theo Tuổi trẻ
TTO - Bất chấp các chứng cứ xác thực do
Việt Nam công bố về việc Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam, Bộ Ngoại
giao TQ tổ chức họp báo, trắng trợn nói ngược rằng tàu VN đã đâm tàu TQ
171 lần.
"Phía Trung Quốc không có những hành động khiêu khích nào, đó là do phía Việt Nam gây ra" - quan chức Dịch Tiên Lương, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trắng trợn nói với báo giới quốc tế tại một buổi họp báo tổ chức ở Bắc Kinh ngày 8-5.
Trung Quốc: chỉ điều tàu dân sự(?!)
Ông Dịch cáo buộc Việt Nam đã huy động 36 tàu các loại
và chủ động đâm vào tàu Trung Quốc gần giàn khoan HD 981 tổng cộng 171
lần từ ngày 3-7 tháng 5.
Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) dẫn cáo buộc vô căn cứ
của ông Dịch cho rằng ngày 2-5 phía Việt Nam điều động 6 tàu và chủ ý
đâm vào tàu của Trung Quốc nhằm ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của
họ. Ngày 3-5, Việt Nam thậm chí gửi nhiều tàu đến địa điểm trên và
nhiều lần đâm vào tàu Trung Quốc.
Dịch còn khẳng định vô căn cứ rằng các tàu Trung Quốc ở
khu vực gần giàn khoan là tàu của chính quyền Bắc Kinh và tàu dân sự
nhưng phía Việt Nam đã huy động nhiều tàu vũ trang ra khu vực xung đột.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc còn nói quần đảo Hoàng
Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc và khẳng
định không có tranh chấp trong khu vực này. Theo quan chức Dịch, các
công ty Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển này từ 10 năm trước.
Ông Dịch nói thêm từ tháng 5 đến tháng 6 năm ngoái, các
công ty Trung Quốc đã thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực này và hoạt
động lần này là sự tiếp nối của những hoạt động trước đó của Bắc Kinh
trong hơn một thập kỷ qua.
Theo Dịch, Trung Quốc đã liên lạc với Việt Nam tổng
cộng 14 lần thông qua các kênh ngoại giao và gọi điện cho Việt Nam yêu
cầu phải tôn trọng quyền và quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc đồng thời
yêu cầu phía Việt Nam ngừng tất cả các hoạt động gây cản trở và rút tất
cả lực lượng ra khỏi khu vực xung đột.
Tuy nhiên, khi được hỏi có bao nhiêu tàu Trung Quốc có
mặt trong khụ vực xảy ra đụng độ? quan chức Dịch không cho biết số lượng
cụ thể mà chỉ nói rằng rất khó thống kê vì có nhiều tàu Trung Quốc đến
rồi rời hiện trường ngay sau đó. Ông này còn chối bỏ cả việc tàu quân sự
Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực trên.
Trước đó, Việt Nam đã đưa ra các bằng chứng xác thực
khẳng định tàu Trung Quốc đã đâm vào các tàu của Việt Nam ít nhất ba lần
từ ngày 3-5 và dùng vòi rồng tấn cống các tàu thực thi pháp luật của
Việt Nam. Tuy nhiên, quan chức Dịch cũng phủ nhận việc tàu Trung Quốc
dùng vòi rồng xịt vào tàu cảnh sát biển Việt Nam dù báo chí quốc tế
trước đó đã tận mắt nhìn thấy những hình ảnh này trong cuộc họp báo tại
Bộ ngoại giao Việt Nam chiều 7-5.
Không thể chấp nhận, khiêu khích và vô căn cứ
Báo The Nation của Pakistan nhận định những tuyên bố
của quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương trong cuộc họp
báo ngày 8-5 hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Việt Nam đưa ra một
ngày trước đó - rằng các tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981)
của Trung Quốc đã liên tục đâm vào tàu của cảnh sát biển Việt Nam ở khu
vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm rách tàu, hư
hại thiết bị và làm 6 nhân viên ngư kiểm của Việt Nam bị thương.
Tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm rách - Ảnh do Cảnh sát biển Việt Nam chụp lại |
Tờ báo này viết Bộ ngoại giao Việt Nam đã trưng ra được
những đoạn phim và hình ảnh về các cuộc đối đầu ở khu vực, trong khi
ông Dịch lại từ chối cung cấp cho báo chí những chứng cứ minh chứng cho
tuyên bố trên của Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Tờ báo Pakistan bình luận căng thẳng đã leo thang kể từ
khi Bắc Kinh đơn phương đưa ra thông báo giàn khoan HD-981 sẽ khoan
thăm dò và khai thác dầu trong khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đưa hàng chục tàu hộ tống đến
khu vực.
Nhật và Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời lên án bất cứ hành động vũ lực đơn phương nào ở khu vực tranh chấp.
Trong một bài xã luận đăng ngày 9-5, The Asahi Shimbun,
nhật báo lớn thứ hai ở Nhật Bản, khẳng định Trung Quốc không có quyền
thực hiện hoạt động kinh tế trong vùng biển tranh chấp một cách đơn
phương và yêu cầu phía Trung Quốc phải rút giàn khoan ngay lập tức.
The Asahi Shimbun công nhận toàn bộ khu vực nơi mà
Trung Quốc khai thác dầu trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam và gọi hành động của Trung Quốc là “không thể chấp
nhận được”.
Trong khi đó Nhà Trắng cũng nhanh chóng thể hiện sự lo
ngại về cuộc xung đột gần nhất trên Biển Đông. Washington gọi hành vi
của Trung Quốc "mang tính khiêu khích" và là “sự đe dọa tiềm tàng vô
cùng nghiêm trọng” đối với nguyên tắc tự do hàng hải trên toàn bộ khu
vực biển Đông.
“Hoạt động đơn phương của Trung Quốc có vẻ như là một
phần của một kế hoạch rộng nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền tại
các vùng biển tranh chấp, gây nguy hại cho hòa bình và ổn
định trong khu vực”, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát
biểu trong một bản thông cáo.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại về hành vi nguy hiểm
và sự sách nhiễu của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực
này”, bà Psaki nói thêm và đồng thời kêu gọi các bên cùng hoạt
động một cách "an toàn và chuyên nghiệp".
Trong khi đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát
biểu trong một cuộc họp báo ngày 8-5 tổ chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà
Nội rằng Hoa Kỳ mạnh mẽ phê phán các hành động vũ lực đơn phương và kêu
gọi các bên kiềm chế để tránh các hoạt động đơn phương có thể đặt hòa
bình vào trong tình trạng nguy hiểm.
MỸ LOAN - Q.TR