Đào
Tiến Thi
Có hai con dê
rủ nhau đi tìm cỏ non để ăn, nước mát để uống. Dê Trắng đi trước, đến
nửa đường gặp một con sói xông ra quát hỏi:
– Dê Trắng,
mày đi đâu?
Dê Trắng run
rẩy:
– Dạ, tôi đi ăn
cỏ.
– Hãy nói cho
tao biết: Trên đầu mày có gì, dưới chân mày có gì và tim mày ra sao.
– Dạ, thưa
ngài, trên đầu tôi có sừng, dưới chân tôi có móng, còn tim tôi thì
đang run lên vì sợ hãi.
Sói liền vồ
lấy Dê Trắng ăn thịt.
Một lát sau Dê
Đen đi đến. Sói lại xông ra quát:
– Dê Đen, mày
đi đâu?
Dê Đen bình
tĩnh đáp:
– Tao đi tìm
những kẻ hay gây sự đây.
Sói tức giận
và khinh bỉ:
- Mày nói tao
xem: Trên đầu mày có gì, dưới chân mày có gì và tim mày ra sao.
Dê Đen dõng
dạc:
– Hãy nghe đây:
Trên đầu tao có đôi sừng nhọn, dưới chân tao có đôi móng rắn chắc. Và
tim tao đang bảo rằng: Hãy cắm đôi sừng nhọn cứng vào bụng mày.
Sói nghe vậy
vội chuồn đi thẳng.
Tôi không nhớ truyện
ngụ ngôn trên là của nước nào. Nhưng ngụ ngôn nói chung đều là những
bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn. Câu chuyện trên chẳng qua là
hình tượng hoá cái quy luật “Mềm nắn rắn buông” mà ta vẫn thường gặp
trong cuộc sống.
Thuở nhỏ, tôi
đã từng chứng kiến những con gà mái đang nuôi con nhỏ chiến đấu với
quạ hoặc diều hâu để bảo vệ đàn con. Nhìn chung, những mụ gà mái
già khi đã xù lông thì quạ, diều khó mà bắt được gà con nữa. Ngay
cả những con chó hung hăng bắt nạt gà con (hay chỉ vô tình lại gần)
cũng bị những mụ gà mái này xù lông cảnh cáo. Và khi cần, một mụ
gà mái có thể tấn công một con chó lực lưỡng bằng một cú nhảy vừa
mổ vừa đạp vào giữa mặt kẻ thù, khiến con chó chỉ còn nước bỏ
chạy.
Có cái gì đó
như là huyền bí ở đây? Bởi cứ nhìn tương quan thì một con gà mái
không thể đánh nhau với một con chó, nói chi đánh thắng. Thế nhưng con
gà mái, để bảo vệ đàn con, nó dám “quyết tử” và sức mạnh của nó
được nhân lên gấp bội, trong khi con chó thì không dám chấp nhận một
vết xước, cho nên bỏ chạy với nó vẫn là hơn.
Giữa các quốc
gia thì cũng vậy. Một khi nước nhỏ “xù lông” thì nước lớn đâu dám
coi thường, thì cũng phải tính có nên “dây” hay không. Chỉ lấy hai ví
dụ gần đây và gần Việt Nam. Thái Lan lớn gấp cả mười lần nước
Campuchia, ấy thế mà Campuchia đâu có chịu lép khi tranh chấp một ngôi
đền? Và thắng lợi đã thuộc về Campuchia khi họ đưa ra Tòa án Công lý quốc tế
(ICJ): Toà ra phán quyết Phnom
Penh có chủ quyền đối với khu vực đền cổ Preah Vihear mà hai nước tranh chấp lâu nay.
Hàn Quốc là
nhỏ bé so với Nhật Bản và trong quá khứ đã từng bị Nhật Bản chiếm
đóng, thế nhưng chỉ một việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến viếng
đền Yasukuni (nơi tưởng niệm các sỹ quan và binh lính Nhật tử trận
trong thế chiến hai) đã bị người Hàn phản ứng dữ dội. Và mới đây người
Hàn lại dám xây
đài tưởng niệm “kẻ khủng bố” – Ahn Jung Geun – một người Triều Tiên đã
ám sát thống đốc người Nhật tại Triều Tiên Hirobumi Ito (1909).
Hỡi ôi, những
câu chuyện kiểu như truyện ngụ ngôn kể trên, những truyện “Kiến giết
voi”, “Cá sấu và thỏ”, “Hổ và các con vật bé nhỏ” cũng như những
trang sử chống đế quốc Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh vẫn đầy
rẫy trong các sách dạy trẻ con, ấy thế mà mấy năm nay đi đâu cũng
chỉ nghe người ta tuyên truyền tư tưởng đầu hàng, không dám “xù lông”
trước Trung Cộng, kể cả như bây giờ, chúng đã tiến vào vùng đặc
quyền kinh tế của ta, đâm phá tàu của ta. Họ luôn đem tương quan cơ bắp
ra để nguỵ biện. Ôi, giá như trước kia họ cũng làm như thế để nhân
dân khỏi phải “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi lại “Xẻ dọc
Trường Sơn đi cứu nước” trong suốt ba mươi năm trời?
ĐTT