09 mai 2014

“ CHỦ NGHĨA NGOẠI LỆ” TRONG THỂ CHẾ KINH TẾ VIỆT NAM

                                                                      Chu Hảo

Dân Quyền: đây là nguyên bài của Gs. Chu Hảo, phần chính (chữ đen) đã được đăng trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn (Tòa soạn đã bỏ phần chữ đỏ với sự đồng ý của tác giả).

Trong diễn từ nhận Giải Văn hóa Phan Châu Trinh cuối  tháng 3 vừa qua, ông Thomas Valeley ( người sáng lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại T/P HCM ) đã đưa ra nhận xét khá độc đáo rằng “ ngoại lệ Việt Nam” đã cản trở mọi cố gắng cải cách giáo dục đại học ở nước ta. Đi xa chút nữa, trong bài trả lới phỏng vấn báo Tuổi trẻ cuối tuần ngày 10 tháng 4 ông còn khẳng định : Việt Nam đã cơ bản thất bại trong quá trình công nghiệp hóa vì đã áp dụng “chủ nghĩa ngoại lệ”. Theo ông, “chủ nghĩa ngoại lệ” có thể hiểu một cách đơn giản là sự tự coi mình là trường hợp đặc biệt, tuân theo những nguyên tắc không giống ai. Tôi cho rằng Việt Nam ta có thể là trường hợp điển hình của “chủ nghĩa ngoại lệ” này.


Trên thế giới ngày nay, khi hoạch định chiến lược phát triển, bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại, những thông lệ được thế giới thừa nhận, đặc biệt là những công ước hay hiệp định quốc tế đã cam kết tham gia ở cấp độ Nhà nước. Mặt khác phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước, bắt nguồn từ lịch sử, văn hóa, vị trí địa-chính trị, quan hệ quốc tế và tiềm năng hiện có của mình. Thực tiễn ấy tạo nên một vài đặc điểm của riêng từng nước, do đó không thể có mô hình phát triển nào là duy nhất đúng, là đúng trăm phần trăm cho mọi nước. Nhưng quá lạm dụng tính đặc thù để trở thành “chủ nghĩa ngoại lệ” là điều rất tai hại.
Ấy vậy mà trong Diễn đàn kinh tế mùa xuân tại Quảng Ninh ngày 29 tháng 4 vừa qua nhiều ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý đã phải rung những hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ hiện trạng đậm nét “chủ nghĩa ngoại lệ” này trong thể chế kinh tế hiện hành.
Chẳng hạn, ông Võ Đại Lược khẳng định rằng không có một nền kinh tế thị trường nào trên thế giới này lại quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Rõ ràng đây là đặc sản chỉ có ở Việt Nam và đã được hiến định trong Hiến pháp hiện hành. Hiến pháp hiện hành cũng hiến định luôn cả việc    đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Ấy thế mà chúng ta đang “vái tứ phương” cầu cạnh người ta công nhận mình có nền kinh tế thị trường đầy đủ(?!). Đúng là “bản lĩnh” Việt Nam! Và các nhà thương lượng TPP của chúng ta quả là những nhà ngoại giao xuất chúng : hình như đang ép được các đối tác nuốt trôi “biệt lệ” này.
Nhân dịp Diễn đàn kinh tế mùa xuân người ta cũng nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trước đó nói rằng : làm gì có cái thể chế kinh tế thị trừơng định hướng XHCN mà đi tìm cơ chứ?  Có lẽ ông nói đúng. Thứ nhất là bởi vì kinh tế thị trường và CNXH ( như chúng ta đã từng được giáo huấn ) là hai thực thể đối trọi nhau như nước với lửa, không thể dung hợp với nhau để cùng tồn tại. Thứ hai là bởi vì cụm từ “định hướng XHCN” được ghép vào nhiều khái niệm, chứ không phải chỉ có trong lĩnh vực kinh tế, đối với hầu hết những người có chút hiểu biết là không có nội hàm. Lý do đơn giản là bởi vì bản thân cụm từ CNXH được ghi trong Cương lĩnh của ĐCSVN và trong Hiến pháp 2013 cũng không được định nghĩa rõ ràng. Mô hình CNXH như chúng ta đã từng tâm niệm là mô hình xô viết, được xây dựng trên các nguyên tắc bất di bất dich là : Kiên trì ý thức hệ đấu tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp dưới hình thức cách mạng bạo lực là động lức phát triển xã hội; Thực hiện triệt để chuyên chính vô sản  với sự toàn trị của ĐCS; Công hữu tư liệu sản xuất, xóa bỏ mọi hình thức sở hữu cá thể, kế hoạch hóa tập trung-bao cấp. Ngày nay không ai biết mô hình CNXH mà chúng ta vươn tới được xây dựng trên các nguyên tắc nào? Những đặc trưng của CNXH ghi trong Cương lĩnh của ĐCSVN hầu hết là các mục tiêu muốn đạt được ( như ở bất kỳ xã hôi tiến bộ nào ) dưới hình thức các khẩu hiệu chính trị. Chúng ta phải cám ơn ông Bùi Quang Vinh đã mạnh dạn nói thẳng ra một biểu hiện cốt lõi của “chủ nghĩa ngoại lệ” này trong thể chế kinh tế đang được vận hành.
Ý kiến của ông Trương Đình Tuyển về Xã hội Dân sự là một đột phá hết sức thú vị trên Diễn đàn. Với tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật ông đã đề cập đến một vấn đề được coi là nhậy cảm chính trị mà cho đến thời điểm này vẫn mặc nhiên được coi là điều cấm kỵ. Như giới nghiên cứu luôn khẳng định: Nhà nước pháp quyền, Kinh tế thị trường và Xã hôi dân sự là ba trụ cột của một thể chế chính trị dẫn đến phát triển bền vững. Ông cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, hiện là phái viên của Thủ tướng Chính phủ làm cố vấn cho Đoàn đàm phán hiệp định TPP, cho rằng nếu chấp nhận thể chế kinh tế thị trường mà không chấp nhận xã hội dân sự là điều vô lý. Tôi nghĩ rằng ông cũng coi đây là một “ngoại lệ” cần phải được gỡ bỏ trong quá trình hội nhập.
Vậy là để cải cách thể chế kinh tế trước hết cần phải tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến “chủ nghĩa ngoại lệ” như đã được phần nào phản ánh ở trên. Những nguyên tắc đã được Hiến định thì không thể sửa triệt để ngay một lúc, nhưng nếu không tìm ra được nhưng khâu đột phá để “phá rào” như trước thời kỳ Đổi mới thì sự đổ vỡ kinh tế có thể xấy ra vào khoảng năm 2015-2016 như nhiều chuyên gia đã dự báo.