PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Mới ngày nào anh và chị
Bích vào Sài Gòn, em đi với anh chị đến nhà con gái anh Vũ Thư Hiên để anh và
anh Vũ Thư Hiên đang sống ở Paris nói chuyện và nhìn thấy nhau trên màn hình
laptop.
Tác phẩm quan trọng nhất
của anh, Chuyện Kể Năm 2000, dù bị tuyên giáo của đảng nhân danh nhà nước cấm
xuất bản vẫn được những người dân Việt Nam trọng sự thật, yêu tự do dân chủ in
đi in lại hàng chục ngàn bản. Tác phẩm của anh nói sự thật, nói nỗi đau của con
người, của đạo lí, của văn hóa bị chà đạp, đày đọa, nhà nước cộng sản không xuất
bản thì người Dân cần sự thật, cần đạo lí, cần văn hóa, xuất bản. Mới đầu năm
nay anh vào Sài Gòn nhận sách của lần xuất bản mới nhất để tặng bầu bạn và tham
dự buổi họp mặt thân tình mà trang trọng khai sinh ra Văn Đoàn Độc Lập, một tổ
chức văn chương mang khát vọng của nhân dân, khát vọng tư do dân chủ, tiếp nối dòng
văn chương Tự Lực Văn Đoàn mang khát vọng của cái Tôi nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại
trong lịch sử.
Mới cách đây hai mươi
ngày, khi em đến thăm, anh vừa qua lúc cơn đau dội lên. Trên mặt anh còn lấm chấm
những chấm trắng là những mẩu giấy tẩm thuốc do thầy thuốc dán vào huyệt để giảm
cơn đau. Nằm một lúc cho dịu cơn đau rồi anh gượng dậy ngồi nói chuyện với em.
Vì thế em có cả ảnh chụp khi anh nằm âm thầm chống chọi với cơn đau và khi anh đã
vượt qua cơn đau ngồi ngay ngắn trên giường. Cũng lúc đó có người mang đến cho
anh hộp thuốc đặc trị từ nước ngoài gửi về.
Nhìn sắc mặt hồng hào,
vẻ mặt tươi tỉnh, nhìn hộp thuốc quí từ nước có nền y học tiên tiến nhất thế giới
đến với anh và chứng kiến sự chăm sóc dịu dàng chu đáo của chị Bích, cháu Hiến
dành cho anh, em cứ khấp khởi nghĩ rằng em sẽ còn được gặp anh. Ở nhà con trai,
phòng anh nằm thoáng rộng, đầy đủ tiện nghi hơn cả bệnh viện cấp cao. Anh ngồi
ghế lăn, con trai đẩy ghế đưa anh vào toilet, khi trở lại anh không cần sự nâng
đỡ của con trai, tự leo lên giường. Cạnh đầu giường anh là chiếc bàn có máy
tính nối mạng, có bức ảnh phóng to chụp khi anh tặng sách Chuyện Kể Năm 2000
cho đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh chỉ bức ảnh, hóm hỉnh nói: Bùa đấy! Rồi anh
thông báo tập tự sự 500 trang của anh được một nhà xuất bản của người Việt ở nước
ngoài in, khoảng tháng sau là có sách.
Không ngờ em vừa trở lại
Sài Gòn thì nghe tin anh đã ra đi mãi mãi.
Anh Bùi Ngọc Tấn cũng
như anh Vũ Thư Hiên là những trí thức chân chính, lương thiện, những nhà văn,
nhà báo xông xáo viết về cuộc sống lam lũ, vất vả của người dân vừa thoát khỏi
cuộc chiến tranh chín năm khốc liệt lại phải bước vào cuộc chiến tranh bội phần
khốc liệt hơn và không biết kéo dài gấp bao nhiêu lần cuộc chiến tranh chín năm
trước. Đang miệt mài, hăm hở viết thì cả hai anh bị gán cho bản án chính trị vu
vơ: xét lại chống đảng.
Đảng phái chỉ là tổ chức
của một số người theo đuổi một lí tưởng chính trị. Trong đời sống xã hội có vô
vàn lí tưởng chính trị. Có người theo đuổi lí tưởng chính trị này thì cũng có người
theo đuổi lí tưởng chính trị khác là bình thường, đương nhiên, là quyền cơ bản
của công dân, đâu phải tội. Hơn nữa, nhà báo Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Vũ Thư Hiên
đã mang cả năm tháng tuổi trẻ chiến đấu xây dựng, bảo vệ thể chế cộng sản này. Thể
chế này là các anh. Các anh là một phần máu thịt của thể chế này. Các anh đâu
có chống lại chính mình. Nhưng quyền lực độc tài cần ra uy, gieo rắc nỗi khiếp sợ
cho người dân. Để độc tài cứ nghênh ngang tồn tại trên nỗi sợ hãi, run rảy, khiếp
đảm của trăm họ. Cần có những tội phạm vu vơ để giáng những án tù thật khủng
khiếp răn đe muôn dân. Vì vu vơ, không có căn cứ pháp luật, không bằng chứng phạm
tội nên không thể xét xử, không có bản án. Quyền lực độc tài cứ tùy tiện vu tội.
