07 mai 2014

NGẪM SUY VỀ MẤY SỰ KIỆN



Tô Văn Trường

Trên công luận, thông tin nguyên lãnh đạo cao cấp nhà nước sau khi nghỉ hưu về tham gia quản trị và điều hành tại doanh nghiệp, đặc biệt là ở các ngân hàng thương mại, đã khá phổ biến những năm gần đây. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và thử thách nói chung tại các thời điểm là khác nhau.


Nhiều người bạn hỏi tôi về việc ông Trần Xuân Giá nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư “cáo ốm” không ra tòa. Tôi chưa được gặp ông Trần Xuân Giá nhưng có lần nhận được mail riêng của ông bình luận chia sẻ về các bài viết của tôi liên quan đến “vàng hóa” và công tác của ngân hàng.
Đọc kỹ, ngẫm suy tôi hiểu đây là người có trí tuệ, từng trải, được coi như “cha đẻ” của luật doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng trớ trêu lại bị truy tố ở lứa tuổi “gần đất, xa trời”! Tòa chưa xử, chưa thể nói trước được điều gì, mặc dù luật pháp ở Việt Nam và vai trò độc lập của tòa án, vẫn còn là nỗi trăn trở không chỉ của riêng ai. Ông Giá chắc chắn không cáo ốm, vì ông mong được ra tòa sớm để làm rõ mọi chuyện trước công luận.
GS Nguyễn Quang Thái Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam mới cho biết nhận được mail từ ông Trần Xuân Giá sáng ngày 6/5 nguyên văn như sau : ”Tưởng đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ gặp lại các anh nữa từ hôm 27/4/2014 khi đo nhiệt độ đã đến 42 độ, co giật rất mạnh huyết áp chỉ còn 70/50 …nhưng trời phù hộ, tôi đã  qua cơn nguy kịch, tuy còn rất yếu. Sáng nay, bắt đầu tập đứng dạy. Điều quan trọng là bộ não có vẻ ít bị tổn thương , trí nhớ vẫn còn tốt, nhiều người sau cơn sốc truyền nhiễm như tôi sau đó bị mất trí nhớ. Thông tin mừng đến các anh.”
Hy vọng tòa án xử đúng người, đúng tội và cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá cho những người liên quan. Không ai tránh khỏi vấp váp trong cuộc đời vì cuộc sống là bất phương trình chứ không phải phương trình. Xưa nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm cần cố tránh đến mức có thể việc hình sự hóa các thiếu sót về kinh tế, để bắt đối tượng phải tìm cách khắc phục hậu quả gây ra cho nền kinh tế, cho đất nước phải là mục đích chính. Chỉ đưa ra  xét xử khi sự việc đã cấu thành tội phạm  hình sự, việc xử phải theo đúng luật. Riêng trường hợp của ông Trần Xuân Giá, còn phải xem xét những việc ông làm là trước khi có luật có liên quan, có thể quy kết phạm luật trước khi có luật được không?

Tôi chia sẻ, đồng cảm với ý kiến của chuyên gia Huỳnh Thế Du : ”Vụ ngân hàng ACB mà chú Trần Xuân Giá được xem là một trong những người liên quan sẽ được đem ra xét xử. Cho dù phán quyết của tòa án về chú như thế nào cũng không ảnh hưởng đến sự kính trọng của cháu về những gì chú đã làm cho sự phát triển của Việt Nam. Không biết nói gì hơn vào lúc này, cháu chỉ cầu chúc và mong chú chỉ phải chịu những ảnh hưởng ở mức thấp nhất cho những giông bão đang xảy ra!”.

