31 janvier 2020

Vụ Lê Đình Kình: Lời kể của bà Dư Thị Thành từ thôn Hoành


Lã Minh Luận
Viết từ Hà Nội



Image caption Hình của tác giả chụp


Hôm mồng 4 Tết, tức 28/1/2020, tôi và một người em đã đến được thôn Hoành, Đồng Tâm. Làng nhỏ tí xíu mà có cái trụ sở ủy ban to đùng, khang trang ở giữa những dãy nhà rất khiêm tốn ấy. Đây là nơi có cơn bão kinh hoàng vừa đi qua.

Chúng tôi không rành đường nên phải cài chỉ dẫn, khi còn cách thôn Hoành khoảng hai km, xe dừng lại hỏi đường, một người phụ nữ tỏ vẻ rất cẩn thận, chị hỏi lại chúng tôi là ai, tôi nói người dưng tìm đến thắp nén nhang cho cụ Kình thôi. 


Chị dặn: Vẫn còn công an chìm canh trong đấy, nếu họ có hỏi thì cứ nói người nhà của cụ.

Thế rồi đến cái cổng làng, nơi có người ghi lại cảnh các chiến sĩ cơ động sau khi đưa lí thuyết được học ở trường vào thực hành tại thôn Hoành thì họ đã nằm la liệt ở đây vì quá mệt mỏi, qua một đêm chiến đấu với dân cày.

Nhà cụ Kình chỉ cách cổng làng khoảng 50m. Hai chị em tôi đưa xe đi hết dọc cái làng nhỏ xíu ấy rồi mới quay lại. Làng chìm trong yên ắng, cờ treo thấp thoáng, không nhức mắt băng rôn, khẩu hiệu như bao nơi khác.

Cái cổng làng đã từng chứng kiến bao đau thương của người dân đây, nhất là rạng ngày 9/1/2020 vừa qua, nhưng nó vẫn phải mang vác một băng rôn "Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước Đổi mới".

Ấy thế mà tờ báo nào nói Đồng Tâm đã vui tươi trở lại, đón Tết rộn ràng, náo nức nhỉ?

Tôi nhìn thấy một bà cụ đang lom khom nhặt nhạnh cái gì đó trước cửa nhà, tôi nhận ra đó chính là bà cụ Thành, vợ của cụ Lê Đình Kình.

Tôi bước vào một mình, đập vào mắt tôi là một mái che tuềnh toàng và một bếp lửa ở giữa sân cùng mấy cái ghế nhựa lổng chổng. Bên trong, gian ngoài là ban thờ cụ Kình cũng rất xuềnh xoàng, ám khói, lỗ chỗ những vết đạn... Tôi thắp nén nhang cho cụ, nhìn tấm ảnh thờ mà lòng tôi đau thắt, mắt ứa lệ... nấc lên nghẹn ngào mà không thể nói thành lời...

Bước vào bên trong, là phòng ngủ của cụ bà và cụ ông. Kín mít, nhỏ hẹp, không có cửa sổ thông khí. Cụ Thành kể: "Hôm người ta xộc vào nhà, tôi ngủ bên này, ông cụ nhà tôi ngủ bên kia. Họ đứng ngoài cửa xịt hơi cay, khí ngạt gì đó. Tôi ho sặc sụa và ông cụ nhà tôi thì mệt không thở được. Tôi chạy ra lấy khăn mặt dấp nước cho ông ấy bịt mũi, bịt miệng cho dễ thở... thì họ phá được cửa, xông vào, khoá tay tôi lôi đi còn ông cụ, tôi không biết người ta đã làm gì ông ấy... Các con tụ về để bảo vệ bố nhưng khi hơi cay, khói bụi mù mịt, không thở được cũng trở nên náo loạn. Rồi tôi nghe tiếng súng đạn nổ chí chéo, đùng đoàng từ ngoài vào trong, từ trên sân thượng xuống dưới nhà. Cả nhà tôi hoảng loạn... không còn biết là cái gì xảy ra nữa...(cụ khóc)...

"Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất đồng Sênh dán trên tường bị xé đốt hết. Người ta bê mất cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ gốc về đất đai có từ xa xưa, cho đến đời ông Đỗ Mười ký lấy hết rồi bác ạ."

Tôi nói: "Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?"

"Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm. Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ Đảng tuyệt đối. Ai ngờ đâu được bác ơi!" 

Image caption Hình của tác giả chụp


Tôi hỏi tiếp: "Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?" Cụ trả lời: "Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ Uy, bê mất hai két sắt của nhà Công và nhà Chức."

Tôi hỏi tiếp: "Nghe người ta nói rằng hôm ấy có 20 thằng nghiện được cụ Kình nuôi trong nhà đã chống người thi hành công vụ ghê lắm cơ mà cụ?"

Cụ Thành bảo: "Làm gì có thằng nghiện nào. Nhà tôi ăn còn chả đủ, làm gì có tiền nuôi ai? Ông nhà tôi mua một xuất bánh cuốn ăn sáng còn phải xẻ, nhường cho tôi một nửa, bảo tôi ăn để còn uống thuốc... "

Tôi hỏi tiếp: "Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?"

Một số người vào, cùng nói:

"Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói... (mấy người quả quyết)...

Tôi hỏi tiếp: "Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?"

Cụ Thành và mấy người nói: "Chắc bị họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi."

Tôi hỏi tiếp: "Thế cho tới nay, gia đình đã biết tin anh Chức thế nào không?" Tất cả đều lắc đầu, trả lời "Không".

"Sức khoẻ của cụ bà và cháu bé 3 tháng tuổi giờ ra sao?" Cụ Thành nói: "Tôi cứ bị ho suốt từ hôm đó đến nay, tối đến đóng cửa đi ngủ, cái mùi thuốc súng, hơi cay, khói ám cứ gây gây kinh lắm. Còn cháu bé thì đang bị viêm phổi."

Tôi lặng đi, nghĩ "viêm phổi với một cháu bé hơn ba tháng tuổi mà không được đi viện thì vô cùng nguy hiểm".

Tôi chỉ biết vỗ về, động viên gia đình mấy câu, rút chiếc khăn đang quàng trên cổ, tôi quàng cho cụ bà và dặn: "Phải đưa cháu bé đi bệnh viện, có gì khó khăn cứ điện cho cháu, cháu sẽ giúp đỡ" rồi vội vã xin phép ra về.

Thú thật lúc xe chạy gần đến xã Đồng Tâm, tim tôi đã đập hồi hộp. Đến làng Hoành tim tôi như ngưng lại. Bước vào ngôi nhà đầy "huyền thoại", tim tôi như vỡ nát.

Thời gian có rất ít bên người thân của cụ Kình nên tôi chỉ hỏi được chừng ấy câu, vừa hỏi vừa đi xem hiện trường và chụp lại những "chiến tích" mà các chiến sĩ cảnh sát cơ động của để lại trong khắp căn nhà ụp thụp, nhằm giải mã cho những gì mà truyền thông của nhà nước công bố trên toàn quốc về "cuộc bố ráp, trấn áp băng nhóm tội phạm khủng bố ở Đồng Tâm" khiến hàng triệu người nghe thông tin một chiều mà thương vay, khóc mướn, thoá mạ, chà đạp lên những người dân yếm thế, vô tội nơi đây.

Người em đi cùng tôi thì phải ở bên ngoài cảnh giới. Hú vía.

Hai chị em cùng đi thắp nén nhang cho người quá cố oan uổng mà cũng đâu có được an tâm, người ở ngoài, người vào trong, cứ thấp tha thấp thỏm. Trên 100 km khứ hồi, về đến nhà rồi mới thấy hoàn hồn.

Hi vọng một ngày nào đó, Đồng Tâm phải được làm sáng tỏ, trả lại công bằng cho người đã nằm xuống và cả những người đang còn sống.


Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, là nhà giáo, người viết văn đang sống tại Hà Nội.