Nhà tù của nhà nước độc tài cứ lạnh lùng giam cầm, đày đọa người dân lương thiện.
Nhà văn Vũ Thư Hiên 9 năm tù đày. Nhà báo Bùi Ngọc Tấn 5 năm ngục tối.
Những bản án giả tạo,
áp đặt, oan khiên của thể chế độc tài giáng xuống số phận người dân mang nỗi bất
hạnh đến cho cuộc đời người dân lương thiên nhằm vùi dập trong âm thầm khuất lấp
những con người tử tế, triệt hạ vô tăm tích những nhân cách trung thực, để chỉ
còn những con người dúm dó, khúm núm, quì gối, bò bốn chân như loài vật, không
còn một chút phẩm chất người trong một xã hội tàn bạo, giả dối, lừa lọc. Nhưng
“Người ta đến lúc hiểm nghèo / Hoặc vằng vặc sáng, hoặc leo lét tàn”. (Trần
Đăng Khoa. Trường ca Mạc Thị Bưởi) Bị đẩy đến tận cùng sự khốn cùng của kiếp
người, phẩm chất tiềm ẩn trong mỗi con người, hèn hạ hay bất khuất, vô tích sự
hay tài năng, sẽ bộc lộ ra đầy đủ nhất, rõ ràng nhất. Tài năng và phẩm giá Người
sẽ bừng sáng lên chói lọi nhất.
Là nhà báo đang hăm hở viết
về đời sống xã hội, viết về những sự việc hàng ngày bỗng trở thành người tù
không tội danh, không bản án, mịt mù vô tận. 5 Năm ngục tối là một hiện thực điển
hình khái quát cả bản chất của một thể chế. Viết về thân phận con người trong
hoàn cảnh điển hình đó để ghi vào lịch sử, khắc vào thời gian rằng trong thể chế
độc tài, bất kì người dân lương thiện nào cũng có thể trở thành người tù mịt mù
vô tận, nhà báo Bùi Ngọc Tấn đã trở thành người hùng bất khuất, lẫm liệt của lịch
sử, trở thành nhà văn của nhân dân, của một nền văn học nhân bản, đích thực. Chuyện
Kể Năm 2000 ghi lại 5 năm ngục tối của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Đêm Giữa Ban Ngày
ghi lại 9 năm tù đày của nhà văn Vũ Thư Hiên là những bản luận tội chân thực, xác
đáng, đanh thép đối với thể chế độc tài chà đạp lên phẩm giá con người, coi con
người chỉ là công cụ.
Những con người trung
thực, khảng khái đều là nỗi đe dọa đối với thể chế độ tài tàn bạo, giả dối. Tưởng
rằng những bản án giả tạo, áp đặt, oan khiên giáng xuống những người trung thực,
khảng khái sẽ loại bỏ được sự đe dọa đó. Nhưng chính những bản án giả tạo, áp đặt
lại là bằng chứng tội phạm của thể chế độc tài để dẫn đến bản án Chuyện Kể Năm
2000, Đêm Giữa Ban Ngày dành cho thể chế độc tài.
Thế giới đã thay đổi,
Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Đất nước đã thanh bình trở về cuộc sống đời thường
của xã hội dân sự. Từ chỗ tự cô lập, tự khép kín trong thế giới cộng sản sắt
máu, đến nay Việt Nam đã hội nhập với thế giới văn minh. Từ chỗ không có luật
pháp, đến nay Việt Nam đã có cả một rừng luật. Nhưng bản chất thể chế không
thay đổi nên trong rừng luật lại có những điều luật mơ hồ, mênh mông để có thể
buộc tội bất kì người dân lương thiện nào dám nói sự thật, dám bộc lộ chính kiến
trái với quyền lực như điều 79, 88, 258 luật tố tụng hình sự. Và những nhà văn,
nhà báo trung thực khảng khái lại đang nối nhau vào tù để rồi sẽ lại có những
Đêm Giữa Ban Ngày, Chuyện Kể Năm X, Năm Y .
. .
Anh Tấn ơi! Tưởng như
Chuyện Kể Năm 2000 của anh chỉ có trong quá khứ đau buồn của dân tộc Việt Nam
nhưng vẫn đang có những nhà văn, nhà báo trung thực, dũng cảm đang phải viết tiếp
Chuyện Kể Năm 2000 của anh.