21 août 2014

Độc lập văn hóa, yếu tố quan trọng để bảo vệ Tổ quốc


Nguồn: http://huc.edu.vn/chi-tiet/3106/.html 

 
Mạnh Hùng (thực hiện)
 


Lịch sử Việt Nam đã cho thấy chính sự độc lập về văn hóa đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, cứu đất nước trước bất kỳ cuộc xâm lăng nào.
Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta có niềm tin vào sự chính nghĩa, vào sức mạnh nội tại của dân tộc. Điều đó đã được khẳng định trong lịch sử.


Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng


Cuộc trao đổi với GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (thuộc Trường ĐH KHXHNV – Đại học Quốc gia TPHCM) về lịch sử giao lưu văn hóa với nước láng giềng phía Bắc càng củng cố niềm tin ấy.

Xin Giáo sư phác họa nét đặc trưng trong mối giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt NamTrung Quốc?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Nét chính của mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là sự tương tác về văn hóa, một quan hệ hai chiều giữa hai dân tộc Việt và Hoa. Đã từng có một định kiến, một cách hiểu sai về mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa, định kiến đó cho rằng đây là quan hệ một chiều, từ Bắc xuống Nam, rằng văn hóa Việt Nam chỉ là một bản sao của văn hóa Trung Hoa. Điều đó không đúng, đây là một quá trình giao lưu qua lại giữa hai nền văn hóa Việt và Hoa (sau gọi là Hán) hàng nghìn năm.

Dân tộc Việt là một bộ phận của cộng đồng Bách Việt, vào thời xa xưa vốn cư trú trên một vùng rộng lớn ở phía nam dãy Tần Lĩnh – Hoài Hà, là một bộ phận của Đông Nam Á cổ đại, sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Trong khi tổ tiên người Hán thì vốn là dân du mục rồi chuyển sang trồng kê mạch. Trước thời Tần-Hán, quan hệ giao lưu văn hóa chủ yếu là theo chiều ảnh hưởng từ phía Nam lên phía Bắc. Bởi văn hóa là kết quả của sự tích tụ, ngưng đọng nên quy luật là dân tộc nào làm nông nghiệp, mà nông nghiệp càng ổn định bao nhiêu thì vốn văn hóa càng lớn bấy nhiêu. Các dân tộc trồng lúa nước ở phía Nam chính là những người đã tạo nên được một nền văn hóa phong phú như thế. Bởi vậy mà người Hoa đã tiếp thu được từ văn hóa của cộng đồng Bách Việt rất nhiều, từ những thành tựu văn hóa vật chất như nghề trồng lúa nước và văn hóa lúa gạo, lối ăn bằng đũa, nghề trồng dâu nuôi tằm; ngôi nhà mái cong… cho đến những thành tựu văn hóa tinh thần như lối sống trọng tình, hình tượng con rồng, rồi các nhân vật thần thoại như Thần Nông, Bàn Cổ, Nữ Oa, Ngưu Lang – Chức Nữ…

Sau thời Tần-Hán, văn hóa Trung Hoa đã tích hợp được vào cho mình văn hóa phương Nam và nhiều nền văn hóa xung quanh, nhờ đó mà mạnh lên và ảnh hưởng trở lại từ phương Bắc xuống phương Nam. Nhưng trong việc tiếp nhận ảnh hưởng phương Bắc đó, với bản chất linh hoạt sẵn có, chúng ta đã luôn luôn có sự sáng tạo mãnh liệt, để tạo nên một văn hóa hoàn toàn Việt Nam. Chẳng hạn như cái lớn nhất mà ta từng tiếp nhận là Nho giáo, thì khi vào Việt Nam đã trở thành một thứ Nho giáo Việt Nam -“Việt Nho” như cách nói của Kim Định – Nho giáo của người trồng lúa nước, lấy tình làm trọng (Chữ trung thì để phần cha/ Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình -ca dao), hoàn toàn khác với Nho giáo Trung Hoa đề cao trung hiếu và chính danh; ngay chữ “trung” thì các nhà Nho Việt Nam cũng giải thích thành “trung quân ái quốc”. Hay trong lĩnh vực có vẻ như ảnh hưởng Trung Hoa rất mạnh là ngôn ngữ  với trên 60% từ ngữ gốc Hán, nhưng đa số đã biến nghĩa, có nhiều từ biến nghĩa hoàn toàn (ví dụ: từ “đáo để” trong tiếng Hán có nghĩa là “đến đáy” thì sang tiếng Việt mang nghĩa mới là “đanh đá”; “bạc” trong tiếng Hán có nghĩa là “mỏng” thì sang tiếng Việt trở thành “quên ơn”); nhiều từ ta cứ tưởng là từ gốc Hán nhưng thực ra là những từ người Việt dùng những yếu tố gốc Hán để tạo ra (như: y sĩ, đặc công, công an, đại đội, tàu hỏa…).

