11 février 2020

Thêm minh chứng giấc mơ ô tô Việt khó thành


(Thị trường) - Việt Nam vẫn phải nhập nguyên vật liệu sản xuất phụ kiện ô tô khiến cho giá thành bị đẩy lên cao, khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. 
Giấc mơ ô tô Việt vẫn khó thành hiện thực.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra vào cuối năm 2019, nhóm báo cáo công tác về ô tô xe máy đã đưa ra nhận định Việt Nam khó phát triển do sản lượng thấp cùng với việc công nghiệp vật liệu chất lượng cao, khả năng quản lý sản xuất còn hạn chế.


Theo dẫn chứng của nhóm, hiện linh kiện ô tô của Việt Nam đang đắt gấp 3 lần Thái Lan. Như sản phẩm  nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá gần 4 USD. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với các linh kiện nhựa, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp.

Bên cạnh đó, thị trường ô tô Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh của xe nhập khẩu tràn về nhiều khiến ngày càng gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Nhiều mẫu xe đã phải ngừng sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển sang nhập khẩu. Từ đó cũng dẫn đến lĩnh vực sản xuất phụ kiện bị kìm hãm.

Nếu sản xuất linh kiện không phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn. Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, để doanh nghiệp ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng.


Công ty Enkei (Nhật Bản) đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các DN như Toyota, Trường Hải, Honda, Nissan, Mitsubishi,... cho hay, sản phẩm chính của họ là vành đúc chỉ sản xuất khoảng 24.000 chiếc/tháng.

Theo tính toán, công ty phải có đơn hàng ít nhất 100.000 chiếc/tháng mới đạt hiệu quả. Với đơn hàng thấp như hiện nay, mỗi chiếc vành làm ra giá thường cao hơn các nước trong khu vực từ 5-10%.

Còn nhớ, năm 2019, trong báo cáo về công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô và sản phẩm cơ khí trọng điểm, Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam đã chính thức thất bại.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lê nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt trung bình ở mức 7-10% vào năm 2010, trong khi mục tiêu đề ra là 60%.

Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô đó là do chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước chưa bằng xe nhập khẩu; chưa có sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất- lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Bao giờ chạm tới giấc mơ?

Khi bàn về vấn đề này, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô- Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM bày tỏ, Việt Nam đang loay hoay ở các công đoạn hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra, tức đang làm thứ công nghệ của những năm 1940, 1950 của thế giới về ô tô. Cái khó nhất của công nghiệp ô tô Việt Nam, đó là đầu ra bị hạn chế, kém hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc.

"Nền tảng để phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: công nghiệp phụ trợ và đội ngũ kỹ thuật.

Đội ngũ kỹ thuật có thể xây dựng được tùy theo tư duy đầu tư của chính phủ mỗi nước. Còn công nghiệp phụ trợ vô cùng quan trọng, ngay cả khi chúng ta đã có một đội ngũ kỹ thuật, muốn thiết kế hình thành sản phẩm của mình nhưng thị trường công nghiệp phụ trợ không có gì thì rất khó để phát triển công nghiệp ô tô.

Nếu phát triển được công nghiệp ô tô, hầu hết các ngành công nghiệp khác đều phải chạy theo vì chúng có liên quan tới nhau, nhất là khi thế giới đã chuyển sang nguồn năng lượng mới. Tuy nhiên, đây không phải là điều thuận lợi cho Việt Nam vì nếu chúng ta mua công nghệ cũ về làm ra sản phẩm thì không thể theo kịp xu hướng phát triển công nghệ", TS Trần Hữu Nhân chỉ rõ.

PGS.TS Nguyễn Khắc Trai – Nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội thẳng thắn nói rằng: “Phải có quá trình quá độ khi nền kinh tế phát triển về trí tuệ về con người thì lúc đó mới có thể có công nghệ ô tô. Với Việt Nam hiện nay, chúng ta không thể có công nghiệp ô tô. Tôi nghĩ ít nhất phải 20 năm nữa. Nhiều lãnh đạo cứ tự đặt ra và suy nghĩ hàm hồ, suy nghĩ nhanh chóng quá về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Muốn tạo nên được bước đột phá đối với ngành công nghiệp ô tô, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam phải nâng cao khu vực ô tô con. Để làm được điều này, chúng ta phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nếu sản xuất ốc vít, bánh giăng hay hộp số thì Trung Quốc và Ấn Độ đã làm rồi. Chúng ta không thể cạnh tranh được. Nếu có làm thì giá cả cũng đắt hơn. Bây giờ Việt Nam chỉ nên tập trung vào công nghệ cao, công nghệ thông minh đòi hỏi trí tuệ cao.

Tôi xin khẳng định lại, công nghệ ô tô là nhà nước phải đầu tư, đào tạo trí tuệ và đưa ra những chính sách hợp lý. Việc tạo ra thị trường không chưa đủ, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải xem xét”, ông Trai nêu quan điểm.


Ngọc Khánh

https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/them-minh-chung-giac-mo-o-to-viet-kho-thanh-3396550/