22 mars 2020

Rượu đã hết, tiệc đã tàn


Rượu đã hết
Pháo hoa cũng đã tắt
Chỉ còn em và anh
Cùng cảm giác lạc lõng và buồn bã
Tiệc đã tàn
Và bình minh lên quá ảm đạm
Thật chẳng giống ngày hôm qua…


Như một dự cảm xa đến gần nửa thế kỷ, như một lời tiên tri ngày càng tỏ ra đúng với thực tế đến mức đáng sợ, cái không khí ảm đạm, hoang mang, hoài nghi về sự phát triển của thế giới, của con người trong ca khúc của ban nhạc ABBA từ 40 năm trước, vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bỗng hiển hiện rõ rệt như chưa bao giờ rõ đến thế trong những ngày đầu thập niên 20 của thế kỷ XXI này, trong thời điểm chuyển giao giữa năm Hợi và năm Tý. 


No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It’s the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday…


Rượu đã hết
Pháo hoa cũng đã tắt
Chỉ còn em và anh
Cùng cảm giác lạc lõng và buồn bã
Tiệc đã tàn
Và bình minh lên quá ảm đạm
Thật chẳng giống ngày hôm qua…
Đôi khi tôi cố mường tượng
Xem cái thế giới mới huy hoàng kia đến như thế nào
Và phát triển ra sao
Từ đống tro tàn của cuộc sống
Ừ đúng! Con người là một kẻ ngu ngốc
Khi nghĩ rằng mình sẽ không sao
Và lại tiếp tục lê đôi chân đất sét 
Chẳng bao giờ biết là đã chệch hướng rồi
Cứ bước tới bất kể...

(Happy New Year - ABBA)


Ảm đạm, u ám, hoang mang, hoài nghi… là những gì mà có lẽ đa số trong chúng ta cảm nhận về viễn cảnh thế giới này những ngày qua, trước hàng loạt tai ương đã và sẽ còn đổ xuống con người do chính sự “ngu ngốc” của con người gây ra. 

Trước hết là sự bùng phát như một đám cháy lớn ngay trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý của dịch viêm phổi Vũ Hán (có tên y học chính thức theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO là COVID-19) mà cho tới nay đã lây lan cho hơn 80.000 người và làm chết hơn 2.000 người, phần lớn ở Trung Quốc đại lục, cũng như làm ngưng trệ giao thương, du lịch và nhiều ngành sản xuất trên toàn thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thiệt hại nhân mạng và kinh tế là lớn, nhưng cái còn lớn hơn là cơn dịch đã buộc các nhà kinh tế và mỗi chúng ta phải suy nghĩ lại về triết lý, mục đích, các mô hình phát triển.

Tình trạng khô hạn gần đây diễn ra ngày càng gay gắt tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL



Dù con virus Corona xuất phát từ một chợ buôn bán động vật hoang dã (để phục vụ cho cái thú vui ăn thịt tất tần tật mọi loại động vật hoang dã của một số người) hay rò rỉ từ một phòng nghiên cứu vũ khí sinh học theo thuyết âm mưu thì nó cũng dẫn tới một câu hỏi: phải chăng nó là hậu quả của mô hình phát triển và lối sống tận diệt thiên nhiên, không tử tế với thiên nhiên; và nếu nó là con virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thì là không tử tế với con người? Dù thế nào thì nó cũng xuất phát từ một mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, bóc lột thiên nhiên bằng mọi giá làm mục đích. Đã có những nhà nghiên cứu đặt vấn đề: chạy theo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) làm gì nếu nó dẫn tới hủy hoại thiên nhiên, làm hại môi trường sống của con người, kể cả gây ra dịch bệnh, bởi khi đó lợi ích do tăng trưởng mang lại cũng sẽ bị cuốn sạch.

Liền trước dịch COVID-19, thế giới đã phải lo lắng trước thảm họa cháy rừng dữ dội, kéo dài, gây tổn hại lớn cho hệ sinh thái và cho cuộc sống người dân Úc. Nạn cháy rừng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước Úc, với gần 200 đám cháy hoành hành trên hầu khắp lục địa châu Đại Dương rộng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cũng như tàn phá hệ động vật hoang dã. Số diện tích rừng bị cháy ở Úc nhiều hơn 7 lần so với đợt cháy rừng khủng khiếp hồi tháng 9 tàn phá rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon, và cao gấp 3 lần so với diện tích rừng bị thiêu trụi trong đợt cháy rừng năm 2018 ở bang California - Hoa Kỳ.

Đám cháy bắt đầu bùng phát ở Úc từ tháng 11.2019, đến ngày 7.1.2020 đã thiêu rụi hơn 8 triệu ha đất (gần gấp đôi diện tích nước Bỉ), hơn 2.000 ngôi nhà, hơn 1 tỉ động vật hoang dã. Ít nhất 28 người thiệt mạng. Ngoài ra, hơn 10 triệu người trên khắp nước Úc phải hít thở bầu không khí độc hại do khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy rừng bao trùm bầu trời.

Thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI cũng mở đầu với báo động cấp bách hơn bao giờ hết về sự hủy diệt trong tương lai không xa của đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và vựa trái cây, thủy hải sản lớn nhất nước. Những dự báo về sự tiếp tục tồn tại của đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rút ngắn lại: 80 năm, 50 năm rồi 30 năm.

Nghiên cứu mới đây nhất của Tổ chức Climate Central dự báo “một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mê Kông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050”. Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện ở thượng nguồn. Bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Ngay lúc này, việc nước biển xâm nhập sâu vào đất liền đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo khẩn cấp, dù dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm cho toàn vùng và cho cả nước.

Một phần là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu (có sự tác động của con người) nhưng phần quan trọng hơn là do một loạt đập thủy điện được xây dựng bởi các quốc gia đầu nguồn sông Mekong đã giữ lại nước, ngăn cản phù sa về hạ lưu khiến đồng bằng bị mặn xâm nhập dữ dội hơn. Các nhà khoa học và môi trường cảnh báo các đập thủy điện đầu nguồn Mekong sẽ xóa sổ hệ sinh thái, nguồn mưu sinh và nền văn hóa, lối sống của hàng chục triệu cư dân sống từ bao đời nay ở lưu vực sông Mekong. Rõ ràng lòng tham của người này đã và đang gây họa cho người khác.

Cái không khí mở đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI khiến người ta liên tưởng đến lời bài hát Happy New Year. Rượu (sâm banh) đã hết. Tiệc đã tàn. Tiệc ở đây là bữa tiệc mà thiên nhiên ban cho con người, rượu sâm banh được nhắc tới như quà tặng ngọt ngào của thiên nhiên dành cho con người. Nhưng bởi con người đối xử tệ bạc với thiên nhiên, những quà tặng ngọt ngào đó của thiên nhiên ngày càng ít đi, thậm chí mất hẳn, không còn. Và rồi, thay vì rượu nồng, thay vì môi trường sống trong lành, hoa thơm trái ngọt, gạo ngon và tôm cá dồi dào, thiên nhiên đã và sẽ gửi đến hạn hán, lụt lội, và dịch bệnh như một sự đáp trả không thể tránh khỏi. 

Quả là một mở đầu ảm đạm cho bình minh của thập kỷ mới, một viễn cảnh đáng lo âu mà người ta chỉ có thể đảo ngược nếu con người tư duy lại tương lai, tư duy lại con đường phát triển của mình, đặt để lại mục đích của phát triển và cân nhắc những cái giá phải trả nếu cứ đi theo con đường cũ, để cho lòng tham dẫn dắt, chỉ biết chăm chăm tăng trưởng GDP bất chấp những hệ quả xấu gây ra cho thiên nhiên.

Đừng ứng xử như trong ca từ của bài Happy New Year:


Con người là một kẻ ngu ngốc
Khi nghĩ rằng mình sẽ không sao
Và lại tiếp tục lê đôi chân đất sét 
Chẳng bao giờ biết là đã chệch hướng rồi
Cứ bước tới bất kể... 


Đoàn Khắc Xuyên
04/03/2020


https://nguoidothi.net.vn/ruou-da-het-tiec-da-tan-22588.html