Tóm lại, mối quan hệ giữa hai nền văn hóa Việt NamTrung Hoa cần phải hiểu là mối quan hệ giao lưu, quan hệ có đi có lại. Mặc dù Trung Hoa là nền văn hóa lớn, nhưng không phải khi sinh ra đã lớn, mà sở dĩ lớn chính là nhờ đã tiếp nhận văn hóa Việt và những nền văn hóa khác tương tự. Ngay cả khi tiếp nhận văn hóa Trung Hoa thì chúng ta cũng luôn tiếp nhận một cách đầy sáng tạo. Chính nhờ có một nền văn hóa độc đáo với những nét đặc sắc riêng mà Việt Nam mới tồn tại và phát triển độc lập đến hôm nay.

Tư tưởng nước lớn , tư tưởng bành trướng của Trung Quốc thể hiện rất rõ trong lịch sử. Là người nghiên cứu văn hóa, xin ông cho biết suy nghĩ của mình?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Lịch sử hình thành và phát triển của Trung Quốc có thể nói đó là lịch sử của “chủ nghĩa thiên hạ”- sản phẩm của tổ tiên người Hán. Ngay đến một con người rất nhân văn như Khổng Tử, thì đồng thời cũng là một người ôm mộng “bình thiên hạ”. “Chủ nghĩa thiên hạ” của Trung Quốc không phải cái gì khác mà chính là “chủ nghĩa đế quốc”, chủ nghĩa bành trướng. Chính Tôn Trung Sơn trong những bài giảng về “Chủ nghĩa Tam dân” đã nói điều này: “Xét về mặt lịch sử, 400 triệu người Hán chúng ta từ con đường nào tới? Cũng là từ con đường chủ nghĩa đế quốc. Tổ tiên chúng ta trước đây thường dùng lực lượng chính trị để xâm lược các dân tộc nhược tiểu”. Tần Thủy Hoàng đã dùng sức mạnh quân sự để thâu tóm thiên hạ về một mối, rồi dùng sức mạnh quân sự để ép dân chúng mọi nơi từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục vốn có của mình. Đến các triều đại Hán-Tùy-Đường-Tống… đều không ngừng tiếp tục thực hiện giấc mộng bá chủ thiên hạ ấy. Nói chung, các triều đại của Trung Quốc từ xưa đến nay luôn  thống nhất về mục tiêu, chỉ khác nhau ở cách làm.

Cứ nhìn bản đồ của Trung Quốc qua các triều đại thì sẽ thấy, khởi đầu từ một khu vực nhỏ ở vùng Trung Nguyên, nó mở rộng dần về phía Đông. Ôm trọn phía Đông rồi, nó bắt đầu tiến về phía Nam, nơi có đất đai phì nhiêu và tài nguyên giàu có. Khi bị chặn lại trước Việt Nam thì họ mới quay sang lấn dần về phía Tây, đến tận đời Thanh thì về cơ bản mới hoàn tất bản đồ như ngày nay.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tuy việc tiến về phía Nam bị chặn lại trước Việt Nam, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đó. Trong suốt lịch sử, ta luôn thấy vào bất kì thời điểm nào, cứ hễ họ mạnh lên mà ta yếu đi là họ đều tìm cách xâm lược. Từ năm 1070, sau khi nghe Vương An Thạch tâu rằng “Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn” thì nhà Tống đã đem quân sang chiếm nước ta, nhưng đã bị Lý Thường Kiệt đánh tan. Đến nhà Minh, sau khi đuổi được quân Mông Cổ thì lại tìm cách mở rộng đất đai, rồi nhân cơ hội nhà Trần suy tàn, nhà Hồ mới lên không được lòng dân nên đã đưa 20 vạn quân sang xâm lược và bị Lê Lợi đánh bại. Nhà Thanh cũng lợi dụng lúc nước ta đang ở tình trạng vua Lê – chúa Trịnh mà đưa quân vào và bị Quang Trung đánh cho đại bại năm 1789…

Vậy những hành xử của chính quyền Trung Quốc hiện nay với các nước khu vực, trong đó có Việt Nam, có phải là sự phản ánh tư tưởng này không, thưa Giáo sư?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Có chứ! Ngay từ năm 1945, khi quân Đồng minh thắng phát-xít, Tưởng Giới Thạch đã lợi dụng cơ hội đó để đưa 20 vạn quân Quốc Dân Đảng vào nước ta với danh nghĩa là giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là xâm lược nước ta. Mao Trạch Đông từng bộc lộ ý đồ “Nam tiến” khi tiếp Tổng Bí thư Lê Duẩn mà không cần giấu diếm.Năm 1956, lợi dụng tình hình phức tạp giữa hai miền Nam – Bắc của Việt Nam sau Hiệp định Geneva, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, khi quân đội Việt Nam Cộng hòa không còn khả năng quản lý, còn Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì phải tập trung lo việc giải phóng đất nước, Trung Quốc lại đem quân đánh chiếm nốt cụm phía Tây của quần đảo này. Năm 1979, lúc chúng ta mới trải qua chiến tranh, Đặng Tiểu Bình đã phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tưởng có thể đè bẹp Việt Nam trong ít ngày. Năm 1988, khi Việt Nam đang trong thời điểm khó khăn về kinh tế, Trung Quốc lại đem quân chiếm đảo Gạc Ma và một số bãi đá cạn ở quần đảo Trường Sa.

Nay là lúc họ đang mạnh lên rất nhanh chóng, lợi dụng lúc  tình hình quốc tế phức tạp, họ đã tiếp tục thực hiện “chủ nghĩa bình thiên hạ” của cha ông, hòng độc chiếm Biển Đông.

Ở bên cạnh một nước lớn, Việt Nam luôn tôn trọng nhưng chưa bao giờ thể hiện sự yếu hèn. Xin Giáo sư cho biết rõ hơn về vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm:Chính quyền Trung Quốc thường tuyên truyền cho dân chúng của mình rằng Việt Nam hiếu chiến, Việt Nam hung hăng, Việt Nam xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ, vì vậy mà phải dạy cho Việt Nam một bài học.

Dưới góc nhìn văn hóa thì điều này thật nực cười!

Lâu nay chúng ta hay dùng từ “phương Đông” để chỉ cả một khu vực rất lớn từ Nam Á qua Đông Nam Á đến Đông Bắc Á, nên sinh ra rối. Văn hóa các khu vực này có nhiều điểm rất khác nhau. Việt Nam nằm ở trong khu vực Đông Nam Á là vùng sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, thuộc kiểu văn hóa “âm tính”, như người phụ nữ thích sống khép kín, chỉ muốn hòa bình và yên ổn. Thêm vào đó, Việt Nam lại là nước nhỏ thì làm sao mà dám hung hăng? Suốt lịch sử, chúng ta luôn dùng thế mạnh của văn hóa và trí tuệ để tự vệ, để  làm sao tránh xung đột, để có thể sống yên bình.

Nhưng cũng chính vì âm tính, vì là nước nhỏ, nên mỗi khi bị đẩy đến đường cùng thì  ông cha ta rất ý chí và bản lĩnh, luôn đặt độc lập và chủ quyền quốc gia lên trên hết, luôn khẳng định tinh thần Đại Việt – Đại Nam, khẳng định chân lý “bờ cõi nước Nam vua Nam ở”. Trong những ngày giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền Biển Đông, tinh thần đó lại một lần nữa trỗi dậy trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam.

Trung Quốc luôn hành động khác với những gì họ nói. Vậy theo Giáo sư, Việt Nam cần làm gì để đấu tranh có hiệu quả trong vấn đề Biển Đông hiện nay?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Về vấn đề này, chúng ta phải nhìn cụ thể xem vì sao chính quyền Trung Quốc làm như vậy trong thời gian qua? Mục tiêu rõ ràng là bành trướng, muốn nắm được toàn bộ Biển Đông. Ở trong nước, họ tuyên truyền rằng đấy là lãnh hải của họ, Hoàng Sa là của họ để dân họ ủng hộ. Thế giới thì không phải ai cũng hiểu hết về vấn đề này nên Trung Quốc tăng cường tuyên truyền, họ đẩy những chuyện như Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và những chuyện khác lên làm cho mọi chuyện trở nên tù mù.

Trung Quốc rất giỏi trong việc lợi dụng sơ hở để đẩy mạnh tuyên truyền những gì có lợi cho họ, kể cả bịa đặt, để rồi “lộng giả thành chân”; và với những thủ đoạn chính trị tinh xảo, họ cũng thường xuyên nói một đằng làm một nẻo. Họ đã từng vì quyền lợi dân tộc mình mà ép ta trong việc ký Hiệp định Geneva; họ đã từng vì quyền lợi dân tộc của mình mà bắt tay với Nixon năm 1972… Bởi vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác, không để cho họ trói chúng ta vào những mỹ từ như “4 tốt, 16 chữ”. Sức mạnh Việt Nam trong suốt lịch sử dựng và giữ nước luôn là sức mạnh tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Sự phản ứng mạnh mẽ của dân chúng đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vừa rồi là một ví dụ. Sức mạnh đó cần được tôn trọng như nhà Trần từng mở Hội nghị Diên Hồng. Sức mạnh đó cần được nuôi dưỡng và phát huy.

Cùng với đó, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách, giới nghiên cứu khoa học và nhân dân trên thế giới. Có lẽ phải, có chính nghĩa, chắc chắn ta sẽ nhận được sự ủng hộ của họ. Thêm nữa, cần tranh thủ sự ủng hộ của chính các học giả chân chính và nhân dân Trung Quốc một cách tối đa.

Muốn làm được, chúng ta phải thẳng thắn và công khai. Văn hóa “âm tính” bây giờ là đã không còn thích hợp, bởi hiện nay là thời đại toàn cầu hóa, minh bạch hóa, chúng ta không công khai thì sẽ trở nên rất yếu.

Tôi rất đồng tình và ủng hộ những chỉ đạo hợp lòng dân và rất nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua. Vấn đề hiện nay là làm sao để biến cái bất lợi thành cái có lợi để đi lên, đây là một bài toán khó. Nếu chúng ta khéo léo, làm tốt việc quốc tế hóa, tuyên truyền rộng rãi sẽ rất có lợi và Trung Quốc sẽ gặp bất lợi, uy tín giảm sút mạnh, thiệt nhiều hơn được. Về mặt này chúng ta cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa sức mạnh tổng hợp, sự ủng hộ của thế giới một cách hiệu quả. Cần nhìn thẳng vào những sự kiện vừa qua, phân tích đúng sai và cả hạn chế của mình. Phải thừa nhận những điều đó thì thế giới mới ủng hộ chúng ta. Ta phải tự cứu mình thì thế giới mới cứu chúng ta.

Gần đây, truyền thông có nói nhiều đến chuyện “giải Hán, thoát Trung” trong nhiều mặt, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

  1. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Bản chất của vấn đề là làm sao tránh sự lệ thuộc, có vậy mới bảo vệ được sự tự chủ về kinh tế và độc lập về chính trị, cuối cùng là sự toàn vẹn về chủ quyền lãnh thổ.

Thực tế thời gian qua chúng ta để xảy ra một số chuyện liên quan đến kinh tế, như vấn đề lao động Trung Quốc trái phép hay là vấn đề thương lái Trung Quốc làm lũng đoạn nền kinh tế của Việt Nam… Một phần đây là cái bệnh ham rẻ, ham lợi bằng mọi giá của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải nhớ rằng, lúc họ không mạnh thì họ có thể có ý tốt, muốn làm ăn với chúng ta. Nhưng nếu tình thế đảo ngược, họ mạnh và ta yếu thì chắc chắn ý đồ bành trướng, phá hoại của họ sẽ quay trở lại.

Riêng trong văn hóa, từ xưa đến nay, chúng ta luôn có một nền văn hóa độc lập, có tiếp xúc, giao lưu, học hỏi, tiếp nhận nhưng chưa bao giờ có sự lệ thuộc. Mọi thứ học hỏi, du nhập, nhờ tinh thần linh hoạt mà ta đã làm chúng biến đổi, trở thành một phần máu thịt của văn hóa Việt Nam. Chính sự độc lập và khác biệt về văn hóa đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, cứu đất nước ta trước bất kì cuộc xâm lăng nào. Nếu không có một bản lĩnh văn hóa vững vàng thì chúng ta đã hơn một lần mất nước từ lâu. Do vậy tôi cho rằng việc đặt vấn đề “giải Hán, thoát Trung” về văn hóa là thừa.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư./.

Mạnh Hùng (thực hiện)

********

Nguồn: http://huc.edu.vn/chi-tiet/3106/.html