Ngày 26/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2014. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đây là lần đầu tiên một nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đảm nhận vị trí quản trị cao nhất tại một ngân hàng thương mại.
Tôi quen biết và đã vài lần được trò chuyện tâm sự việc nước, việc đời với ông Cao Sỹ Kiêm, nhận thấy ông cũng là típ người có trí tuệ, đáng kính trọng, trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Điều làm tôi băn khoăn là Ông đang là đại biểu Quốc hội rồi lại là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thế mà lại nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng tư.
Theo tôi hiểu thành viên độc lập của Hội đồng quản trị là người không có cổ phần nhưng được mời và đại hội cổ đông bầu. Thành viên độc lập vẫn có thể làm Chủ tịch Hội đồng quản trị khi Đại hội cổ đông bầu.  Trường hợp của ông Trần Xuân Giá là như vậy,  nhưng ông Giá không phải đại biểu Quốc hội.
Trường hợp của ông Kiêm lại khác, thế thì tư vấn cho ai đây? Có lẽ ông Kiêm đang bị rơi vào cái mà ở nhiều nước người ta gọi là "mâu thuẫn lợi ích".  Luật các nước chắc chắn sẽ cấm chuyện này. Nhớ lại những năm thuộc thập niên 80, khi còn là Thống đốc ngân hàng nhà nước, chắc chắn ông Kiêm không thể quên chuyện đau đầu về nguyên nhân gây ra lạm phát phi mã cả mấy trăm phần trăm một năm!  Ngày nay, một người từng trải, kinh nghiệm chính trị như ông Kiêm, nếu mà không thấy được vấn đề mâu thuẫn lợi ích như nói ở trên thì đúng là chuyện lạ!
Thông tin nóng khác là việc Blogger Anh Ba Sàm, tức Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang blog Anh Ba Sam được nhiều người truy cập, và một blogger khác bà Nguyễn Thị Minh Thúy mới bị bắt giữ khẩn cấp tại Hà Nội. Cơ quan An ninh điều tra nói cả hai bị bắt vì đã có hành vi “đăng tải các bài viết trên mạng Internet với nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân' theo quy định của Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam”
Cách đây khoảng 6 năm,  nhân dịp tôi đi công tác ở Hà Nội, GS Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) tổ chức buổi gặp mặt với một số nhân sỹ trí thức ở Hà Nội như đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy, nhà thơ Trần Nhương, Ts Vũ Duy Phú, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, Anh Ba Sàm vv…
Tiếp đến, tôi gặp Anh Ba Sàm tại trụ sở của VUSTA (Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam). Anh Ba Sàm được mời coi như đại diện của “dân báo” chứng kiến hơn chục nhân sĩ trí thức ký tươi vào bản kiến nghị Nhà nước xem xét, dừng lại việc khai thác dự án bô xit Tây Nguyên. Bản kiến nghị đó có 16 chữ ký tươi của Bà Nguyễn Thị Bình, Bà Phạm Chi Lan, các vị Hoàng Tụy, Việt Phương, Nguyễn Trung, Trần Đức Nguyên, Chu Hảo, Đặng Hùng Võ, Phan Hồng Giang, Dương Danh Hy, Tô Văn Trường vv…
Trò chuyện riêng với Anh Ba Sàm, tôi nhận rõ một con người nhỏ bé, nói năng nhỏ nhẹ nhưng đầy bản lãnh và trí tuệ luôn trăn trở, nghĩ suy về vận nước và nỗi đau của dân oan. Cách đây khoảng 2 tháng, Anh Ba Sàm gọi điện thoại cho tôi dặn xem phóng sự truyền hình và nhờ  bình luận về  ý kiến nói về bờ bao, đê bao ở Đồng bằng sông Cửu Long vv...
Công luận ngạc nhiên vụ bắt giữ Anh Ba Sàm và blogger Nguyễn thị Minh Thúy vì danh chính ngôn thuận, Anh Ba Sam đã công khai tuyên bố rút ra khỏi công việc trị sự của trang Anh Ba Sàm  từ năm ngoái,  đặc biệt vụ bắt giữ diễn ra sau khi vừa thả một số người từng bị bắt về tội danh tương tự, như Cù Huy Hà Vũ, Tiến Trung …., giữa lúc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel  sẽ tới thăm VN   trong hai ngày 7/5 và 8/5 .  Hơn nữa, giữa lúc Trung Quốc đang ngang nhiên trắng trợn  bước leo thang mới, bất chấp các bằng chứng lịch sử, bất chấp Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và DOC, cũng như những tuyên bố chung giữa hai nước đưa giàn khoan HD-981 khổng lồ vào sâu đến 80 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thách thức VN  trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đọc lại bài viết của Tổng bí thư Lê Duẩn từ năm 1979 càng thấy rõ khí phách hào hùng, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của cả dân tộc chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc  rất đáng để cho thế hệ ngày nay nhìn lại mình một cách rõ hơn. 

Vụ bắt giữ anh Ba Sàm chắc có nguyên nhân sâu xa hơn? Đã có nhiều ý kiến lên tiếng về điều 258 Bộ luật hình sự là một điều khoản mập mờ, dễ bị lợi dụng để kết tội một cách tùy tiện. Vì vậy, trong vụ này nhà chức trách hãy công bố các bài viết của người bị bắt, phân tích cụ thể chỗ sai trái để chứng minh sự kết tội có căn cứ.