trị và tư tưởng. Có người còn là tác giả của các sách về đạo đức, tư tưởng và lối sống. Vì khuôn khổ bài viết, ở đây chưa bàn sâu về yếu tố văn hóa cá nhân mà thử bàn về quyền lực và các cơ chế kiểm soát quyền lực mà các quan chức tham nhũng chịu chi phối, điều tiết.

Câu kinh điển “Quyền lực tuyệt đối, tham nhũng tuyệt đối” (John Dalberg-Acton, 1st Baron Acton) có thể nói là đúng trong các nước độc tài. Trong tình hình Việt Nam, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản tỏ ra quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ, luôn muốn làm trong sạch nội bộ, trong sạch bộ máy nhà nước và xây dựng một đất nước mạnh mẽ do nhân dân làm chủ.

Vậy vấn đề nằm ở chức năng quản lý của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước yếu kém, quan chức thao túng được quyền lực cho thấy cơ chế kiểm soát quyền lực từ phía đảng và phía người dân là có vấn đề. Vì thế, bài viết thử đề nghị một số giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước từ góc nhìn công dân. Tác giả cho rằng khi quyền lực của người dân được thể hiện qua việc người dân có thể kiểm soát đối với bộ máy nhà nước, thì quyền lực và uy tín của đảng càng gia tăng.


Hệ thống tư pháp, tòa án đủ độc lập 


Thứ nhất, bộ máy nhà nước quản lý kinh tế xã hội yếu kém giống như một ban điều hành siêu công ty nhà nước yếu kém nhưng lại “dễ giàu” nhờ vào các quy định, điều lệ công ty nhập nhèm thiếu khoa học; tài sản công - tư không được phân định rạch ròi, định giá rõ ràng; các bên kiểm soát, tuýt còi khi ban điều hành, giám đốc làm bậy bị tê liệt; văn hóa công ty thiếu minh bạch, thiếu những chuẩn mực đạo đức (code of ethics). Vấn đề là ban giám đốc/điều hành luôn muốn duy trì tình trạng như vậy.

Tương tự, hệ thống pháp luật công điều chỉnh các vấn đề quản lý nhà nước chồng chéo, thiếu khoa học, khó quy trách nhiệm chính là nguyên nhân đầu tiên khiến lãnh đạo là đảng cầm quyền và các ông chủ là nhân dân không thể kiểm soát nổi. Điều này vô hình chung tạo ra quyền lực vô lý của bộ máy quản lý kinh tế quốc gia. Như vậy chính sự rối rắm của pháp luật làm các nhà lãnh đạo và ông chủ mất kiểm soát đối với những nhà quản lý.

Quyền lực hành pháp của nhà nước càng khó kiểm soát khi tư pháp không đủ mạnh, tòa án không độc lập và họ (nhà nước) lại còn có nhiều quyền (bỏ phiếu) trong quốc hội (lập pháp) vốn phải là cơ quan đại diện của nhân dân - các ông chủ. Vì vậy, song song với cải cách hệ thống pháp luật, cần thiết phải xây dựng một nền tư pháp và tòa án đủ độc lập để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh nhằm răn đe các quan chức có mối quan hệ dày và thân thiết với tòa, tư pháp.

Như vậy, các quan chức nhà nước có quyền lực tuyệt đối không phải vì pháp luật quy định như vậy, mà vì chính sự rối rắm của pháp luật, và vì tòa án không đủ độc lập. Hơn nữa, các quan chức càng không ngại lạm quyền vì họ vô tình hay hữu ý lẫn lộn vai trò lãnh đạo đảng và vai trò quản lý của chính họ. Vì vậy cần rạch ròi quyền lực đảng lãnh đạo và chức năng quản lý của nhà nước. Tư pháp và hệ thống tư pháp cần độc lập và không ai có thể làm thay tòa án. Khi nghĩ đảng có thể xen vào hoạt động tư pháp để “cứu” mình, các quan chức tham nhũng càng không ngại lạm quyền. 


Quyền làm chủ của dân qua các thiết chế truyền thông và xã hội công dân 


Thứ hai, các thiết chế giúp cho những người làm chủ (nhân dân) giám sát, tuýt còi đối với bộ máy nhà nước cần được mau chóng thiết lập và bảo vệ. Người dân lên tiếng chống tham nhũng, nêu lên các sai trái trong quản lý nhà nước qua các phương tiện báo chí truyền thông là thể hiện quyền lực giám sát của họ.

Việc lên tiếng của dân còn được xem là yếu tố bổ sung hay làm mạnh hơn quyền lực của đảng lãnh đạo chứ không nên được xem là yếu tố gây bất ổn. Sự minh bạch thông tin và quyền lực của người dân càng cao thì đất nước càng thu hút được các nguồn lực (nhân tài, đầu tư nước ngoài) để phát triển.

Như vậy, báo chí truyền thông nên được ủng hộ khi đứng về phía người dân như bản chất của nó, trước khi nó bị thao túng bởi chính những cá nhân làm sai trong bộ máy nhà nước liên kết với tư bản thân hữu, đi ngược lại lợi ích của đảng lãnh đạo và người dân.

Ngoài ra, để giám sát quyền lực nhà nước và hạn chế sự thao túng quyền lực của các quan chức tham nhũng, các thiết chế như các tổ chức xã hội công dân có tác dụng cảnh báo mạnh mẽ khi quyền lợi của các nhóm yếu thế, của dân chúng bị xâm hại. Các tổ chức xã hội dân sự còn cảnh báo và hạn chế sự thao túng của các nhóm lợi ích liên kết với các quan chức tham nhũng trong hoạch định chính sách cũng như phân bổ các nguồn lực và tài nguyên quốc gia. Các tổ chức này còn vừa giám sát vừa hỗ trợ chính bộ máy nhà nước trong việc giải quyết những khó khăn trong mối quan hệ với thị trường.

Như vậy, tư pháp và tòa án đủ độc lập, báo chí minh bạch và mạnh mẽ, các tổ chức xã hội công dân được hoạt động như phân tích ở trên sẽ có tác dụng tăng cường quyền lực và năng lực giám sát khách quan cho đảng và người dân đối với hệ thống quản lý kinh tế của đất nước, giúp hệ thống này ngày càng hiệu quả và giảm mạnh tham nhũng và thất thoát. Đất nước từ đó có cơ sở phát triển vững bền.


Những ngày cuối năm 2019

Lê Vĩnh Triển (Khoa Quản lý Nhà nước – Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM)