03 février 2020

Cụ bà Lê Đình Kình: LÀM THẾ NÀO CHO CÁC CHÁU TRỞ VỀ


Đặng Bích Phượng

Để đồng hồ báo thức vào lúc 3 rưỡi sáng. Phóng xe trên đường khi trời còn tối mò, khá lạnh. Lúc lên xe oto còn thấy ngưa ngứa họng, hơi chột dạ, may lúc bác tài bật điều hòa âm ấm lên, thì hết ngứa họng. Tưởng đâu...
Hôm nay chúng tôi gồm 4 người, hẹn nhau vào Đồng Tâm. 
Làm một chuyến "do thám" tình hình, nên cần phải đi từ lúc trời còn tối đen. Khổ, toàn cụ cao niên, bác Quang A cao tuổi nhất - 74 tuổi, đi xe ôm từ Gia Lâm sang. Dọc đường tôi buột miệng than, việc nghĩa cử mà phải vụng trộm như làm điều gì khuất tất - thời buổi chi mà khốn nạn.

Mọi người đến nhà cụ Kình lúc 6h45 phút sáng. Trong nhà toàn đàn bà và trẻ nhỏ, nằm ngủ trên chiếu rải dưới sàn nhà. Thấy có người đến, mọi người lục tục ngồi dậy, dọn dẹp chăn màn để đón khách. Chủ và khách vừa hàn huyên vừa khóc. Vội vàng hỏi thăm nhau, vội vàng đi thăm cái giếng trời mà ban đầu chúng loan tin là hầm chông. Vội vàng ra mộ cụ Kình thắp hương. Nghe nói sau đám tang cụ Kình, vẫn có người đem vòng hoa tới mộ cụ. Câu chuyện ấn tượng nhất, qua lời kể của người nhà một vài người trong lực lượng cscđ, là họ bị ám ảnh bởi cái chết của cụ Kình, hễ cứ nhắm mắt ngủ là lại thấy hình ảnh của cụ. Có thể họ chỉ là người chứng kiến, cũng đủ thấy khủng khiếp, day dứt. Một số người ko rõ danh tính, còn cầu xin cụ Kình tha thứ.... Tôi tin điều này có thật. Khi làm việc nghĩa, có thể cảm thấy thảnh thơi trong lòng, chứ làm việc ác, hoặc chứng kiến thôi, sẽ bị ám ảnh rất lâu.
Mọi người nhờ chúng tôi chuyển giấy yêu cầu luật sư của một số gia đình những người bị bắt, do họ ko thể đi gửi được. Một số khác vẫn chưa liên lạc được với người nhà. Tâm lý bà con vẫn sợ hãi lắm, ko dám liên lạc với người ngoài. Chúng tôi động viên họ vững tâm, rồi tạm biệt họ, ai nấy đều cảm thấy lòng trĩu nặng. Nghe câu cụ Thành nói: Nhờ các bác làm thế nào cho các cháu trở về - buốt nhói trong tim! 

1.2.2020